[eMagazine] - Du lịch xanh đơm quả ngọt
(QNO) - Hôm nay 22/12, Quảng Nam tổng kết và tổ chức bế mạc chương trình Năm du lịch quốc gia 2022, khép lại một năm sôi động của hàng loạt sự kiện, chương trình lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, thông qua sự kiện đã trình làng một thương hiệu du lịch hoàn toàn mới mẽ ở Việt Nam đó chính là “Điểm đến xanh Quảng Nam”.
Gần 10 năm trước Nhà hàng The Field (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) đã trở thành mô hình ẩm thực độc đáo của du khách về một loại hình du lịch có trách nhiệm, thân thiện với môi trường.
Nằm giữa cánh đồng bên dòng sông, nhà hàng mang đến cho du khách cảm giác thoải mái khi trở về với thiên nhiên mát mẻ. Với nhận thức du lịch phải có trách nhiệm với cộng đồng bản địa, The Field gây ấn tượng mạnh mẽ không chỉ ở các món ăn dân dã bản địa được chế biến từ thực phẩm hữu cơ mà còn giúp du khách trải nghiệm, hòa mình vào các hoạt động sinh hoạt dân gian truyền thống, tái chế rác thải tuần hoàn.
Ông Phan Xuân Thanh – chủ Nhà hàng The Field, đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ, bán món ăn chỉ là một yếu tố, mục đích cao hơn mà The Field làm được chính là đưa các giá trị văn hóa bản địa vào trong bữa ăn, đó là sự trải nghiệm về du lịch có trách nhiệm.
Du khách có thể sẵn sàng chi trả 1.000 USD cho một bữa tiệc. Trong một bữa tiệc như thế, người nông dân được hưởng lợi từ những lần chèo thuyền thúng chở khách qua sông, từ những sản phẩm thủ công tinh xảo của vùng miền, từ những món quà là các bông hoa kết bằng lá dừa tặng du khách, và cả nụ cười chân quê ấm áp…
Du lịch có trách nhiệm được xem là tiền đề cho sự ra đời của du lịch xanh Quảng Nam. Đó là những chia sẻ lợi ích với cộng đồng, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Trước đại dịch COVID-19, rất nhiều mô hình du lịch thân thiện với môi trường (lúc này chưa gọi là du lịch xanh) đã xuất hiện tại Hội An.
Tiêu biểu của du lịch xanh là tour du lịch nông nghiệp của Công ty TNHH Jack Tran Tours. Trong một ngày, du khách được tham gia vào các hoạt động khám phá làng quê bên ngoài di sản như trải nghiệm làng rau Trà Quế, cưỡi trâu, cày ruộng, vãi chài, khám phá rừng dừa nước Cẩm Thanh, thưởng thức những món ăn dân dã… Nhiều du khách nước ngoài thích thú, bất ngờ với sản phẩm du lịch độc đáo này.
[VIDEO] – Làng ra Trà Quế (Hội An) - điểm đến du lịch xanh Quảng Nam:
Tiếp đến là hàng loạt sản phẩm, tour tuyến hướng về thiên nhiên lần lượt ra đời gắn với đó là các trang trại sinh thái, các mô hình du lịch cộng đồng như An Farm, Heal Organic Farm, Trà Nhiêu, Triêm Tây, Cẩm Phú, Trà Quế, Thanh Đông, An Mỹ...
Hội An cũng là địa phương tiên phong không sử dụng túi ny lông tại đảo Cù Lao Chàm. Ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện môi trường, góp phần lan tỏa, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng về sự phát triển bền vững.
Thế nhưng, 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát mới chính là thời điểm các ý tưởng về du lịch xanh được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn về phát triển du lịch có trách nhiệm thu hút sự tham gia của các tổ chức quốc tế, lãnh đạo tỉnh, công ty lữ hành…, từng bước định hình xu hướng du lịch mới Quảng Nam bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống.
Tại hội thảo “Tái cơ cấu thị trường khách du lịch Quảng Nam” diễn ra ngày 6/10/2021, lần đầu tiên Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã đưa ra thông điệp xây dựng “Quảng Nam trở thành điểm đến du lịch xanh”, đồng thời ông khẳng định, phát triển bền vững chính là hướng đi chủ đạo của du lịch Quảng Nam những năm tới.
Thông điệp phát triển xanh cũng được người đứng đầu chính quyền tỉnh nhắc lại nhiều lần trong các diễn đàn gặp gỡ doanh nghiệp như là sự cam kết, quyết tâm của địa phương hướng đến sự phát triển bền vững, từ đó tạo sự tin tưởng, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng hưởng ứng, tham gia thực hiện.
Rỡ ràng trước đại dịch COVID-19, “Du lịch xanh” vẫn là khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì vậy, việc Quảng Nam mạnh dạn tiên phong với lối đi này được xem là sự đột phá phù hợp với xu hướng thế giới. Đặc biệt, việc chọn chủ đề “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh” đã thể hiện sự quyết tâm và chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về phát triển du lịch bền vững có trách nhiệm của tỉnh trong Năm du lịch quốc gia 2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhìn nhận, kết quả ngành du lịch địa phương thu được trong năm 2022 cho thấy bước tiến, phục hồi mạnh mẽ để Quảng Nam vượt qua đại dịch COVID-19 cũng như sức hút mà thương hiệu điểm đến du lịch xanh mang lại.
