[eMagazine] - Chuyện kể đời rơm

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG – XUÂN HIỀN - YÊN CHI - VĨNH LỘC 10/06/2023 17:30

Từ xưa đến nay, rơm rạ không tách rời khỏi đời sống của người Việt. Nhà nông tận dụng rơm rạ để làm chất đốt, làm thức ăn cho trâu bò hay nhiều vật phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Ở Quảng Nam, rơm chưa tạo ra "cuộc đổi đời" cho nông dân bằng khoa học công nghệ cao. Nhưng, từ một phụ phẩm trong ký ức quê xưa, rơm vẫn được tái sinh, hóa thân một đời sống khác, phục vụ con người.

 
 

Chiều từ ruộng về, tôi đội một bó rơm. Cha tôi lựa những cọng rạ thẳng riêng ra để bện những cái chổi con để quét bếp. Rơm rạ bùi nhùi bỏ ra một góc làm chất đốt nấu cám heo. Một ít còn lại, cha tôi lót trên mấy chiếc vạt giường tre, dưới lớp chiếu làm chỗ ngủ của anh em tôi suốt mùa đông lạnh… Đó là chuyện cách đây đã hơn nửa thế kỷ, khi tôi theo mẹ đi mót lúa sau mùa gặt…

Nhà không có ruộng, nên cả rơm cũng phải đi mót. Giỏi lắm thì cha tôi mua được vài bó rơm thẳng thơm và dài. Ông lại đốn tre chẻ thành các hom tranh để “đánh” thành những tấm tranh lợp trên các chái bếp, mái chuồng heo một lần nào đó sau mùa đông rét mướt. Tranh lợp nhà đánh bằng tranh săng cắt trên đồi chỉ dành cho những nhà khá giả.

Thu hoạch rơm. Ảnh: T.C
Thu hoạch rơm. Ảnh: T.C

Nhà tôi nghèo. Như mô tả của Piere Gourou trong biên khảo “Nghiên cứu nhà Việt Nam” năm 1936, nhà tôi cũng là một mái tranh tồn tại trên một khung nhà bằng tre ngâm hoặc gỗ tạp. Vách nhà là những tấm phên lương hoặc phên đất sét trộn rơm rạ mà “phần cứng” của nó là một khung tre. Phía trước, ít ra là gian chính là bức rèm thay cho cửa, rèm vẫn là khung tre, lợp rạ, chống lên ban ngày và thả xuống vào ban đêm. Gian nhà bên trái dẫn xuống bếp, nơi đàn bà con gái ngủ và đồ đạt vẫn là bức phên đất làm bằng hỗn hợp tre, đất sét và rơm rạ. Để thoáng khí và lấy thêm ánh sáng, người ta có thể chừa ra một ô không trét rơm đất độ vài ba gang tay phía trước…

Rơm rạ như vậy đó! Nó gắn với cuộc đời của người nông dân nghèo khó từ trên mái nhà, ở chỗ giường nằm đông giá đến tấm phên, bức vách. Chưa hết. Ngày ông bà tôi về với đất, cha tôi chú tôi lại ra ruộng quơ ít rơm còn sót lại trên đồng hoặc rút vội trên “cây rơm” trong vườn để mang ra mộ. Trên gò đất ấp ủ người mới mãn phần, ba bữa chiều sau đó, con cháu sẽ đốt rơm để ấm lòng cả người âm lẫn kẻ dương…

Chở rơm về nhà. Ảnh: T.Đ.T
Chở rơm về nhà. Ảnh: T.Đ.T

Sau bao nhiêu năm khi tôi đã trưởng thành, mới hiểu ra rằng đời mỗi con người ở chốn quê mùa thôn dã nông tang ấy đã gắn liền với cây tre và rơm rạ. Tre là phần cứng, rơm rạ là phần mềm như cách nói “bốn chấm không” thời nay. Phần cứng và mềm ấy, như ông cha ta nói là hễ môi hở thì răng lạnh, đố mà sai.

