[eMagazine] - Bếp lửa trong đời sống đồng bào vùng cao
(QNO) - Bếp lửa gắn chặt với đời sống hằng ngày và cả đời sống tâm linh của đồng bào miền núi Quảng Nam. Ngày nay, cuộc sống vùng cao đã nhiều thay đổi, nhưng gia đình, cộng đồng làng vẫn giữ bếp lửa, tục thờ Thần lửa và trở thành nét văn hóa đặc trưng.
Khách đến miền núi Quảng Nam, không gì thú vị hơn khi đêm về, ngồi bên bếp lửa, uống rượu, nghe tấu khúc “ching chiêng”, nghe già làng kể chuyện, nhìn đàn ông đan gùi, đàn bà dệt thổ cẩm; tiếng con trai, con gái nói cười rộn rã.
Tín thức về Thần lửa
Xưa, truyền thuyết của người Ca Dong kể rằng: Khi trời đất vừa mới được tạo dựng, chưa hề có lửa, con người phải ăn sống, mùa lạnh cũng không có lửa sưởi ấm. Một ngày kia, Giàng báo mộng cho già làng biết, trên thế gian chỉ con cáo là có lửa, nhưng nó ở rất xa, con người không đi đến được. Già làng nhờ con ve ve bay đi tìm đến con cáo để xin. Cáo nể tình ve lặn lội xa xôi nên đồng ý, nhưng với điều kiện là ve ve phải nhắm mắt lại để nó đánh lửa, nếu nhìn thấy thì mắt sẽ bị mù.
Tuy nhiên, nhờ có mắt ở bai bên nách nên dù nhắm lại nhưng ve vẫn nhìn thấy được cáo đánh mồi lửa. Ve về làng nói lại, già làng mới truyền dạy cho con người. Vì lời nguyền, cũng từ đó, mắt ve ve hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa.
Với các dân tộc cận cư người Ca Dong, trong tín ngưỡng tâm linh luôn có tín thức về Thần lửa (tiếng Cơ Tu gọi là: Giàng Óih) - vị thần hiện thân của sự sinh tồn, bên cạnh Thần lúa biểu thị sự no đủ. Họ thờ Thần lửa với những lễ tục khác nhau.
Cội rễ hạnh phúc
Người dân tộc vùng cao có nhiều tục lệ ứng xử với thần linh, mà bếp lửa là trung tâm. Bếp lửa như một vị thần ban chiếu hạnh phúc, niềm tin, sức mạnh cho họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến thắng cái ác, hướng đến cái thiện.
Theo tục lệ của đồng bào, khi ngôi nhà được xây xong, việc đầu tiên là rước Thần lửa vào nhà, họ tin rằng vị thần sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn. Nhà ở của đồng bào, tuy kiến trúc, bố trí vật dụng có thể khác nhau nhưng có điểm chung là bếp lửa bao giờ cũng đặt bên cạnh cột thiêng, ở giữa nhà, gần sát vách, mặt trời không chiếu thẳng vào giữa bếp. Ngay bên cạnh, treo một ống tre, đây là nơi trú ngụ của Thần lửa.
Người ngoài đến làng, già làng mời ngồi bên bếp lửa nhà Gươl, nhà Rông hay nhà Ưng của làng để tiếp chuyện. Khách không được gạt cời bếp, gõ vào bếp; vì làm như vậy là tổn hại đến Thần lửa, thần sẽ nổi giận gây xấu cho làng.
Bếp lửa là không gian thiêng nên có nhiều kiêng kỵ của luật tục. Khi ngồi cạnh bếp lửa không được đặt chân lên lên bếp hoặc xê dịch ống tre, sẽ đánh thức sự yên bình của Thần lửa. Khi lấy củi vào bếp không được đặt củi xuống nền mạnh; không được bổ củi trong bếp; không được khạc nhổ ở xung quanh hay ngồi quay lưng lại bếp. Đặt quai nồi lên bếp thì phải đặt theo chiều dọc của bếp, khi gia đình có người chết mới đặt chiều ngang. Hằng ngày nấu ăn đặt nồi ngang, là bất kính với Thần lửa, thần sẽ trừng phạt gia đình.
Không gian no ấm
Sống trong môi trường rừng núi, bếp lửa đối với người vùng cao không chỉ là không gian sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình mà còn là nơi để dành thức ăn trong mùa giáp hạt. Trên gác bếp là các thanh cây bắc ngang, để treo hạt giống, dụng cụ đi rừng, làm rẫy và có khi là các ống thịt, ống cá, ống muối ớt, tiêu rừng... Bếp thiêng luôn đem lại sự bình yên cho dân làng, mang đến sự hòa thuận, cuộc sống ấm no hạnh phúc, tạo ra của cải cho mỗi gia đình.
Trên mỗi nương rẫy của gia đình người dân tộc, có một chiếc chòi nhỏ, để canh giữ lúa. Trên chòi, bao giờ cũng đặt một bếp lửa nhỏ để nấu nướng, để che chở cái lạnh mùa đông. Bếp lửa ở chòi rẫy còn là tín hiệu báo cho nhau biết để xua đuổi thú rừng hay cho những người đi rừng nếu có lỡ đường thì cũng có chỗ trú ngụ. Trước khi rời khỏi rẫy, chủ chòi vùi lửa, vun tro than thành đụn và đặt lên một hòn đá làm dấu hiệu báo cho người khác biết nơi ngự trị của vị Thần lửa để người đến chòi không được giẫm đạp hoặc bước ngang qua.
Tục giữ lửa đầu năm mới vẫn được nhiều gia đình vùng trung du Tiên Phước và vùng núi cao Nam Trà My duy trì, với niềm tin bếp ấm sẽ mang lại may mắn, ấm no.
Đã hơn 60 đêm giao thừa trôi qua trong cuộc đời của những người mẹ, người bà ở làng tôi. Như lời nội tôi hay nói, đêm giao thừa - thời khắc giao thoa năm cũ và năm mới, ngọn lửa ấm nồng phải rực đỏ để những điều xui rủi qua đi, may mắn sẽ tới. Lửa trong bếp không được nguội tắt, cho đến khi qua 12 giờ đêm, khúc củi to nhất sẽ được nhóm lại bởi tro than, bếp lửa vẫn giữ được hơi ấm cho đến sáng mùng 1 Tết. Tục này được lưu giữ từ nhiều đời nay của gia đình tôi và nhiều gia đình khác ở vùng quê trung du Tiên Phước.
Để lửa cháy đỏ rực nhất, người làng tôi hay chọn nấu bánh chưng bánh tét trong đêm giao thừa. Buổi sáng ngày cuối cùng của năm cũ, sau khi nhà cửa được dọn dẹp khang trang, mọi người chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh. Người lau lá chuối, người lo nhân thịt, đậu xanh... Qua trưa, bếp lửa trong nhà sẽ được nhóm lên để nấu bánh. Cứ thế, lửa liên tục được giữ, qua thời khắc giao thừa thì mới vớt bánh ra. Lúc này, những đòn bánh tét, những cặp bánh chưng nóng hổi sẽ được dâng lên cúng bàn thờ tổ tiên ở thời khắc thiêng liêng nhất.
Tục giữ ngọn lửa năm mới luôn được gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt cũng như nhiều người ở làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) giữ gìn. Bà Nguyệt trò chuyện: "Làng Lộc Yên có truyền thống làm bánh mứt, nên trước tết khoảng 1 tháng là lửa trong mỗi nhà đều liên tục cháy không tắt. Ngọn lửa được giữ cháy mãi đến tận đêm giao thừa để năm mới sẽ ấm cúng, may mắn hơn năm cũ như bao đời nay cha ông đã gìn giữ".
Với người Xê Đăng huyện vùng cao Nam Trà My, bếp lửa không chỉ là nơi để người già, người trẻ sum họp chuyện trò, mà còn là nơi để họ sưởi ấm vào những đêm lạnh giá nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Đêm giao thừa ở vùng miền núi cao, khí trời lạnh giá, quây quần bên bếp lửa thiêng trong mỗi căn nhà sẽ giữ hơi ấm bên nhau. Như lời già làng Hồ Văn Bền (xã Trà Cang), vùng núi cao là nơi khí hậu rất lạnh, nên dù cuộc sống có bao đổi dời, khấm khá hơn thì trong mỗi nhà vẫn giữ một nơi làm bếp lửa.
Trong câu chuyện của những già làng vùng cao đã truyền tai nhau, từ xa xưa, trong đời sống tâm linh, người Xê Đăng luôn có lòng tin tuyệt đối vào thần Lửa - vị thần hiện thân cho may mắn phù hộ con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thần Lửa có vai trò quan trọng trong cuộc sống hằng ngày và cả những dịp lễ hội của mỗi gia đình như lễ thổi tai, lễ cúng lúa mới…
Mỗi nhà đều giữ bếp lửa đỏ rực qua thời khắc giao thừa. Sáng đầu năm mới, mỗi gia đình người Xê Đăng sẽ cử một người đi rước thần Lửa từ nhà rông về nhà mình, trang trọng châm vào bếp. Lửa đỏ bừng đón mừng ngày đầu năm mới, đem đến niềm tin được mùa no đủ, gia đình an vui sung túc, con trai, con gái khỏe đôi vai, dẻo đôi chân.
