[eMagazine] - Đời nữ công nhân
(QNO) - Dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10) vừa trôi qua, niềm vui sau những lời chúc mừng cũng vừa qua đi, nhiều phụ nữ lại trở về với nhịp sống công nhân bận rộn. Dù trước mắt còn đó nỗi lo toan, hay niềm vui vì đã tìm thấy một công việc ổn định nơi nhà máy, thì họ vẫn biết gói ghém ước mơ, niềm vui nỗi buồn trong nhịp đời được mặc định với nhiều thiên chức.
Chúng tôi tạm gọi vậy, với những chuyến xe đưa đón công nhân từ các làng quê vào công xưởng. Những gương mặt phụ nữ tươi tắn mỗi sáng và rạng ngời hạnh phúc mỗi chiều trở về, vì ở nhà, có những đứa trẻ đang bi bô chờ mẹ...
1. Thùy Dân - cô công nhân Công ty TNHH MTV Sedo Vinako (xã Duy Trinh, Duy Xuyên), mỗi sáng mang theo cà mèn thức ăn, đứng đợi xe. Gần 6 giờ sáng, những con đường ở Quế Lộc, Quế Trung (Nông Sơn) đã rộn ràng bởi từng tốp công nhân đợi xe. Khoảng 10 phút đợi, có vài chiếc xe của công ty trờ đến, đón Dân cùng nhiều công nhân nữ tại Nông Sơn. Họ đa số là những người mẹ trẻ. Có người từng bôn ba phương Nam, cũng làm công nhân ở những xí nghiệp may.
"Tôi về quê được 4 năm và làm việc cho Sedo hơn 3 năm nay. Có thể thu nhập không bằng ở Sài Gòn, nhưng không phải cảnh ở trọ, không phải gởi con để đi làm xa. Có ngày tăng ca đến hơn 8 giờ tối, nhưng hạnh phúc là tối nào cũng được ngủ với con" - Thùy Dân nói.
Có lẽ, những chuyến xe đưa đón, ở một góc độ nào đó, chính là lý do để những lớp người trẻ, đặc biệt là phụ nữ, chọn ở lại quê nhà và làm việc. Ông Lê Hoàng Anh Binh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Sedo Vinako chia sẻ: "Để giúp người lao động yên tâm đi làm, những chuyến xe đưa đón nhân viên được công ty thực hiện từ những ngày đầu công ty đi vào hoạt động cho đến nay. Phần đông lao động đều được tuyển dụng ở nhiều khu vực xa, chứ ở tại chỗ thì không thể nào đủ được.
Hỗ trợ xe đưa đón công nhân, nhân viên đi làm hàng ngày từ nơi ở đến công ty là một trong những chế độ hỗ trợ thiết thực của một số doanh nghiệp. Đó không chỉ là chính sách đối với người lao động có nhà ở xa nơi làm việc, mà còn là chế độ đãi ngộ nhằm thu hút người lao động, giúp họ đi làm thuận tiện hơn, tiết kiệm được một phần chi phí xăng xe hoặc phải ở lại thuê nhà trọ gần nơi làm.
Mỗi ngày những chuyến xe đưa đón nhân viên, công nhân lao động từ Sedo vẫn chạy đều từ trụ sở công ty đến các xã của huyện Duy Xuyên, và các huyện lân cận để đón đưa người lao động như Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn...
2. Công ty CP Phước Kỳ Nam (Khu công nghiệp Thuận Yên, TP.Tam Kỳ) mỗi ngày có những chuyến xe đưa đón nhân viên từ các huyện xung quanh đến Tam Kỳ làm việc, rồi lại đưa về sau mỗi giờ tan ca. Đường đi làm của lao động thêm an toàn, thêm vui hơn bởi những chuyến xe đưa đón hàng ngày. Đại diện Công ty CP Phước Kỳ Nam chia sẻ, xe đưa đón cũng là một giải pháp để thu hút nguồn lao động đến làm việc tại công ty. Vì điều kiện nhà xa nên một bộ phận không nhỏ lao động không thể đi làm việc ở Tam Kỳ, nhưng khi có xe đưa đón, họ yên tâm đi làm, có thu nhập chăm lo cuộc sống.
Vợ chồng chị Hà Vi nhà tại xã Đại Hồng (Đại Lộc), từng gởi lại cho ông bà ngoại chăm sóc 2 đứa con để vào làm việc tại một công ty may mặc ở Bình Dương. Chị kể, mỗi khi tết gần kề, lại nặng trĩu bao nhiêu nỗi lo, từ chuyện xe cộ về quê, tiền nong sắm tết. Nhưng buồn nhất là lúc hết kỳ nghỉ tết, lên xe vô lại miền Nam. Lúc này, hai đứa con còn nhỏ, mẹ khóc, con khóc. Nhưng không đi xa quê thì không biết làm cách nào để trang trải cuộc sống gia đình.
May thay, năm 2012, khi Cụm công nghiệp Tây An (tại xã Duy Trung, Duy Xuyên) hình thành, vợ chồng Vi quyết định trở về và xin làm công nhân tại đây. Hằng ngày, trên chuyến xe đưa đón đến trung tâm xã, Vi nói chị cảm giác cuộc sống mình vui vẻ, đủ đầy hơn. Là những cái ôm của cô con gái nhỏ, là mỗi cuối tuần được đưa con cái đi sắm sửa áo quần, uống cafe ở thị trấn, những điều rất nhỏ thôi nhưng chị phải mong ước suốt mấy năm xa nhà. Bây giờ, hạnh phúc như trọn vẹn trong vòng tay mình.
Đó cũng là cảm nhận của rất nhiều lao động nữ, khi họ đã là mẹ. Mỗi chiều, từ công xưởng, những chuyến xe lăn bánh mang về niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình....
Những cô gái sinh ra từ núi, chứng kiến đời sống vất vả của cha mẹ và anh chị, nên ôm ấp giấc mơ rời núi đến nơi phố thị để tìm kiếm công việc có thu nhập ổn định giúp gia đình có cái ăn, cái mặc đủ đầy hơn.
1. Từ miền biên giới xa xôi, Pơloong Dưng (ở xã Chơ Chun, Nam Giang) sinh ra trong gia đình có đến 7 anh chị em. Cuộc sống từ nhỏ thiếu cái ăn cái mặc nên Dưng quyết tâm đi học, nhưng hết lớp 12, nhận giấy báo đậu Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cô gái này đành cất vào ngăn kỷ niệm chỉ vì gia cảnh quá khó khăn.
Dưng tâm sự: "Tôi đã chọn con đường đi học trung cấp may công nghiệp ở trường nghề miền núi vào năm 2019. Bởi lúc đó, học nghề được lo ăn ở tại trường, lại không tốn tiền của cha mẹ. Học xong, tôi được đi làm ở Công ty Panko Tam Thăng cho đến bây giờ. Cả nhà, chỉ mỗi tôi đi làm xa, còn lại các anh, chị có gia đình rồi cũng bám nương rẫy".
Gắn bó với công việc là công nhân may từ năm 2020, qua bao bận dịch giã, Dưng vẫn bám trụ nơi phố thị dù có lúc tinh thần suy sụp do mất việc và nhớ nhà. Nhắc đến gia đình, Dưng lại rơi nước mắt giữa cuộc trò chuyện. "Nhà, ai chẳng muốn về. Nhưng tôi muốn đi làm, quyết tâm không bỏ việc về nhà. Lâu lâu lại về thăm cha mẹ anh em, có tiền mua quà cho cháu vẫn thấy vui hơn là về trên đó rồi cả đời phải bu bám ruộng nương" - cô nói.
Thu nhập hằng tháng khoảng 6 triệu đồng, lúc việc nhiều được 7 - 8 triệu đồng, với Dưng, đó là nguồn thu nhập mơ ước từ khi còn ngồi học may những đường kim mũi chỉ đầu tiên.
2. Đã gần 2 năm kể từ ngày mang hồ sơ xuống phố xin đi làm công nhân may, Hồ Thị Vưng (xã Trà Bui, Bắc Trà My) vẫn kiên trì ở trọ, đi làm cùng với bạn bè. Ở làng, cũng có một người nữa vào công ty làm với Vưng, nên buồn vui có người cùng tâm sự.
Vưng học xong lớp 9 thì chọn học nghề may công nghiệp từ năm 2019, nhưng lúc đó chị chưa đủ 18 tuổi để đi làm ở công ty. Buồn bã, sau thời gian thực tập, Vưng đành quay về quê, chờ đủ tuổi đi làm. Hai năm chờ đợi cũng là thời gian dịch giã, nhưng Vưng vẫn ấm ủ ý định rời núi xuống phố tìm việc.
Chị tâm sự: "Đầu năm 2021, tôi vác ba lô đi làm mà mẹ lo rồi khóc vì sợ dịch bệnh, sợ tôi nhớ nhà không đi làm được. Tôi đã mất ba, còn mẹ và em. Nhưng ở nhà với mẹ thì lấy đâu ra tiền lo cho em ăn học, lo cho mẹ. Chỉ có đi làm mới hết nghèo hết khổ. Hồi đi học, tôi đã đi thực tập ở Tam Thăng rồi, nên lúc đó cầm hồ sơ xuống xin việc lại thì tôi đã biết cách, biết đường để đi. Xuống đây tôi làm đến giờ, lâu lâu lễ tết thì mới về thăm mẹ, thăm nhà".