Từ ngày nghỉ hưu, hàng tuần tôi vẫn chạy xe về quê lo hương khói cha mẹ, ông bà. Con đường về quê tôi, từ thành phố, là qua những cánh đồng lúa. Từ thuở lúa non xanh đến uốn câu con gái đến chín vàng, hương lúa bay vào khứu giác người đi. Trên những con đường ấy, còn có mùi rơm rạ ngậm ngùi theo vào ký ức tôi như thời niên thiếu. Nhẹ nhàng, ngất ngây và đầy hoài niệm… Kỷ niệm ùa về, chẳng cần lớp lang, thứ tự nào cả. Đó cũng là bản sắc của ký ức. Tôi và mẹ tôi hồi ấy cũng ra ruộng, mót những khoảng rơm rạ còn sót lại cho nhà nghèo…

Chiều tối oi nồng, trước khi những con mưa dông kịp đổ xuống, những ánh lửa đốt rơm tràn ngập góc trời. Khói đồng và những vệt sáng của lửa rơm chạy khắp, như những chú rắn ngoằn ngoèo bung ra, thật thú vị. Tôi đứng ở một góc đồng, vươn lồng ngực trẻ con của mình ra, hít lấy hít để cái mùi thơm đồng ruộng ấy, mà quên đi phận rơm rạ đã kéo dài từ thuở ông cha…

 

Cánh đồng đã quy hoạch xây dựng khu đô thị mới trong định hướng đưa thị xã lên thành phố gần đây. Tôi tiếc nhớ những mùa đốt rơm đồng, bởi những cánh đồng nhỏ hẹp ấy sắp đến sẽ là những khu phố mới. Ruộng đâu còn mà còn lúa, còn rơm…

Tôi tiếc những ký ức, thường là đẹp và buồn, tiếc nhớ cả những mảnh đời rơm rạ đã bị cuốn trôi đi theo dòng thời cuộc…

 

Rơm, trong hình dung, là thứ tàn sót khi cánh đồng im vắng - lúc lúa vừa gặt xong, là tuổi thơ, là hoài niệm. Người bỗng chợt giật mình khi bữa nọ ngang qua cafe ven đường, nhìn thấy những đặt để rơm rạ đầy dụng ý nhắc chuyện ngày xưa...

Có bóng nắng liêu xiêu theo con đường làng. Những vuông cửa sổ chủ nhân khéo léo mở ra nhìn cánh đồng. Trong buổi hoàng hôn treo đầu ngọn tre, những cuộn rơm lăn tròn cho người no mắt về một ký ức quê chưa xa. Tôi hay tha thẩn những vùng rìa thị trấn, để đôi hồi chạm phải những không gian gợi lên cảm xúc như một người đi xa trở về.

Tâm tưởng từ đâu vọng về những ý niệm của một làng quê cũ. Người phố thèm làng nên dựng những góc ký ức, lặt lựa trên cánh đồng xa những sợi vàng rơm để hiện diện một tâm thức làng. Phải chăng, tâm hồn Việt là chính những thứ đặt để trên cánh đồng làng, là cây lúa ngoan cường trổ đòng chờ ngày thu hoạch, để những cọng rơm vàng thiết tha trong nỗi nhớ quê xưa?

Các không gian cafe sử dụng chất liệu rơm rạ, tranh tre... được khách ưa chuộng. Ảnh: QCC
Các không gian cafe sử dụng chất liệu rơm rạ, tranh tre... được khách ưa chuộng. Ảnh: QCC

Bằng cách thu nhỏ không gian sống của làng quê trong những dụng công của từng góc quán, ngày càng nhiều hơn những tiệm cafe ở phố cũ Vĩnh Điện (Điện Bàn) dựng lên theo ý hướng đó. Là hướng tâm con người vào điều cũ kỹ, vào cái đã qua, vào điều mặc nhiên rằng lòng sẽ thuần khiết, bởi chốn này là chốn của tuổi thơ.

Chủ quán cafe Sum (Vĩnh Điện) dành hẳn một không gian trống trước nhà và tuyền dùng tre, lá để dựng quán. Thoạt nhìn, cảm giác đó sẽ là một kiểu kiến trúc không phải dụng công. Nhưng bước vào đó, ở từng góc nhỏ, mới thấy sự chăm chuốt của chủ nhân.

