[eMagazine] - Mỳ Quảng, từ Phú Chiêm nghĩ tới… Phú Quốc
(QNO) - Mỳ Quảng, một món ăn gắn liền với đời sống người Quảng đã bao đời nay. Nhưng đâu là tinh hoa của món ăn này, nơi nào là ngon nhứt, vẫn những câu hỏi để ngỏ cho ai “hay cãi” và “cải” mang tầm thế kỷ. Cuộc thiên di với những lưu dân người Quảng từ quê nhà đến bao miền xa ngái mang theo dư vị mỳ Quảng, dường như đủ để làm một “hội mỳ học” với sự đa dạng về mỹ cảm. Từ mỳ Phú Chiêm mà nghĩ tới… Phú Quốc, là từ gần mà nghĩ đến chuyện xa về văn hóa, thương hiệu, thị trường…
Nhân kỷ niệm 420 năm Dinh trấn Thanh Chiêm và Năm du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022, từ ngày 5 đến 7.8.2022, Ngày hội mỳ Quảng lần thứ nhất đã được tổ chức tại làng Thanh Chiêm (Điện Phương, Điện Bàn). Tại sự kiện đó, diễn ra một hội thi quy tụ đông đảo hộ dân và nghệ nhân nấu mỳ, để cổ xúy cho “Tinh hoa mỳ Quảng - Phú Chiêm”.
Trên trang web Foody.vn, chuyên về ẩm thực, đã trịnh trọng giới thiệu: “Mỳ Quảng Phú Chiêm mới thực sự là mỳ Quảng thứ thiệt. Dù cho mỳ Quảng ngày nay đã biến tấu với đủ loại nguyên liệu và cách chế biến, nhưng chắc chắn rằng mỳ Quảng Phú Chiêm vẫn là loại ngon và thuần chất nhất… Cái ngon của mỳ Phú Chiêm kết hợp bởi nhiều yếu tố, từ nguyên liệu đến nước dùng và cả cách thưởng thức”.
Không rõ tác giả thực sự của những dòng văn mượt mà da diết ấy, nhưng nếu là người Quảng, dù biết sẽ bị cãi nhưng ai cũng muốn nói như thế, với mỳ Phú Chiêm. Có thể vì lý do từ ký ức lịch sử đất và người của Dinh trấn Thanh Chiêm có hồi quang đẹp đẽ thời vang bóng là thủ phủ của xứ Đàng Trong. Cũng có thể vì chuyện “thực dụng” hơn là nơi ấy, trải qua hàng thế kỷ, gánh mỳ vẫn rong ruổi đi khắp xứ Quảng.
Theo thông tin từ UBND xã Điện Phương, vùng đất này có khoảng 200 hộ dân sống nhờ gánh mỳ Quảng, hàng ngày ra Đà Nẵng, xuống Hội An, vào Nam Phước,… xa hơn thì gửi “ship hàng” tới các quán để bảng mỳ Phú Chiêm.
Trước ngày hội Mỳ Phú Chiêm như vừa kể, chúng tôi thực hiện một cuộc điền dã như khách rong chơi bình thường về miền quê Điện Phương. Quán mỳ của vợ chồng bà Ngô Thị Tám (tuổi chừng 77 - 80), nằm dưới ủy ban xã một đoạn. Quán trông vẻ ngoài lụp xụp, bên trong chỉ đủ chỗ bày hai cái bàn tròn. Vào quán í ới gọi thì hai vợ chồng bà Tám mới lò dò lên hỏi ăn tại chỗ hay mua về.
Tôi tò mò vào sâu trong quán thì nhìn thấy gian bếp ám khói, trên ông kiềng đặt nồi nhưn, còn một bên là rổ rau sống cùng một thau lớn đựng mỳ. Khi biết chúng tôi muốn ăn tại chỗ và để quan sát cách chế biến thì vợ chồng bà hơi ngại nhưng rồi cũng mở lòng kể dăm điều về cái nghề đã gắn với hai ông bà hơn nửa thế kỷ.
