[eMagazine] - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường: “Khát vọng và hành động của Quảng Nam”

HOÀNG DIỄM 17/01/2023 15:42

Quảng Nam đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Mọi nguồn lực đang được huy động cho mục tiêu này. Và năm 2023 sẽ khởi đầu chặng đường bứt tốc, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030,  tầm nhìn đến năm 2050.Nhân dịp đón Xuân Quý Mão, đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc trò chuyện về tầm nhìn và hành động của Quảng Nam. 

 

- Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, năm 2023 là năm bản lề của việc triển khai thực hiện các mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Nhìn lại gần nửa chặng đường đã qua, nhất là trong năm 2022, đồng chí nhận xét gì về những thành tựu có thể xem là dấu ấn nổi bật nhất của tỉnh nhà?

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, hằng năm,Tỉnh ủy đều đề ra chủ đề công tác năm để phấn đấu thực hiện. Với chủ đề công tác năm 2022 là “Kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Tỉnh ủy đã đề ra 16 chỉ tiêu và đến nay cả 16 chi tiêu đều đã đạt và vượt. Đây là kết quả hết sức ấn tượng của năm 2022; và cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm, tất cả chỉ tiêu đề ra từ đầu năm đều đạt và vượt.

Cùng với thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực, năm 2022 cũng để lại nhiều dấu ấn khác, khi Quảng Nam đón nhiều đoàn công tác của Trung ương đến thăm và làm việc; đặc biệt là các đoàn của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

Năm 2022, Quảng Nam cũng đăng cai nhiều sự kiện quốc tế, quốc gia quan trọng như: Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa - Thông tin ASEAN, Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022, Liên hoan Âm nhạc ASEAN,... Đặc biệt, Quảng Nam đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiều quy hoạch chiến lược khác. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến.

 

Một số dự án du lịch, công trình đã đưa vào hoạt động như: Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, cầu Nguyễn Duy Hiệu (Hội An), quốc lộ 40B đoạn Tam Kỳ - Tiên Phước… Một số công trình lớn được khởi công, như cầu Tân Bình (Hiệp Đức), cầu An Bình và đường nối ĐT609C đến quốc lộ 14B, cầu Sông Thu và đường nối quốc lộ14H đến ĐT609C, nâng cấp và làm mới 23 hồ thủy lợi,…

Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”  được tổ chức thành công với nhiều chương trình, hoạt động có tiếng vang lớn. Công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt; gắn với đó là những nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022, Quảng Nam và các địa phương của Lào tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Lào – Việt Nam.
Năm 2022, Quảng Nam và các địa phương của Lào tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Lào – Việt Nam.

 - Các Đoàn công tác của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội  thăm và làm việc với Quảng Nam năm 2022, đã có những kết luận và chỉ đạo rất quan trọng. Thưa đồng chí, chúng ta đã triển khai thực hiện như thế nào, nhất là ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ?

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Thông qua các chuyến thăm và làm việc tại Quảng Nam, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam trong quá trình xây dựng, phát triển quê hương; đồng thời, thống nhất cao với những định hướng và tầm nhìn chiến lược của tỉnh trong giai đoạn đến. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết sách rất quan trọng không chỉ riêng đối với Quảng Nam mà còn với cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Ngay sau khi có kết luận của Thủ tướng, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh tổ chức họp, nghiên cứu và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tiến độ triển khai từng nhiệm vụ; thường xuyên và tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương xây dựng các đề án. Theo tôi, tiến độ triển khai trong thời gian qua khá tốt. Tôi đưa vài ví dụ:

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cùng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiểm tra ngoại vi sân bay Chu Lai.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cùng Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng kiểm tra ngoại vi sân bay Chu Lai.

(1) Về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, UBND tỉnh đã thành lập các Tổ soạn thảo đề  Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, Đề án thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam để nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp. Tỉnh cũng đã giao UBND thành phố Hội An hợp đồng với đơn vị tư vấn xây dựng Đề án phát triển bền vững đô thị cổ Hội An, gắn với hiện thực hóa mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.

(2) Về chủ trương xã hội hóa đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn DWT, tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT bổ sung tuyến luồng này vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 3 và giao Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh theo dõi, cùng với Công ty CP Tập đoàn Trường Hải tổ chức các hội thảo để làm rõ những vấn đề liên quan như sạt lở, bồi lắng, xâm nhập mặn, bãi thải, tiêu thoát lũ,…; đồng thời hoàn thành  thiết kế sơ bộ tuyến luồng Cửa Lở.

(3) Về cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Km15+270 - Km89+700. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hiện nay các địa phương Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn đang gấp rút thực hiện, dự kiến quý I năm 2023 sẽ khởi công.

(4) Về xây dựng trung tâm công nghiệp dược liệu của tỉnh, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án, trong đó xác định cây sâm Ngọc Linh là cây chủ lực. Tỉnh cũng đã rà soát, đánh giá diện tích quỹ đất tại 9 huyện miền núi có thể phát triển thành vùng nguyên liệu để phục vụ lĩnh vực này.

Năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường chủ trì nhiều cuộc họp mang tính quyết sách lớn cho Quảng Nam.
Năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường chủ trì nhiều cuộc họp mang tính quyết sách lớn cho Quảng Nam.

