[eMagazine] - Đặc sắc trang phục người Quảng

PHÙNG TẤN ĐÔNG - TRẦN TRUNG SÁNG - TÔN THẤT HƯỚNG - ALĂNG NGƯỚC 04/12/2022 08:06

(VHQN) - Trang phục đặc trưng theo vùng miền là “di sản tinh thần” vô giá, thể hiện sự đa dạng, bản sắc văn hóa của một tộc người. Ngày nay dù những bộ xiêm y có chút thay đổi, biến tấu, thậm chí đang đứng trước ngưỡng cửa phai nhạt truyền thống, nhưng trang phục của người Quảng vẫn còn in bóng thời gian và mang nhiều giá trị độc đáo. 

 
 

Trong sách sử ghi chép về trang phục đàn ông xứ Đàng Trong, các ghi chép của người nước ngoài như các giáo sĩ, nhà sư, thương nhân…, đa số đều nhận xét, đàn ông xứ này - trừ quan lại và hạng thượng lưu - đều ăn mặc hết sức đơn sơ, đàn ông thường ở trần khi lao động hay choàng một tấm vải thô, khoét lổ để dễ chui đầu vào, tấm vải che trước bụng và sau lưng có dây lưng bằng vải, quần dạng lửng, rộng (lá tọa), thắt lưng bằng dây lưng vải (giải rút) dài thắt thành búi phía trước bụng hay bên hông hoặc dải rút xỏ qua diềm ở lưng quần.

Nhiều người chừa một đoạn lưng quần dài rồi mới đến dây thắt lưng để đựng nhiều vật dụng như bánh, trái, trầu, thuốc lá… gọi là bầu đài/“bù lương” hay đãy nên dân gian hay nói “trật bù lương”.

 
 Áo dài trên phố cổ.

Những người lao động nặng nhọc trên nguồn, dưới biển thời kỳ “mở đất” thường mặc khố. Thiền sư Thích Đại Sán trong sách “Hải ngoại ký sự” vào năm 1694 ghi lại cảnh thuyền của ông đến đảo Tiêm Bích La (Cù Lao Chàm), khi trời tối có một thuyền ra đón: “… nhìn thấy một người trần truồng mang khố, đầu bới tóc có giắt lông nhím, răng đen, nói líu lo, người ấy vì không phải phụng mạng mà đến nên không dám lên tàu…” (Hải ngoại ký sự - Viện Đại học Huế - Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam NXB Sài Gòn 1963 tr.31).

Như vậy, do đời sống ở xứ Quảng ngày càng phát triển, nên đàn ông lao động mặc quần dài hay lửng thay khố, áo thì áo vạt hò hay áo vá quàng và chiếc quần dài có dây lưng vải buộc túm bên hông hay trước bụng màu đỏ tím (dây lưng điều) hay chiếc áo vá quàng (vá nhiều loại vải khác nhau để khỏi rách trong lao động nặng), đã đi vài ca dao xứ Quảng: “Gió nam thổi xuống lò vôi/ ai đồn với bậu ta có đôi cho bậu buồn/ kể từ ngày bước xuống ghe buôn/ sóng bao nhiêu gợn, dạ em buồn bấy nhiêu/ cánh buồm gió thổi xiêu xiêu/ nước mắt ra chàng chặm, bốn múi dây lưng điều không khô…”; hay “Giữa nơi kẻ lạ, người sang/ ai mặc vá quàng, đích thị chồng tôi”.

 

Giới quan lại hay Nho sĩ, thương nhân thì vẫn mặc áo dài, quần dài, đầu đội khăn (khăn đóng). Đàn ông xứ Quảng do ảnh hưởng đạo Nho nên coi tóc tai là của tiên tổ, cha mẹ cho và đầu tóc là nơi cung kính thờ phụng ông bà, cha mẹ nên có lệ để tóc dài và để búi tóc cài bằng cái giắt/trâm bằng sừng hay lông nhím. Mãi đến những năm đầu thế kỷ 20, nhà thơ Phan Khôi còn làm bài vè khuyến cắt tóc trong nam giới (vè cúp tóc).

