TÌM CÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP THỜI SUY THOÁI

HỮU PHÚC – DIỄM LỆ - VĨNH LỘC 30/07/2023 09:52

Nền kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm rơi vào khó khăn, sụt giảm do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn nội tại. Trước thực trạng này, Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh ra đời nhằm tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo cách "đặc biệt".

 
 

Chi phí đầu vào tăng cao, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được do sức mua của thị trường giảm. Cùng với đó là ách tắc giải phóng mặt bằng và các thủ tục hành chính đầu tư rườm rà… khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lao đao trong vòng xoáy suy thoái kinh tế.

Hoạt động cầm chừng

Sản xuất công nghiệp đã tạo nên vị thế, sức mạnh kinh tế cho Quảng Nam, nhưng theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Sở KH-ĐT, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm sâu hơn 32%; còn chỉ số tiêu thụ giảm 27% so với cùng kỳ. Nhiều DN hoạt động sản xuất công nghiệp đang trong trạng thái... liêu xiêu.

Sản phẩm gạch không nung tại Đại Lộc. Ảnh: BL
DN sản xuất sản phẩm gạch không nung tại Đại Lộc. Ảnh: BL

Tại Đại Lộc, các nhà máy sản xuất gạch không nung của HTX Gạch không nung Hiệp Hưng, nhà máy sản xuất gạch không nung Đại Quang của Công ty TNHH MTV Thương mại Tâm Phúc Nguyên… bị gián đoạn chuỗi cung ứng nguồn nguyên vật liệu đầu vào.

Nhiều DN làm ra sản phẩm nhưng không tiêu thụ được, tồn đọng tại kho bãi buộc phải cắt giảm lao động như nhà máy sản xuất bao bì carton của Công ty CP Prime (Đại Quang, Đại Lộc); nhà máy gạch men ốp, lát của Công ty CP Prime Đại Lộc; nhà máy chế biến song mây, ván ép và bao bì gỗ pallet của Công ty CP Đầu tư Phục Thiện; Công ty TNHH Sản xuất Thành Sơn. Có không ít DN sản xuất, kinh doanh thua lỗ không đáp ứng được các đơn đặt hàng của đối tác.

Còn các DN dệt may, da giày xảy ra tình trạng thiếu hụt các đơn hàng xuất khẩu, trong khi giá gia công giữ nguyên, các chi phí sản xuất không giảm đã gây áp lực cho DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều DN buộc phải cắt giảm lao động. Đơn cử, Công ty TNHH MTV Sedo Vinako (trụ sở tại Cụm công nghiệp Đông Yên, xã Duy Trinh, Duy Xuyên) từ hơn 6.300 lao động, nay còn 4.915 lao động; Công ty TNHH may Sơn Hà (Cụm công nghiệp Tây An, Duy Xuyên) từ hơn 1.500 lao động giảm còn gần 1.100 lao động. Nhà máy sản xuất sợi chỉ Rio Quảng Nam tại Khu công nghiệp Tam Thăng; các công ty may mặc Hòa Thọ, Huy Hoàng 2 đều giảm trên 30% lao động so với trước dịch COVID-19.

Nguy cơ đóng cửa

KCN Tam Thăng mở rộng chưa thể thực hiện vì nhiều vướng mắc cần được hỗ trợ giải quyết. Ảnh: D.L
KCN Tam Thăng mở rộng chưa thể thực hiện vì nhiều vướng mắc cần được hỗ trợ giải quyết. Ảnh: D.L

Ông Lê Ngọc Thủy - Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai (CIZIDCO) thông tin, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong Khi công nghiệp (KCN) Tam Thăng và KCN Bắc Chu Lai đều đang bị ảnh hưởng, một số dự án ngành dệt may bị sụt giảm đơn hàng dẫn đến giảm nhu cầu sử dụng lao động.

Hiện tại ở KCN Tam Thăng đã có 23 dự án đầu tư (trong đó có 19 dự án FDI, 18 dự án thuê lại đất) với tổng vốn đăng ký gần 338,6 tỷ đồng và khoảng 746 triệu USD (trong đó có 200 triệu USD của dự án sản xuất vải mành do Công ty Hyosung đầu tư trên phần diện tích thuộc KCN Tam Thăng mở rộng). Tổng vốn thực hiện đến nay là hơn 282 tỷ đồng và 488,6 triệu USD. Tổng số lao động tại KCN Tam Thăng tính đến thời điểm hiện tại khoảng 12.000 lao động (giảm khoảng 1.000 lao động so với cuối năm 2022).