Phải chăng vì sấp ngửa nhớ thương quê nhà mà những chủ nhân của Sum cafe nơi phố mới Vĩnh Điện hay cafe Ghé dựng lên giữa cánh đồng trên cung đường nối phố cũ Điện Bàn và Ái Nghĩa, đều chung ý tưởng cuộn tròn những bó rơm nâng thành góc ký ức để gợi một quê xưa?

 
Bạn tôi ngồi giữa góc quán Ghé nói mình nhớ thương miên viễn "những mùa lúa mẹ cứ thấp thỏm miên man/ lạ lùng cái dáng lúa trập trùng lưng mẹ cấy mạ/ mới thơm lên bên bếp lửa bập bùng/ có bà mẹ nào thẳng lưng mà ngon giấc/ cho con chạy mải miết cánh đồng xa"... Hình như đó chính là cái tinh tế trong dụng ý của người làm nên những không gian ký ức. Bởi họ biết, một khi vô tình chạm phải điều cũ xưa, ai cũng sẽ rưng rưng những xao động. Có điều gì hơn một hoài niệm quê nhà ở chốn thị thành? Có điều gì gợi hơn là những cuộn rơm khô trên cánh đồng làng, là những mái tranh tre ảng nước gáo dừa đặt để cố tình ngay lối đi...
 
Tôi lại nhớ về "cuộc cách mạng một cọng rơm" mà Masanobu Fukuoka đã kỳ công ghi chép. Hành trình của một người nông dân làm hữu cơ nhưng cũng đồng thời chính là hành trình kiếm tìm bình yên của mỗi con người. Rằng mọi thứ trên đời đều có chu kỳ phát triển, vòng đời và giới hạn khả năng. "Chúng ta trở thành nông dân không phải là để chinh phục tự nhiên như ngộ nhận của nhiều người, trái lại, là để học từ tự nhiên và vay mượn từ đó lương thực cho mình, rồi phải trả lại cho tự nhiên cơ hội phát triển tiếp".
"Chúng ta hay nói về bản sắc, về hiện đại và truyền thống, nhưng lại không hiểu kỹ truyền thống. Cha ông ta ngày trước không hề biết đến khái niệm "kiến trúc xanh", nhưng lại biết tạo nên thứ kiến trúc bé nhỏ,  giản dị bởi các vật liệu sẵn có tại nơi họ sinh sống. Căn nhà ba gian, năm gian hai chái của cư dân đồng bằng Bắc Bộ là một ví dụ. Nhà được dựng bằng khung tre, mái lợp bằng thân cây lúa mà ta gọi là "rạ", tường nhà là các dứng tre buộc ô vuông rồi trát trong ngoài bằng thứ đất bùn trộn nhuyễn với rơm. Tất cả hệ kèo cột, rui mè đều bằng tre, liên kết với nhau bằng con sỏ, lạt buộc cũng bằng mây, tre chẳng hề có chút sắt thép, xi măng nào, vậy mà ngôi nhà vẫn vững chãi chịu mưa, chịu nắng, chịu bão gió suốt bốn mùa. Người phương Đông có câu thành ngữ rất hay: “Thân - thổ bất nhị”, có nghĩa: người và đất không thể là hai. Phải chăng đó là thông điệp của người xưa nhắc nhở hôm nay hãy biết yêu quý mảnh đất nơi mình sinh sống và hãy biết sống hài hòa, thân thiện với môi trường chung quanh ta" - KTS. Phạm Thanh Tùng chia sẻ.
 

Không còn mù mịt khói đốt đồng, rơm vàng trên những cánh đồng được thu gom sau mùa thu hoạch. Rơm tái sinh trong nông trại, “hóa thân” một cuộc đời khác thay cho những tàn tro sau mỗi mùa gặt hái...