Số là bà Tám từ quê khác về làm dâu tại đây, được mẹ chồng truyền nghề làm mỳ, chỉ rặt nhưn thuần là tôm thịt, được nấu sền sệt nhưng nước không đặc màu mà hơi trong, chan lúp xúp từ đáy tô lên chừng một phần ba. Chồng bà Tám sau khi trộn cả thau mỳ với dầu phụng khử nén thì bỏ rau sống và mỳ vào tô, đưa cho vợ chan nhưn, rắc đậu phụng rang giã lên trên cùng. Thế là xong, quá đơn giản, nhưng hương vị tô mỳ khá đậm đà, béo bùi và ngọt. Ngồi ăn tô mỳ chừng mươi lăm phút nhưng chúng tôi thấy khá nhiều người đến mua về nhà, và đợi lâu bởi hai vợ chồng già tay chân không mấy nhanh nhẹn để phục vụ.
Tiếp cuộc hành trình, chúng tôi lại chạy lên chợ xếp đối diện một ngôi chùa. Phía trước cửa chợ là sạp mỳ của bà Nguyễn Thị Sáu (76 tuổi). Bà Sáu chỉ dọn ra một nồi nhưn và rổ mỳ nhỏ, bà nói ước chừng bán mỗi ngày chỉ vài chục ký mỳ và cách làm nhưn cũng là tôm đất và thịt ba chỉ như quán bà Tám vậy, song nước nhưn có màu vàng đậm hơn, chan nhiều hơn. Tô mỳ của bà Sáu ăn cũng thấm vị đậm đà, nhưng nghe ra vẫn khác lạ chút ít với mỳ bà Tám.
Từ giã hai quán mỳ trên, chúng tôi đáo lại khoảng giữa đoạn đường, nằm gần bên hông Trạm y tế xã là quán mỳ cô Nhựt, quán này có đề bảng tên rõ ràng, bàn ghế sáng bóng.
Cô Nhựt tuổi độ 50 nhưng đã hơn 22 năm bán mỳ, từ mỳ gánh chuyển sang bán quán. Mỳ cô Nhựt cũng nhưn tôm thịt, nhưng con tôm to và đỏ như tôm sú luộc, nhưn vàng như có nhiều nước màu, chan nhiều nước. Tô mỳ trông bắt mắt nhưng thưởng thức thì vị lại khác nữa, khác thứ cảm giác béo bùi và ngọt của dầu phụng khử nén thấm trong con mỳ, hay của lát thịt ba chỉ hơi săn, rắc nhúm đậu phụng rang trong tô mỳ chan ít nước của mấy “bà già trầu” vừa kể.
Đi qua ba quán mỳ của người già và người trẻ, tìm đâu để gọi là mỳ “thuần chất” hay “thứ thiệt” ngay trên đất Phú Chiêm thì còn băn khoăn, nhưng cũng tạm rút ra mấy điều: Mỳ Phú Chiêm phổ biến hiện tại là nhưn tôm thịt. Những người có thâm niên nhiều hơn trong nghề chế biến mỳ dường như cố giữ lại cái hương vị dân dã, giản dị mà thấm vị, nhưn ít nước, tôm con vừa, thịt heo ba chỉ hơi săn; còn người trẻ lại chuộng phong cách sao cho nhìn tô mỳ bắt mắt, nhưn nhiều nước, tôm to, lát thịt lớn hơn.
Điểm tương đồng của loại “mỳ bà già” và “mỳ người trẻ” ở Phú Chiêm là đều dùng dầu phụng khử nén, đậu phụng rang giã rắc lên tô và chú trọng rau sống sao cho có được những thứ rau của vùng đất quen thuộc với búp chuối, thân cây chuối con, rau húng, rau é, ăn mỳ có bánh tráng nướng và ớt xanh kèm theo.
Vẫn chưa hết cuộc rong ruổi đi tìm mỳ Phú Chiêm “đúng điệu”, chúng tôi trở lại tìm những người có tiếng tăm trong ngày hội “Tinh hoa mỳ Quảng - Phú Chiêm”. Hỏi thăm và thưởng thức tô mỳ của những nghệ nhân trên vùng dinh trấn, lại vỡ vạc ra một số điều lạ nữa. Như với bà Trần Thị Thời (ngụ tại thôn Thanh Chiêm 2, 80 tuổi), người đoạt giải quán quân trong hội thi mỳ cho hay bà dùng nhưn tôm thịt, cua đồng xay lấy nước, không dùng phẩm mà dùng nước hạt điều để tạo màu nồi nhưn.