Theo các nhà nghiên cứu trang phục cổ, chiếc áo dài phụ nữ Việt có nguồn gốc xuất xứ từ chiếc áo ngũ thân lập lĩnh truyền thống, còn được gọi là chiếc áo dài giao lĩnh. Áo dài ngũ thân lập lĩnh là một trong các y quan của Việt phục.

Thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1744), kiểu áo do nhà Chúa đặt định là áo ngũ thân lập lĩnh cổ đứng, cài nút. Áo ngũ thân che kín thân mình không để hở áo lót (chỉ hở phần cổ trắng của áo lót). Mỗi vạt có hai thân nối sống (tổng cộng bốn vạt) tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu” và vạt con nằm dưới vạt trước chính là thân thứ năm tượng trưng cho người mặc áo. Vạt con nối với vạt cả nhờ cổ áo có bâu đệm, và khép kín nhờ 5 chiếc khuy tượng trưng cho quan niệm về “ngũ thường” (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) và “ngũ hành” (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) theo quan niệm triết học Đông phương.

 

Áo tứ thân có thể là một biến cách của áo dài giao lĩnh. Theo các nhà nghiên cứu và căn cứ trên những hiện vật tại các bảo tàng áo dài thì để tiện hơn trong việc lao động sản xuất của người phụ nữ, chiếc áo giao lĩnh được may rời hai tà trước để buộc vào với nhau, hai tà sau may liền lại thành vạt áo. Loại áo này thường may màu tối, được xem là chiếc áo mộc mạc, khiêm tốn mang ý nghĩa tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu” (4 bậc sinh thành của hai vợ chồng). “Áo dài năm nút hở bâu/ để xem người nghĩa làm dâu thế nào?/ áo đen năm nút viền bâu/ bạn về xứ bạn biết đâu mà tìm” (ca dao).

Đến thế kỷ 19 năm 1828 vua Minh Mạng xuống chiếu bắt phụ nữ bỏ váy mặc quần, việc đó đã tạo nên sự bất bình trong thơ ca dân gian: “Tháng tám có chiếu vua ra/ cấm quần không đáy người ta hãi hùng/ không đi thì chợ không đông/ đi thì phải mặc quần chồng sao đang?

 

Trong diễn trình lịch sử của chiếc áo dài, các nhà nghiên cứu thường tập trung vào kinh đô Huế với áo dài ngũ thân, áo dài hai vạt với quần dài mà quên rằng ở đô thị cổ Hội An, áo dài hai vạt che kín thân với quần dài được phụ nữ ăn mặc từ rất lâu.

Từ thời giao lưu buôn bán với cư dân các nước khác ở xứ Đàng Trong, bên cạnh việc ăn mặc với áo dài hai vạt, cài khuy từ cổ chéo nách của cư dân đô thị, đã có áo dài Le mur Cát Tường, áo dài Lê Phổ cổ đứng, những năm 60 thế kỷ 20 áo dài Bà Nhu, áo dài Dung Đa kao (Sài Gòn)... với kỹ thuật chít nếp (plis) rất tài hoa của người thợ may phố Hội, tạo cho chiếc áo dài ôm sát thân hình người mặc vừa tôn cao ngực, vừa sát eo, làm tôn đường cong eo, hài hòa với quần (kỹ thuật may hai bên hông trước, đường chít nếp hai bên bụng trước, dưới ngực...) mà tiêu biểu là tà áo dài nữ sinh trung học - áo dài trắng trong thập niên những năm 70 thế kỷ 20 - vạt áo trước thường hơi cao, gần giữa bắp chân dưới gối...

Áo dài năm nút hở bâu
Để xem người nghĩa làm dâu thế nào?

