[Emagazine] - Nông Sơn, 15 năm vượt khó…

HOÀNG ĐẠO - VĂN SỰ - VINH ANH 09/06/2023 08:54

(QNO) - Yếu kém về hạ tầng giao thông, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, những tưởng Nông Sơn sẽ khó chuyển mình. Nhưng sau 15 năm chung lưng đấu cật, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ cho vùng đất này.

 
 
Những vườn cây trái cho thu nhập bền vững ở Nông Sơn. Ảnh: Đ.S.V
Những vườn cây trái cho thu nhập bền vững ở Nông Sơn. Ảnh: Đ.S.V

Cuối năm 2018, ông Dương Văn Thương (thôn Bình Yên, xã Phước Ninh) quyết định đầu tư 150 triệu đồng để cải tạo khu vườn rộng gần 4.000m2 trồng 100 cây bưởi trụ, 50 cây bưởi da xanh. Được chính quyền hỗ trợ với số tiền 80 triệu đồng, ông phát quang cỏ dại, cày xới đất tơi xốp và làm lại tường rào cổng ngõ, đào giếng bơm, lắp hệ thống tưới... Đến khi những cây bưởi đã lên xanh tốt, ông trồng xen thêm 60 cây ổi.

 

Hiện nay, trên địa bàn Nông Sơn có khoảng 2.300 khu vườn có diện tích từ 500m2 trở lên. Thực hiện cơ chế theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 57 của HĐND huyện, trong 2 năm 2022 – 2023 Nông Sơn hỗ trợ gần 9 tỷ đồng xây dựng 112 mô hình kinh tế vườn có diện tích từ 1.000m2 trở lên. Và đến năm 2025 huyện sẽ hỗ trợ xây dựng thêm ít nhất 130 khu vườn có quy mô lớn.

Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo tại Nông Sơn. Ảnh: Đ.S.V
Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo tại Nông Sơn. Ảnh: Đ.S.V

Còn đối với gia đình ông Nguyễn Đình Mỹ (thôn Tứ Nhũ, Quế Lâm) có diện tích 1,9ha nên ông đã quyết định trồng rừng gỗ lớn tại Gò Hầm. Từ năm 2003, cha ông Mỹ đi rừng đem cây huỷnh, dầu rái, dó con về trồng xen canh. Đến nay, sau nhiều năm chăm sóc, khoảnh rừng có gần 3.000 cây với nhiều cây huỷnh đã 20 năm tuổi, đường kính to gần 1m. Trong thời gian chờ thu hoạch gỗ, gia đình ông Mỹ bán huỷnh nhỏ với giá 2 triệu đồng/cây.

“Mỗi tháng sẽ thu hoạch 2 đợt, mỗi đợt chỉ tốn 1 ngày công và thu nhập được khoảng 4 triệu đồng. Dự kiến 10 năm nữa rừng huỷnh sẽ khai thác và bán gỗ khố, giá bán hiện nay là 9-10 triệu đồng/m³ gỗ huỷnh. Nên tôi tin chắc sẽ có nguồn thu nhập ổn định” – ông Mỹ nói.

Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp của Nông Sơn cũng tạo dấu ấn lớn. Với lợi thế đất lâm nghiệp khá lớn, người dân Nông Sơn đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng rừng nguyên liệu. Tính đến đầu tháng 6/2023 toàn huyện có 8.117ha rừng keo lai. Mỗi năm nông dân khai thác bán ra thị trường 1.600 – 1.800ha và bình quân cho giá trị 60 – 80 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, trên địa bàn 6 xã, thị trấn có 1.020ha đất lúa, cho năng suất lúa bình quân đạt 61 tạ/ha, tăng 16 tạ/ha so với thời điểm mới thành lập huyện. Nhờ tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi và được ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương hỗ trợ cải tạo chất lượng con giống nên những năm gần đây người dân địa phương đầu tư phát triển mạnh mô hình nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức sản xuất hàng hóa.

Ông Nguyễn Chí Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn thông tin, hiện nay toàn huyện có khoảng 100 gia trại nuôi heo hướng nạc, bò lai vỗ béo, gà thịt thương phẩm... với quy mô vừa và lớn. Bình quân hằng năm, mỗi mô hình cho thu nhập từ 50 – 300 triệu đồng.

Làm giàu từ rừng. Ảnh: Đ.S.V
Làm giàu từ rừng. Ảnh: Đ.S.V
 

[VIDEO] – Kinh tế nông nghiệp giúp người dân huyện miền núi Nông Sơn có thu nhập bền vững:

 
Hằng năm, Nông Sơn đầu từ 100 tỷ đồng cho hạ tầng góp phần thay đổi diện mạo địa phương. Ảnh: Đ.S.V
Nông Sơn ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hạ tầng góp phần thay đổi diện mạo địa phương. Ảnh: Đ.S.V

Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Chí Tùng kể, hồi mới thành lập, hầu hết cơ quan, đơn vị của Nông Sơn đều trưng dụng những trường học, nhà văn hóa cũ kỹ và thuê nhà dân để làm trụ sở. Thời điểm đó, cơ sở hạ tầng của xã Quế Trung cũ (nay là thị trấn Trung Phước) và các xã khác đều yếu kém.

Sau 15 năm nỗ lực từng ngày, Trung Phước rũ bỏ “tấm áo” thị tứ để vươn lên thành một thị trấn năng động, khang trang. Và những làng quê dựa trên Chương trình xây dựng NTM cũng đổi thay, giàu đẹp như ý nguyện người dân hằng mong đợi.

 
Thị trấn Trung Phước hôm nay. Ảnh: Đ.S.V
Thị trấn Trung Phước hôm nay. Ảnh: Đ.S.V


 

Vượt qua rào cản về cách trở địa lý, Nông Sơn đã nhanh nhạy kêu gọi đầu tư, quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp, tập trung cải thiện môi trường đầu tư nên việc thu hút doanh nghiệp vào Nông Sơn chuyển biến tích cực.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 14 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 639 tỷ đồng. Thời gian qua, đã có 7 dự án đi vào hoạt động, 1 dự án đang tiến hành xây dựng và 6 dự án đang thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường…

Bên cạnh nỗ lực thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, Nông Sơn cũng quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể phát triển ngành nghề nông thôn nhằm tạo cú hích mạnh cho lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. 

Theo UBND huyện Nông Sơn, ngoài số doanh nghiệp nêu trên, hiện toàn huyện có hơn 200 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động với đa dạng ngành nghề như may mặc, mộc dân dụng, hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí... giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1 nghìn lao động.

Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện đạt hơn 861 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2021. Trong 5 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất của ngành này đạt 392,5 tỷ đồng, bằng gần 42% so với kế hoạch cả năm.

[VIDEO] – Nông Sơn hôm nay:

 

[VIDEO] – Ông Nguyễn Chí Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn:

 
Giao thông không còn cách trở khi được chú trọng. Ảnh: Đ.S.V
Giao thông đã từng bước được đầu tư ở Nông Sơn. Ảnh: Đ.S.V

Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho rằng, để tạo bước đột phá mới, thời gian tới địa phương phải nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó huyện sẽ huy động nhiều kênh vốn đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là hệ thống giao thông nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, sẽ tổ chức và triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, nhất là bộ tiêu chí nông thôn mới và kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc kế hoạch vốn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, Nông Sơn sẽ tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm tiếp tục thu hút doanh nghiệp vào địa bàn.

“Chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cụm Công nghiệp thương mại dịch vụ huyện để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông - lâm sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động; đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế của địa phương như trầm cảnh, sửa chữa nhỏ, chế biến gỗ” – ông Hòa nói.

 
Nông nghiệp hiện đại, bền vững dựa trên thế mạnh địa phương vẫn là hướng đi chính trong tương lai. Ảnh: Đ.S.V
Nông nghiệp hiện đại, bền vững dựa trên thế mạnh địa phương là hướng đi chính trong tương lai. Ảnh: Đ.S.V

Ngoài ra, quan tâm hỗ trợ công tác đào tạo nghề, phát triển mạnh ngành nghề và làng nghề nông thôn, đặc biệt là nghề truyền thống dó trầm hương để nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến công, khoa học công nghệ, ngành nghề sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hoạt động công nghiệp ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm, Nông Sơn cũng sẽ tích cực hỗ trợ các chủ thể phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP có thế mạnh của địa phương. Trong đó, khuyến khích xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Trước mắt, năm 2023 này huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ 400 – 600 triệu đồng để các chủ thể có điều kiện phát triển mới 5 sản phẩm OCOP...

Nông Sơn được các nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng”. Ảnh: Đ.S.V
Nông Sơn được các nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng”. Ảnh: Đ.S.V

[VIDEO] – Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn:

 

HOÀNG ĐẠO - VĂN SỰ - VINH ANH