Qua 60 năm từ bán mỳ gánh đến mỳ quán (quán bà Thời ở dưới chợ Tổng - Điện Phương một đoạn, mỗi ngày bán được chừng 25 ký mỳ), bà Thời còn nhớ tô mỳ xưa dùng tôm đất, cua lột (cua mềm) đều bắt lên từ sông đầm tự nhiên, thịt ba chỉ heo nuôi theo kiểu truyền thống nên nhưn ngon ngọt hơn nhiều.
Thêm nữa, ngày xưa tự tráng mỳ và xắt tay, thoa dầu phụng khử nén, đậu phụng rang giã, rau sống các loại đều có thể tìm kiếm quanh xóm, vườn nhà, nên tô mỳ đậm đà hương vị dân dã. Bây giờ thì mỳ xắt máy, các loại nguyên liệu nấu nhưn (tôm, thịt heo) và rau sống đều phải mua của nuôi trồng không bằng hồi xưa được.
Ý của bà Thời tương tự như của cô Trần Thị Đông (người Duy Xuyên về làm dâu Điện Phương, có hơn 20 năm theo nghề bán mỳ) và mẹ chồng cô Đông là bà Nguyễn Thị Xuân (tuổi áng 80, cũng làm nghề mỳ hơn nửa thế kỷ), được chúng tôi hỏi chuyện. Tất cả họ đều nói tô mỳ xưa dân dã mà hương vị đậm đà, “miếng ngon nhớ lâu” đến nỗi người già xa xứ trở về đều muốn tìm lại để thưởng thức.
Còn bây giờ, theo chuyên gia đầu bếp Trịnh Thị Diễm Vy - Tổng Giám đốc công ty Tổ chức sự kiện ẩm thực Hội An, nói “ăn theo thuở, ở theo thời’, tô mỳ Phú Chiêm phải chịu ảnh hưởng của biến động đời sống và thị trường, đâu dễ tìm lại hương vị của nguyên liệu tự nhiên như xưa để chế biến nhưn (chẳng hạn giờ khó tìm ra cua lột - cua mềm, tôm đất sông đầm, heo nuôi bằng cây chuối tự trồng, rau sống đủ đầy trong vườn nhà không dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật).
[Video] - Ngày hội “Tinh hoa mỳ Quảng - Phú Chiêm”:
Mỳ Quảng đã có cuộc thiên di cùng trời cuối đất khó ai biết hết, dường như nơi nào có bước chân lưu dân người Quảng thì sớm hay muộn,cũng dựng lên hàng quán bán mỳ. Và theo đó, những cách thức cải tiến trong chế biến món này bày ra vô số chọn lựa nguyên liệu, hương vị phù hợp chừng mực nào đó với cư dân bản địa.
Có thể thấy xuôi ngược theo đường thiên lý, ra Đà Nẵng hay dần theo quốc lộ vô Tam Kỳ, quán nào dựng bảng mỳ Phú Chiêm đều ít nhiều cải biên. Xem cách chan nhưn ít nước hay nhiều nước đã có sự sai khác. Rõ nhất là nguyên liệu và thứ ăn kèm. Thịt heo ba chỉ có thể thay bằng thịt mông đùi. Tôm đất tươi có khi thay bằng tôm sú, tôm khô rim. Thứ ăn kèm là bánh tráng mè dày nướng thay bằng bánh tráng công nghiệp; rau sống nếu không có rau é lại bổ sung rau đắng, rau má… Còn mỳ Quảng nói chung, nguyên liệu và cách thức chế biến có rất nhiều cải tiến khi ra Bắc vào Nam.
Chúng tôi từng có dịp ở trọ một góc phố Trần Duy Hưng tại Hà Nội, lội bộ loanh quanh thấy có quán bán mỳ Quảng, vào ăn thấy sợi mì pha phách màu vàng như cao lầu, con tôm to và thịt xíu, rau sống thì có thêm mấy loại rau mùi xứ Bắc (lưu ý người đất Bắc thường ăn mỳ mà dùng đũa và cả muỗng chứ không “lua” bằng đũa và bưng tô húp nước nhưn rặt như kiểu Quảng).
