[eMagazine] - Chuyển động cùng chuyển đổi số
(QNO) - Chuyển đổi số đang là phương thức phát triển mới tác động sâu rộng, bao trùm tất cả ngành, lĩnh vực, đời sống, với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Nhiệm vụ này chỉ thực sự thành công khi người dân được thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Để xây dựng các trụ cột đó, cần sự vào cuộc quyết tâm của hệ thống chính trị các cấp, triển khai xuyên suốt, đồng bộ với phương châm: Chuyển đổi số không phải là thêm việc mới mà là thêm những cách làm mới.
Định hướng đối với từng phần việc gắn với nguồn lực đầu tư đảm bảo cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình đề ra. Và động lực cho cải cách hành chính đã có, bắt đầu từ hạ tầng được đầu tư…
Công dân hài lòng
Không gian làm việc thoáng mát, lịch sự, chuyên nghiệp của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thăng Bình tại địa chỉ 37 Nguyễn Thuật, thị trấn Hà Lam, tạo sự thân thiện, thoải mái cho công dân đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Không mất quá nhiều thời gian sau khi bấm số đăng ký, ông Nguyễn Hữu Thọ (70 tuổi, xã Bình Quý) đã được gọi tên để nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ đối với diện tích đất đang ở.
Ông Thọ cho biết đã được cán bộ phụ trách đất đai hướng dẫn tận tình, chu đáo và được nhận giấy hẹn trả kết quả. Một công dân đến từ xã Bình Lãnh cũng chia sẻ rất hài lòng khi đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện. Người này cho biết, giấy khai sinh của mình ghi tên “Hoàng Thị Diễm” nhưng các giấy tờ khác, kể cả căn cước công dân đều ghi “Hoàng Thị Diểm” nên có nguyện vọng điều chỉnh cho thống nhất, bởi lo ngại sẽ gặp rắc rối về thủ tục khi đăng ký làm giấy khai sinh cho con sau này.
Ông Lưu Đức Phương - Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Thăng Bình cho hay, được đầu tư mới và đưa vào hoạt động từ tháng 5/2022, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thăng Bình đã tạo được chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức, công dân; giảm phiền hà, giảm chi phí và thời gian giải quyết hồ sơ TTHC. Đặc biệt, đã không còn tình trạng người dân xếp hàng chờ đợi cả ngoài giờ hành chính để được tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực đất đai.
“Việc công khai, minh bạch thông tin và giải quyết TTHC với nhiều biện pháp như niêm yết bằng mã QR, công khai trên Cổng thông tin điện tử huyện,… góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tìm hiểu, tra cứu thông tin TTHC.
Từ đó việc giải quyết được thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng hơn và góp phần rút ngắn thời gian, tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn, trước hạn. Năm 2022, Thăng Bình vươn lên vị trí thứ 2/18 địa phương về chỉ số cải cách hành chính (CCHC)” - ông Phương nói.
Liên tục thăng hạng cải cách
Nhiệm vụ CCHC và chuyển đổi số (CĐS) của huyện Bắc Trà My được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, văn bản chỉ đạo hằng năm. Huyện ưu tiên dành khoản kinh phí nhất định để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác CCHC, CĐS và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lãnh đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Riêng năm 2022, Bắc Trà My đã bố trí hơn 5,4 tỷ đồng để đầu tư, mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ông Trần Thanh Cúc - Trưởng phòng Nội vụ Bắc Trà My cho hay, đến nay huyện đã chuyển giao 100% TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; rà soát, cắt giảm 10% thời gian giải quyết đối với 20 TTHC ở cấp huyện; thực hiện trả kết quả trong ngày đối với 54 TTHC ở các xã; hơn 90% văn bản được ký số và xử lý trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật).
Tỷ lệ giải quyết TTHC sớm và đúng hạn ở cấp huyện đạt 91%, cấp xã đạt 96,7%. Chất lượng giải quyết TTHC ngày càng được nâng cao, chuyển đổi mạnh mẽ nền hành chính từ quản lý sang phục vụ, khắc phục cơ bản tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết TTHC, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Cúc nói, huyện chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp thông qua các hình thức như: Trung tâm điều hành thông minh (IOC) huyện, Bắc Trà My Smart, Cổng thông tin điện tử huyện, tổ công nghệ cộng đồng; khuyến khích công dân, tổ chức tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Trợ lực cho chuyển đổi số
Sở Nội vụ cho biết, tính đến tháng 4/2023 đã rà soát, chuẩn hóa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia 1.848 TTHC. Hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tập trung duy nhất của tỉnh, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết. Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến tất cả cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Với Quảng Nam, trợ lực cho nhiệm vụ CĐS, hướng đến những cải cách mạnh mẽ chính là sự ra đời của Nghị quyết 33 của HĐND tỉnh về Đề án “Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025”.