Lửa gắn chặt với đời sống hằng ngày và cả đời sống tâm linh của đồng bào vùng cao xứ Quảng. Một lần được ngồi bên bếp lửa nhà gươl, mới cảm nhận được quyền năng của lửa trong từng câu chuyện kể của già làng...
Những đứa con của rừng lớn lên từ căn bếp. Bếp nhà sàn, nơi con trai Cơ Tu học cách rèn rựa, rèn rìu, chạm con thú lên cột nhà, chơi đàn abel và tập lời nói lý, hát lý. Nơi con gái Cơ Tu xem mẹ dệt thổ cẩm, biết cách để giữ ngọn lửa không tắt dưới nhà sàn. Trai gái lớn lên bằng mùi khói.
Bếp lửa gắn với cuộc đời, có những hân hoan trong ngây ngất men rượu Tr’đin, có tiếng thở dài của người già chìm trong tĩnh lặng của đêm, có không gian lễ hội và cũng có cả những ưu tư giấu riêng cho mỗi phận người. Có lúc bùng lên, có lúc âm ỉ dưới lớp tàn tro, nhưng lửa không bao giờ tắt...
Tục "nuôi chung" bên bếp lửa nhà gươl
Aur chìm trong sương giá. Thật may, chúng tôi đã kịp đến làng trước khi trời tối. Nghe rõ tiếng tí tách từ thanh củi đang đượm trong bếp. Chị Arất Thị Nghế, chủ nhà, bắc chiếc nồi đồng, thả vào đó một rổ hạt bắp. Khói đượm vào những hạt bắp núi đang nổ lách tách trong nồi, thơm lừng gian bếp.
Chị Nghế là người đầu tiên chúng tôi gặp, sau hơn 6 tiếng đồng hồ băng bộ theo tuyến độc đạo giữa rừng, từ phía trung tâm xã A Vương (Tây Giang) để vào làng. Không một chút nghi hoặc nào trong đáy mắt, chị mời chúng tôi về nhà mình, dù chúng tôi là khách lạ. Ấn tượng về ngôi làng đặc biệt giữa heo hút rừng già này, bắt nguồn từ lời mời thật ấm tình ấy.
Tôi với lấy từ trên gác bếp một thanh củi, chêm vào bếp để xua tan cái buốt lạnh của đêm. Nghe tiếng bước chân rõ dần, một phụ nữ bước lên bậc thang nhà sàn, đưa cho chị Nghế rổ sắn. Không lâu sau đó, lại có người đến, trên tay là dĩa cá khô. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên: rất nhiều người đến, ai cũng mang theo một chút thức ăn. Không đủ chỗ để ngồi, dân làng bàn tán một lúc, rồi kéo tay khách, dẫn lên gươl làng. Bếp lửa đang còn ấm, chỉ vài phút, lửa bùng lên, thấy rõ từng đầu lâu thú rừng, từng chiếc trống chiêng treo đầy trên mái lá.
Già làng Ating Trên xuất hiện. Uy thế của vị già làng hiện rõ trước lũ làng. Ông khoát tay, một ché rượu cần được mang ra giữa bếp, già làng vít lấy cần tre, xoay về hướng chúng tôi. Ngụm rượu ngọt sâu nơi cuống họng. Vẫn là bàn tay của vị già làng, chìa ra con cá khô đã nướng chín. Tôi nhận lấy từ tay già làng, như nhận lấy cho mình một đặc ân.
Trong gươl làng, lửa đượm, váng vất hơi men rượu cần. Già làng kể về lũ làng, về tục “nuôi chung” của người Cơ Tu, là cái cách mà cả làng đang đối đãi với chúng tôi, những người khách lạ, về sự hiếu khách trong hồn hậu của dân làng, dẫu lúc được mùa hay đang khi nghèo khó. Những người già bắt đầu nói lý, rồi câu lý rung lên thành điệu hát, ngân theo tiếng đàn abel. Tôi không hiểu hết những câu hát, nhưng từ lời dịch của người bạn đồng hành, tôi biết, đêm nay, hai chúng tôi là những vị khách hạnh phúc nhất, trong ngôi làng của thần rừng: Aur...