Vào Sài Gòn, cũng từng thưởng thức Mỳ Quảng Sâm (nơi có ngày bán được khoảng 500 tô), lại thấy nhiều loại nhưn mỳ, dùng cá, gà, cả trứng…, đặc biệt chan nhiều nước và nấu hơi ngọt cho phù hợp khẩu vị người ở miền Nam. Mỳ Quảng Sâm có thể đại diện cho cái gọi là mỳ “dân chủ”, theo phong cách khá cởi mở, dung nạp rất nhiều loại nguyên liệu để làm nhưn, ngoài món mỳ tôm thịt hay mỳ gà truyền thống, có thêm các loại mỳ sườn, mỳ xương, mỳ cá lóc, mỳ cá thu, mỳ cá ngừ, mỳ giò heo, rồi gom hết thảy là… mỳ thập cẩm.
Mỳ Quảng vào đất miền Nam, từ Bình Thuận trở vô khác nhiều với quê xứ. Như tác giả Nhã Xuân trong bài báo “Mỳ Quảng Phan Thiết – món ăn gây “sốc văn hóa”” (Báo Tuổi trẻ, số 21.4.2022) kể rằng mỳ Quảng ở Phan Thiết thường được ăn với một trong hai loại sợi cơ bản là sợi mỳ vàng hoặc sợi bánh phở vuông nhỏ hơn, nước lèo được chan ngập mặt bánh. Nước lèo thường được tạo màu bằng hạt điều màu. Đặc biệt, mỳ Quảng kiểu Phan Thiết chỉ có hai loại thịt là thịt heo (thường là thịt nạc, cốt lết, giò, móng) và thịt vịt được hầm rất mềm. Món này cũng ăn kèm rau, giá sống, đậu phộng rang và không có bánh tráng nướng.
[Video] - Đặc sắc mỳ Phú Chiêm:
Một nhà báo khác – Trần Nam Giao, là người Quảng sống khá lâu tại miền Tây Nam Bộ, còn kể những câu chuyện khá hấp dẫn về mỳ Quảng ở Sa Rài, ở Đồng Tháp, Cà Mau, và tận… Phú Quốc. Hiện người dân gốc Quảng sống trên quần đảo Phú Quốc khá đông đảo. Dân gốc Quảng vẫn cố lưu giữ bản sắc văn hóa, ẩm thực cội nguồn quê nhà, nhất là qua món mỳ Quảng.
Nam Giao dẫn lại lời thầy giáo Nguyễn Khánh cho hay, dân Quảng sống rất đông về phía nam của đảo Phú Quốc, họ vẫn giữ được cốt cách hồn quê của mình, đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Ở đây, món mỳ Quảng được phổ biến, món ưa dùng của người dân. Có rất nhiều quán nhưng không đặt tên như kiểu ABC... mà chỉ ghi "quán mỳ Quảng" là khách biết ngay. Tuy vậy nhưng cũng có một số quán rất nổi tiếng, tồn tại lâu năm và khách đông đúc như quán Mỳ Quảng Tam Kỳ ở thị trấn Dương Đông, hay quán Cô Chín, nhưn ếch, ở thị trấn An Thới, mỗi ngày bán được gần 100kg mỳ.
Cuộc thiên di của mỳ Quảng sẽ cần những cuộc khảo sát rộng rãi để có thể vẽ lại “mạng lưới mỳ” qua ba miền đất nước, thậm chí ra đến nước ngoài. Nếu xây dựng được “bản đồ mỳ Quảng” có thể cho hình dung thú vị hệ thống thương mại điện tử gắn định vị GPS, sẵn sàng phục vụ quảng bá một thương hiệu văn hóa ẩm thực.
Từ việc tìm về “thủ phủ” mỳ Phú Chiêm, qua các tư liệu điền dã và thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn, trao đổi với các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, chúng tôi tạm đúc kết một số vấn đề gợi ra suy nghĩ cần bảo tồn và phát triển thương hiệu mỳ Quảng - mỳ Phú Chiêm sau đây:
1. Ứng xử câu chuyện CÃI VÀ CẢI, BẢO THỦ VÀ CỞI MỞ!
Thực tế, dù có được coi là “thủ phủ” mỳ Quảng thì mỳ Phú Chiêm trong thời hiện tại cũng không ai dám khẳng định là thứ mỳ ngon nhất, “thứ thiệt” nhất và “thuần chất” Quảng như xưa. Vì tiếng tăm hay yêu mến mà khẳng định điều đó sẽ gây tranh cãi không dứt, đôi khi không cần thiết nữa. Và bởi vì hiện tồn tại nhiều “trường phái” chế biến mỳ, không ai chịu ai là “đúng điệu”, do sự biến cải không ngừng của đời sống cư dân, những cuộc thiên di và nhiều thứ nguyên liệu truyền thống mất đi được thay thế bằng nguyên liệu mới.
