[eMagazine] - Vực dậy vận tải xe buýt
Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Quảng Nam ra đời đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của các tầng lớp nhân dân. Vậy nhưng, loại hình dịch vụ vận tải khách được xem là văn minh này đông về số lượng xe, song chất lượng chưa tương xứng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến vận tải buýt không những khó bứt phá mà còn đang “sống dở, chết dở”.
Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có bước phát triển khá nhanh, giải quyết căn bản nhu cầu đi lại của nhân dân. Nhưng thực tế, chất lượng xe và cung cách phục vụ chưa tương xứng với dịch vụ vận tải được xem là văn minh này.
Mỗi lần muốn khám chữa bệnh tại Tam Kỳ, bà Nguyễn Thị Bốn (quê xã Bình Quý, Thăng Bình) đều chọn cách đi bộ ra quốc lộ 14E đón xe buýt Hiệp Đức - Tam Kỳ. Vào dịp cuối tuần, nghe con cháu đang tạm trú ở Đà Nẵng báo tin không về quê thăm được, bà lại sốt sắng kiếm mớ rau quả nhà trồng, bỏ vào giỏ mang lên xe buýt Hiệp Đức - Tam Kỳ.
“Đến ngã tư Hà Lam, tôi xuống xe, chừng khoảng 10 phút là gặp đón xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng để ra thăm tụi nhỏ. Từ lúc có xe buýt, tôi có thể đi nhiều nơi khá thuận tiện, chẳng phải làm phiền người thân chở bằng xe máy vất vả lại thiếu an toàn, hoặc chờ xe đò mỏi cổ mới thấy” - bà Bốn kể.
Cứ sáng sớm ngày hành chính, anh Phương lên xe buýt Hà Tân (Đại Lộc) - Tam Kỳ để vào cơ quan đóng tại tỉnh lỵ làm việc, chiều hết giờ lại lên xe buýt trở về nhà ở xã Đại Nghĩa. Thói quen này anh đã duy trì nhiều năm qua.
“Ngày nhận công tác, mình đi làm bằng xe máy mà cha mẹ tích góp mua cho. Nhưng chạy trên quốc lộ 1, xe cộ đông đúc mà lúc đó đường chưa mở rộng nên thấy không an tâm. Nhiều lần chứng kiến tai nạn giao thông, mình càng có cảm giác nhờn nhợn, tâm trạng bất an. Do cha mẹ đã già, con cái còn nhỏ, nên sau khi tuyến xe buýt từ Đại Lộc đi vào Tam Kỳ và ngược lại mở ra, tôi quyết định đi - về trong ngày bằng dịch vụ công cộng này" -
Sinh ra nơi vùng quê nghèo của xã Quế Mỹ (Quế Sơn), cha mẹ dành dụm cho Thu Thảo ra Đà Nẵng học đã là sự cố gắng rất lớn. Hiểu hoàn cảnh gia đình, cô sinh viên này chọn xe buýt tuyến Quế Sơn - Đà Nẵng, hoặc Tam Kỳ - Đà Nẵng có giá vé phù hợp với thu nhập của đông đảo người lao động để “làm bạn đường”.
Thảo cho biết, trên chuyến xe luôn có khá đông học sinh sinh viên, người dân lao động hoặc người đi khám chữa bệnh, kể cả cán bộ, viên chức đồng hành. Nhiều người trong số họ cũng có xe máy, song vì nỗi lo mất an toàn, đi đường ngại mưa nắng nên họ chọn xe buýt cho đảm bảo.
Từ một tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Tam Kỳ - Đà Nẵng hình thành năm 2005, chỉ sau một khoảng thời gian, nhiều tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề, xe buýt nội tỉnh lần lượt ra đời đã kết nối giữa nông thôn với thành thị, giữa đồng bằng, ven biển với miền núi.
Sở GTVT cho biết, giai đoạn 2013 - 2020, ngành chức năng đã kêu gọi đầu tư, đưa vào quản lý khai thác 14 tuyến nội tỉnh, liên tỉnh liền kề; toàn tỉnh có 9 đơn vị kinh doanh vận tải buýt (4 công ty, 5 hợp tác xã) với 106 xe khai thác trên 9 tuyến nội tỉnh và 5 tuyến liền kề tại đầu tuyến Quảng Nam. Một số đơn vị chỉ sở hữu từ 2 - 3 xe, nhiều nhất là 34 xe (Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ vận tải QNABUS). Xe trên các tuyến là loại từ 40 - 50 chỗ (kể cả chỗ đứng); 2 xe được sản xuất mới nhất là năm 2017, còn lại sản xuất từ các năm 2003 đến năm 2014.