Giữ bếp ấm, lửa bình an
Tôi luôn cảm thấy một không gian an toàn tuyệt đối, khi mình được ngồi bên bếp lửa, dù đang ở khu 7 mù sương của biên viễn Tây Giang hay chênh vênh trong ngôi làng của người Xê Đăng bám lấy sườn Ngọc Linh phía Trà My. Bếp lửa hiện thân cho sự tồn tại, hiện thân của đời sống, hiện thân cả những huyền diệu nhuốm màu tâm linh của người ở chốn rừng. Bên bếp lửa của làng Aur, già làng kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện gắn liền với sự ra đời của ngôi làng. Thì ra, ngôi làng này là nơi dừng lại những đôi chân của gió.
Nhiều đời trước, cả làng ở tít phía Đông Giang, cách ngôi làng bây giờ cả tuần đi bộ. Họ rời bỏ ngôi làng của mình, chỉ vì một câu chuyện thực mà như thần thoại. Khi người lớn lên rẫy, lũ trẻ con trong làng chơi trò “lễ hội đâm trâu”. Một em bé đóng giả làm con trâu, bị trói vào cột. “Bà có ăn thịt trâu không?”, một đứa trẻ chạy về hỏi “bà đỡ” của làng, khi ấy đang ở nhà. Bà đỡ gật đầu.
Một lúc sau, lũ trẻ “đâm trâu” thật. Chúng đem về một phần cho bà cụ, như đã hứa. Tang tóc ngập tràn ngôi làng cũ. Sau buổi họp làng, già làng quyết định rời đi. Rời làng, để hóa giải những đau buồn, để không có hận thù tồn tại, để mọi thứ chìm trong quên lãng. Và hơn hết, để những bếp lửa yên bình. Một nửa dân làng thẳng hướng núi Aur. Nửa còn lại, chọn định cư dưới chân dốc Gió. Một bận nữa, trong làng xảy ra “chết xấu”. Cuộc đi chỉ dừng lại, nơi làng Aur bây giờ. Họ sống giữa rừng già, tách biệt, nhưng an bình...
Tôi nghe được rất nhiều câu chuyện, rì rầm bên bếp lửa trong những lần ngược núi. Một lần nọ, tôi bước vào bậc thang nơi cửa bếp, Pơloong Plênh - người bạn ở núi, đã chờ sẵn với bữa tối thịnh soạn của người vùng cao. Trên tấm lá chuối xanh, một ít củ sắn luộc, rau rừng, thịt sóc khô và “zơ rá”, món thịt bỏ ống truyền thống của người Cơ Tu. Bước vào căn bếp, như bước vào thế giới huyền nhiệm của những câu chuyện.
Plênh nói, anh vẫn giữ căn bếp như chính bếp lửa của mẹ đã nuôi lớn anh, như chính tâm thức của anh những ngày còn ban sơ khốn khó của quê hương mình, như một cách tha thiết níu giữ lấy bóng rừng trong ánh nhìn xuyên qua bếp lửa.
Các dân tộc sống trên dãy Trường Sơn như Bh'noong, Cơ Tu, Xê Đăng, Gié Triêng, Ê Đê... đều xem chái củi của mỗi nhà là thước đo đức hạnh của phụ nữ, là không gian của ấm no...
Soi chiếu đức hạnh của phụ nữ
Từ sáng sớm, chị Hồ Thị Bui ở xã Phước Năng, huyện Phước Sơn đã choàng gùi lên vai ra rẫy sau khi nấu xong nồi cơm sáng cho cả nhà. Công việc một ngày của chị ở rẫy hết làm cỏ lúa đến làm cỏ sắn, cỏ vườn cà, vườn chuối. Hết mùa tỉa lúa đến mùa tuốt lúa, hết mùa trồng mướp trồng bầu đến mùa dọn bờ, dọn rẫy. Cứ như vậy mỗi mùa mỗi việc nhưng có một công việc không ngày nào chị không làm là bổ củi.
Cái củi cái lửa đối với người dân tộc thiểu số miền núi như cái điện, cái bếp gas của người Kinh dưới xuôi. Củi dùng để nấu nướng hằng ngày. Củi để dành cho mùa mưa gió. Không riêng gì dân tộc Bh'noong của chị, các dân tộc khác sống trên dãy Trường Sơn như Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng... đều xem chái củi của mỗi nhà là thước đo đức hạnh người vợ trong gia đình đó.