Đời sống của nhiều nữ công nhân đang chật vật trong những căn phòng trọ, trước mắt họ là những lo toan...
Giờ tan ca tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), giữa những dòng xe chen chúc, chúng tôi bắt chuyện với một nữ công nhân Công ty TNHH MTV Panko đang bước vội. Trên tay chị đùm đề mấy món đồ vừa tiện đường ghé mua, chủ yếu là sữa, bánh cho đứa con trai. Chị nói, mình thì có thể ăn uống qua quýt nhưng con cái phải chăm lo đủ đầy.
Chị tên là Đinh Thị Nhung (quê ở thôn 6, xã Trà Bui, Bắc Trà My), vừa xuống KCN Tam Thăng làm được 4 tháng. Chị Nhung không mất thời gian học việc, do từng làm công nhân trong một công ty may mặc cách đây vài năm. Mấy năm qua, chị lập gia đình rồi về quê chăn nuôi, làm nương rẫy. Nhưng thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra, kinh tế khó khăn nên vợ chồng chị cùng đứa con 3 tuổi xuống phố mưu sinh. Chị Nhung xin vào làm công nhân, còn chồng đi phụ hồ. Đứa con nhỏ thì cậy nhờ một người cháu đang thất nghiệp xuống trọ trông nom. Căn trọ chật hẹp trở thành không gian sinh hoạt của 4 người.
Chị Nhung chia sẻ, lương mỗi tháng kể cả tăng ca cũng chỉ hơn 5 triệu đồng, song là nguồn thu nhập chính của gia đình. Còn một ngày công của chồng khoảng 200 nghìn đồng nhưng bữa được bữa mất, tùy thuộc vào công trình, thời tiết. Như mùa này, thu nhập cả hai cộng dồn chỉ tầm 7 triệu đồng, nhưng tiền nhà trọ đã hơn 1 triệu đồng. Số tiền còn lại, họ thắt chặt các khoản chi tiêu.
“Chúng tôi chưa có dự tính gì cho tương lai cả. Trước mắt, khi đứa cháu đi làm trở lại, chúng tôi sẽ cho con đi nhà trẻ. Chi phí 1 tháng đi học của con khoảng 2 triệu đồng. Đó là số tiền lớn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để con có cuộc sống tốt nhất” – chị Nhung nói.
Cũng như chị Nhung, chị Thống Thị Kim Thủy (quê thôn 1, xã Trà Vân, Nam Trà My) từng tham gia lớp học nghề và xin làm công nhân may Công ty TNHH MTV Panko để có tiền nuôi con. Chị nói, trước đây ở quê không có việc làm, hai vợ chồng chủ yếu dựa vào nương rẫy nhưng thiếu trước hụt sau.
Xuống KCN, chị xin vào ở ghép trong căn trọ nhỏ với người em cùng quê để giảm chi phí. Mọi chi tiêu chị Thủy đều tính toán, suy nghĩ trước sau. Đến nỗi, phòng trọ đã ở 3 năm, nhưng chỉ vỏn vẹn chiếc máy quạt với mấy thứ xoong, chảo là có giá trị nhất. Với chị, niềm vui sau những ngày dài miệt mài nơi công xưởng là được nhận lương, trích lại một khoản vừa đủ lo cho sinh hoạt, còn lại gửi tiền về quê lo cho con ăn học.
Chúng tôi ghé vào căn nhà trọ bên đường Nguyễn Văn Trỗi nối dài dẫn đến KCN Tam Thăng trong một chiều cuối tuần. Bà Phan Thị Vinh (quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế) đang cùng đứa cháu ngoại dạo vòng quanh trong sân. Bà nói, nhà này có 9 phòng trọ, cuối tuần một số công nhân về quê, một số tăng ca, kể cả chị chủ nhà cũng là công nhân may nên ở đây giờ này không có ai cả.
Bà Vinh vào đây giữ cháu ngoại cùng với đứa con gái út bị bệnh thần kinh thể nhẹ. Con gái lớn của bà là công nhân trong Khu công nghiệp Tam Thăng. Bà Vinh cho biết, con gái lớn từ Thừa Thiên Huế vào làm công nhân cách đây mấy năm rồi lập gia đình trong này.
"Lúc hắn chưa có con thì vợ chồng đều làm công nhân cũng thong thả. Nhưng từ khi có con bé này, tôi phải vào đây chăm giữ vì con bé đi trẻ bệnh miết. Nhà ở quê đơn chiếc, nên khi vào đây phải đi cùng với đứa con gái út bị bệnh để chăm sóc cho hắn. Năm mẹ con cùng tá túc trong căn phòng trọ này" - bà Vinh tâm sự.