Qua hơn hai năm triển khai thực hiện nghị quyết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhìn nhận, một số nhiệm vụ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả cao, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ CCHC trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet trên địa bàn tỉnh, hạ tầng công nghệ thông tin được đảm bảo; hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh ổn định, thông suốt, đáp ứng yêu cầu triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh…
TP.Tam Kỳ đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ, đồng bộ với phương châm "lấy người dân làm trung tâm" và "đi từ dưới lên".
Hướng về cơ sở
Đến nay TP.Tam Kỳ có 85/85 nhà văn hóa thôn/khối phố của 13 xã, phường đã lắp đặt wifi và được trang bị hệ thống máy vi tính. Đó là một trong những số liệu đáng chú ý do Phòng Văn hóa - thông tin TP.Tam Kỳ cung cấp liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT). Số liệu này cho thấy sự nỗ lực thành phố trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS) với phương châm “lấy người dân làm trung tâm”.
Có wifi, có máy vi tính, cán bộ, người dân thuận lợi khi tiếp cận, thụ hưởng những lợi ích từ internet, từ đó đồng hành với công cuộc CĐS do thành phố phát động. Để phát huy hiệu quả nguồn đầu tư hạ tầng CNTT, thời gian qua, TP.Tam Kỳ đẩy mạnh tập huấn CĐS cho cán bộ, thành viên Tổ công nghệ cộng đồng (CNCĐ).
Bà Phạm Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND phường Trường Xuân cho hay, địa phương đã lắp đặt máy tính, máy in và wifi miễn phí tại nhà văn hóa các khối phố. Các tổ CNCĐ bao gồm trưởng phối phố, chi hội đoàn thể, bí thư chi bộ sẽ được hướng dẫn cụ thể về công nghệ, từ đó về hướng dẫn cho người dân tại khu phố của mình.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Lâm - chuyên viên Văn phòng HĐND&UBND TP.Tam Kỳ cho biết, từ năm 2021 TP.Tam Kỳ thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ, người dân các xã, phường về CĐS. Nội dung chính là truyền tải nội dung nâng cao nhận thức về CĐS; hướng dẫn người dân tạo lập các tài khoản email, dịch vụ công, gần đây là ứng dụng VNeID; các bước nộp hồ sơ trực tuyến, cấp chữ ký số cá nhân, trang bị những kiến thức về phòng chống tin giả, lừa đảo…
Ông Nguyễn Văn Tình - Khối phố trưởng khối phố Đồng Sim, phường Trường Xuân, nói: “Ở tuổi ngoài 60 như tôi, việc tiếp cận máy tính thực sự khó khăn. Những buổi tập huấn do thành phố tổ chức giúp tôi hiểu và làm quen với các cách thức liên hệ thông qua internet, cách nộp hồ sơ trực tuyến. Sau này, tôi sẽ hướng dẫn lại cho người dân trong khối phố, nhất là người cao tuổi”.
Cùng phường Trường Xuân, ông Lê Quốc Thừa - Khối phố trưởng khối phố Xuân Nam chia sẻ: “Các bước thực hiện thủ tục nộp hồ sơ trực tuyến mới nhìn thì ngỡ rắc rối, nhưng khi được cán bộ của thành phố hướng dẫn tôi thấy cũng dễ làm. Đến tận nơi, chỉ từng bước cho người làm công tác ở khối phố là cách làm hay để lan tỏa ứng dụng CNTT trong đời sống” - ông Thừa chia sẻ.
"Không để ai bị bỏ lại"
Công cuộc CĐS của TP.Tam Kỳ có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực, đầy trách nhiệm của các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Quốc - Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Quảng Nam cho biết, trên tinh thần thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa VNPT Quảng Nam và Thành đoàn Tam Kỳ, ngoài phân công lực lượng thường trực, bám sát để trực tiếp hướng dẫn cho người dân, VNPT còn hướng dẫn cho lực lượng đoàn viên thanh niên các chi đoàn nắm rõ các bước cài đặt, thanh toán qua VNPT Money. Việc này giúp đoàn viên thanh niên của thành phố chủ động "tác chiến", hướng dẫn người dân chuyển dịch thói quen thanh toán online.
Ông Quốc cho biết, VNPT đã đề nghị Thành đoàn tham mưu cho UBND thành phố cho phép VNPT được tham gia thành viên trong các Tổ CNCĐ. Bởi VNPT có lực lượng nhân lực trải rộng đến thôn, xã và được đào tạo, có kinh nghiệm trong triển khai các dịch vụ liên quan đến dự án, ứng dụng CĐS. Khi tham gia tổ này, VNPT sẽ có điều kiện cùng truyền thông nhận thức CĐS và hỗ trợ cài đặt các ứng dụng số, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp sát hơn.
