[eMagazine] - Làng nghề nông thôn trong bối cảnh hội nhập
(QNO) - Đề án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề giai đoạn 2023 - 2025 đang được UBND tỉnh xây dựng để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp tới. Cơ chế, chính sách mới liệu có đủ mạnh để dẫn dắt, phát triển làng nghề, các ngành nghề bền vững trong bối cảnh phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề giai đoạn 2023 - 2025 (sau đây gọi tắt là Đề án) hướng đến mục tiêu tạo động lực, cú hích phát triển. Tuy vậy có không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của Đề án.
Tìm hướng đi mới
Sở NN&PTNT được UBND tỉnh giao chủ trì xây dựng Đề án. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định, mặc dù có đóng góp lớn đối với kinh tế - xã hội nhưng phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề thời gian qua vẫn chưa phát huy hết lợi thế. Một số ngành nghề, làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi cùng với các kỹ năng, bí quyết đặc biệt có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Đô thị hóa khiến cho mặt bằng sản xuất của làng nghề chật hẹp. Các xưởng sản xuất xen kẽ với khu dân cư nên nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của Nhà nước còn ở mức khiêm tốn, chủ yếu lồng ghép hỗ trợ thông qua các nghị quyết, chương trình, đề án liên quan; chưa có một chính sách riêng tạo đòn đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề. “Với vai trò, vị trí quan trọng của khu vực nông thôn và các ngành nghề, làng nghề, việc xây dựng đề án hỗ trợ là rất cấp thiết để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tập trung nguồn lực đầu tư, bảo tồn, phát triển bền vững” - ông Ngô Tấn nói.
Dự thảo Đề án có đồng bộ các yếu tố gồm quy hoạch, đào tạo nhân lực, vốn, chuyển đổi nghề, ứng dụng khoa học - công nghệ, đảm bảo môi trường, xúc tiến thương mại, du lịch làng nghề…
Về quy hoạch, rà soát lại các cụm làng nghề đã có, quy hoạch hoặc bổ sung cụm làng nghề mới; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng cho làng nghề; di dời các cơ sở ngành nghề nông thôn gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở có nhu cầu mở rộng sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp. Quy hoạch các làng nghề gắn với các điểm, tuyến du lịch.
Quảng Nam khuyến khích các cơ sở ngành nghề nông thôn, nghệ nhân, thợ giỏi trực tiếp mở lớp truyền nghề; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý ngành nghề nông thôn; dạy nghề cho lao động nông thôn, tổ chức giao lưu học hỏi kinh nghiệm ở các nơi.
Đề án nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư, nâng cấp, cải tạo hạ tầng kỹ thuật, khuôn viên của cơ sở sản xuất trong làng nghề vừa phục vụ phát triển sản xuất, đảm bảo mỹ quan, tạo thuận lợi cho khách du lịch khi đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung xây dựng địa điểm trình diễn sản phẩm, giới thiệu và bán hàng lưu niệm cho du khách đồng thời nghiên cứu bảo tồn các di tích lịch sử của làng nghề như đền thờ tổ nghề, các lễ hội văn hóa truyền thống của làng là không mới. Vấn đề là cần phát huy các giá trị đã có, tránh lãng phí như nhà truyền thống làng nghề Quán Hương (Hà Lam, Thăng Bình) hay nhà truyền thống làng nghề dệt chiếu Duy Vinh (Duy Xuyên) đang bỏ không.
Đến năm 2022 Quảng Nam có 45 làng nghề, trong đó có 34 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận (gồm 4 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống).
Ông Võ Quyện - hộ dân ở làng nghề gốm Thanh Hà (Hội An) cho rằng, khi Đề án được triển khai thì cần quan tâm xây dựng các điểm sản xuất thử nghiệm cho du khách tham gia, bởi trải nghiệm sẽ giúp du khách lưu lại ấn tượng đặc sắc, giá trị độc đáo của làng nghề. Xây dựng các hộ gia đình nghệ nhân tiêu biểu ở làng nghề thành các điểm đón khách du lịch để tạo dấu ấn. “Phát triển làng nghề bền vững phải gắn chặt với chương trình OCOP. Lợi thế của chương trình mỗi xã một sản phẩm là khơi thông đầu ra cho sản phẩm làng nghề” - ông Quyện nói.
Dự thảo Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 5 nghề truyền thống, 5 làng nghề, 2 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận; phát triển 10 làng nghề gắn với du lịch; có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm tham gia OCOP đạt từ 3 sao trở lên; tốc độ tăng giá trị sản xuất hoạt động ngành nghề nông thôn bình quân đạt 10%/năm; hơn 70% cơ sở ngành nghề nông thôn có hệ thống thu gom, xử lý môi trường đạt chuẩn; thu nhập bình quân của lao động tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng.
Nguồn vốn hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề giai đoạn 2023 - 2025 cần hơn 87,3 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh 36 tỷ đồng, ngân sách huyện, thị xã, thành phố hơn 13,6 tỷ đồng, vốn hợp pháp khác hơn 37,6 tỷ đồng.
Không ít băn khoăn
Theo dự thảo, Nhà nước hỗ trợ chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển, lắp đặt trang thiết bị, nhà xưởng với mức tối đa 50% chi phí nhưng không quá 150 triệu đồng cho 1 cơ sở ngành nghề nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Xuân Vui - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho rằng, lịch sử phát triển cho thấy các làng nghề, nghệ nhân gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán, nếp sống... của nơi sinh tồn, vì thế sản phẩm của làng nghề in đậm dấu ấn văn hóa vùng đất. Do đó, không nên di dời làng nghề ra khỏi “đất sống” của nó. Thực tiễn cũng cho thấy rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề không gây ô nhiễm môi trường hay tác động xấu đến các mặt của đời sống.
“Di chuyển vào đó, bị tách rời khỏi nhịp sống văn hóa của vùng đất, làng nghề, nghệ nhân sẽ không sáng tạo được sản phẩm có giá trị nghệ thuật, có chăng chỉ là các hàng hóa giống hệt với mọi nơi và không đặc trưng cho vùng đất sinh ra làng nghề đó” - bà Vui nói.
Trong khi đó, nhiều chủ cơ sở sản xuất ở các làng nghề truyền thống cho rằng, mức hỗ trợ 150 triệu đồng để dịch chuyển cơ sở sản xuất vào cụm, khu công nghiệp là ít ỏi. “Ở đây không phải là di chuyển cái búa, cái đục, khúc gỗ… từ nơi này đến nơi khác mà thực chất là phải đầu tư mới các điều kiện sản xuất vốn rất tốn kém” - anh Phan Đăng Hà - chủ một cơ sở mộc mỹ nghệ ở làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim, Hội An) nói.
Một nội dung khác theo dự thảo Đề án là hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua nguyên vật liệu; đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ với mức tối đa 50% lãi suất cho các khoản vay trong 2 năm đầu nhưng không quá 400 triệu đồng/cơ sở ngành nghề nông thôn. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này quá khắt khe. Nên chăng Nhà nước hỗ trợ trực tiếp bởi nhiều nghệ nhân, cơ sở làng nghề sẽ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng vì các thủ tục, quy định, ràng buộc khó đáp ứng được, nhất là thế chấp tài sản để vay vốn.
Tuy nhiên, bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, Sở NN&PTNT khi tham mưu UBND tỉnh lập dự thảo Đề án có lẽ đã nghiên cứu kỹ các quy định hỗ trợ. Đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị rất tốn kém nên các nghệ nhân, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần huy động thêm nhiều nguồn lực, nhất là vận dụng nhiều cơ chế, chính sách khác để đầu tư công nghệ mới.
Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng của làng mộc Kim Bồng cho rằng, chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú với mức 100% phí là sự quan tâm giàu tính nhân văn dù cho thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm kể từ ngày thụ hưởng chính sách. Ông Sướng cũng đồng tình với mức hỗ trợ 100% định mức chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng khi cơ sở làng nghề trực tiếp mở lớp truyền nghề.
“Để tạo đòn bẩy cho phát triển làng nghề, tôi nghĩ rằng cùng với các chủ thể của làng nghề, các cơ quan Nhà nước làm sao đó để thu hút học viên theo học và gắn bó sâu sắc với làng nghề. Thực tế cho thấy ở nhiều làng nghề không thu hút người học bởi khó sống với nghề sau đào tạo, họ so sánh với các nghề khác có nguồn thu nhập ổn định hơn” - ông Sướng nói.
Nhiều cơ sở sản xuất ở các làng nghề và ngành công thương cho rằng, dự thảo Đề án không có nội dung hỗ trợ trên lĩnh vực khuyến công, quảng bá sản phẩm hàng hóa của làng nghề, kết nối cung cầu là đáng tiếc vì đó chính là “bệ đỡ” để làng nghề vươn xa trên thị trường.
Nhiều sản phẩm của ngành nghề nông thôn, làng nghề đã xâm nhập sâu vào thị trường, nhất là xuất khẩu; tuy nhiên vẫn còn nhiều sản phẩm hàng hóa khác khó cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Quảng Nam thời gian qua đã khơi thông tiềm năng phát triển các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn. Nhiều sản phẩm như phở sắn Quế Sơn, đèn lồng Hội An đã xuất khẩu, có chỗ đứng ở thị trường ngoài nước. Bà Lê Thị Kim Ánh - đồng sáng lập Công ty CP Caromi (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) cho biết, từ nghề làm phở sắn truyền thống, công ty đã xây dựng sản phẩm phở sắn thương hiệu Caromi xuất bán rất chạy, đã có mặt ở Úc, Thái Lan và đang bán hàng qua sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới là Amazon.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, Quảng Nam luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn, các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh. Ngoài kết nối cung cầu, giao thương, tham gia hội chợ để mở rộng thị trường trong nước còn vươn ra thị trường thế giới thông qua sàn thương mại điện tử cũng như duy trì, mở rộng các mối quan hệ quốc tế.
“Tận dụng các hình thức hỗ trợ của Nhà nước, các làng nghề, cơ sở sản xuất truyền thống đã nỗ lực, vươn lên, ứng dụng công nghệ mới, thích ứng với diễn biến thị trường. Nói cách khác, vận động nội tại giúp chủ thể các sản phẩm làng nghề vượt lên chính mình” - ông Bửu nói.
Tuy vậy hầu hết sản phẩm làng nghề thiếu cạnh tranh, khó đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Ông Nguyễn Phi Thạnh - Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, sở dĩ các sản phẩm mây tre đan ở Phú Ninh, Thăng Bình… bị lùi lại phía sau là do sản xuất nhỏ lẻ, chi phí lớn, giá thành cao nên giá bán sản phẩm đầu ra không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được sản xuất công nghiệp. Nhiều sản phẩm làng nghề có sức ỳ còn do nguồn nguyên liệu không đảm bảo, nhất là cách tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh còn chưa khoa học.
Rất đáng tiếc khi sản phẩm các làng nghề mộc nổi tiếng như Văn Hà (Tam Thành, Phú Ninh) hay Kim Bồng (Cẩm Kim, Hội An) không cạnh tranh được với các sản phẩm gỗ công nghiệp nhập khẩu. Ông Bùi Văn Thu - hậu duệ của làng mộc Văn Hà nói, bàn ghế công nghiệp có thể chất lượng không bằng sản phẩm của làng nghề nhưng được ưa chuộng vì… rẻ và hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay.
Năm 2011, Cụm làng nghề Tiểu thủ công nghiệp – Thủ công Mỹ nghệ Đông Khương (Điện Phương, Điện Bàn) được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư với tổng diện tích 7,22ha, nhằm biến nơi đây trở thành nơi bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nghề gắn với du lịch trên hành trình di sản Hội An - Mỹ Sơn. Theo quy hoạch, cụm làng nghề sẽ có 11 khu sản xuất dành cho các ngành nghề thủ công truyền thống, tuy vậy sau hơn 10 năm hiện mới chỉ có 2 cơ sở làng nghề là Công ty TNHH mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp và Đất nung Lê Đức Hạ đăng ký vào sản xuất trong cụm, tổng diện tích khoảng 6.000m2.
Theo Quyết định số 3924/QĐ-UBND ngày 28.12.2018 của UBND tỉnh ban hành Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2025, có xét đến năm 2035, Quảng Nam có 2 cụm công nghiệp làng nghề là Cụm công nghiệp làng nghề Đông Khương và Cụm công nghiệp làng nghề Tam Tiến, huyện Núi Thành (diện tích 10ha). Nếu như Cụm làng nghề Đông Khương đã có doanh nghiệp vào hoạt động thì Cụm công nghiệp làng nghề Tam Tiến đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.
Ông Trần Hồng Dương – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Núi Thành cho biết, dự án này mới chỉ bổ sung vào quy hoạch của tỉnh, chưa triển khai. “Trước đây khi xây dựng quy hoạch, dự định đưa làng nghề nước mắm Tam Tiến vào nhưng hiện nay dự án này cũng chưa làm được do nguồn lực địa phương có hạn, mà quy hoạch này xét đến năm 2035 nên vẫn còn thời gian hơn 10 năm nữa” - ông Dương lý giải.
Các sản phẩm làng nghề khẳng định chất lượng, cạnh tranh sâu vào thị trường nhờ ứng dụng công nghệ, xác lập quyền sở hữu, đo lường chất lượng...
Các sản phẩm nhàu lát khô, bột nhàu, viên nhàu, trà túi lọc, nhàu tươi ngâm mật ong, rễ nhàu rừng của Hợp tác xã (HTX) Best One (An Phú, Tam Kỳ) bán rất chạy trên thị trường toàn quốc và độc quyền phân phối ở TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và Vũng Tàu. Bà Bùi Thị Tuyết Nhung - Giám đốc HTX Best One cho biết, một trong những yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm nhàu là được hỗ trợ xác lập quyền sở hữu.
“Nhãn hiệu chứng nhận giúp chúng tôi khẳng định thương hiệu, phát triển giá trị hàng hóa, loại bỏ các sản phẩm giả, nhái. Hợp đồng giao thương được ký kết nhiều hơn giúp chúng tôi nâng cao doanh thu, lợi nhuận, nâng cao thu nhập cho các xã viên” - bà Nhung nói.
Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, từ cuối năm 2016 đến nay đã hỗ trợ thực hiện tạo lập quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 51 sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề với tổng kinh phí hỗ trợ là 3,7 tỷ đồng.
Về trợ giúp các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường chất lượng cho các sản phẩm, dịch vụ làng nghề, ngành chức năng đã hỗ trợ hơn 3,2 tỷ đồng cho 88 cơ sở từ năm 2019 đến nay. Nhờ đó các cơ sở sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín thông qua sự cam kết với khách hàng về chất lượng sản phẩm ổn định. Điển hình là dự án ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống náo đảo tự động được Sở KH&CN triển khai ở các làng nghề nước mắm đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Hệ thống làng nghề Quảng Nam mang tính truyền thống lâu đời nên để hòa nhập với xã hội hiện đại thì cần phải ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới, thoát ra khỏi tình trạng manh mún. Yêu cầu đặt ra đối với các làng nghề là phải đổi mới công nghệ để phát triển bền vững, nâng hiệu suất lao động, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa.
Nâng cao vai trò chủ thể làng nghề
Theo ông Nguyễn Văn Tiếp – Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nguyên nhân khiến các nhà truyền thống làng nghề bỏ hoang chủ yếu do không có con người tâm huyết trong làng nghề, đặc biệt tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, một số nghệ nhân vẫn chưa phát huy được vai trò, tâm huyết với nghề, hoạt động sản xuất manh mún riêng lẻ mang tính cá nhân, không có tính cộng đồng.
“Vì vậy Đề án mới cần có cơ chế, con người quản lý để các nhà truyền thống này sống được. Chứ lâu nay không ai nuôi bộ máy đó nên dẫn đến câu chuyện tập thể không muốn vô, cá nhân thì không ai dám đứng ra gánh trách nhiệm; vì thế bỏ hoang” - ông Tiếp nói.
Thời gian qua UBND tỉnh đã bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ khá lớn để làng nghề phát triển như hỗ trợ các sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với Chương trình OCOP, hỗ trợ thông qua các hoạt động khuyến công, hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề…
Theo ông Nguyễn Thanh Quang – Phó Giám đốc Sở Công Thương, hiện UBND tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ riêng cho các làng nghề mà gắn chung với một số chương trình liên quan. Vì vậy việc UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT lấy ý kiến xây dựng Đề án liên quan đến cơ chế hỗ trợ các làng nghề, Sở Công Thương tham gia góp ý cũng nhằm hướng đến mục đích thúc đẩy làng nghề phát triển hiệu quả và bền vững.