Nghề thu mua rơm

Nắng gắt trên cánh đồng. Nhiều nhân công vẫn đang hối hả thu gom những cuộn rơm tròn vừa được máy ép thành bánh rơm, chất lên xe. Ông Phan Tấn Ý (xã Tam Thành, Phú Ninh) lặn lội hàng chục cây số, ra tận xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) để thu mua rơm theo lịch đã đặt trước. Một “đội quân” hùng hậu được huy động để thu gom, vận chuyển rơm, thứ đã trở thành hàng hóa đặc biệt sau mùa gặt.

Từ rơm, người dân có thêm nghề làm nấm giúp mang lại thu nhập cao. Ảnh: T.C
Từ rơm, người dân có thêm nghề làm nấm giúp mang lại thu nhập cao. Ảnh: T.C

Nghề thu mua rơm rộ lên vài năm trở lại đây. Những “thương lái” như ông Ý đã có mối hàng từ khi cánh đồng còn chưa gặt. Họ có mặt chỉ một ngày sau khi thu hoạch. Xe ép rơm sẽ gom, ép thành từng bó khoảng từ 15 - 17 ký. Nhân công đi theo xe, chất rơm, vận chuyển đến điểm thu mua. “Rơm không còn là đồ bỏ đi như trước đây nữa. Nhu cầu mua rơm rất lớn, phục vụ cho các cơ sở làm nấm, địa bàn trải rất rộng. Trong tỉnh thì Thăng Bình, Hiệp Đức. Xa thì Quảng Ngãi, Bình Định. Cứ nơi nào có nhu cầu, chúng tôi sẽ cung ứng, tùy theo lượng rơm mà mình thu mua được mỗi mùa” - ông Ý nói.

Thu mua rơm trở thành một “nghề” khá thịnh trong vài năm trở lại đây. Chưa tới ngày thu hoạch, song thương lái đã đến “đặt cọc” với nông dân về việc thu mua rơm ngay sau ngày gặt hái. Nắng nóng gay gắt trong những ngày hè, rơm nhanh khô hơn, thương lái dùng máy cuộn rơm chuyên dụng để lấy rơm từ các cánh đồng đã gặt. Theo những chuyến xe, rơm vàng đến các trang trại trong và ngoài tỉnh, thành nguồn nguyên liệu quan trọng của nghề trồng nấm.

Tại xã Bình Trị (Thăng Bình), nghề làm nấm rơm rộ lên khoảng mười năm trở lại đây. Những trang trại nấm nằm lẩn khuất trong khu dân cư, nổi bật với những đụn rơm khổng lồ chất sẵn để trữ cho một năm dài sản xuất.

Theo ông Lê Viết Mãnh - Chủ tịch UBND xã Bình Trị, nghề làm nấm rơm mở ra cơ hội thoát nghèo cho rất nhiều gia đình. Chỉ tính riêng xã Bình Trị, có hơn 100 hộ dân sản xuất nấm rơm. Các cơ sở này thu mua hơn 1.000ha rơm ở nhiều địa bàn trên toàn tỉnh, giải quyết được nỗi lo phế thải từ rơm rạ.

Không còn thói quen đốt đồng, mù mịt khói trên những cánh ruộng vừa gặt, ảnh hưởng xấu tới môi trường, rơm trở thành thứ hàng hóa đặc biệt của nhà nông, tăng nguồn thu cho người trồng lúa. Các cơ sở trồng nấm thu mua tất cả số rơm thu được sau mỗi mùa gặt từ 300ha đất lúa của người dân địa phương.

 
Rơm vàng hóa thân

Những cuộn rơm về đến nhà của người trồng nấm, bắt đầu một cuộc hóa thân. Nếu như ở nhiều vùng quê, rơm chỉ có chức năng duy nhất là làm thức ăn gia súc, thậm chí là thứ phế phẩm sau mùa thu hoạch, thì ở làng quê Bình Trị, rơm tiếp tục phận sự của mình trong vai trò khác: tạo sinh kế cho hàng trăm người dân quê nghèo. Từ việc nhận gia công rơm cho các cơ sở làm nấm, người nhà nông có thêm thu nhập những mùa nhàn rỗi, lại kiếm được tiền từ việc bán rơm cho các cơ sở này.