Phòng Văn hóa - thông tin TP.Tam Kỳ cho biết, công cuộc CĐS của địa phương trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt nhiều kết quả quan. Cán bộ, công chức, viên chức đã nhận thức đúng đắn và triển khai hiệu quả các giải pháp, phần mềm dùng chung, hệ thống một cửa điện tử… Từ đó góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính và nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của thành phố.
Tính đến 30/4/2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn thành phố đạt 49,6%, vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Hết quý I/2023, toàn thành phố đã cài đặt 13.500 tài khoản SmartBanking; gần 10.000 mã QR thanh toán điện tử và gần 15.000 ví điện tử của các doanh nghiệp viễn thông. Thành phố có 24 sản phẩm OCOP, hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử; trong đó có 10 sản phẩm OCOP 4 sao và 14 sản phẩm 3 sao. Đến nay tất cả trường học trên địa bàn đã đăng ký sử dụng phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt; 24/24 trường tiểu học, THCS sử dụng phần mềm hồ sơ điện tử và chữ ký số của giáo viên...
Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - Bùi Ngọc Ảnh khẳng định, sự vào cuộc đồng bộ và cách tiếp cận CĐS “lấy người dân làm trung tâm” với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau" của TP.Tam Kỳ đã đạt những kết quả tích cực. "Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là phục vụ người dân, tất cả đều hướng đến người dân. Để người dân hưởng lợi từ CĐS số là trách nhiệm chính quyền phải làm” - ông Ảnh nhấn mạnh.
Từ nhà ra chợ...
Huyện Đoàn Đại Lộc vừa phối hợp với Công an huyện và Hội LHPN huyện tổ chức đợt ra quân hỗ trợ người dân cài đặt, kích hoạt và sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID.
Anh Huỳnh Thế Toàn - Bí thư Huyện Đoàn Đại Lộc cho biết, đoàn viên thanh niên và cán bộ các đơn vị, mà nòng cốt là thành viên tổ công nghệ cộng đồng đến tận hội trường thôn và đến nhà đối với những trường hợp đi lại khó khăn hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh VNeID.
Nhờ sự tuyên truyền và vào cuộc tích cực của cán bộ cơ sở và có nhiều cách làm sáng tạo nên huyện Đại Lộc dẫn đầu cả tỉnh trong đợt phát động cài đặt ứng dụng và kích hoạt tài khoản VNeID.
Như tại xã Đại Thắng, Công an xã phối hợp tổ chức mở tài khoản thanh toán trực tuyến miễn phí trên địa bàn; tổ chức cuộc thi ảnh online “Hãy là công dân số!” dành cho các tổ công nghệ cộng đồng của xã, bằng cách ghi lại những khoảnh khắc chân thực của hoạt động của tổ trong đợt cao điểm. Cách làm hay của Công an xã Đại Thắng đã góp phần đưa xã nằm trong tốp đầu địa phương có tỷ lệ tài khoản định danh điện tử được kích hoạt thành công cao.
Gần đây, các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng trên địa bàn tích cực phối hợp với các cấp chính quyền tăng cường hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng thanh toán điện tử; triển khai mô hình chợ 4.0 bằng việc in cấp mã QR, hướng dẫn tiểu thương cài đặt và sử dụng app thanh toán điện tử.
Với nhiều tiện ích mang lại như nhanh chóng, tiện dụng, phù hợp xu thế phát triển của xã hội, thanh toán điện tử được nhiều người chọn lựa. Từng có lúc bỏ quên ví tiền khi mua hàng, chị Trần Thị Thu Thảo (ở thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn) bảo, thấy rất tiện lợi khi đi chợ mà không cần mang theo tiền mặt, hoặc mang theo rất ít để mua rau quả; bởi bây giờ khách mua hàng có thể chuyển khoản hoặc quẹt thẻ; một số quầy dùng mã QR, người mua chỉ cần dùng điện thoại quét mã, sau vài giây là đã thanh toán xong.
...đến vì dân phục vụ
Được chọn là xã điểm triển khai mô hình CĐS và xây dựng xã thông minh, xã Đại Thạnh (Đại Lộc) triển khai mô hình “Tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến cho người dân”. Hằng đêm công an xã Đại Thạnh cùng cán bộ các ngành đoàn thể ở địa phương dành một - hai giờ hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Cách làm này đem lại sự hài lòng cho nhân dân, nhất là những người bận việc đồng áng, nhà máy vào ban ngày.
Tương tự, là địa phương được tỉnh và TP.Tam Kỳ chọn thí điểm triển khai CĐS, xây dựng phường thông minh từ tháng 6/2021, phường Tân Thạnh được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số tương đối đồng bộ và có nhiều giải pháp để nâng cao tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 với các mô hình công dân không viết, thành lập đội thanh niên xung kích hỗ trợ dịch vụ công… Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn phường như Văn thánh Khổng miếu, đình Mỹ Thạch cũng được số hóa, tạo điều kiện cho người dân và du khách tìm hiểu.