- Khát vọng phát triển Quảng Nam, chỉ có thể hiện thực hóa trước hết là từ nhân tố con người, nhất là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Trung ương và Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Theo đồng chí, đâu là những điểm mới, có tính đột phá về công tác cán bộ mà Quảng Nam đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay? Nhận xét của đồng chí về tinh thần, thái độ, hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên sau khi Đảng và Nhà nước ngày càng “siết chặt” hơn trong lãnh đạo, quản lý?

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 20, ngày 20/12/2021 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng có một nghị quyết riêng về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 21, ngày 10/02/2022) thể hiện sự quan tâm công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Cạnh đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành nhiều quy định, đề án về công tác cán bộ, như: Quy định số 450-QĐ/TU, ngày 21/2/2022 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định số 455-QĐ/TU, ngày 22/2/2022 về chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh; Đề án số 10-ĐA/TU, ngày 30/3/2022 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030…

 

Đặc biệt, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ sáu khóa XXII đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 20, ngày 20/12/2021 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều điểm mới, có tính đột phá, như: xin chủ trương của Trung ương để thực hiện thí điểm việc bổ nhiệm vượt cấp đối với cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý; thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng;

Điểm mới nữa là người đứng đầu có trách nhiệm tiến cử, đề xuất người thay thế mình; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; tăng thêm số lượng phó bí thư cấp ủy cấp huyện, cấp xã ngoài số lượng theo quy định… Đây chính là những đột phá về công tác cán bộ mà Tỉnh ủy khóa XXII đã đề ra.

Lãnh đạo tỉnh cùng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trồng cây lưu niệm tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng và thực hiện nghị thức khởi công dự án tu bổ, nâng cấp Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh.
Lãnh đạo tỉnh cùng Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trồng cây lưu niệm tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng và thực hiện nghị thức khởi công dự án tu bổ, nâng cấp Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh.

Qua theo dõi, tôi nhận thấy đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn phát huy tinh thần gương mẫu, sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó; nói, viết, làm theo quan điểm, chủ trương của Đảng; nắm vững chính sách, pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức, tinh thần cầu thị, có chí tiến thủ. Phong cách, lề lối làm việc không ngừng được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, hiệu quả trong thực thi công vụ.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm; chưa gương mẫu trong thực thi công vụ; chất lượng tham mưu, hiệu quả triển khai thực hiện nhiệm vụ và trình độ, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

 

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác cán bộ, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 17/11/2022 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác trong thực thi công vụ. Theo đó, tỉnh tiếp tục quán triệt đầy đủ và tổ chức thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, quy định, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về nêu gương, thực hiện văn hóa công sở; phát huy hơn nữa vai trò nêu gương của người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên…

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường thăm vườn ươm giống cây sâm Ngọc Linh, xã Trà Linh (Nam Trà My) và trao đổi với người dân miền núi.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường thăm vườn ươm giống cây sâm Ngọc Linh, xã Trà Linh (Nam Trà My) và trao đổi với người dân miền núi.

Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ hoàn thành tốt trọng trách của mình trước Đảng và Nhân dân trong giai đoạn mới, góp phần cùng cả tỉnh hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu phát triển Quảng Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tích cực chuẩn bị đội ngũ kế cận

- Theo lộ trình, năm 2023 này, việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ kế tiếp sẽ bắt đầu triển khai ở các cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có những định hướng gì công tác này, thưa đồng chí?

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Năm 2023 là năm lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ theo quy định của Đảng. Trên cơ sở đó, những cán bộ lãnh đạo được tín nhiệm cao (còn tuổi tái cử) sẽ được tiếp tục bồi dưỡng để quy hoạch chức vụ cao hơn; đồng thời  trường hợp yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, tín nhiệm thấp sẽ đưa ra khỏi quy hoạch.

Bí thư Tỉnh ủy gặp mặt các thế hệ đại biểu HĐND tỉnh đã nghỉ hưu.
Bí thư Tỉnh ủy gặp mặt các thế hệ đại biểu HĐND tỉnh đã nghỉ hưu.

Chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ kế tiếp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ hiện tại (2020 - 2025, 2021 - 2026) và quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp (2025 - 2030, 2026 - 2031) đảm bảo chất lượng; kịp thời bổ sung, kiện toàn các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đảm bảo nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời, cử đi học tập, bồi dưỡng, luân chuyển các chức danh để đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Đảng.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đủ sức giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Cơ cấu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới phải gắn với việc phát triển toàn diện về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, biên giới,… theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra.

Qua công tác nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thấy đội ngũ cán bộ của tỉnh trưởng thành về nhiều mặt; nhiều đồng chí đáp ứng tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh đảm bảo theo quy định của Trung ương, của tỉnh. Hy vọng từ nay đến lúc đại hội Đảng, với quyết tâm cao và nỗ lực lớn, Tỉnh ủy sẽ xây dựng và chuẩn bị thật tốt đội ngũ kế cận nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ kế tiếp.

 

HOÀNG DIỄM