Ngay chính ở xứ sở của mỳ, như chúng tôi đã mô tả phần trên, chỉ cần qua một đoạn đường ngang trung tâm Điện Phương, từ Thanh Chiêm xuống Phú Chiêm thì biến tấu hương vị, màu sắc của tô mỳ cũng khác nhau, từ tô mỳ “bà già trầu” làm đến các cô gái trẻ chế biến có sự vênh nhau về cách thức thực hành, nêm nếm gia vị, xử lý màu sắc, nguyên liệu…
Tuy có nhiều điều còn gây tranh cãi vậy và việc cải biên, cải biến, cải tiến đều phải chấp nhận thuận theo đời sống. Nhưng dù cởi mở bao nhiêu thì xu hướng bảo thủ vẫn còn đó, tức là giữ lại tên gọi mỳ Quảng (Quảng Nam) chứ không thể thay tên đổi họ, và nó đứng chung trong ngôi nhà ẩm thực Việt như một đặc trưng vùng đất cũng như những món đã định danh từ Phở Bắc (phở Cồ...), Bún Bò Huế, cơm tấm Sài Gòn, hủ tiếu miền Nam (của nhiều tỉnh Nam Bộ và cả Nam Vang)…
Như vậy, mỳ Quảng nói chung và mỳ Phú Chiêm nói riêng, tại bổn xứ cần giải quyết câu chuyện là làm sao để bảo tồn giá trị truyền thống của nó, đồng thời chấp nhận sự cải biên, cải tiến. Tuy nhiên, làm sao để vạch được ranh giới càng rõ càng tốt giữa các phong cách, cách thức chế biến mỳ, để định vị đâu là kiểu truyền thống, đâu là cách tân, để khỏi phải cãi nhau rần rần khi bảo tồn giá trị phi vật thể của nghề chế biến mỳ Quảng.
[Video] - Nhà nghiên cứu Lê Anh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa Việt Nam chia sẻ những nét tinh hoa trong tô mỳ Quảng:
2. Cần định vị CÔNG THỨC TƯƠNG ĐỐI CHUẨN VỊ của mỳ Quảng - mỳ Phú Chiêm để truyền dạy kỹ năng chế biến và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý…
Chuyên gia ẩm thực Trịnh Thị Diễm Vy, qua phân tích tô mỳ Phú Chiêm, cho rằng công thức chuẩn vị có thể xác định được. Theo đó, nắm bắt tri thức nghề truyền thống để xác định công thức dinh dưỡng (nguyên liệu chế biến) và màu sắc (gia vị), cũng như các thứ ăn kèm (rau sống, bánh tráng nướng). Mỳ phải làm ra từ loại gạo đảm bảo độ tinh bột và độ dẻo (sợi mỳ truyền thống cần tráng hơi dày, xắt tay cọng vừa, có thoa đầu phụng khử nén, khác với cách hiện đại là mỳ tráng mỏng và xắt bằng máy).
Nhưn mỳ Phú Chiêm kiểu truyền thống nên giữ lại các loại nguyên liệu tôm đất – thịt heo ba chỉ - và dùng ít da heo rán rắc lên cùng đậu phụng rang giã. Nếu có cua lột - cua mềm làm nhưn như xưa càng ngon (tất nhiên giá sẽ đắt đỏ chứ không bán bình dân được, và cũng hiếm nguồn cung, có chăng dùng cho các suất phục vụ cao cấp). Không có cua lột thì có thể dùng cua đồng (cả con rạm) như hiện nay để giã lấy nước nấu nhưn, nhưng cần nghiên cứu khử bớt đi mùi hăng nồng bùn đất của nó. Các thứ ăn kèm thì bánh tráng mè nướng và rau sống, ớt xanh thì dễ kiếm, chỉ cần đảm bảo đủ ngũ vị trong khi thưởng thức mỳ Quảng.
Như thế rõ ràng cần một cuộc hội thảo bàn tròn giữa các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp uy tín, cùng với các nghệ nhân của làng mỳ, để định vị một công thức chuẩn vị cho mỳ Quảng nói chung, mỳ Phú Chiêm nói riêng. Công thức đó chắc chắn cần sự tiếp nối các giá trị của tri thức dân gian truyền thống, đồng thời xem xét bổ túc các định lượng về dinh dưỡng, cũng như cách thức thực hành trong chế biến, nhằm có thể truyền dạy một cách phổ quát, đủ để ít gây tranh cãi cảm tính rằng “chỉ có mỳ mẹ nấu mới ngon” mà ai cũng thể làm theo được.
