[eMagazine] - Kích cầu nội lực hàng Việt

TÂM ĐAN - VIỆT QUANG 06/05/2023 15:19

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 đến nay nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, để xây dựng văn hóa tiêu dùng "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", ngoài đảm bảo chất lượng hàng hóa còn cần thêm thời gian với sự vào cuộc của ngành chức năng và doanh nghiệp.

 
 

Nhiều hoạt động đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thời gian qua đã góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa Quảng Nam đến với đối tác, khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (thứ 2 từ phải qua) tại một sự kiện quảng bá hàng Việt. Ảnh: CTV
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (thứ 2 từ phải qua) tại một sự kiện quảng bá hàng Việt. Ảnh: CTV

Cánh tay nối dài của chủ thể OCOP

Sau giờ làm việc, chị Trần Thị Thanh Trang (cán bộ Văn phòng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam) tranh thủ tạt qua Trung tâm Sản phẩm OCOP Quảng Nam (đường Trần Quý Cáp, TP.Tam Kỳ) để chọn và đặt mua 20 suất quà cho chuyến công tác sắp đến của cơ quan. Các sản phẩm xuất xứ Quảng Nam, có chứng nhận OCOP, là tiêu chí để chị Trang chọn cho giỏ quà tặng.

Chị Trần Thị Thanh Trang (cán bộ Văn phòng Ban Dân tộc tỉnh) đến Trung tâm sản phẩm OCOP Quảng Nam (đường Trần Quý Cáp, TP.Tam Kỳ) để chọn sản phẩm làm quà. Ảnh: VINH ANH.
Chị Trần Thị Thanh Trang (cán bộ Văn phòng Ban Dân tộc tỉnh) đến Trung tâm sản phẩm OCOP Quảng Nam (đường Trần Quý Cáp, TP.Tam Kỳ) để chọn sản phẩm làm quà. Ảnh: VINH ANH.

Chị Trang nói: “Trong các hoạt động đối ngoại, thăm viếng, lãnh đạo cơ quan luôn ưu tiên sử dụng sản phẩm OCOP Quảng Nam để làm quà tặng. Tôi là người được giao lựa chọn quà cho cơ quan cũng thấy yên tâm vì các sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng, mẫu mã, đã được cơ quan chức năng đánh giá, công nhận”.

Ra đời từ năm 2021, đến nay Trung tâm Sản phẩm OCOP Quảng Nam do ông Lê Hồng Thái làm chủ đã trở thành địa chỉ tin cậy cho khách hàng gần xa khi muốn tìm mua các sản phẩm Quảng Nam. Kết hợp với mô hình cà phê khởi nghiệp, Trung tâm Sản phẩm OCOP Quảng Nam đang trưng bày, giới thiệu và bán gần 50 sản phẩm đặc trưng của tỉnh, như sâm Ngọc Linh, trầm hương, yến sào cùng nhiều nông sản, sản phẩm OCOP tiêu biểu khác. Riêng dịp Tết Nguyên đán năm 2023, trung tâm đã cung cấp, tiêu thụ gần 10.000 suất quà tết cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân…

"Các giỏ quà tặng từ sản phẩm OCOP được tiêu thụ tốt một phần nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các sở ngành đã đặt niềm tin vào sản phẩm và doanh nghiệp cung ứng. Điều này cần được lan tỏa để sản phẩm Việt có chỗ đứng và phát triển mạnh mẽ hơn" - anh Thái nói.