Theo ông Lê Quang Hiếu - Phó Giám đốc Sở GTVT, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải buýt luôn được Sở GTVT quan tâm chỉ đạo. Ngành chức năng của tỉnh phối hợp Sở GTVT TP.Đà Nẵng xây dựng và ban hành bộ khung tiêu chí chất lượng dịch vụ vận tải các tuyến xe buýt liền kề Đà Nẵng - Quảng Nam; thường xuyên chỉ đạo, chấn chỉnh, duy trì chất lượng dịch vụ, xử lý các vi phạm trong hoạt động xe buýt. Nghị quyết nâng cao chất lượng phục vụ xe buýt cũng đã được Đảng ủy Sở GTVT Quảng Nam thông qua, chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, hiện chất lượng phương tiện chưa cao, còn chất lượng phục vụ kém xa so yêu cầu của dịch vụ này. Đơn cử, nhiều hành khách từng phản ánh về tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng: xe chạy trong nội thành ì ạch, với mục đích chờ “vắt khách”, vừa “canh me” xe buýt của đơn vị khác đang chạy phía sau. Đến khi gần ra khỏi nội thị thì tăng tốc, bóp còi inh ỏi, nếu thấy khách đón ven đường thì lập tức thắng gắp tấp vào...
Sở GTVT và các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia khai thác vận tải buýt đều thừa nhận, tình trạng xung đột, tranh giành khách giữa các xe với nhau đã tạo hình ảnh xấu, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội. Lái xe và nhân viên có thái độ phục vụ, ứng xử thiếu văn minh cũng là thực tế khó chối cãi.
Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Bắc Trà My - ông Nguyễn Hữu Sự kể rằng, ông từng nhiều lần nghe người dân phản ứng nhân viên phục vụ xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My nói năng cộc lốc, la mắng hành khách nếu thấy có gì không vừa lòng. Thái độ ứng xử như vậy chẳng khác gì “xe dù”, không xứng với tên gọi xe buýt.
Mới đây, PV Báo Quảng Nam đi từ thị trấn Trà My (Bắc Trà My) xuống thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) trên một xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My. Quan sát xuống sàn xe thấy khá nhếch nhác, ốc vít cố định ghế ngồi “không cánh mà bay”. Cửa xe mở toang không bật điều hòa như từng cam kết. Nhân viên phục vụ không thấy đâu, do vậy đến Tiên Kỳ, hành khách muốn xuống thì tài xế phải dừng lại mới có thể thu tiền, nhưng không xuất vé. Ngỡ đâu thu tiền xong xe sẽ lưu thông tiếp, ai ngờ tài xế để khách ngồi chờ phải hơn 5 phút mới chạy tiếp.
Các tuyến buýt xuất phát từ Quảng Nam đi Đà Nẵng (trừ nhà xe Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ vận tải QNABUS) cũng có tình trạng không xuất vé cho hành khách. Đáng nói hơn, tính nghiệp dư trong hoạt động cùng thái độ bất cần của lái xe, nhân viên phục vụ đã “hành khách”, khiến người dân mất thiện cảm và dần tẩy chay xe buýt.
Các tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề vào Đà Nẵng vốn không còn đất sống, xe buýt nội tỉnh cũng đang hoạt động lay lắt. Vì đâu mà vị thế của xe buýt lại đánh mất nhanh như vậy?
Chúng tôi từng chứng kiến cảnh tượng một xe buýt tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ đang di chuyển theo hướng Thăng Bình - Tam Kỳ, bất ngờ từ phía sau có một xe buýt khác cũng thuộc tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ phóng vụt qua bên phải vượt lên trước. Tài xế xe buýt bị vượt giải thích, xe kia muốn chạy trước nhằm “hớt” khách, dù xuất phát tại bến sau cách nhau đến 10 - 15 phút.
Một người có trách nhiệm từng chia sẻ, nhà xe khai thác cùng tuyến buýt cạnh tranh thiếu lành mạnh là có thật. Thậm chí, giữa xe buýt chung một hợp tác xã cũng sẵn sàng “đua” tốc độ trên đường để đến trước giành khách, dẫn tới cãi vã, xô xát gây mất hình ảnh.
Hợp tác xã cam kết nhiều điều, song quan sát trên đường có thể thấy xe buýt dừng đón - trả khách không đúng nơi quy định, không đóng cửa khi xe chạy. Thực tế đó chứng minh cánh tài xế, nhân viên và cũng chính là chủ xe chẳng hề tuân thủ quy định; bộ phận trực an toàn giao thông qua hệ thống camera giám sát có cũng như không.