 

Tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), nhiều DN đang hụt đơn hàng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Ông Nguyễn Phụ - Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc cho biết, bên cạnh một số ít đơn vị đang cố gắng cầm cự thì nhiều DN đã cắt giảm công nhân, thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí tính đến phương án đóng cửa tạm thời. Có thể kể đến như Công ty CP Gỗ Cẩm Hà, Công ty CP Đồng Tâm miền Trung, Công ty Sao Việt Nhật…

Tại Công ty CP Đồng Tâm miền Trung, nay chỉ duy trì khoảng 50% công nhân làm việc do thị trường bất động sản, xây dựng đóng băng. Tương tự, nhà máy Bia Heineken Việt Nam, qua 6 tháng đầu năm hoạt động kinh doanh giảm khoảng 30% do sản phẩm tiêu thụ chậm. Nặng nề nhất phải kể đến Công ty CP Gỗ Cẩm Hà, dù hiện tại vẫn duy trì khoảng 200/700 công nhân làm việc nhưng khả năng sẽ ngừng sản xuất hoàn toàn cuối năm nay do chưa có đơn hàng mới.

 

Ông Dương Phú Minh Hoàng - Giám đốc Công ty CP gỗ Cẩm Hà chia sẻ, tình hình sản xuất kinh doanh ngày càng ảm đạm và có thể kéo dài đến hết năm 2023 hoặc nửa năm sau, lúc đó mới hy vọng hoạt động sản xuất kinh doanh dần khởi sắc.

 


Hỗ trợ kịp thời

Ông Lê Ngọc Thủy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai (CIZIDCO) cho biết, đơn vị liên tục kiến nghị, báo cáo UBND tỉnh, tích cực đăng ký làm việc với các bộ ngành trung ương liên quan để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN thứ cấp đang đầu tư dự án trong các KCN do đơn vị quản lý.

Ông Thủy nói: "Những cái khó lớn tập trung ở các KCN hiện nay rơi vào quy định hình thức thực hiện thủ tục về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với loại hình KCN; xác định giá cho thuê đất đang khiến chủ đầu tư các KCN gặp khó trong kêu gọi, thu hút đầu tư".

 

Ban Quản lý các khu kinh tế và KCN tỉnh đang thực hiện việc tổng hợp khó khăn của DN, từ đó báo cáo Tổ công tác đặc biệt của tỉnh để kiến nghị đến các bộ ngành trung ương và Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết của tỉnh.

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương khác theo thẩm quyền và lĩnh vực quản lý sẽ thực hiện rà soát, báo cáo tỉnh những vướng mắc cụ thể ở từng dự án, từng DN được nêu tên, không nêu chung chung. Từ đó, UBND tỉnh và Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh có cơ sở phân loại, hỗ trợ giải quyết đúng địa chỉ.

Cần giải pháp đồng bộ

Người lao động đồng hành với doanh nghiệp bằng những cách mà bản thân có thể thực hiện được. Ảnh: D.L
Người lao động đồng hành với doanh nghiệp bằng những cách mà bản thân có thể thực hiện được. Ảnh: D.L

Theo ông Nguyễn Phụ - Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, mặc dù là chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp nhưng do đơn vị hoạt động kinh doanh thuê lại của Nhà nước nên cũng rất khó khăn, không thể hỗ trợ gì cho DN, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc động viên, khuyến khích nên cần vai trò rõ ràng từ phía Nhà nước, nhất là trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn về dòng vốn…

“Nếu nhà nước có chính sách giảm thuế, tiền thuê cho ban quản lý thì chúng tôi mới có thể hỗ trợ hoặc giảm tiền thuê mặt bằng ngược lại cho DN, nếu không chúng tôi cũng đành chịu” - ông Phụ kiến nghị.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận, việc hỗ trợ DN gặp khó khăn như lãi suất ngân hàng, đơn hàng, thị trường, chồng chéo văn bản… bản thân một sở, ngành không thể làm được mà cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan.

“Thật sự, trong bối cảnh hiện nay, hầu hết khối DN sản xuất đều gặp khó khăn do đơn hàng giảm, do đó cái gì trong thẩm quyền thì sở nhanh chóng xử lý, hỗ trợ DN tối đa, cái nào ngoài thẩm quyền thì tổng hợp báo cáo các cấp ngành liên quan hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ định các cấp ngành vào cuộc” - ông Dự nói.