Cũng có những nhọc nhằn nhất định, nhưng đỡ vất vả hơn nhiều so với nghề nông, khi phần lớn diện tích lúa ở Bình Trị sống nhờ “nước trời”, năm được, năm mất mùa. Rơm về đến sân nhà, được cất giữ như một thứ “của để dành”. Những chắt chiu tần tảo giúp rơm “đẻ ra tiền”, gom góp đắp đổi một đời sống dễ chịu hơn trong từng mái nhà, từng góc bếp...

Ông Thái Tấn Dũng (thôn Việt Sơn, xã Bình Trị) gắn với nghề làm nấm rơm đã gần 7 năm nay. Hơn ai hết, ông hiểu giá trị của những cọng rơm vàng. Từ khi làm nấm, ông lặn lội đồng gần đồng xa để mua rơm về trữ. Rơm chất kín vườn, cao hơn cả mái nhà của người dân quê.

“Nhìn thì... rơm rơm vậy đó, nhưng nó là miếng cơm của cả gia đình tôi, của rất nhiều người ở quanh xóm này nữa. Chịu thương, chịu khó tí, nhờ rơm, mà đời sống đỡ bấp bênh hơn trước đây nhiều” - ông Thái Tấn Dũng chia sẻ.

Đã thôi là nguồn khói ô nhiễm thả lên trời sau mỗi vụ đốt đồng, rơm “sống” một đời sống khác. Những đụn rơm vàng mang về sinh khí cho làng quê, giúp người ở quê không phải bươn bả rời làng, theo cuộc mưu sinh lam lũ nữa. Rơm giữ chân người, vun vén cho mơ ước ấm êm...

 

Rơm rạ ngày càng hiện diện nhiều trong hoạt động du lịch. Amenities - những đồ dùng tiêu hao thân thiện môi trường dùng chủ yếu ở các khách sạn, được sản xuất từ nguyên liệu là bột rơm, hay những đồ trang trí từ rơm.

Tại Quảng Nam rơm rạ hiện mới chỉ sử dung thô sau thu hoạch như lợp nhà và tạo hình các con vât Ảnh: V.L
Tại Quảng Nam rơm rạ hiện mới chỉ sử dung thô sau thu hoạch như lợp nhà và tạo hình các con vât Ảnh: V.L

Đồ dùng từ rơm

Từ rất lâu, sản phẩm từ rơm rạ được đánh giá cao và mang lại nguồn thu nhập lớn như giấy, ethanol, vật liệu xây dựng… Được dùng làm phân bón, làm sợi carbon trong sản xuất ô tô, làm nhựa sinh học thân thiện với môi trường hay đơn giản chỉ làm vật liệu xây dựng,... tác dụng và khả năng tái chế "thiên biến vạn hóa" của rơm khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Rơm dần trở thành nguyên liệu “đắt giá” của nhiều ngành nghề.

Tại một số nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc… việc sử dụng rơm trong lĩnh vực sản xuất giấy đang được chú trọng. Tuy màu sắc sản phẩm không được sáng, nhưng chất lượng giấy rất tốt. Rơm rạ cũng có thể tái chế thành nhiên liệu dầu sinh học.

 

Một số doanh nghiệp ở nước ta đã sử dụng bột rơm sản xuất đồ dùng tiêu hao dành cho khách sạn. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên KOSEI Quốc tế sản xuất được gần như trọn bộ Amenities thân thiện môi trường này. Nhiều khách sạn, resorts, khu nghỉ dưỡng cao cấp… rất ưa chuộng loại sản phẩm xanh này.

Theo chia sẻ từ các nhà nghiên cứu, các sản phẩm từ bột rơm không chỉ có giá cả hợp lý, phải chăng mà việc ứng dụng bột rơm vào bộ đồ dùng cho khách sạn mang lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể, chúng tự phân hủy được trong môi trường tự nhiên, là một trong những nguyên liệu hoàn hảo để thay thế các nguyên liệu khó phân hủy. Bột rơm có hương thơm nhẹ nhàng, dễ chịu. Không giống các sản phẩm chứa chất tạo mùi hóa học gây tổn hại đến sức khỏe của người sử dụng.