CĐS để phục vụ tốt hơn, nhiều năm qua, ngành thuế Quảng Nam đẩy mạnh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí so với sử dụng hóa đơn giấy, cũng như giúp cơ quan thuế và cơ quan khác của Nhà nước thực hiện tốt hơn chức năng quản lý.
Ngành BHXH tỉnh cũng tích cực trong CĐS bằng việc đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn cài đặt ứng dụng BHXH số - VssID vừa thuận tiện tra cứu thông tin bảo hiểm của cá nhân vừa có thể sử dụng các tính năng tiện ích khác nhau trên VssID.
Nhanh chóng, thuận tiện
Tài khoản định danh điện tử - VNeID không còn xa lại với nhiều người dân, đặc biệt là cư dân ở đô thị. Nhiều ngày qua, việc đẩy mạnh cài đặt, kích hoạt VNeID được triển khai sâu rộng xuống cơ sở. Các tổ công nghệ cộng đồng hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an trong tuyên truyền, vận động người dân cài đặt VNeID. Tổ công tác của công an từ tỉnh đến cơ sở cũng vào cuộc mạnh mẽ, tranh thủ cả ban đêm, giờ nghỉ để phổ biến những tiện ích, hướng dẫn người dân cài đặt và kích hoạt.
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho hay, người dân sử dụng VNeID sẽ có những lợi ích như tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Khác biệt với thẻ căn cước công dân (CCCD), tài khoản định danh sẽ được xác thực thông tin trên môi trường điện tử. Công dân có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia, như giấy phép lái xe, đăng ký xe, BHYT... Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo.
Chị Dương Thị Hoàng Anh (ở phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) cho hay, hưởng ứng sử dụng VNeID, chị đã cài đặt và kích hoạt ứng dụng khá dễ dàng. “Tôi tìm hiểu thì được biết công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch như thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng BHXH và BHYT... Thao tác cài đặt, kích hoạt cũng khá đơn giản, không mất nhiều thời gian. Tôi hy vọng ứng dụng này sẽ giúp ích trong việc giảm thời gian thực hiện một số giao dịch cá nhân trong tương lai” - chị Hoàng Anh chia sẻ.
Nhân rộng ứng dụng
Những ngày tháng 6, công an các địa phương tập trung lực lượng thực hiện cao điểm hướng dẫn nhân dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử trên địa bàn. Công an cấp cơ sở, các hội, đoàn thể vào cuộc mạnh mẽ hơn nhằm lan tỏa hiệu ứng của “chiến dịch” này.
Nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo, giúp tỷ lệ kích hoạt tăng cao như Nông Sơn (đã đạt hơn 49%), Đại Lộc (hơn 40%), thị xã Điện Bàn (tạo lập hơn 72.000 hồ sơ, đang là địa phương có số hồ sơ tạo lập cao nhất tỉnh).
Trong những ngày đầu tháng 6, Công an tỉnh cũng đã bố trí hai tổ công tác vào TP.Hồ Chí Minh để hỗ trợ bà con đồng hương làm thủ tục cấp CCCD, cài đặt và kích hoạt VNeID. Việc làm này vừa tạo được nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng bà con đồng hương, vừa khẳng định nỗ lực, trách nhiệm của lực lượng công an trong đợt cao điểm lần này.
Theo Thượng tá Phan Thanh Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý về trật tự xã hội Công an nói: “Để tăng cường tính ứng dụng của tài khoản định danh điện tử, chúng tôi cũng đã báo cáo Công an tỉnh để tham mưu UBND tỉnh triển khai mô hình điểm thực hiện thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID tại các khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở khác có hoạt động lưu trú.
Song song với đó là mô hình điểm sử dụng thẻ CCCD gắn chip tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, bệnh viện. Các cơ sở thí điểm sẽ trang bị đầu đọc thẻ phục vụ công dân khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNeID. Những mô hình này đang được gấp rút bố trí triển khai thí điểm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam và phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ). Từ đó, làm cơ sở nhân rộng triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh” - Thượng tá Phan Thanh Hồng cho biết.
Sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Bên cạnh các giải pháp đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu tất cả các cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính phải nắm vững cách thực hiện và hướng dẫn công dân sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập các cổng dịch vụ công và tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời sử dụng các tính năng khai thác thông tin cá nhân, thông tin các loại giấy tờ đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNeID phục vụ kiểm tra, đối chiếu thay thế cho việc xuất trình các loại giấy tờ vật lý trong thực hiện giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính. Những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và các mô hình, cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử sẽ được đề xuất biểu dương, khen thưởng.