Theo ông Đặng Bá Dự, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, yếu tố then chốt chính là các giải pháp đồng bộ. Cụ thể, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết nhanh các dự án không triển khai, chậm tiến độ, sử dụng đất không hết diện tích, dừng hoạt động kéo dài ảnh hưởng môi trường đầu tư và hiệu quả sử dụng đất để giao cho các dự án có nhu cầu sử dụng đất thật sự.

Sớm thống nhất các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là quy định về phòng cháy chữa cháy, áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp để tạo điều kiện cho DN rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả dự án. Đặc biệt, giảm thuế, miễn thuế thay vì hoãn nộp thuế. Điều đó đồng nghĩa với việc kiến nghị Chính phủ nên giảm thu. Giảm thu để kiên quyết giảm chi, tăng hiệu quả của việc chi ngân sách.

 
Khó “giải cứu” nhà máy Sô đa Chu Lai

Vừa qua, tại cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về hỗ trợ khó khăn cho DN, nhà đầu tư dưới sự điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh – Tổ trưởng Tổ công tác, theo báo cáo tại cuộc họp, Công ty CP Sản xuất Sô đa Chu Lai đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do không nộp tiền nợ thuế theo cam kết, hiện công ty gánh chịu thêm phần lãi suất nợ quá hạn. Và công ty đang lập thủ tục xin cơ cấu lại khoản nợ đến hạn.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thuế Quảng Nam cho rằng, công ty này nợ 60 tỷ đồng mà nộp nợ nhỏ giọt mỗi tháng thì khó khả thi. Theo Cục Thuế tỉnh, Công ty CP Sản xuất Sô đa Chu Lai xin nộp dần tiền thuế mỗi tháng 1,1 tỷ đồng, tương đương thời gian nộp dần trên 60 tháng, căn cứ theo Luật Quản lý thuế là không đúng quy định nên đơn vị không có cơ sở giải quyết.

 
Việc mở rộng Khu công nghiệp Tam Thăng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời. Ảnh: D.L
Việc mở rộng Khu công nghiệp Tam Thăng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời. Ảnh: D.L

Trong nhiều vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải hiện nay thì chủ yếu là mặt bằng và những quy định chưa phù hợp, cần xem xét để tháo gỡ kịp thời.

Vướng mặt bằng

Công ty CIZIDCO và Công ty Hyosung Quảng Nam thuộc nhóm doanh nghiệp (DN) triển khai dự án tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng, nhưng hiện gặp phải khó khăn về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư nên dự án của Hyosung chưa thể triển khai.

 

Tập đoàn Hyosung đã đầu tư tại KCN Tam Thăng 2 dự án và đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 245 triệu USD (sản xuất vải mành). Hiện nay, tập đoàn tiếp tục đăng ký cụm nhà máy công nghiệp với diện tích 80ha tại KCN Tam Thăng mở rộng với tổng vốn 1,3 tỷ USD, CIZIDCO đang tập trung giải phóng mặt bằng nhằm sớm bàn giao đợt đầu cho Hyosung (phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt 20/41ha để giao đất đợt đầu).

Tuy nhiên, dự án KCN Tam Thăng mở rộng đang gặp vướng mắc dẫn đến không thể bàn giao đất kịp thời cho Tập đoàn Hyosung. Cụ thể, KCN Tam Thăng mở rộng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án (tháng 1/2022) và được Bộ TN-MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường (tháng 11/2022).

Đến nay, cơ bản đã hoàn thành hồ sơ và được Bộ Xây dựng thẩm định 2 lần, tuy nhiên trong quá trình thực hiện Bộ Xây dựng yêu cầu phải lập thủ tục lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho KCN Tam Thăng mở rộng dẫn đến không thể bàn giao đất kịp thời cho Tập đoàn Hyosung triển khai dự án.

 

Ông Thủy cho biết, việc phát sinh thủ tục lập quy hoạch chi tiết 1/500 trình phê duyệt đối với KCN Tam Thăng mở rộng cần khoảng thời gian tối thiểu 4 tháng, vì vậy việc bàn giao đất cho Hyosung Quảng Nam sẽ chậm tiến độ so với ban đầu. Công ty đề nghị UBND tỉnh quan tâm ủng hộ thúc đẩy việc thẩm định và phê duyệt, và mong UBND TP.Tam Kỳ, UBND huyện Thăng Bình quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án.