Hợp tác xã “khoán trắng” cho xã viên có phương tiện. Thế là để tối đa hóa lợi nhuận, người nhận khoán điều phối cho xe hoạt động sai lịch trình, thời gian biểu chạy xe; thường xuyên bỏ phiên, bỏ chuyến vào giờ thấp điểm. Xe buýt thì xuống cấp, cũ kỹ, xả ra đầy khói đen; sàn dơ bẩn, mất mỹ quan.
“Thực trạng vừa nêu gây ức chế, dần đánh mất thiện cảm nơi “thượng đế”. Cạnh đó, vận tải khách tuyến cố định, xe hợp đồng cũng khiến cho xe buýt vốn chưa mạnh lại thêm khó khăn” - ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ vận tải QNABUS giãi bày.
Ông Nam lý giải, xe tuyến cố định phải về bến, nhưng tài xế cố tình chạy vào nội thị, dừng đỗ, đưa đón khách tùy tiện. Ngược lại, xe đăng ký kinh doanh chạy hợp đồng, nhưng phương tiện lại được dùng vận chuyển hành khách thông thường và luôn phục vụ đưa - đón khách tận nhà.
Ông Tình - xã viên Hợp tác xã Vận tải cơ giới đường bộ Núi Thành (đơn vị cùng khai thác tuyến buýt Núi Thành - Tam Kỳ) kể rằng, ở điểm đỗ xe buýt gần cảng Kỳ Hà, nhiều phương tiện không có phù hiệu hợp đồng, xe cố định gì cả cũng tới “hớt” khách của xe buýt. Có xe 16 chỗ ngồi còn tháo ghế để chở hàng, chở khách. Nào chỉ cạnh tranh không lành mạnh, họ cũng không cần phải đóng phí, đóng thuế vì đâu có đăng ký kinh doanh.
Một doanh nghiệp xe buýt khác thì chia sẻ, “taxi mù” và “taxi chung” nở rộ khiến cho lượng khách xe buýt, kể cả taxi suy giảm rõ rệt. Vấn đề là họ đăng ký kinh doanh theo hợp đồng, nhưng tới từng nhà chở khách, rồi trả khách chẳng khác gì taxi nhưng không bị xử lý.
Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Lê Quang Hiếu cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng "xuống cấp" của vận tải xe buýt. Trước hết, tất cả tuyến buýt trên địa bàn tỉnh không được trợ giá từ ngân sách Nhà nước, mà là xã hội hóa 100%. Muốn hoạt động ổn định, đơn vị kinh doanh bù lỗ 1 - 2 năm đầu tiên, nếu thiếu hiệu quả sẽ khó khăn ngay về tài chính.
Số lượng đơn vị vận tải khách nhiều nhưng chủ yếu là hợp tác xã truyền thống, doanh nghiệp quy mô nhỏ; tiềm lực, kinh nghiệm còn hạn chế, yếu và thiếu; không tập trung tăng cường năng lực, hiệu quả cạnh tranh.
Đặc biệt, từ năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, các tuyến xe buýt ngừng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Hệ số trùng tuyến của các tuyến xe buýt cao, vì vậy phần nào làm giảm hiệu quả kinh doanh. Mặt khác, giá xăng dầu không ổn định, tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động vận tải buýt. Sự cạnh tranh của các loại hình vận tải khách khác (xe taxi, xe công nghệ...) với chất lượng phục vụ ngày càng cao, cùng với xe trá hình, “xe dù”, “bến cóc” cũng khiến cho xe buýt thêm lao đao.
Ông Lê Quang Hiếu cho rằng, công tác quản lý, kiểm soát đội ngũ lái xe và nhân viên của chủ đơn vị chưa chặt chẽ, thiếu kinh nghiệm, hạn chế năng lực quản lý. Nhiều trường hợp “khoán trắng” hoạt động kinh doanh cho chủ xe, lái xe. Giới chủ chưa tiếp cận, áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của phương tiện.
Theo quy định, Sở GTVT phải “đặt hàng” bằng ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải buýt từ phía đối tác, mục đích xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên, góp phần chấn chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Nhưng lo sợ vi phạm sẽ tự mình loại bỏ cuộc chơi, hợp tác xã kinh doanh vận tải buýt viện dẫn hết lý do này đến lý do khác để né vấn đề này.
Việc doanh nghiệp “kiên định” khoán doanh thu làm nảy sinh chuyện nhân viên thu tiền không đúng giá vé niêm yết, sẵn sàng đôi co với khách. Tài xế điều khiển xe chạy chậm trong nội thị nhưng lại phóng nhanh, vượt ẩu ngoài đô thị; đua tốc độ để tranh giành khách.
