[eMagazine] - Chấn chỉnh vi phạm nồng độ cồn: Thay đổi hành vi, xây dựng văn hóa giao thông

THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN 13/04/2023 08:10

(QNO) - Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) vừa mềm mỏng, kiên trì trong tuyên truyền vận động, vừa mạnh tay xử lý các vi phạm, đã tạo được sự chuyển biến tích cực về hành vi và thói quen sử dụng rượu bia của người dân, góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng xã hội.

 
 

Tại Việt Nam, rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở nam giới độ tuổi từ 15 đến 49. Theo các nhà nghiên cứu, người uống rượu, bia vượt quá giới hạn cho phép sẽ giảm tốc độ phản ứng từ 10 - 30% khi có tình huống xảy ra trên đường. 

Một vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện có sử dụng nồng độ cồn gây ra năm 2022. Ảnh: PV
Một vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng nồng độ cồn gây ra năm 2022. Ảnh: PV

Đáng chú ý, nếu nồng độ cồn ở mức 0,1 mg/l khí thở sẽ khó thao tác chính xác trong điều khiển phương tiện giao thông. Nồng độ cồn trong máu ở mức 50mg/100ml sẽ không còn khả năng điều khiển chính xác một số động tác. Người có nồng độ cồn trong máu 50 - 79mg/100ml máu thì nguy cơ xảy ra TNGT cao hơn người không uống rượu, bia tới 7 - 21 lần.

Uống rượu, bia vượt quá giới hạn cho phép cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác và quá trình xử lý, truyền tải hình ảnh tới não bộ, gây ước tính sai về khoảng cách. Vì vậy, người say rượu, bia dễ gây ra lỗi nguy hiểm như chạy quá tốc độ, vượt ẩu, đi sai phần đường quy định.

Bia, rượu là một trong 3 nguyên nhân gây tỉ lệ tai nạn giao thông hàng đầu. Ảnh: minh họa.
Bia, rượu là một trong 3 nguyên nhân gây tỉ lệ tai nạn giao thông hàng đầu. Ảnh: minh họa.

Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), trong năm 2022, cả nước xảy ra 350 vụ TNGT có nguyên nhân do rượu bia, làm chết 214 người, bị thương 268 người. Và hơn thế, sau những vụ tai nạn, hàng trăm gia đình lâm vào cảnh con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con, thậm chí vướng vào lao lý, đánh mất tương lại và trả giá cho “cuộc vui” của mình.

 
Lực lượng CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn trong tháng cao điểm ra quân tấn công trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023. Ảnh: PV
Lực lượng CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn trong tháng cao điểm ra quân tấn công trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023. Ảnh: PV

Thông thường, cứ vào dịp lễ tết, lượng người sử dụng rượu bia lái xe và nguy cơ gây tai nạn lại tăng cao. Như trước, trong và sau tết Quý Mão 2023 (tính từ 15/12/2022 đến 14/3/2023) lực lượng CSGT toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 7.749 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 7.276 trường hợp, với tổng số tiền phạt hơn 16 tỷ đồng, tước GPLX có thời hạn 2.028 trường hợp, tạm giữ 3.621 phương tiện giao thông vi phạm để xử lý. Trong đó có 3.168 trường hợp vi phạm nồng độ cồn ước tính 15,4 tỷ đồng.

 
Hiện nay, lực lượng CGST toàn tỉnh đang tích cực triển khai các đợt kiểm tra chuyên đề về nồng độ cồn. Ảnh: PV
Hiện nay, lực lượng CGST toàn tỉnh đang tích cực triển khai các đợt kiểm tra chuyên đề về nồng độ cồn. Ảnh: PV

Cả nể trong một cuộc liên hoan với đồng nghiệp, chị N.T.H (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) bị CSGT thổi phạt, lập biên bản tạm giữ phương tiện khi điều khiển xe máy về nhà sau khi đã uống rượu bia. Chị H. phải nộp mức phạt hơn 3 triệu đồng, đồng thời bị tạm giữ xe trong nhiều ngày.

“Dù trước đó đã biết thông tin về việc CSGT tăng cường tuần tra xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhưng vì cả nể, tôi có uống vài ly bia với đồng nghiệp. Vừa mất tiền phạt, vừa bị tạm giữ xe, phải mượn xe đi làm, tôi cảm thấy khá tiếc nuối. Tôi sẽ thay đổi thói quen để vừa đảm bảo an toàn, vừa chấp hành tốt quy định” - chị H. chia sẻ.

