[eMagazine] - Đổi mới xây dựng nông thôn mới
Qua 12 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, bao vùng quê xứ Quảng như được khoác lên mình “chiếc áo mới” tinh tươm với nhiều gam màu tươi sáng. Nhưng, chiếc áo nào mặc mãi rồi cũng phải cũ! Nông thôn mới đang cần được thay áo mới với chất liệu vải tốt hơn, hoa văn đẹp hơn, đường may sắc nét hơn..., từ những chủ thể thực hiện chuyên nghiệp hơn, thiết kế với tư duy đổi mới sáng tạo theo kịp xu thế thời đại, để chiếc áo mới lần này mặc được đẹp hơn, bền hơn.
Từ năm 2011 đến nay, với quyết tâm cao và nỗ lực rất lớn, Quảng Nam đã gặt hái nhiều thành quả quan trọng trong xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM). Cuộc sống là sự vận động không ngừng, do vậy việc tổ chức thực hiện chương trình này cũng cần phải thay đổi để tạo bước chuyển tích cực, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025.
Thay đổi đời sống
Ông Lê Tấn Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành nói, mặc dù địa phương không được chọn làm điểm, nhưng những năm qua đã tạo dấu ấn lớn trong quá trình triển khai Chương trình Nông thôn mới (NTM).
Theo ông Bảo, giai đoạn 2011 - 2017, bằng nhiều nguồn vốn huy động, Duy Thành đầu tư hơn 160 tỷ đồng thực hiện mô hình này. Đến cuối năm 2017, xã hoàn thành 19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 46,7 triệu đồng, tăng 8,7 triệu đồng so với năm 2017. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,17%, giảm 2,43% so với cách đây 6 năm.
Ông Đoàn Công Minh - cán bộ chuyên trách NTM huyện Duy Xuyên cho biết, địa phương có 11 xã xây dựng mô hình NTM (trừ thị trấn Nam Phước và 2 xã Duy Nghĩa, Duy Hải phát triển theo hướng đô thị). Năm 2011, khi triển khai chương trình, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện chỉ đạt 4 tiêu chí. Nhờ nỗ lực huy động nhiều nguồn vốn, giai đoạn 2011 - 2020 Duy Xuyên đầu tư hơn 2.817 tỷ đồng xây dựng NTM.
Đến cuối năm 2020, cả 11 xã của Duy Xuyên đều đạt chuẩn và huyện cũng hoàn thành 9 tiêu chí huyện NTM. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2020, trong 2 năm 2021 - 2022 Duy Xuyên tiếp tục đầu tư hơn 35 tỷ đồng cho việc nâng chuẩn huyện NTM.
Năm 2022 thu nhập bình quân đầu người của Duy Xuyên đạt 50,2 triệu đồng, tăng 24,4 triệu đồng so với năm 2011 và hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,39% theo chuẩn mới.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho hay, sau khi tiến hành sáp nhập một số đơn vị cấp xã và có những xã lên phường, thị trấn thì hiện nay Quảng Nam có tổng cộng 194 xã thực hiện Chương trình NTM. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng việc xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Nâng chuẩn là yêu cầu tất yếu
Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh (Duy Xuyên) cho biết, năm 2019 địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM. Từ năm 2020 - 2022, xã tiếp tục huy động 50 tỷ đồng để nâng chuẩn NTM, trong đó ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, thủy lợi và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế theo bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2022 - 2025 quy định tại Quyết định số 2072 (ngày 9/8/2022) của UBND tỉnh thì hiện giờ Duy Vinh bị rớt 8 tiêu chí.
“Theo kế hoạch, trong 3 năm tới, Duy Vinh sẽ tiếp tục huy động khoảng 100 tỷ đồng cho việc nâng chuẩn NTM, phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Hiện giờ, địa phương đã đạt 8 tiêu chí xã NTM nâng cao và theo lộ trình thì năm 2023 đạt thêm 3 tiêu chí, năm 2024 đạt 3 tiêu chí nữa, năm 2025 đạt 5 tiêu chí còn lại” - ông Sáu nói.