Truyền dạy kỹ năng thực hành chế biến mỳ Quảng nếu không có công thức chuẩn vị thì sao có thể phổ quát được, thậm chí còn bị hạn chế với tâm lý bảo vệ cái gọi là “bí quyết” chế biến. Mặt khác, sau khi định vị được công thức thì phải gắn với chỉ dẫn địa lý vùng nguyên liệu, nơi chế biến, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương hiệu nếu cần. Bởi hiện tại, ngay như mỳ Phú Chiêm, mỳ Quảng đã có nhiều hàng quán dựng bảng đề tên khắp nơi, nhưng thực ra không khác gì các thương hiệu nổi tiếng từng bị nhái như nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc, hay gà đồi Phú Thọ, gà Đèo Le Quảng Nam vậy.
[Video] - Bà Trần Thị Thời - xã Điện Phương (TX.Điện Bàn) chia sẻ bí quyết nấu nhưn mỳ Phú Chiêm:
3. Gấp rút bảo tồn hình ảnh tư liệu về mỳ Quảng truyền thống, nghệ nhân:
Ở góc độ di sản văn hóa phi vật thể thì làng nghề mỳ Quảng còn có những giá trị vô hình. Chẳng hạn ở Dinh trấn Thanh Chiêm, làng mỳ có những đặc trưng văn hóa, gắn với sinh hoạt đời sống hàng trăm hộ dân, tiếp nối nhiều đời truyền nghề. Do vậy các tư liệu về phong tục, tập quán, các loại nguyên liệu, cơ sở chế biến liên quan đến nghề mỳ cần sưu tra để cho cái nhìn tổng quan về nhân học, xã hội học, lịch sử nghệ thuật ẩm thực. Đồng thời lớp nghệ nhân hầu hết là già cả nên cần ghi lại các tri thức, câu chuyện của họ, sau này phục vụ cho việc nghiên cứu văn hóa và cả khi cần viết câu chuyện cho một làng nghề, cho du lịch trải nghiệm cộng đồng. Qua đó cũng là cách để bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề, văn hóa ẩm thực.
Sẽ là câu chuyện không cùng với những ai luôn khao khát cho quê mình vang tiếng về miền ẩm thực đặc trưng, nhất là món mỳ Quảng. Bài viết này thể hiện kỳ vọng ấy, để thương nhớ và rao vang lên lời mời, tựa như:
“Mỳ tôm bòa Tốm Quảng Nôm
Đi mô cũng nhớ vô lồm một tô”.
Đôi điều về truyền thông, marketing, quảng bá và thị trường…
Lạ thay mỳ Quảng nổi tiếng nhưng về độ rộng rãi phổ biến về thương hiệu khó sánh với Phở Hà Nội, nhất là khi đi ra nước ngoài. Vì vậy việc truyền thông, quảng bá, mở ra thị trường cho món ẩm thực này còn đòi hỏi những cách làm bài bản, hiệu quả hơn.
Sản phẩm mỳ Quảng cũng phải nghiên cứu để đa dạng hơn, tiện ích hơn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại khi mang từ quê xứ đến vùng đất khác. Đồng thời nên truyền thông về giá trị văn hóa ẩm thực của mỳ Quảng, marketing trong thị trường như đã đề cập sau khi xác lập “bản đồ mỳ Quảng”.
Cách marketing Mì Quảng Sâm là bài bản đáng học hỏi (như báo Quảng Nam từng phản ánh), đó là quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu quán mỳ này trên các phương tiện truyền thông trong chuyên mục ẩm thực: Hai lần xuất hiện trên HTV9, một lần lên sóng VTV9, chưa kể nhiều bài viết khác trên các tờ báo.
Ngoài thương hiệu được UBND quận Tân Bình cấp Giấy đăng ký nhãn hiệu (01.8.2008), Mì Quảng Sâm còn được vinh danh trong Chương trình tôn vinh danh hiệu văn hóa nghệ thuật ẩm thực và sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam (2013) lẫn Chương trình Ẩm thực ba miền (phát sóng trên Đài truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Bình Dương).