Chúng tôi đưa mắt nhìn qua căn phòng trọ của mẹ con bà Vinh, không gian vốn nhỏ hẹp của căn phòng thêm chật chội bởi những đồ vật linh tinh của một gia đình có con nhỏ. Bà Vinh nói, ở đây đất còn rộng nhưng phòng nào cũng được xây nhỏ hẹp bởi theo lời chủ thì đây là công trình tạm.
"Giá một phòng nghe nói chỉ 700 nghìn đồng/tháng thôi, nhẹ hơn các nơi khác. Số lượng công nhân may tập trung về đây rất đông, các phòng trọ chật kín, giờ muốn tìm một căn rộng rãi cũng khó lắm" - bà Vinh nói thêm.
[VIDEO] - Đời sống công nhân trong các căn nhà trọ:
Nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp với lao động nữ
Hiện cả nước có 34 bệnh nằm trong danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm chi trả, riêng Quảng Nam và các tỉnh miền Trung có 3 loại bệnh nghề nghiệp thường gặp và chiếm tỷ lệ cao nhất là bụi phổi silic, bụi phổi than và điếc do tiếng ồn.
Bà Nguyễn Thị Kim Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) cho biết, với lao động nữ, bệnh bụi phổi silic, bệnh bụi phổi amiăng, bệnh bụi phổi bông và điếc do tiếng ồn… là nhóm bệnh nghề nghiệp có khả năng mắc phải cao nhất hiện nay.
Công nhân nhà máy may là những người được liệt vào danh sách là những lao động hành nghề độc hại. Trong danh mục nghề nghiệp có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), công nhân dệt may được xếp trong top đầu. Lượng bụi vải mà công nhân hít phải hằng ngày rất có thể gây ra những bệnh lý như tắc nghẽn phổi mãn tính, hay các bệnh về mắt.
Các chuyên gia y tế cho rằng, nữ công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp xuất khẩu, luôn phải làm việc trong điều kiện áp lực cao về thể chất và tinh thần. Ngoài các áp lực về tâm lý, thường xuyên phải làm việc trong điều kiện phơi nhiễm với các yếu tố tác hại nghề nghiệp khác như tiếng ồn, bụi, nhiệt độ cao, hóa chất… trong môi trường sản xuất - là tác nhân khiến nữ giới dễ mắc phải bệnh nghề nghiệp.
Công nhân nữ thường phải sống tại các nhà trọ chật chội, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, thiếu nước sạch, điều kiện công trình vệ sinh không đảm bảo, các bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng... tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh nghề nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Kim Vân nói: "Đa số các công ty chấp hành việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân nhưng khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất ít và chưa thường xuyên" - bà Vân nói.
Gắn bó với Công ty TNHH Vinh Gia (Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Núi Thành) đã 11 năm, chị Trần Thị Bích (thôn Mỹ Sơn, xã Tam Anh Nam, Núi Thành) là công nhân đã có nhiều đóng góp cho công ty. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên vợ chồng chị chưa thể có được một căn nhà riêng. Hiện vợ chồng chị Bích ở chung với gia đình cha mẹ chồng trong một căn nhà cấp 4 cũ kỹ.
Xét thấy hoàn cảnh khó khăn của chị, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Vinh Gia kiến nghị Công đoàn các Khu kinh tế & khu công nghiệp tỉnh hỗ trợ làm nhà "mái ấm công đoàn". Cha mẹ chồng cắt cho gia đình chị một khoảng đất, chị đang xây căn nhà mới với nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng của Quỹ "mái ấm công đoàn". Chị Bích cho hay, căn nhà dự kiến có kinh phí xây dựng khoảng 260 triệu đồng, sắp sửa hoàn thành.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Anh Binh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Sedo Vinako, với lao động nữ thì ngoài chính sách theo quy định, công ty còn có những hỗ trợ thiết thực như bố trí phòng vắt sữa cho nữ công nhân nuôi con nhỏ, xây dựng thư viện công nhân... Các ngày lễ, ngày của chị em phụ nữ công ty đều hỗ trợ để công đoàn phát quà và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích".
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh và công đoàn các cấp, đặc biệt là công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ nữ công nhân, lao động. Nhiều phụ nữ có nhà ở chưa kiên cố, khó khăn về nhà ở đã được các cấp công đoàn đề xuất hỗ trợ "mái ấm công đoàn", giúp chị em yên tâm lao động sản xuất. Sức khỏe của chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, trong độ tuổi nuôi con cũng được thăm khám, tư vấn thường xuyên.