Ông Phạm Hồng Thái, chủ Trung tâm sản phẩm OCOP Quảng Nam đưa sản phẩm trầm hương mỹ nghệ giới thiệu tại một sự kiện xúc tiến thương mại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Anh Lê Hồng Thái, chủ Trung tâm sản phẩm OCOP Quảng Nam đưa sản phẩm trầm hương mỹ nghệ giới thiệu tại một sự kiện xúc tiến thương mại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bên cạnh đó, anh Thái thường xuyên tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại tại nhiều địa phương trên cả nước. "Tính riêng năm 2022 và đầu năm 2023, tôi đã tham gia khoảng 15 sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại. Những chuyến đi này không chỉ giúp tôi bán hàng, tìm đối tác, mà thông qua đó nắm bắt được nhu cầu khách hàng, thị trường để gợi ý, tư vấn cho chủ thể OCOP Quảng Nam thay đổi bao bì, nhãn mác, chủng loại, giá cả… Đơn giản, việc làm này như cánh tay nối dài, giúp chủ thể OCOP xứ Quảng quảng bá, bán hàng tốt hơn” - anh Thái tâm sự.

Theo anh Thái, việc chọn phân khúc quà tặng là sản phẩm OCOP còn thúc đẩy các đơn vị kinh doanh truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa…) làm theo. Không chỉ những đơn vị như anh Lê Hồng Thái mà nhiều cửa hàng tạp hóa lâu nay chuyên làm quà tặng đã bắt đầu chọn sản phẩm OCOP đưa vào giỏ quà thay vì các đồ uống, bánh kẹo... không phải hàng Việt.

Đưa sản phẩm vươn xa

Các sản phẩm bánh dừa Quý Thu của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Quý Thu (Quế Sơn) vừa được trưng bày, giới thiệu tại Diễn đàn kết nối thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam - Lào - Thái Lan, do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Păk Sế phối hợp Ủy ban Chính quyền tỉnh Chămpasak và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức tại tỉnh Chămpasak (Lào). Diễn đàn có sự tham dự của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trường đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng và đại diện các sở ngành của tỉnh.

Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh tại Quảng Nam. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại một phiên chợ khởi nghiệp của TP.Tam Kỳ.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh tại Quảng Nam. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại một phiên chợ khởi nghiệp của TP.Tam Kỳ.

Chị Lưu Thị Thu - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Quý Thu cho biết, trước đây doanh nghiệp chủ yếu tập trung sản xuất, những năm gần đây, khi sản phẩm bắt đầu được khách hàng ưa chuộng, đánh giá tốt, doanh nghiệp chú ý hơn đến việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

 
Xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ quan trọng đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Thái Bình - Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho biết, trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nền kinh tế từng bước hồi phục, phát triển, các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện cuộc vận động có nhiều khởi sắc.
Trong năm 2022, các hoạt động giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ hàng Việt diễn ra sôi nổi tại các sự kiện như hội chợ sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực Quảng Nam tại huyện Hiệp Đức; Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất Quảng Nam 2022 tại TP.Hội An; Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại TP.Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh, Ngày hội khởi nghiệp - Techfest… Trong năm, các đơn vị phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ chủ thể đưa 180 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, 170 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Voso.vn.

Ông Lê Thái Bình nói, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã họp triển khai kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã ký kết chương trình phối hợp năm 2023 với Sở Công Thương nhằm tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng cuộc vận động theo Chương trình số 08 ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Hình thức tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Quảng Nam được thực hiện rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Quảng Nam, Đài Phát thành - truyền hình Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam, trang thông tin điện tử của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành… đã thay đổi nhận thức, thói quen lựa chọn hàng hóa tiêu dùng của người dân. Chất lượng hàng hóa Quảng Nam được nâng lên, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Về phía doanh nghiệp, nhận thức rõ vai trò, vị thế nên mở ra cơ hội lớn phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó khẳng định vai trò, trách nhiệm và năng lực.

Năm 2023, bên cạnh công tác truyền thông, tham mưu văn bản lãnh đạo, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh tập trung hoạt động phát triển hệ thống phân phối, tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt. Trong đó, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 17/2/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển HTX, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chương trình OCOP; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ nhằm mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại chợ truyền thống; tăng cường tổ chức hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm; nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, sản phẩm OCOP… cố định tại các chợ trung tâm, siêu chị, trung tâm thương mại…

 

Tuyên truyền, vận động sử dụng hàng Việt nói chung, sản phẩm của Quảng Nam nói riêng, được các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai với đa dạng nội dung, phong phú hình thức... góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa tiêu dùng.