Từ bé, lúc mới chỉ năm, bảy tuổi chị đã theo mẹ lên rẫy và cầm rìu bổ củi. Mẹ chị đã rất khắt khe khi chị bổ một cây củi không đẹp. Phải chặt cây củi cho phẳng mặt và thật đều rồi bổ làm sao để cây củi nứt ra như nở hoa để đến khi về nhà chỉ cần tách nhẹ là rời ra và phải thật mau bén lửa. Rừng có bao nhiêu loại cây và tính khí chúng thế nào chị đã thuộc gần hết. Cây niêng thì cho lửa mạnh nhưng mau tàn, cây xà ê thì than đượm nhưng khó bổ. Bổ củi không phải là công việc của người đàn ông. A Năng chồng chị biết phát rẫy, biết hạ cây to ngã xuống nhưng bổ cây ra làm củi là công việc của người phụ nữ. Ngàn năm nay đã thế rồi.
Nhìn vào chái củi mà nhà trai biết lấy cô gái đó về thì quà sính lễ phải là bao nhiêu gùi củi. Nuôi một đứa con gái lớn lên, nhà gái chẳng đòi gì, chỉ đòi củi. Đứa chậm đứa lười thì bốn mươi gùi, đứa giỏi đứa siêng thì tám chục một trăm gùi. Nó theo về nhà chồng rồi thì nó chỉ biết bổ củi cho nhà chồng, không ai bổ củi cho nhà mình nữa. Và đến khi về già như mẹ chị bây giờ đã gần bảy mươi cũng vẫn cứ phải hằng ngày lên rẫy bổ củi rồi gùi về. Không có củi, hoặc củi nhen không đỏ, than không đượm thì cả đêm nhà chị sẽ không đủ ấm.
Băn khoăn với đổi thay
Không như cái bếp người Kinh chỉ dùng mỗi việc là nấu ăn, cái bếp người miền núi ở Trường Sơn còn hơn cả điện hoặc bếp ga dưới xuôi. Mẹ chị kể, thời chưa có chăn, đắp cho người qua bao mùa đông lạnh chỉ là những mảnh vải không đủ ấm, thì bếp là cái chăn bông và cũng là cái màn chống muỗi của cả nhà.
Bếp không chỉ dùng để nấu nướng mà còn ở bên bữa cơm của cả nhà; là ngọn đèn soi ánh sáng cho bữa ăn muộn; là cái "tủ lạnh" để bảo quản thịt cá nếu như người đàn ông của cả nhà biết đem cái thịt cái cá về nhiều. Thịt nai, thịt heo rừng, rồi thịt trâu ngày lễ hội được xẻ ra xông khói là đặc sản mà người Kinh ăn thử ai cũng thích.
Đó là chị nói chuyện ngày xưa, lúc còn ở nhà sàn, cái bếp củi ở giữa nhà trong dãy nhà dài như một toa tàu của người Bh'noong nhà chị. Bếp ở giữa nhà, tối đến cả nhà ngủ quanh bếp. Hướng nằm là đưa chân vào gần bếp vừa để giữ ấm cho chân, nơi dễ bị lạnh nhất vừa không ai huơ tay chạm vào bếp. Chỉ có ở nhà sàn thì bếp mới đặt được giữa nhà và người ta mới có thể nằm gần bếp được. Giờ định canh, không ở nhà sàn nữa, cái bếp ở dưới đất, người nằm trên giường, hơi ấm nào từ bếp củi đủ tỏa đi cả nhà phên thưa không ngăn được gió núi.
Bếp cả ngày nguội lạnh, nấu cơm xong cũng không ai ngủ quanh bếp nữa nên việc ủ bếp để đủ ấm cả nhà thành ra không cần nữa. Nếp xưa dần vắng bóng trong đời sống đồng bào.
Chính sách định canh định cư đã thay đổi rất lớn nếp sống của đồng bào vùng cao. Bên cạnh cái được, vẫn còn những băn khoăn trong việc gìn giữ nếp sống của người bản địa. Chị Hồ Thị Bui cứ nghĩ mãi, nếu đã bỏ nhà sàn thì cũng nên bỏ cách ở quần cư theo kiểu bản làng xưa. Cả bản mấy chục nóc nhà ở san sát nhau chăn nuôi con gà con heo đều khó. Không chỉ cảnh quan không đẹp mà nhà không có vườn thì đâu phải là nhà. Hồi xưa vườn ở trong rừng chứ giờ định cư thì nhà phải có vườn mới phải chứ. Đất phải đủ để có vườn, có ao để trồng cái cây, nuôi con cá...