 

Một bộ Amenities hoàn hảo bao gồm bàn chải bột rơm thân thiện với môi trường, an toàn với người sử dụng; dao cạo râu được làm từ lưỡi thép không gỉ, thân dao được làm từ bột rơm an toàn cũng là sản phẩm đang được nhiều khách sạn lựa chọn; lược chải tóc từ bột rơm.

Ngoài ra, khi trào lưu sử dụng những sản phẩm thân thiện môi trường đang tạo xu hướng mạnh mẽ thì các khách sạn thường hạn chế sử dụng chai nhựa mà thay bằng chai làm bằng bột rơm. Loại chai này không chỉ được thiết kế gọn gàng mà khi kết hợp với những sản phẩm trên cũng tạo thành bộ Amenities hoàn hảo tạo dấu ấn cho khách hàng.

Không gian... rơm

Cuối tháng 3 vừa qua, bữa tiệc nghìn đô giữa ruộng đồng trước nhà hàng The Field (xã Cẩm Thanh, Hội An) tiếp tục được tổ chức sau gần 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Trên mỗi lối đi rơm rạ trải đều như tấm thảm mềm ôm ấp đôi chân khách. Khuất nơi góc vườn, hai cây rơm vàng óng tựa chứng tích thời gian gợi nhớ về một thời chưa xa ở những miền quê nông thôn xứ Quảng. Giữa khung cảnh hoàng hôn, mùi rơm rạ thơm nồng hòa cùng gió đồng, sương đêm càng khiến không gian thêm lãng đãng.

Chương trình "Gala Dinner Rice Field - Hội An” được tổ chức như một sự kiện văn hóa tái hiện đời sống của nông dân gắn với ruộng đồng, giúp du khách có những trải nghiệm văn hóa địa phương chân thật nhất dựa vào tiềm năng văn hóa, tự nhiên bản địa, tôn vinh những vật liệu tái chế nông thôn như rơm rạ tre gỗ… 

Đặc biệt, linh hồn tạo nên thành công cho bữa tiệc chính là cánh đồng rơm rạ Võng Nhi và dòng sông Đò hiền hòa bên cạnh. Để tham dự, mỗi du khách chi trả khoảng 1.000 đô la Mỹ. Qua 10 năm, đã có khoảng 16 bữa tiệc được tổ chức trên ruộng đồng. Cùng đó, hàng tấn rơm rạ đã được tận dụng, sử dụng như những vật trang trí, giúp tô điểm khung cảnh làng quê trở nên sinh động và chân thật nhất.   

 

Với xu hướng phát triển xanh, tận dụng vật liệu tái chế, một số doanh nghiệp du lịch Hội An đã và đang biến rơm rạ thành vật trang trí thân thiện chi phí thấp. Tại Chic Chillax Restaurant Hội An, hàng chục con thú được tạo hình từ rơm rất to lớn như chim, cò, trâu, vịt, cá… đã được dựng trên cánh đồng, trở thành điểm nhấn tạo thu hút khách.

Dù vậy, tại Quảng Nam các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam hiện mới chỉ dừng ở cung đoạn thô sau thu hoạch trên đồng ruộng. Ông Trần Thái Do – chủ Khách sạn Silk Sense Hội An nói vật dụng được tái chế từ bột rơm rạ cũng như tre, gỗ… chắc chắn sẽ là xu hướng của du lịch xanh mà doanh nghiệp Quảng Nam theo đuổi. Khách sạn Silk Sense là một trong những đơn vị đi đầu trong việc sử dựng vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường. "Silk Sense sẽ dùng, nhưng chắc phải tìm hiểu thêm nguồn hàng tái chế từ rơm này, như đã từng với các vật liệu thân thiện khác, trước khi đưa vào khách sạn” - ông Do bộc bạch.

 

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG – XUÂN HIỀN - YÊN CHI - VĨNH LỘC