Tự hào hàng “made in" Quảng Nam

Các ngành chức năng của tỉnh chú trọng tuyên truyền về hàng Việt và hiệu quả mang lại là chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, người dân, doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối hàng hóa, dịch vụ. Hàng hóa trong nước được bày bán tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ hay các trung tâm thương mại, chợ đầu mối Quảng Nam đang là lựa chọn chủ yếu của người tiêu dùng.

Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức các hoạt động khảo sát, giám sát, kiểm tra sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp, nhất là truy xuất nguồn gốc sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chương trình tự hào hàng Việt kích cầu mua sắm hàng Việt. Ảnh QV
Chương trình tự hào hàng Việt kích cầu mua sắm hàng Việt. Ảnh QV

Ông Trần Bốn - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Sở NN&PTNT cho biết: “Chất lượng hàng hóa xứ Quảng ngày càng đảm bảo là yêu cầu bắt buộc để phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Sức mạnh nội tại của hàng Quảng được ghi nhận là dấu hiệu khả quan để phát triển kinh tế”.

Trong bối cảnh hồi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, ngành công thương đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Các hội chợ, phiên chợ hàng Việt được Sở Công Thương tổ chức khắp các vùng miền đã thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm, góp phần đẩy mạnh thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng “made in" Quảng Nam chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng.

Tại Quảng Nam, chương trình OCOP góp phần rất lớn trong tiêu dùng hàng đặc sản bản địa. Các chủ thể OCOP đề cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường. Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, hàng hóa OCOP không chỉ bán chạy trên địa bàn mà còn vươn xa ở thị trường toàn quốc, đặc biệt là xuất khẩu.

 

[VIDEO] - Tại Quảng Nam, giới thiệu trừng bày các sản phẩm OCOP tại các hội chợ góp phần rất lớn trong tiêu dùng hàng đặc sản bản địa:

Đưa sản phẩm đến người tiêu dùng

Ông Hồ Ngọc Hòa - người dân thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình), trước đây có thói quen lựa chọn sản phẩm hàng hóa nhập khẩu từ quần áo đến các loại trang thiết bị gia dụng thay vì mua mặt hàng trong nước. Vài năm trở lại đây, nhận thấy hàng hóa trong nước có tiến bộ nhiều về mẫu mã, chất lượng mà giá bán lại rẻ hơn nhiều so với những mặt hàng cùng chủng loại nhập khẩu, ông Hòa yên tâm tin dùng hàng Việt. Chuyển biến trong lựa chọn sử dụng sản phẩm hàng hóa của ông Hòa không chỉ tiết kiệm chi phí sinh hoạt mà còn thể hiện niềm tự hào hàng Việt.

Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ khẳng định vai trò phân phối hàng Việt. Ảnh: VQ.
Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ khẳng định vai trò phân phối hàng Việt. Ảnh: VQ.

Bên cạnh kết quả tích cực, có thể nhận diện điểm nghẽn trong tiêu dùng hàng Việt là nhiều sản phẩm, mặt hàng còn kém chất lượng so với hàng ngoại nhập; vẫn còn tình trạng doanh nghiệp “trốn” bảo hành, sản xuất hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ; cơ sở thương mại kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Mặt khác, với việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế, hàng hóa trong nước càng đối diện với áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Trong khi tâm lý "sính hàng ngoại" của một bộ phận người dân vẫn còn khá cao thì việc phối hợp tuyên tuyền thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa đồng bộ, kịp thời.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Thái Bình - Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho rằng, các cơ quan, các ngành, địa phương của tỉnh cần đổi mới, sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền, vận động dùng hàng Việt, lan tỏa văn hóa tiêu dùng hàng Việt chất lượng nói chung, hàng hóa Quảng Nam nói riêng. 