[Video] - Lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý nồng độ cồn. Đồng thời tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức chấp hành:

Trung bình mỗi tháng, CSGT Công an TP.Tam Kỳ phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 150 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chủ yếu là người điều khiển xe máy. Với mức xử phạt khá nặng, lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát nghiêm khiến nhiều “dân nhậu” bắt đầu e ngại.

Anh Nguyễn Tiến (khối phố Xuân Bắc, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) nói, từ khi CSGT tăng cường xử lý vi phạm, anh đã đổi hẳn thói quen. Những buổi nhậu “tại gia” được tổ chức nhiều hơn, thay vì lái xe ra quán rồi loay hoay không dám lái xe về sau những cuộc nhậu.

 

Những cuộc nhậu thưa vắng hơn nhiều so với trước, khi “dân nhậu” bắt đầu “ngán” bị xử phạt nồng độ cồn. Nếu phải ra quán xá, nhiều người lựa chọn phương tiện công cộng như taxi, xe dịch vụ. Có người bỏ hẳn xe máy, chọn đi bộ ra các quán xá gần nhà. Và chính sự thay đổi về tâm lý của người dân đang tác động lớn đến việc kinh doanh của nhiều nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn TP.Tam Kỳ.

Người sử dụng nồng độ cồn đi xe dịch vụ về nhà thay vì bất chấp lái xe. Ảnh: PV
Người sử dụng nồng độ cồn đi xe dịch vụ về nhà thay vì bất chấp lái xe. Ảnh: PV

Anh Nguyễn Văn Bảy, chủ nhà hàng Bảy Tam Thanh trên đường Bạch Đằng cho hay, nhiều tháng qua, lượng khách đến quán 40 - 50% sau khi CSGT liên tục ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn. Hiện nhiều khách quen chọn cách mua thức ăn mang về chứ không ăn uống tại quán. Còn số khách đến quán thường là đi theo gia đình, chồng uống sau đó vợ lái xe đưa về. Vài trường hợp khác thì đến bằng taxi, xe dịch vụ chứ không chạy xe máy, lái ô tô tự do ăn uống như trước đây.

 

Nắm được tâm lý, nhu cầu của người dân, các nhà hàng đồng loạt áp dụng nhiều biện pháp “hỗ trợ”, kích cầu đối với khách hàng. Các nhà hàng lớn treo biển thông báo có xe đưa đón miễn phí đối với khách đi theo nhóm. Nhiều dịch vụ “đi kèm” cũng nở rộ.

Nhiều nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn TP.Tam Kỳ sử dụng xe đưa khách về tận nơi. Ảnh: H.P
Nhiều nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn TP.Tam Kỳ sử dụng xe đưa khách về tận nơi. Ảnh: H.P

Thông điệp “bạn cùng xe về nhà an toàn khi say” được quảng cáo trên mạng xã hội facebook, zalo. Thậm chí, nhiều người còn cài đặt sẵn app Shipping Men – một phần mềm xe ôm công nghệ trên điện thoại thông minh để đặt lịch về nhà khi đã sử dụng bia rượu.

Nở rộ các dịch vụ hỗ trợ khách lái xe về nhà. Ảnh: PV
Nở rộ các dịch vụ hỗ trợ khách lái xe về nhà. Ảnh: PV

Đáng chú ý, trong những tình huống “bất khả kháng” khi sử dụng rượu bia, sẽ có một đội ngũ đến đón, lái xe hộ chở khách về nhà trong mọi lúc, mọi nơi. Giá dịch vụ lái xe máy hộ trong bán kính dưới 5km chỉ từ 50 nghìn đồng, lái ô tô hộ dưới 5km là 100 nghìn đồng. Đối với những phạm vi xa hơn, giá cũng dao động từ 80 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng. So với mức xử phạt khi vi phạm nồng độ cồn, giá dịch vụ này được xem là khá hợp lý, đảm bảo an toàn cho cả người sử dụng rượu bia lẫn phương tiện sau những buổi ăn nhậu.

 

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, vẫn có một bộ phận người dân chưa thực sự chấp hành tốt các quy định khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là các quy định liên quan đến nồng độ cồn.

CSGT tuần tra lưu động, kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: PV
CSGT tuần tra lưu động, kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: PV

Anh Trương Thanh Sơn, lái xe của một hãng taxi cho hay, gần đây, nhu cầu của người dân di chuyển trong nội thị có tăng so với trước nhưng cũng chưa thực sự đáng kể.