Chút biến tấu của áo dài

Những năm đầu của thế kỷ 20, dựa trên áo ngũ thân, áo dài Lemur được ra đời bởi bàn tay sáng tạo của họa sĩ Cát Tường (1912-1946), được xem là một cuộc cách mạng trang phục Việt Nam. Cần nói thêm, thời kỳ kiểu áo dài mới ra đời có tên Le Mur, trong tiếng Pháp có nghĩa là “cái tường”, là một cách đặt tên theo họa sĩ Cát Tường.

Trang phục người Quảng xưa qua góc nhìn của họa sĩ Từ Duy (1952 -2008).
Trang phục người Quảng xưa qua góc nhìn của họa sĩ Từ Duy (1952 -2008).

Chiếc áo dài này được cắt may theo kiểu Tây phương nối vai ráp tay phồng, cổ bồng... hoặc được khoét hở cổ. Trong một bài viết trên báo Phong Hóa, tuần báo của Tự Lực Văn Đoàn, họa sĩ Cát Tường cho rằng, quần áo không chỉ để che thân mà còn “như tấm gương phản chiếu trình độ tri thức một nước".

Vài năm sau khi áo dài Le Mur xuất hiện và có nhiều trào lưu khen chê khác nhau, họa sĩ Lê Phổ (1907-2001) đã cải tiến chiếc áo này, loại bỏ những đường nét Tây phương táo bạo để dung hòa với kiểu áo ngũ thân cũ tạo ra kiểu áo cổ kín vạt dài ôm sát thân người để hai tà áo tự do bay lượn. Từ đó, cách may áo dài vẫn không thay đổi nhiều, gấu áo dài thường được may trên mắt cá khoảng 20cm, thường được mặc với quần trắng hoặc đen, phổ biến rộng rãi trong Nam ngoài Bắc.

“Thiếu nữ trong trang phục áo dài đương đại“. Tranh của họa sĩ Tôn Nữ Tâm Hảo. Cô Tâm Hảo hiện sống và làm việc tại TP.Đà Nẵng.
“Thiếu nữ trong trang phục áo dài đương đại“. Tranh của họa sĩ Tôn Nữ Tâm Hảo. Cô Tâm Hảo hiện sống và làm việc tại TP.Đà Nẵng.

Đáng chú ý, trên báo Ngày Nay số 5 (ngày 10/3/1935) có những bài viết như: "Chị em Hội An với phong trào y phục Cát Tường" (Phan Thị Nga), "Trong Nam Kỳ: cô Hồng Vân với áo quần mới" (Chiêu Anh Kế phỏng vấn)... Đến những năm 1960, áo dài Raglan còn gọi là áo dài giắc lăng ra đời do nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo ra.

Điểm khác biệt lớn nhất của áo dài Raglan là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái linh hoạt hơn. Hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Có thể nói những cách chiếc áo dài qua các thời kỳ đã nhận về khá nhiều sự khen ngợi và hưởng ứng. Xin giới thiệu chút biến tấu của áo dài trong cái nhìn của các họa sĩ.

 

Trang phục của các dân tộc thiểu số Quảng Nam khởi nguồn từ chiếc áo vỏ cây, rồi sau đó đến thổ cẩm, là sự kết hợp giữa nguyên liệu thiên nhiên với sự sáng tạo của người bản địa, là "khúc biến tấu" về đời sống của đồng bào giữa đại ngàn...

Dấu ấn núi rừng

Nhiều già làng kể lại rằng, thuở xưa, trang phục đồng bào dân tộc thiểu số thường là một tấm vải thổ cẩm có màu chàm đen. Đàn ông đóng khố để trần, phụ nữ chưa lấy chồng mặc váy và để trần phần thân, khi lấy chồng thì mang thêm chiếc yếm che ngực hoặc sử dụng chiếc váy dài choàng trên ngực để lộ vai trần.