Thực trạng đáng buồn trên khiến cho vận tải buýt không thể bứt phá, thậm chí ngày càng thụt lùi, khi từ ngày 1/9/2020 Đà Nẵng đã thực hiện chủ trương điều chỉnh hành trình chạy xe của các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của mạng lưới tuyến và tổ chức quản lý các tuyến buýt trên địa bàn Quảng Nam.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Phương Vy - ông Ông Văn Dũng chia sẻ, đây không khác gì khai tử đối với các tuyến xe buýt kết nối giữa Quảng Nam với Đà Nẵng. Bởi lẽ, hành khách không mặn mà sử dụng một khi xe buýt chỉ tới vùng ven thành phố, rồi họ phải qua xe khác tiếp tục đi tới nơi cần tới.
Muốn thay đổi cục diện và bứt phá, đơn vị kinh doanh vận tải buýt phải tự cứu mình bằng việc thay đổi cách quản lý, vận hành, đầu tư xe mới. Cơ chế chính sách đi kèm cũng cần được cấp thẩm quyền quan tâm ban hành.
Theo ông Ông Văn Dũng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Phương Vy, doanh nghiệp tham gia khai thác trên các tuyến xe buýt kết nối với Đà Nẵng. Được đi vào nội thành, xe tiếp cận gần trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị cho nên hành khách khá đông. Người dân chờ 10-15 phút là có xe ra Đà Nẵng, hoặc vào Tam Kỳ.
Nhưng năm 2020, xe chỉ được đi tới vùng ngoại ô Đà Nẵng, vậy là khách vắng tanh. Như xe buýt Ái Nghĩa - Đà Nẵng, phương tiện chạy tới trung tâm hành chính huyện Hòa Vang phải dừng, người dân muốn đi tiếp đành qua xe buýt do thành phố quản lý. Trong lúc, quãng đường từ Ái Nghĩa đến trung tâm hành chính Hòa Vang còn ngắn hơn từ đây đi đến Bệnh viện Đà Nẵng. Thế là, họ sử dụng xe máy di chuyển cho tiện. Ngược lại, Đà Nẵng vẫn để xe buýt từ Thừa Thiên Huế vào bến xe trung tâm thành phố, thực tâm điều này khiến đơn vị đầu Quảng Nam không phục.
Các đơn vị xe buýt đầu Quảng Nam phản ánh, họ đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng, rằng nếu Đà Nẵng tiếp tục cho phương tiện đi vào, hoặc đi tới bến xe trung tâm bằng lộ trình trên quốc lộ 1 thì cam kết sẽ mua xe mới chuyên dụng, thay đổi mạnh mẽ công tác quản lý, cung cách phục vụ. Lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng từng làm việc với Đà Nẵng về vấn đề liên quan, nhưng tình thế vẫn không xoay chuyển.
“Chúng tôi muốn cứu mình cũng khó. Sau dịch Covid-19, doanh nghiệp cho vận hành lại xe buýt ra tới ngoại ô Đà Nẵng nhưng lượng khách rất ít, bù lỗ khá nhiều. Ngược lại, xe buýt nội thành Đà Nẵng tạm ngưng hoạt động. Khách từ Quảng Nam ra tới ngoại ô không biết di chuyển tiếp bằng phương tiện gì để vào nội thành. Họ là người lao động, học sinh sinh viên, người đi khám chữa bệnh, thăm người dân thì lấy đâu ra tiền để xe thồ, hay taxi, grap…với chi phí kia cao hơn đi xe buýt cả chặng” - ông Dũng phân tích.
Ông Lê Quang Hiếu - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết thêm, hiện nay, dù chưa phục hồi như cũ nhưng mỗi tháng có khoảng 5.000 chuyến xe buýt lưu thông với hơn 140.000 lượt khách. Vì vậy, vận tải buýt cần thiết tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển” - ông Lê Quang Hiếu nói.
Về giải pháp dài hạn, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh công bố Danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2050 (Quyết định số 1239 ngày 10/5/2022 của UBND tỉnh). Theo đó, đề ra giải pháp kêu gọi đầu tư, triển khai đấu thầu, đặt hàng để lựa chọn đơn vị khai thác các tuyến trên cơ sở cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ, đảm bảo tỷ lệ chỗ ngồi cho người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành. Tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư, thay thế, hiện đại hóa phương tiện và trợ giá. Siết chặt công tác quản lý, giám sát đối với hoạt động xe buýt; chú trọng quy định về bảo đảm an sinh xã hội đối với đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở GTVT nghiên cứu, trình đề án hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi, để doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, tỉnh cần có chính sách trợ giá cho xe buýt, nhất là tuyến đi lên miền núi…