Đối với huyện Duy Xuyên, sau khi rà soát theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022 - 2025 quy định tại Quyết định số 2072 của UBND tỉnh thì toàn bộ 11 xã đạt chuẩn trong giai đoạn 2011 - 2020 bị rớt nhiều tiêu chí. Hiện nay bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện chỉ còn 12,76 tiêu chí.
Còn tại Hiệp Đức, ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, trừ thị trấn Tân Bình, địa phương có 10 xã xây dựng mô hình NTM và những năm qua đã có 5 xã được công nhận đạt chuẩn, gồm: Bình Lâm, Quế Thọ, Hiệp Hòa, Hiệp Thuận, Bình Sơn. Nếu đánh giá theo bộ tiêu chí cũ, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện đạt 16,2 tiêu chí; còn áp dụng theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025 thì giảm xuống còn 10,2 tiêu chí/xã.
“Đáng chú ý, cả 5 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM vừa nêu đều bị rớt tiêu chí, trong đó nhiều nhất là xã Hiệp Thuận rớt 7 tiêu chí và ít nhất là xã Hiệp Hòa rớt 2 tiêu chí” - ông Nghiệp cho hay.
Theo tìm hiểu, nếu đánh giá theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025, hiện nay bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM của mỗi xã trên toàn tỉnh chỉ còn 13,75 tiêu chí, giảm 2,73 tiêu chí/xã so với bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020. Trừ 5 xã về đích năm 2022, trong tổng số 118 xã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2021 chỉ có 18 xã đảm bảo duy trì 19 tiêu chí.
Ông Trần Công Lân - Phó phòng Hành chính & tổng hợp Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022 - 2025 có 19 tiêu chí với 57 chỉ tiêu (trong đó có 13 chỉ tiêu Trung ương giao cho cấp tỉnh quy định).
So với bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020, bộ tiêu chí mới giảm 2 chỉ tiêu cũ nhưng bổ sung đến 10 chỉ tiêu. Những chỉ tiêu tăng thêm rơi vào các tiêu chí về lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Yêu cầu của xây dựng mô hình NTM ngày càng cao, vì vậy việc nâng chuẩn bộ 19 tiêu chí là vấn đề tất yếu cần phải tập trung mọi nỗ lực thực hiện, nếu không sẽ bị chững lại và thụt lùi.
Phát huy vai trò chủ thể cùng sự đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới đỏi hỏi phải có giải pháp khơi dậy nội lực phù hợp.
Chuyện từ Nông Sơn
Đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020, đến nay nhìn lại, chính quyền và người dân xã Sơn Viên (huyện Nông Sơn) đã thấy mình "lỗi thời". Dễ nhận ra nhất là giao thông. Trước đây, có lẽ từ đường đất lên đường bê tông như "một bước lên mây" nên không so đo chuyện rộng hẹp (!). Hầu hết trục đường liên thôn, ngõ xóm của xã mặt đường chỉ 2-2,5m. Cho nên việc ở rộng mặt đường là yêu cầu tất yếu.
Ông Đỗ Tiến Trọng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Sơn Viên cho biết, dự kiến địa phương cần hơn 6 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa 19 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 6,5km. Ngoài vốn đầu tư của Nhà nước, địa phương cần phải huy động vốn đối ứng của người dân để xây dựng các công trình trong đó có đường giao thông nông thôn.
Tuy nhiên, lâu nay việc huy động đóng góp người dân xây dựng NTM chủ yếu là hiến cây cối, đất đai, hoa màu, ngày công lao động. Mấy năm nay thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập người dân, nên việc kêu gọi đóng góp về kinh phí trong thời gian này cần cách làm phù hợp.
Huyện Nông Sơn phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện NTM. Đến nay, huyện có 4/6 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã chưa đạt là Quế Lâm, Ninh Phước. Nhìn nhận về vai trò của người dân trong xây dựng NTM thời gian qua, ông Phạm Phú Thủy - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nông Sơn nói, nhờ làm tốt tuyên truyền nên người dân đã chung tay hiến đất làm đường giao thông, các công trình thủy lợi, xây dựng cơ bản…
Ông Thủy nói, người dân cơ bản không còn nghĩ Nhà nước đầu tư để xây dựng NTM mà đã nhận thức được mình phải chung tay. Dù vậy, do đời sống khó khăn nên việc huy động tài lực từ trong dân phải thực hiện từng bước, cùng mức huy động nhưng chia ra nhiều lần, vì nguồn lực cũng không phải sử dụng cùng một lúc. Dựa vào dân nhưng phải khoan thư sức dân.
Về phương thức đầu tư, trong điều kiện khó khăn, thời gian đến huyện Nông Sơn sẽ đầu tư nguồn lực xây dựng NTM có trọng tâm, trọng điểm. Một mặt huyện củng cố các tiêu chí còn mỏng ở các xã đã đạt, phần còn lại ưu tiên hoàn thiện các tiêu chí của 2 xã còn lại. Ngoài phần đầu tư của huyện thì sự đối ứng của xã và đóng góp của người dân mang yếu tố quyết định. Do đó, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu và chia sẻ với Nhà nước, coi sự đồng thuận của người dân là yếu tố đầu tiên...
Xây dựng các tiêu chí mềm
Năm 2022, Quảng Nam giảm 3.318 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra 3.000 hộ. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", trong năm 2022, Mặt trận các cấp tổ chức hiệp thương với các tổ chức thành viên phân công giúp đỡ 341 hộ thoát nghèo bền vững; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 118 ngôi nhà với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra, tuyên truyền vận động người dân hiến hơn 41.149m2 đất, đóng góp 2.786 ngày công và 5,2 tỷ đồng để tham gia xây dựng NTM.
Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, để khơi dậy sức dân trong xây dựng NTM, Ủy ban MTTQ Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò nòng cốt trong vận động, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, hội viên, đoàn viên tham gia xây dựng NTM nhằm thống nhất về nhận thức, đồng thuận về quan điểm để tuyên truyền, vận động và chỉ đạo xây dựng NTM từ “nhà ra ngõ, từ thôn lên xã, lên huyện, lên tỉnh”.
Đồng thời xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong việc bàn và quyết định các nội dung, nhiệm vụ xây dựng NTM theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Theo ông Bình, hiện nay, các tiêu chí NTM có sự chuyển hướng, không chạy theo thành tích mà bền chặt hơn, đặc biệt là tiêu chí mềm mà người dân tự đầu tư xây dựng, ví dụ các đường hoa, các tiêu chí về đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, an toàn thực phẩm... theo hướng "NTM phải có sức sống mới, diện mạo mới; xây dựng những miền quê đáng sống".
Do đó, công tác tuyên truyền, vận động cần được đẩy mạnh nhằm khuyến khích người dân hưởng ứng, thi đua thực hiện tốt các tiêu chí mềm trong xây dựng NTM, bên cạnh sự đóng góp về vật chất, hiến đất đai, cây cối, hoa màu...
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Mặt trận sẽ đổi mới cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" theo hướng thực chất, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiếp thục thực hiện hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam triển khai 6 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm tạo đòn bẩy xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, trong đó có 3 chuyên đề được xem là nòng cốt.
Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi
Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, nhờ nỗ lực triển khai nhiều phần việc, 5 năm qua Quảng Nam đạt thành quả lớn trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP. Theo ông Noa, giai đoạn 2018 - 2022 trên địa bàn tỉnh có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã gửi hồ sơ đề nghị trung ương thẩm định, công nhận.
Nhiều ý kiến cho rằng, những năm qua Chương trình OCOP có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Chương trình này được xem là một trong những giải pháp hiệu quả thực hiện nhóm tiêu chí về tăng thu nhập, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế địa phương, tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn xứ Quảng.
Theo mục tiêu đặt ra trong đề án thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh quan tâm củng cố và nâng cấp 206 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2018 - 2020 thì từ năm 2021 - 2025 Quảng Nam hỗ trợ phát triển mới ít nhất 200 sản phẩm OCOP. Ngoài 19 điểm và trung tâm OCOP đã có, tỉnh sẽ hình thành thêm 45 điểm bán hàng OCOP, 8 trung tâm OCOP cấp huyện, 1 trung tâm OCOP cấp tỉnh và 1 trung tâm OCOP cấp vùng. Đến năm 2025, doanh số bán hàng OCOP đạt hơn 300 tỷ đồng (tăng hơn 4 lần so với năm 2020) và lợi nhuận đạt hơn 80 tỷ đồng.
Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các chủ thể OCOP diễn ra cuối năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói, thời gian tới ngành liên quan và chính quyền các cấp phải tích cực phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế để việc thực hiện Chương trình OCOP ngày càng đi vào chiều sâu.
Theo ông Tuấn, trong quá trình triển khai, ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm đảm bảo chủ động nguồn nguyên liệu tại địa phương và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, ổn định đầu ra. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh sản phẩm OCOP, kết nối đối tác để mở rộng thị trường tiêu thụ...
Tạo chuyển biến du lịch nông thôn
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn Quảng Nam đến năm 2025. Theo đó, các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn cần xây dựng ít nhất 1 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”, phấn đấu ít nhất 50% số sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên.
Thêm nữa, sẽ có 2-3 mô hình trong số này được tập trung hỗ trợ để trở thành mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Cuối năm 2022 tỉnh cũng đã đề xuất với Bộ NN&PTNT về việc làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim, Hội An) được triển khai thí điểm Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay: “Trong năm 2023, các ngành liên quan sẽ đề ra kế hoạch quảng bá, kết nối cho được các sản phẩm OCOP thông qua hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Quảng bá ở đây không chỉ đơn thuần là sản phẩm, điểm đến, tài nguyên mà là cả nét đặc trưng văn hóa, nông thôn xứ Quảng”.
Hậu đại dịch COVID-19, không chỉ ở ven đô Hội An mà một số điểm đến du lịch nông thôn khác trên địa bàn tỉnh cũng đang chuyển mình mạnh mẽ, linh hoạt theo xu thế được cơ quan quản lý du lịch cùng các đơn vị lữ hành đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM. Nổi bật trong số này là làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh, Tiên Phước).
Ông Hồ Công Luận - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Tiên Phước cho hay, thông qua hội làng và sản phẩm du lịch mới Lộc Yên - Thạnh Bình trong hội làng tới đây, du khách sẽ khám phá, cảm nhận rõ nét hơn sự thay đổi của làng quê này. Ở đó, sự thay đổi trong nhận thức với những câu chuyện về sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, khởi tạo tài nguyên bằng các hoạt động tái chế rác thải, bảo tồn trân trọng thiên nhiên thông qua nhiều hoạt động có chiều sâu của cư dân...
Tập trung chuyển đổi số
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, đơn vị đang chỉ đạo phòng chuyên môn tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 924 (ngày 2/8/2022) của Thủ tướng Chính phủ. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiệm vụ này phải hoàn thành trong quý I năm 2023.
Bà Quyên cho rằng, triển khai CĐS trong xây dựng NTM ở Quảng Nam có nhiều thuận lợi. Thời gian qua tỉnh đã chủ trương thực hiện CĐS cấp xã mạnh mẽ, đạt kết quả. Trong đó, về hạ tầng số, tính đến hết tháng 10/2022 toàn tỉnh phát triển được 2.100 trạm BTS; đường truyền cáp quang đã kéo đến 100% xã và 96,5% thôn; sóng thông tin di động 3G, 4G đã phủ sóng 100% xã và 97,5% thôn.
Đến nay cả tỉnh có 688 nhà văn hóa thôn có wifi (đạt 55%); 235/241 xã triển khai hệ thống hội nghị truyền hình… Tỉnh đã triển khai kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng đến tất cả xã trên địa bàn. Nâng cấp, mở rộng hệ thống mạng WAN của tỉnh kết nối đến cấp xã.
Theo bà Quyên, để thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn cần xây dựng hệ sinh thái ngành nông nghiệp phát triển bền vững như xây dựng cơ sở dữ liệu riêng của ngành, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở chăn nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản…
Đồng thời lựa chọn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào hoạt động sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP nhằm tự động hóa quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến. Ngoài ra, cần tiếp tục hỗ trợ đưa nâng, sản phẩm đặc trưng của tỉnh lên sàn thương mại điện tử.