 

Khẳng định vai trò nhà phân phối

Hệ thống phân phối giữ vai trò rất quan trọng trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bởi đây là yếu tố "sân nhà” trợ giúp hàng hóa trong nước chiếm lĩnh thị trường.

Co.opMart Tam Kỳ đã dành hẳn vị trí đắc địa để bố trí dãy hàng quảng bá, bán các sản phẩm “made in" Quảng Nam. Người tiêu dùng khi đến siêu thị sẽ bắt gặp ngay các sản phẩm, hàng hóa xứ Quảng để lựa chọn mua sắm. Chị Hà Thanh - người dân phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) cho rằng, hàng hóa Quảng Nam đã chất lượng lại mẫu mã đẹp thêm có vị trí thu hút nên bán chạy là hiển nhiên.

Theo bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ, khi giá xăng dầu, giá gas tăng cao kéo theo các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và thực phẩm tăng giá, siêu thị đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, chương trình “Tự hào hàng Việt” để giảm giá, giúp khách hàng dễ mua sắm hơn. Co.opMart Tam Kỳ cũng thực hiện các chương trình bình ổn giá với những mặt hàng thiết yếu để đảm bảo mức chi dùng hợp lý cho mỗi gia đình trong nỗi lo “bão giá”. Bên cạnh nỗ lực bình ổn giá, Co.opMart Tam Kỳ định kỳ tổ chức các đợt khuyến mãi sâu, quy mô lớn, nhằm tiếp tục mang đến cơ hội mua sắm hàng Việt, hàng Quảng Nam chất lượng, giá cả phải chăng đến người tiêu dùng trên địa bàn.

Hệ thống phân phối đóng vai trò trung gian, là “cầu nối” từ phía nhà sản xuất tới khách hàng và ngược lại. Đến nay, có đến 95% hàng hóa ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ là hàng Việt chất lượng. Kết nối các nhà sản xuất uy tín trong nước và trên địa bàn tỉnh, Co.opMart Tam Kỳ đã hợp tác xây dựng những nhãn hàng riêng mang tên Co.opMart để đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng vừa hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng sản lượng, tối ưu hóa công suất, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ nhằm đạt hiệu quả sản xuất cao nhất.

 

Khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết đã có hiệu lực, sản phẩm, hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu... đòi hỏi các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải vận động nội tại, linh hoạt thích ứng.

Qua thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh Nguyễn Thành Luận - Giám đốc HTX Nấm đông trùng hạ thảo (ĐTHT) Quảng Nam đã triển khai thành công mô hình nuôi trồng, tạo nên bước ngoặt để phát triển loài dược liệu quý này đến đông đảo người tiêu dùng trong khi nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Nấm ĐTHT Quảng Nam được sản xuất theo quy trình khép kín, sản phẩm tạo ra được nuôi hữu cơ 100% nên giữ được dược tính và hàm lượng chất.

Điểm đặc biệt, hiện chỉ có HTX Nấm ĐTHT Quảng Nam sản xuất được giống thuần với sợi nấm to chưa nơi nào có được. Đến nay, các sản phẩm ĐTHT sấy thăng hoa, rượu ĐTHT hay ĐTHT ngâm mật ong của HTX đã vươn xa trên thị trường trong nước và bắt đầu xuất khẩu ở pháp, Đài Loan, Hàn Quốc…

 

Nhiều bạn trẻ đã bày tỏ niềm ngưỡng mộ lớn đối với chị Nguyễn Thị Tố Nga, quê Tiên Cẩm (Tiên Phước) - người sáng lập và là Tổng Giám đốc điều hành thương hiệu Sống Sạch Food. Đây là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất và thương mại các sản phẩm cao cấp cho bé ăn dặm. Công ty có văn phòng đại diện ở 3 miền Bắc - Trung - Nam với hàng chục nhân sự gắn bó nhiều năm.