Cần xác định giá thuê đất phù hợp

Đối với việc cho thuê đất trong KCN, theo quy định, việc giao đất và cho thuê đất thực hiện theo tiến độ, phạm vi đầu tư nêu cụ thể tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thực tế, việc này thường dẫn đến sẽ trễ tiến độ bàn giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp vì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư thường chiếm nhiều thời gian và phức tạp.

Ví dụ trường hợp chỉ một vài thửa đất nhỏ tranh chấp dẫn đến kéo dài thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng, thậm chí dẫn đến phải cưỡng chế mất từ 1 - 2 năm thì việc đưa đất vào sử dụng cho phạm vi này cũng kéo dài theo khi chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, trong quá trình xúc tiến đầu tư chưa thể xác định được nhu cầu sử dụng đất và nhu cầu tiến độ của nhà đầu tư. Vì vậy, cách làm như trước đây là việc lập thủ tục xin giao và thuê đất thực hiện ngay khi có mặt bằng sạch (giải phóng mặt bằng tới đâu thì trình xin giao và thuê đến đó) sẽ tiết kiệm thời gian, sớm đưa đất vào sử dụng và bàn giao kịp thời từng phần cho nhà đầu tư thứ cấp để đầu tư dự án.

Vì vậy, việc xác định giá đất công nghiệp cho thuê (từ Nhà nước đối với nhà đầu tư thứ cấp là chủ đầu tư KCN) cần cân nhắc, mang tính chất hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư.
Hiện nay, việc áp dụng quy định xác định giá đất công nghiệp Nhà nước cho thuê bằng 50% so với đất ở gần khu vực đó cho mỗi lần xác định giá đất để cho thuê làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư KCN. Nhiều chủ đầu tư cho rằng quy định này chưa hợp lý, nên việc xác định giá đất công nghiệp phải tính toán lại, tạo điều kiện thu hút đầu tư.

Trong khi đó, nhiều DN kinh doanh bất động sản mong muốn Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan sớm phê duyệt giá đất phù hợp để DN có phương án thi công, đầu tư, thu hồi vốn. Ngày 28/4/2023, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo giao đất, cho thuê đất một lần đối với toàn bộ dự án, hoặc giao đất, cho thuê đất nhiều lần theo phân kỳ đầu tư của dự án.

Đáng nói, tất cả dự án đầu tư xây dựng nhà ở đều không phân kỳ đầu tư, do đó hiện các dự án bất động sản phải chờ hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích mới được giao đất, cho thuê đất. Thực tế có nhiều dự án phải giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật bố trí tái định cư tại chỗ trước, người dân mới đồng ý bàn giao đất để thực hiện dự án.

Theo các DN, quy định này không phù hợp với thực tế. DN vừa bỏ ra chi phí để thực hiện giải tỏa mặt bằng, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cùng lúc nhưng chưa được trừ chi phí giải tỏa mặt bằng thực sự là gánh nặng lớn với các chủ đầu tư.

dự án Khu đô thị Cồn Tiến của Công ty CP Đạt Phương Hội An đang triển khai chậm do tắc trách giải tỏa mặt bằng
Dự án Khu đô thị Cồn Tiến của Công ty CP Đạt Phương Hội An gặp vướng mắc về mặt bằng. Ảnh: H.P

Tại TP.Hội An, dự án Khu đô thị Cồn Tiến của Công ty CP Đạt Phương Hội An đang triển khai chậm do tắc trách giải tỏa mặt bằng. Theo công ty, do cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt giá đất làm căn cứ để DN thực hiện nghĩa vụ tài chính, trước khi làm các thủ tục hồ sơ tiếp theo để đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Công ty CP Đạt Phương Hội An cho biết, đến nay, chủ đầu tư đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án.

“Do chưa xác định xong mức thu tiền sử dụng đất cho dự án nên chủ đầu tư chưa thể tổ chức bán hàng, huy động, thu hồi vốn đã đầu tư. Hiện tại dự án đã dừng lại, không triển khai vì lý do trên” – ông Hùng nói.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam, chính sách tín dụng bị siết chặt là một trong những rào cản lớn nhất của các DN kinh doanh bất động sản, cùng với vướng mắc chậm giải phóng mặt bằng.
Có những dự án bất động sản đã hoàn thành 100% hạ tầng kỹ thuật, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đủ điều kiện bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao được cho cơ quan có thẩm quyền. Điều này dẫn đến việc các chủ đầu tư phải tiếp tục gồng gánh các chi phí liên quan đến dự án như cây xanh, điện chiếu sáng, bảo trì, duy tu công trình…

Thêm vào đó, thời suy thoái kinh tế, DN gặp khó khăn song tỉnh chưa áp dụng các hình thức gia hạn thời gian nộp thuế, giãn nợ thuế, miễn tiền chậm nộp thuế.