Vì vậy, việc phát triển du lịch xanh như chủ đề của Năm du lịch quốc gia 2022 cần tiếp tục được các chủ thể làm du lịch ở địa phương thực hiện xuyên suốt trong thời gian đến.
Năm 2022, cũng là thời điểm đánh dấu xu thế xanh của ngành du lịch. Hầu hết các sự kiện đều quán triệt tinh thần du lịch xanh. Trong đó, có những sự kiện quy mô không quá lớn nhưng chuyển tải mạnh mẽ được thông điệp du lịch xanh mà Quảng Nam đang xây dựng như: Hội chợ du lịch Quảng Nam 2022, Festival nghệ thuật sắp đặt môi trường biển Hội An…
Các sự kiện trên được du khách, đối tác, cộng đồng hưởng ứng, đánh giá cao bởi tính tiên phong, sáng tạo vì sự phát triển bền vững. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức bởi dịch COVID-19, ở thời điểm khép lại Năm du lịch quốc gia 2022, nhưng 10 doanh nghiệp tiên phong của tỉnh cũng đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.
Đây có thể xem là “quả ngọt” đầu tiên của doanh nghiệp du lịch sau quá trình thay đổi, làm mới mình và cũng là niềm khích lệ để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chuyển đổi, hòa nhịp cùng du lịch xanh.
Tín hiệu tích cực khác là xu thế “sống xanh” đã dần lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng. Tại TP.Hội An, giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, tuần hoàn rác thải, sử dụng nguyên liệu thông qua hình thức “đong đầy”, tái chế và sản xuất các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường… ngày càng trở nên phổ biến.
Nhiều lao động du lịch từ chỗ vận hành du lịch xanh tại nơi làm việc đã áp dụng vào trong đời sống thực tế tại gia đình và lan tỏa thêm lối sống này đến cộng đồng vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hội An cũng đã được tỉnh chọn để xây dựng mô hình điểm theo Bộ tiêu chí du lịch xanh, làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp… học tập và nhân rộng. Những chuyển động dù nhỏ nhất cũng đều góp phần đưa đô thị di sản này xanh hơn và tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành mô hình điểm về du lịch xanh trong tương lai không xa.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, việc thực hành du lịch xanh không khó, quan trọng là chúng ta có chấp nhận thay đổi và kiên trì hay không. Du lịch xanh không đơn thuần là tạo ra sản phẩm xanh mà là sự chuyển đổi nhận thức. Một khi có khoảng 30% số doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch Quảng Nam vận hành theo nền tảng du lịch xanh thì tự khắc thương hiệu du lịch Quảng Nam sẽ lan tỏa mạnh mẽ và chính các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn với lối đi này.
Nếu cộng đồng doanh nghiệp địa phương hưởng ứng, tham gia rộng rãi hơn thì thông qua nhiều kênh, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cam kết sẽ tiếp tục kết nối để nâng tầm giá trị của chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam được định vị thương hiệu ở tầm quốc tế.
Ông Phan Xuân Thanh khẳng định, Quảng Nam phải xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng phát triển bền vững. Song hành là các chương trình hành động như bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên gắn với tái tạo tài nguyên, tuần hoàn chất thải; sử dụng sản phẩm hữu cơ, thân thiện; tuân thủ quy luật tự nhiên, bảo tồn văn hóa, giảm áp lực đến di sản…
Trước thách thức về dịch bệnh, thiên tai, du lịch xanh sẽ là hướng đi phù hợp. Thời gian qua, một số địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng dần chuyển hoạt động kinh doanh theo hướng này.
Ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch – dịch vụ Hoa Hồng nhìn nhận, du lịch xanh không chỉ là màu xanh của thiên nhiên, cảnh quan, mà còn xanh của môi trường, cách sống, cách thức sử dụng vật liệu… kể cả xanh trong ý thức, hành đồng của mỗi người khi ứng xử có trách nhiệm với môi trường.
“Khách sẽ học được điều gì sau mỗi chuyến đi, chứ không đơn thuần là vui chơi, nghỉ dưỡng. Chúng ta nên hiểu du lịch xanh là như vậy” - ông Dũng nói.
Ông Phạm Vũ Dũng hiện có 3 cơ sở du lịch tại Hội An đều đi theo mô hình tái chế, thân thiện môi trường. Trong đó, Chillax đang nổi lên như là điểm đến hấp dẫn của du khách thời gian gần đây. Dù mới mở cửa đón khách cuối năm ngoái nhưng hiệu ứng lan tỏa Chillax khá mạnh mẽ, nhất là trong cộng đồng mạng. Tại đây du khách không chỉ được trải nghiệm khung cảnh đồng quê nguyên sơ mà còn cảm nhận được các giá trị văn hóa trong từng chi tiết, sản phẩm của Chillax.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Quảng Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch xanh của cả nước. Vì vậy, trong định hướng phát triển, tất cả hoạt động du lịch đều phải dựa trên sự phát triển bền vững, gắn với các tiêu chỉ bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm tối thiểu phát thải rác ra ngoài, sử dụng tối đa các sản phẩm tái chế từ rác thải trong phục vụ du lịch.
“Du lịch xanh sẽ là mục tiêu đồng thời là giải pháp căn cơ trong quá trình phục hồi du lịch của Quảng Nam. Đây cũng là kim chỉ nam để chúng tôi xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp” - ông Hồng chia sẻ.