Đến nay thương hiệu Sống Sạch Food có 4 sản phẩm OCOP và hàng hóa đã xâm nhập sâu thị trường trong nước và xuất khẩu. Công ty nằm trong tốp 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng; nhận được Bằng khen của Trung ương Đoàn năm 2021; năm 2022, được trao Giải thưởng Lương Định Của vinh danh nhà nông trẻ tiêu biểu.

Sản phẩm đông trùng hạ thủ, hàng Việt được ưa chuộng hiện nay. Ảnh: VQ.
Sản phẩm đông trùng hạ thủ, hàng Việt được ưa chuộng hiện nay. Ảnh: VQ.

“Các dòng dầu ăn nguyên chất theo tiêu chuẩn Extra Virgin, các loại dầu ăn dặm như dầu óc chó, dầu macca, dầu hạnh nhân, mè đen, nước mắm cá cơm than, các loại bột nêm từ rau củ cho bé đều được sản xuất theo quy trình khép kín với công nghệ cao giữ được những dưỡng chất sẵn có trong nguyên liệu. Chúng tôi đặt chất lượng của sản phẩm làm kim chỉ nam và không ngừng cải tiến mẫu mã kèm theo những chính sách ưu đãi dành cho đối tác và khách hàng” - chị Nga nói.

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, để khơi thông thị trường cho hàng Việt, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, tăng nội lực sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp cần tiếp thu, vận dụng các mô hình thành công trong nước và nước ngoài để đối mặt với áp lực cạnh tranh của hàng ngoại.

“Hợp tác, liên kết tạo chuỗi cung ứng để nâng cao sức mạnh sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân. Trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối hàng hóa chất lượng tới người tiêu dùng để chiếm lĩnh vị thế sân nhà” - ông Dự nói.

Ngăn chặn hàng giả để bảo vệ hàng Việt

Ông Lê Cần - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho hay, hàng nhái, hàng giả, hàng trôi nổi không chỉ len lỏi trong các chợ mà còn xâm nhập tận các hội chợ, phiên chợ giới thiệu, quảng bá, kinh doanh hàng Việt. Trong quý I/2023, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 10 vụ hàng nhái, hàng giả trên địa bàn tỉnh, phạt hành chính 72 triệu đồng, buộc phải tiêu hủy các mặt hàng. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa Quảng Nam phải xoay xở đủ cách để mong tồn tại thì không biết phải mất bao nhiêu thời gian để xây dựng lại niềm tin trong người tiêu dùng.

Cục Quản lý thị trường đang áp dụng đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước hết là tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật, tạo sự chuyển biến trong nhận thức các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa về tác hại của hàng giả, hàng nhái, cam kết không sản xuất, tiêu thụ hàng nhái, hàng giả. Kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt thị trường để thiết lập lại trật tự, kỷ cương sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lành mạnh, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính, người tiêu dùng. Lực lượng chức năng nắm rõ từng địa bàn, các tuyến trọng điểm để tổ chức triển khai biện pháp nghiệp vụ đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca - Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, các cơ quan, ban ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái do nước ngoài sản xuất nhưng gắn nhãn của doanh nghiệp Quảng Nam nói riêng, nước ta nói chung, qua đó bảo vệ uy tín của doanh nghiệp sản xuất trong nước và quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Riêng chống tiêu thụ hàng giả, hàng nhái ở loại hình kinh doanh sàn thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam nhận định là nhiệm vụ gian nan bởi tính chất phức tạp của nó. Ông Lương Viết Tịnh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho rằng, khi mua trực tuyến, người tiêu dùng nên tham khảo cách đánh giá của những người tiêu dùng trước đây đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như chính doanh nghiệp sản xuất, bán hàng hóa đó chứ đừng vì món hàng giảm giá mà mua. Các chủ sàn thương mại điện tử cũng cần nâng cao trách nhiệm chống hàng giả, hàng nhái theo các quy định.

 

TÂM ĐAN - VIỆT QUANG