Độc đáo bộ áo được làm bằng vỏ cây của người Cơ Tu.
Độc đáo bộ áo được làm bằng vỏ cây của người Cơ Tu.

Trang phục trước hết là để che thân, giữ ấm cơ thể, rồi sau mới đến làm đẹp. Vì vậy, đối với đồng bào, "cái bụng đã nghĩ như thế thì cái tay phải làm theo", đó là tư duy sáng tạo thực tiễn, khái quát hình tượng đại ngàn - nơi con người sinh tồn. Hoa văn trang phục là các biểu tượng mang tính ước lệ hình ảnh của núi rừng, của cộng đồng làng.

Thuở trước, đồng bào dân tộc thiểu số sống khép kín trong làng, tự cung tự cấp. Họ biết trồng bông, dệt vải. Sợi bông là nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm; cách xe sợi, cách thức nhuộm vải trở thành tri thức dân gian được giữ kín trong gia đình, đó là bí quyết dùng cây, lá trong tự nhiên để tạo màu.

Tạo màu đen từ thân cây ta râm, vỏ ốc (pa châu), màu xanh từ lá cây (a nách và tà râm), màu đỏ, vàng được lấy từ củ a chất, marơc, a rác hoặc abial. Muốn có hạt cườm thì lấy hạt a pờ roong, a rắc từ một loại cây trong rừng để làm. Trong các màu thì đồng bào coi trọng màu chàm đen, là màu của đất (Abhuyh - Catiếc), màu đỏ là màu của mặt trời (Abhuyh - plêếng). Hai màu sắc này không thể thiếu trong đời sống cũng như trang phục và gắn với tín ngưỡng của họ như một sức mạnh siêu nhiên.

Trang phục của trẻ em vùng cao Quảng Nam.
Trang phục của trẻ em vùng cao Quảng Nam

Từ truyền thống cha ông xưa để lại, đồng bào dân tộc thiểu số quan niệm rằng, trang phục thể hiện sự giàu có của gia đình. Khi dựng vợ gả chồng, dù lớn hay nhỏ bắt buộc phải có thổ cẩm. Trang phục là lễ vật quan trọng trong các nghi thức cộng đồng, là tài sản riêng của con cái khi trưởng thành, khi lập gia đình, biểu thị cho sự ấm no, hạnh phúc.

Cách đây vài chục năm, ở vùng cao, một tấm thổ cẩm có giá trị đổi ngang một con trâu lớn hoặc vài con bò, vài ché cổ. Hiện nay, chỉ còn rất ít làng sử dụng nguyên liệu bông một cách thuần túy trong dệt thổ cẩm. Phổ biến là sử dụng len để tạo nên họa tiết trang trí, dùng hạt cườm bằng nhựa để tạo hoa văn cho sản phẩm, còn dùng nguyên liệu chì để tạo hoa văn thì rất ít, chỉ còn ở một số sản phẩm dệt của những gia đình khá giả.

Sắc màu đại ngàn

Trang phục lễ hội khác so với trang phục thường ngày, thổ cẩm dệt ra có hoa văn tinh tế, cầu kỳ hơn. Người dân coi lễ hội là nơi để con người hòa đồng với nhau, đồng thời cũng là nơi mà trang phục thể hiện sự khéo tay và tư duy thẩm mỹ. Trong các dịp hội làng, cả không gian núi rừng như sáng lên với những màu sắc sống động và mạnh mẽ tỏa ra từ những người con của núi rừng.

Vào ngày hội, người dân ăn mặc rất rực rỡ, như điểm hội tụ sắc màu. Áo váy luôn mới và đẹp, đi cùng là đồ trang sức cầu kỳ và đắt giá, trong đó nổi trội nhất là các loại trang sức hạt cườm, mã não ở cả đàn ông và phụ nữ.

Trang sức của đàn ông đa dạng, thể hiện sự mạnh mẽ với nanh vuốt thú rừng, hạt mã não lớn. Còn phụ nữ thì nổi bật với chuỗi hạt cườm nhiều màu sắc, màu trội là màu xanh da trời, quấn nhiều vòng qua trán, cổ tay, cổ chân, và bên hông. Ngoài trang sức bằng cườm, phụ nữ còn dùng trang sức bằng đồng, bạc như vòng tay, vòng cổ, hoa tai…

Trang phục của người Cơ Tu.
Trang phục của người Cơ Tu.

Ngày thường, đàn ông mặc áo chui đầu, cổ xẻ, là loại áo cộc tay, thân áo có đường trang trí sọc đỏ chạy dọc. Dọc theo khố của đàn ông là những dãy hoa văn đỏ, vàng, trắng và hai bên chân khố là hoa văn hình răng cưa chạy song song theo chiều dài được kết nối các tua màu tạo hình rất sinh động.

Còn ở người phụ nữ, bên cạnh váy dài, họ mặc kiểu áo chui đầu may từ một hoặc hai thân vải rời nhau, không có tay hoặc tay ngắn. Trên váy phụ nữ trang trí theo nguyên tắc bố cục dải băng theo chiều ngang, dọc hai bên đường viền của khổ vải hoặc ở giữa. Họa tiết hình nằm ngang thân áo và váy. Các hoa văn chính sử dụng để tạo hình như hoa Ablơm, hoa a tút, lá a bá...

Ngày nay, rất khó bắt gặp hình ảnh người đồng bào dân tộc thiểu số mặc trang phục thổ cẩm trong lao động, sinh hoạt hằng ngày mà thay vào đó, họ mặc những trang phục may sẵn của người Kinh. Điều này biển hiện quan niệm về giá trị thẩm mỹ và giá trị sử dụng của trang phục truyền thống ở cộng đồng đã có những thay đổi...

 

Một lễ hội của làng, ngoài sắc phục thổ cẩm thường thấy, các bậc cao niên người Cơ Tu khoác lên mình bộ trang phục áo dài khăn đóng để hành lễ cúng tế thần linh. Đó là bộ xa’năm của già làng, chỉ xuất hiện trong các dịp lễ lớn của cộng đồng…

Lễ phục cúng thần

Đông Giang vừa tổ chức ngày hội đoàn kết Cơ Tu. Xen giữa sắc phục truyền thống là những bộ áo dài, khăn đóng được các già làng mặc để thực hiện nghi thức cúng thần, đón tiếp khách quý. Những bộ áo dài với đường nét hoa văn đủ đầy màu sắc càng tô thêm vẻ đẹp và sự uy nghiêm của các già làng vùng cao.

Già làng Cơ Tu mặc bộ xa'năm trong ngày hội ăn trâu truyền thống.
Già làng Cơ Tu mặc bộ xa'năm trong ngày hội ăn trâu truyền thống.

Ông Arất Típ, một người dân ở thị trấn P’rao (Đông Giang) cho hay, người Cơ Tu xem những bộ áo dài khăn đóng như vật xa’năm của già làng. Xa’năm hàm nghĩa về sự riêng có, thường được sắm sửa lúc người chủ còn sống và trở thành vật dụng mang theo khi người đó về với tổ tiên. Vì thế, ông Típ nói, chỉ có sự kiện quan trọng của gia đình hoặc lễ hội lớn của cộng đồng, già làng mới mặc bộ xă’năm thực hiện nghi lễ cúng bái.

“Người Cơ Tu xem đó là cách tôn trọng thần linh, đồng thời biểu thị uy quyền, vị thế của già làng trước cộng đồng. Bởi thế không ai mặc bộ xa’năm trong ngày thường, cũng như sự kiện có quy mô nhỏ. Nếu mặc bừa bãi như vậy, người Cơ Tu tin rằng bộ xa’năm sẽ không còn giá trị, thậm chí thần linh cũng không vừa lòng, mà trách phạt” - ông Típ tâm sự.

Già làng Cơ Tu mặc bộ xa'năm để thực hiện nghi thức cúnng thần linh.
Già làng Cơ Tu mặc bộ xa'năm để thực hiện nghi thức cúnng thần linh.

Nói về bộ xa’năm làm tôi nhớ đến câu chuyện của già Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang. Già Y Kông nói, thực chất đó là bộ áo dài truyền thống của đồng bào Kinh, nhưng được du nhập vào cộng đồng Cơ Tu từ nhiều thế kỷ, sau những cuộc giao thương hàng hóa.

Theo già Y Kông, từ thời vua chúa các triều đại phong kiến, người dân hai miền xuôi - ngược đã có sự trao đổi, mua bán sản vật. Thời ấy, người Cơ Tu từ miền núi thỉnh thoảng gùi hàng chục bó trầu, cùng một số sản vật của rừng vượt đường đèo xuống các điểm giáp ranh để đổi bán cho thương lái người Kinh.

Sau cuộc giao dịch, họ mang về mắm muối, cá biển, cùng quần áo may mặc. Dần dà, đôi bên trao đổi cả thổ cẩm, ché chiêng, áo dài khăn đóng…, tạo nên sự giao thoa về văn hóa sau này.

 

“Bảo vật” gắn kết Kinh - Thượng

Nhiều năm nghiên cứu lịch sử tộc họ và cộng đồng Cơ Tu, ông Bh’riu Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang cho biết, năm 1938, lần đầu tiên Pháp tổ chức lễ kết nghĩa anh em (pơr’ngoóch) tại thôn Cột Buồm (xã Kà Dăng, Đông Giang) quy tụ hàng nghìn người dân miền núi và cộng đồng người Kinh tham gia. Trên khoảng sân rộng lớn, 6 cây nêu được dựng, biểu thị tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em sinh sống dọc dãy Trường Sơn.

Các già làng Cơ Tu mặc bộ xa'năm trong ngày lễ kết nghĩa anh em.
Các già làng Cơ Tu mặc bộ xa'năm trong ngày lễ kết nghĩa anh em

Lễ kết nghĩa diễn ra suốt nhiều ngày liền với các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào miền núi. “Đến lúc cúng thần linh, người Pháp phát cho các già làng mỗi người một bộ áo dài khăn đóng để mặc nhằm biểu thị sự tôn trọng đối với bề trên. Sau lễ kết nghĩa, nhiều già làng mang về bộ áo dài này như một món quà, xem đó là bảo vật thể hiện tinh thần đoàn kết giữa cộng đồng Kinh - Thượng anh em” - ông Quân kể.

Theo ông Quân, trước đây, do quá trình giao thoa văn hóa, người Cơ Tu ở vùng thấp thường xem áo dài khăn đóng như lễ phục cúng thần linh. Về sau, nếp nghĩ này lan rộng khắp cộng đồng, biểu hiện sự gắn kết giữa cộng đồng Kinh - Thượng sinh sống dưới cách rừng Trường Sơn. “Bộ xa’năm khi mặc thường kết hợp với một vài trang sức như nanh thú, mã não, vòng cườm...

Ngày nay, người Cơ Tu xem xa'năm như món quà dành riêng cho các già làng. Nhiều họ hàng, dòng tộc và thậm chí là sui gia trao tặng bộ xa’năm lẫn nhau thể hiện tinh thần đoàn kết bền chặt. Trước lúc lâm chung, nhiều già làng cũng bày tỏ nguyện vọng được mang theo bộ xa’năm khi trở về bên kia thế giới” - ông Quân cho biết thêm.

 
 

PHÙNG TẤN ĐÔNG - TRẦN TRUNG SÁNG - TÔN THẤT HƯỚNG - ALĂNG NGƯỚC