Các DN bất động sản cho rằng, quy định giữ lại, chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) với tỷ lệ 20% diện tích đất ở trên phần diện tích đủ điều kiện cấp bìa đỏ là quá lớn. Trong ảnh: Hoàn thiện hạng mục xây dựng nhà ở của Dự án Khu đô thị dịch vụ Đồng Nà. Ảnh: H.P
Các DN bất động sản cho rằng, quy định giữ lại, chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) với tỷ lệ 20% diện tích đất ở trên phần diện tích đủ điều kiện cấp bìa đỏ là quá lớn. Trong ảnh: Hoàn thiện hạng mục xây dựng nhà ở của Dự án Khu đô thị dịch vụ Đồng Nà. Ảnh: H.P

Rà soát các khó khăn, vướng mắc của DN hoạt động lĩnh vực bất động sản, Sở KH-ĐT dẫn ra quy định giữ lại, chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) với tỷ lệ 20% diện tích đất ở trên phần diện tích đủ điều kiện cấp bìa đỏ là quá lớn. Dự án Khu đô thị dịch vụ Đồng Nà do Công ty CP Đạt Phương làm chủ đầu tư hiện nay chưa được cấp bìa đỏ trong phần diện tích 20% giữ lại.

Theo Công ty CP Đạt Phương Hội An, thời điểm này, chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các thủ tục hồ sơ, nghĩa vụ theo quy định của UBND tỉnh đảm bảo các điều kiện cấp bìa đỏ.

Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Công ty CP Đạt Phương Hội An kiến nghị: “Công ty đề nghị tỉnh, Sở TN-MT chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thực hiện ngay việc cấp bìa đỏ cho diện tích 20% đất ở đang giữ lại ở dự án Khu đô thị dịch vụ Đồng Nà. Chủ đầu tư cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh có liên quan trình tự thủ tục xác định giá đất của dự án khi có yêu cầu từ cơ quan thanh tra, kiểm toán, UBND tỉnh”.

 

Quảng Nam là một trong những địa phương thành lập sớm Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư theo chủ trương của Chính phủ. Mở “chiến dịch đặc biệt”, chính quyền tỉnh mong muốn sẽ đồng hành để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn sa sút kinh tế này.

“Sớm nhất, hiệu quả nhất”

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì buổi làm việc với các ngành, đơn vị liên quan vào ngày 13/7. Ảnh: H.P
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì buổi làm việc với các ngành, đơn vị liên quan vào ngày 13/7. Ảnh: H.P

DN trên địa bàn tỉnh nói riêng, DN cả nước nói chung đang gặp khó khăn về tài chính, sức mua của thị trường giảm… Chỉ số sản xuất ở hầu hết ngành công nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại đều tụt giảm. Dễ thấy nhất ở ngành công nghiệp, chi phí đầu vào nguyên vật liệu tăng cao đang gây áp lực lên sản xuất do giá nhiên liệu thế giới bị đẩy lên cao, chi phí vận chuyển tăng mạnh, làm đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào.

Trong khi đó, DN ngành may mặc tồn hàng không xuất bán được, buộc phải cắt giảm lao động. Sau đại dịch COVID-19, kinh tế - xã hội của tỉnh có sự chuyển động, phục hồi nhưng vẫn còn chậm. Do đó, việc hỗ trợ DN đang gặp khó khăn là nhiệm vụ cấp thiết của chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành liên quan.

 

Tổ công tác tập trung giải quyết các vấn đề có tính chất phức tạp, tranh chấp, khiếu nại kéo dài, hoặc do vướng mắc, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật, các nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; không giải quyết các vấn đề có tính thường xuyên thuộc trách nhiệm tham mưu, giải quyết của sở, ban, ngành.

Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh sẽ tập trung giải quyết vướng mắc cụ thể của các doanh nghiệp. Ảnh: H.P
Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh sẽ tập trung giải quyết vướng mắc cụ thể của các doanh nghiệp. Ảnh: H.P

Lý giải vì sao Tổ công tác phải xử lý các vướng mắc, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, do nhận thức pháp luật của nhiều ngành, cơ quan, đơn vị không đầy đủ, đồng bộ, dẫn đến sự việc kéo dài, nên Tổ công tác sẽ thảo luận vấn đề đó. Khi đã thống nhất đây là những vướng mắc về quy định của pháp luật không phù hợp với quy định, thực tiễn của địa phương, thì sẽ bàn cách giải quyết như thế nào, có thể xin ý kiến, đăng ký làm việc với bộ, ngành trung ương, báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương giải quyết, không để vướng mắc, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật gây khó khăn cho DN.

“Những vấn đề đã có kết luận rõ ràng của UBND tỉnh thì Tổ công tác không cần giải quyết lại làm gì nữa; nhưng có những vấn đề đã có kết luận rồi mà trong quá trình thực hiện vẫn bị những vướng mắc này kia khác, có thể là những quy định pháp luật mới ban hành, điều chỉnh hoặc thực tiễn không phải như vậy thì cũng phải giải quyết. Cách thức hoạt động của Tổ công tác là thông qua các cuộc họp, lấy ý kiến các thành viên trong tổ, người đứng đầu của cơ quan, đơn vị” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Ưu tiên giải quyết theo nhóm ngành nghề

Tổ công tác đặc biệt ưu tiên tập trung vào gỡ khó trước cho nhóm DN thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Ảnh: H.P
Tổ công tác đặc biệt ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn trước cho nhóm DN thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Ảnh: H.P

Quảng Nam đã ban hành quy chế làm việc của Tổ công tác. Theo đó, tổ trưởng chủ trì nhóm zalo của Tổ công tác; ủy quyền cho một tổ phó chỉ đạo, điều hành hoạt động của Tổ công tác, giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Tổ công tác khi cần thiết.

Tổ giúp việc thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Tổ công tác; là đầu mối tiếp nhận kiến nghị từ các sở, ban ngành, địa phương, các hiệp hội DN, HTX, nhà đầu tư về các khó khăn, vướng mắc; thực hiện phân loại, phân nhóm để tham mưu Tổ công tác giải quyết định kỳ hay đột xuất, hoặc đi thực tế để nắm tình hình. Thống nhất Tổ công tác định kỳ 2 tuần họp một lần, trường hợp cần thiết có thể họp đột xuất.

Việc giải quyết vướng mắc, khó khăn cho DN sẽ ưu tiên theo thứ tự: nhóm DN đang hoạt động gặp khó khăn cần hỗ trợ kịp thời; nhóm DN đang trong quá trình triển khai dự án và nhóm DN đang làm thủ tục đầu tư. Trong 3 nhóm này chia thành các lĩnh vực công nghiệp; du lịch, thương mại - dịch vụ; nông nghiệp; nhà ở, bất động sản, xây dựng kế cấu hạ tầng…

Từng lĩnh vực, DN vướng lĩnh vực nào sẽ giao cho các sở, ngành liên quan giải quyết; trường hợp không thể giải quyết được, Tổ công tác sẽ xem xét quyết định. Trong các DN hoạt động ở các lĩnh vực chuyên ngành trên, tập trung vào gỡ khó trước cho nhóm DN thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để đánh giá “sức khỏe” của DN, qua đó báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ, Tổ công tác yêu cầu từng ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát đánh giá toàn diện các DN.

Theo đó, Sở Xây dựng sẽ đánh giá các DN thuộc lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản và vật liệu xây dựng. Sở Công Thương đánh giá khó khăn của các DN sản xuất công nghiệp theo từng nhóm ngành nghề chủ yếu: cơ khí, chế biến - chế tạo, bia - nước giải khát, giày da - may mặc… (bao gồm DN trong các khu công nghiệp, DN sản xuất các sản phẩm OCOP và DN đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp).

Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp đánh giá về tình hình khó khăn của các DN đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

Sở VH-TT&DL đánh giá khó khăn của các DN hoạt động lĩnh vực du lịch theo nhóm ngành: kinh doanh dịch vụ lưu trú, DN lữ hành, đơn vị tổ chức sự kiện. Sở NN&PTNT đánh giá khó khăn của các DN, HTX trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản…

“Sở KH-ĐT làm đầu mối rà soát, phân loại cụ thể các khó khăn, vướng mắc, phân tích tình trạng “sức khỏe” của từng DN ở các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau thông qua các số liệu của ngành thuế, ngân hàng, LĐ-TB&XH...” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý.

 

HỮU PHÚC – DIỄM LỆ - VĨNH LỘC