“Trước đây nhu cầu đi lại của người dân ngoài giờ hành chính không nhiều lắm. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng siết lại việc tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhu cầu đi lại của người dân có tăng lên so với trước nhưng cũng còn ít, phần lớn là cán bộ công chức hoặc một số nhân viên của các công ty, doanh nghiệp lớn. Tôi thấy, nhiều người dân vẫn cố tình lái xe máy sau khi đã uống rượu bia, tìm đường luồn lách, né CSGT thay vì gọi xe dịch vụ đưa đón” - anh Sơn chia sẻ.

CGST tuần tra, kiểm soát, kiểm tra nồng độ cồn cả trong những tuyến đường nhỏ để xử lý trường hợp né chốt, không hợp tác. Ảnh: PV
CGST tuần tra, kiểm soát, kiểm tra nồng độ cồn cả trong những tuyến đường nhỏ để xử lý trường hợp né chốt, không hợp tác. Ảnh: PV

Theo chân đội tuần tra của CSGT Công an TP.Tam Kỳ trong nhiều đêm, phóng viên Báo Quảng Nam online ghi nhận tình trạng nhiều tài xế xe máy cố tình “né chốt”, quay đầu bỏ chạy khi thấy bóng dáng của CSGT. Khi bị CSGT truy đuổi, nhiều tài xế lập tức tìm các đường hẻm, đường kiệt để chạy trốn, không hợp tác.

Một thanh niên cố tình lái xe bỏ chạy vào tuyến đường bê tông thuộc khối phố Đoan Trai (TP.Tam Kỳ) bị tổ tuần tra lưu động của CSGT phát hiện, dừng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả kiểm tra cho thấy thanh niên này có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, chứng tỏ người vi phạm đã sử dụng khá nhiều bia rượu.

Làm việc với CSGT, thanh niên này cho hay vừa rời một bữa tiệc của bạn bè ở gần đó, do khoảng cách về nhà không xa nên quyết định tự lái xe về. Sau khi xuất trình các giấy tờ liên quan và ký vào biên bản, xe máy của thanh niên này bị tạm giữ.

CSGT đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nồng độ cồn. Ảnh: PV
CSGT đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nồng độ cồn. Ảnh: PV

Một cán bộ CSGT cho hay, tình trạng người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra, cố tình lái xe bỏ chạy vẫn còn xuất hiện trong các đợt ra quân tuần tra kiểm soát. Đa số trường hợp này là thanh niên, sợ bị tạm giữ xe, bị xử phạt nặng nên tìm mọi cách để trốn tránh CSGT.

Có trường hợp, tổ tuần tra buộc phải tạm dừng truy đuổi do lo ngại đối tượng đi vào đường nhỏ, chạy tốc độ nhanh gây tai nạn cho người đi đường. Trong một số tình huống, CSGT sẽ kiên quyết truy đuổi, kiểm tra nồng độ cồn và lập biên bản xử lý để đảm bảo hiệu quả răn đe.

Thiếu tá Nguyễn Đức Nhâm - Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an TP.Tam Kỳ cho hay, với việc xử lý mạnh tay, ráo riết và liên tục, chắc chắn người dân sẽ có ý thức tốt hơn, chấp hành nghiêm quy định.

 

Để phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu UBND tỉnh cũng yêu cầu tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là thực hiện nghiêm việc không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, đồng thời gửi thông báo xử phạt về cơ quan làm việc để xem xét kiểm điểm.

Đặc biệt, nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang tác động, can thiệp hoặc tiếp nhận can thiệp vào việc kiểm tra, điều tra, xử lý vi phạm  trật tự ATGT của lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng khác theo quy định của pháp luật.

Đây được xem là động thái quyết liệt nhằm lập lại trật tự ATGT trên toàn địa bàn tỉnh. Theo Thượng tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an Quảng Nam, thời gian qua, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả các kế hoạch chuyên đề kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự ATGT theo chỉ đạo của Bộ Công an. Trong đó, thực hiện thường xuyên, liên tục các chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ.

 

Bên cạnh việc triển khai quyết liệt, nghiêm khắc của lực lượng CGST, công tác tuyên truyền cần được các cấp, ngành, địa phương, đoàn thể triển khai đồng bộ với những cách làm thiết thực. Qua đó nâng cao nhận thức người dân, góp phần hình thành văn hóa giao thông và kéo giảm những vụ TNGT thương tâm không đáng có do nồng độ cồn gây ra. 

 


THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN