[eMagazine] - Định vị văn hóa báo chí
(QNO) - Các cơ quan báo chí ở Quảng Nam đã tự định vị giá trị và xây dựng môi trường văn hóa trong quá trình hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” (Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng). Ngoài sự nỗ lực tự định vị của mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo, rất cần cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc kiến tạo không gian văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa đối với hoạt động báo chí.
Mỗi cơ quan báo chí trong tỉnh xây dựng môi trường văn hóa theo đặc thù của đơn vị mình, góp phần vào sự môi trường văn hóa, báo chí lành mạnh của tỉnh.
Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng biên tập Báo Quảng Nam chia sẻ “trải nghiệm” của Báo Quảng Nam trong việc xây dựng môi trường văn hóa: Nhiều năm qua, Báo Quảng Nam chú trọng xây dựng cơ quan văn hóa và văn hóa người làm báo với các quy chế, quy định cụ thể, trong đó có quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Quảng Nam.
Quy định này nêu các nội dung tiêu chuẩn đạo đức đặc thù trong các mối quan hệ công tác của cán bộ Báo Quảng Nam đối với lãnh đạo tỉnh; các sở ban ngành, địa phương, doanh nghiệp; với người cung cấp tin và tiếp công dân; với đồng nghiệp nhà báo ngoài cơ quan; với cộng tác viên…
Nhà báo Nguyễn Hải - Thư ký Chi hội nhà báo Đài PT-TH Quảng Nam cho rằng, trong thời coong nghệ 4.0, có trình độ hiểu biết ở nhiều lĩnh vực, kỹ năng làm báo đa dạng, phương thức tác nghiệp sáng tạo, linh hoạt là yêu cầu tất yếu đối với nhà báo, nhưng điều quan trọng cần có ở nhà báo là tinh thần làm việc chăm chỉ, nhiệt huyết, yêu nghề và dám dấn thân, bám sát cơ sở, lăn lộn với thực tiễn để có những tác phẩm hay, trung thực, mang hơi thở cuộc sống và phải luôn giữ gìn phẩm giá, tư cách trước những cám dỗ… Có như vậy mới có những tác phẩm báo chí tốt, được công chúng đón nhận. Thực tế thời quan qua, các phóng viên, nhà báo của Đài PT-TH Quảng Nam đã làm được điều đó.
Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghề nghiệp của Tạp chí Đất Quảng, nhà báo Phan Chín - Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng cho rằng: Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; thực hiện đúng các quy định của pháp luật; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích cũng là hành vi văn hóa và là nền tảng để xây đựng, phát huy yếu tố văn hóa trong toàn bộ hoạt động.
Bên cạnh những thành tựu, nhiều nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí trăn trở với những hạn chế trong hoạt động báo chí hiện này trên cả nước. Trong đó có tình trạng xa rời tôn chỉ và biểu hiện thương mại hóa báo chí; một số cơ quan báo chí, phóng viên, người làm báo chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, sứ mệnh của người làm báo trong gìn giữ, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp; thậm chí có dấu hiệu lệch chuẩn, lạc chuẩn văn hóa... Những việc này đã tạo ra hệ lụy khó lường.
Ông Võ Văn Thơ - Phó Giám đốc Sở TT-TT Quảng Nam thẳng thắn nêu những vấn đề “nóng”, những hạn chế trong hoạt động báo chí hiện nay dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng như những ảnh hưởng của việc này đến công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương và sự phát triển của xã hội.
Ông Võ Văn Thơ đề xuất: Để quản lý báo chí trong thời 4.0, cần “bắt nhịp” cuộc đua công nghệ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực quản lý truyền thông trong thời đại mới; phải nhìn thấy vai trò và xu hướng phát triển báo chí, hỗ trợ cơ quan báo chí trong chuyển đổi số…
Theo nhà báo Phan Tấn Nguyên (Báo Nhân Dân), đạo đức là cái gốc của văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí phải bắt đầu từ con người, từ mỗi nhà báo và muốn xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, phải quyết liệt thực hiện quy hoạch báo chí. Những tiêu cực, hạn chế của báo chí xảy ra trong thời gian qua như đánh hội đồng, “làm tiền” tổ chức, doanh nghiệp… có nguyên nhân từ cơ quan báo chí như sử dụng cộng tác viên “thời vụ”, từ áp lực làm kinh tế báo chí, khiến hình ảnh nhà báo xấu xí trong mắt bạn đọc.
Nhà báo Ngô Văn Hùng - Chủ nhiệm CLB Nhà báo cao tuổi cho rằng, để để xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, cần đánh giá đúng thuận lợi và khó khăn của báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số. Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí trọng tâm là xây dựng con người làm báo có văn hóa, có “mắt sáng - lòng trong - bút sắc” như lời cố Nhà báo lão thành Hữu Thọ, là xây dựng tốt các mối quan hệ với đồng nghiệp, với bên ngoài, với bạn đọc. Sản phẩm báo chí được bạn đọc đánh giá cao là thành công của cơ quan báo chí và người làm báo.
Nhà báo Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Nam, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam đề cao tầm quan trọng và sự cần thiết xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo. Tuy nhiên, việc này không chỉ từ sự nỗ lực của mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo mà cần sự chung sức của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, truyền thông; cơ quan chủ quản các cơ quan báo chí; người phát ngôn; cơ quan quản lý báo chí; các sở ban ngành, địa phương.
Ông Nguyễn Như Công - Chánh Văn phòng UBND tỉnh, người phát ngôn của UBND tỉnh nhìn nhận trách nhiệm của người phát ngôn trong việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, góp phần cung cấp thông tin toàn diện, kịp thời về tình hình Quảng Nam. “Phải chủ động thực hiện công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí bảo đảm chính xác, nhanh, kịp thời, đúng quy định. Tận dụng tốt tất cả hình thức để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” - ông Nguyễn Như Công nói.
Ở khía cạnh khác, nhà báo Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Đài PT-TH Quảng Nam cho rằng, tập trung xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, tổ chức quy trình chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, chuyên nghiệp cũng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng cơ quan báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại và những năm qua, Đài PT-TH Quảng Nam đã nỗ lực thực hiện những nội dung này.
Ông Nguyễn Hữu Sáng đề nghị: Để phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và những người làm báo tỉnh Quảng Nam cần nhận thức sâu sắc và hưởng ứng tích cực phong trào bằng những hành động cụ thể.
Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo và quản lý nhà nước đối với báo chí; tập trung xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo.