[eMagazine] - Tìm về di sản của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh
(QNO) - Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh chí sĩ Phan Châu Trinh, cùng nhìn lại hành trạng, dù ở góc độ nào, ta cũng thấy ở cụ Phan một con người mang tầm nhìn thời đại, vì nước vì dân. Phong trào Duy Tân với chủ trương và hoạt động của chí sĩ Phan Châu Trinh cho thấy ông là nhà chính trị cấp tiến, đi trước thời đại. Tư tưởng canh tân của Phan Châu Trinh cho thấy sự sáng suốt, tiến bộ của ông từ hơn 100 năm trước và còn ảnh hưởng đến hôm nay, kể cả mai sau.
Trong lịch sử hình thành và phát triển, Quảng Nam được biết đến là vùng đất mở, nơi giao lưu, hội tụ của nhiều nền văn hóa lớn, cũng là vùng đất từng chịu biết bao thử thách khắc nghiệt của tự nhiên và chiến tranh..., để từ đó đã sản sinh ra các nhà duy tân với tư duy sáng tạo, đổi mới.
Trong số đó, tiêu biểu là chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, người khởi xướng, vận động và lãnh đạo phong trào Duy tân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc của nhân dân ta vào đầu thế 20.
Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đầy biến động, tuổi thơ của chí sĩ Phan Châu Trinh đã trải qua nhiều gian nan cơ cực cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc. Trước cảnh lầm than của nhân dân, Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước phải từ nội lực của nhân dân; cứu nước trước hết phải cứu dân. Từ đó ông đưa ra chủ thuyết canh tân "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nhân dân, cho dân tộc, từ bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động kiếm sống nơi đất khách quê người và lúc trở về cõi vĩnh hằng nhưng trong lòng vẫn mong cho dân tộc được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Với tấm lòng yêu nước, thương dân ấy, nhân dân Việt Nam đã ghi tạc hình ảnh nhà yêu nước đi tiên phong trong phong trào canh tân, dân sinh, dân chủ.Sinh thời, chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh đã nhận ra và chỉ rõ nguyên nhân khiến dân tộc ta mất nước và đã bao lần quật khởi vẫn chưa giành lại được độc lập, chủ quyền. Đó chính là do trình độ quốc dân. Chí sĩ Phan Châu Trinh đau xót nhận thấy trình độ quốc dân thấp kém, không lo tự cường, cả sĩ dân đều không mở mắt nhìn ra thế giới xung quanh, không thích nghi vươn lên theo xu hướng chung của thời đại mạnh được yếu thua, cho rằng như thế thì mất nước là chuyện không tránh khỏi. Để có thể ngang bằng với các dân tộc khác trên thế giới, ta phải khắc phục sự tụt hậu về trình độ.
Bởi vậy, ông đã khởi xướng cuộc cách mạng xã hội rộng lớn, sôi nổi ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, chỉ nhằm với mục đích giải phóng dân tộc. Tuy sự nghiệp cứu nước của ông không thành, nhưng chủ thuyết “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do ông đề xướng và ra sức cổ súy vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.
"Hậu dân sinh" là một trong 3 nội dung, cũng là 3 mục tiêu trong tư tưởng duy tân của Phan Châu Trinh. "Hậu dân sinh" ở đây với nghĩa là làm cho kinh tế đất nước ngày càng lớn mạnh, đời sống của người dân ngày càng no đủ, là mục tiêu tiếp theo một cách tất yếu của "khai dân trí" và "chấn dân khí".
Đánh thức hồn dân
Trước tòa án Nam Triều, Phan Châu Trinh lớn tiếng phê phán cả bộ máy vua quan “không lo vì dân mở đường sinh kế, toan việc công lợi”. Trong "Đầu Pháp chính phủ thư", Phan Châu Trinh không chỉ phê phán Triều đình Huế không lo tính đến việc mở mang thực nghiệp mà còn chỉ trích cả nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương: “Nghề làm ăn thì không dạy bảo, lối lợi thì không mở mang, chỉ biết sưu thuế thì tăng cho nhiều”, đến mức “dân nước Nam đã sắp chết đến sau lưng”.Trong "Tỉnh quốc hồn ca" ông phê phán người mình chỉ có tư duy kinh tế nhỏ, kiểu “chấm mút loay hoay”. Người nông dân chỉ loanh quanh với “doi vườn, cạnh đất, góc ao”; kẻ giàu có tuy nhiều tiền nhưng “tiền trăm bạc vạn chôn sâu xó nhà”, không biết làm cho sinh lợi bằng sản xuất kinh doanh; chỉ là giàu có từ cho vay nặng lãi, bóc lột chính đồng bào mình trong những lúc họ rơi vào cảnh ngặt nghèo chứ không biết đem tiền ra cho vay với tinh thần giúp cho những người “trí khôn của khó” có vốn làm ăn để cùng có lợi cho cả hai bên. Chỉ biết lợi nhỏ cho mình mà không biết đến “lợi to ích lớn” cho quốc gia. Chỉ “ruột cua gan sứa” chứ không có chí làm ăn lớn.
Ông cho rằng, nước ta không phải không có tiềm năng để làm giàu, chẳng qua là người nước ta không có chí làm giàu, không biết hợp quần nhau thành đoàn thể vì một nền kinh tế phú cường cho đất nước.
Viết bài tựa cho bài thơ dài "Hợp quần doanh sinh thuyết" của Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh nhận xét chua xót rằng người nước ta bấy giờ, làm ăn kinh tế “không có cái đoàn thể bền chặt nào là đông quá ba người, không có một hội xã, lợi ích nào là vốn hơn trăm bạc…, nói đến chuyện lập hội buôn, mở trường học, dựng xưởng thợ, khẩn đồn điền thì thu tay đứng nhìn, một cái lông không muốn mất; lợi bằng cái tóc thì suy bì, vạ bằng cái núi thì không nghĩ”.
Quan niệm vượt thời gian
Làm gì để “hậu dân sinh”, để chấn hưng kinh tế nhằm thoát cảnh “dân nghèo nước khó”? Theo Phan Châu Trinh, trước hết phải hướng vào thực nghiệp, mỗi người dân “ai ai cũng có trong thân một nghề”, nhất là những “nghề hay trí xảo” sản xuất ra được những mặt hàng “khí cơ vật dụng” (máy móc và đồ dùng) tinh khéo.
Phải biết khai thác nguồn lợi vốn có của quốc gia, biết làm cho đồng tiền sinh lãi “bỏ ra nhiều vốn, thâu vô nhiều lời”, biết hợp quần nhau lại, người góp vốn, kẻ góp công để bung ra phát triển những ngành nghề kinh doanh như dựng nhà xưởng, mở hiệu buôn, lập ngân hàng, dám tranh thương với tư bản Hoa kiều, Ấn kiều, cả với tư bản Pháp; không chỉ phát triển nội thương mà còn phát triển ngoại thương “nghề bán buôn khắp cả Đông Tây”.
Phan Châu Trinh còn chủ trương xây dựng một đạo lý kinh doanh. Đó là trong kinh doanh phải biết giữ chữ tín “Vay ra từng vạn từng nghìn/ Một lời giao kết giữ gìn không sai”, biết hợp tác chung vốn với nhau “công ty hùn kẻ Bắc người Nam” trên tinh thần “dĩ thương hợp quần” - lấy nghề buôn để cùng nhau lo việc nước; có khát vọng làm ăn lớn không chỉ dừng lại ở thu lợi cho bản thân mà phải hướng đến xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường, khẳng định chủ quyền kinh tế của người Việt Nam: “Lợi quyền nắm hết vào tay/ Làm cho giàu có càng ngày càng hơn”. Xem đấy là một cách thể hiện tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc.
Cụ Phan Châu Trinh có một quan niệm vượt thời gian, hay nói đúng hơn là tư tưởng hội nhập kinh tế: “Ai nắm việc thương mại thì nắm được thế giới”. Do đó, ông chủ trương phát triển kinh doanh, lập các hiệu buôn, mở mang thương nghiệp, dạy cho dân có nghề nghiệp sinh nhai, lập các hội khai hoang, mở mang đồn điền cho hết địa lợi. Nếu mối lợi làm không đủ sức thì xin chính phủ trợ cấp.
Ông đặc biệt lên án bọn tham quan ô lại, gọi chúng là những bọn “ăn cướp có giấy phép”; đối với những người có đầu óc thực nghiệp thì ông lại đề cao. Ông cho rằng, ở trên đời ai muốn phú quý phong lưu không tủi với lương tâm thì chỉ ra đi buôn bán, làm ruộng sinh nhai là được sang trọng và được nhiều lời mà không phạm đến tội ăn tiền hối lộ của quốc dân.
Tính chất nền kinh tế mà cụ Phan Châu Trinh quan niệm không phải là kinh tế tự cung, tự cấp mà là nền kinh tế hàng hóa. Nền sản xuất ấy phải giao lưu với nước ngoài, phải đảm bảo nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu để tạo ra sự tích lũy cho nền kinh tế. Cụ viết: “Nghề càng ngày càng đua càng tới,/ Vật càng ngày càng mới dễ coi./ Chở chuyên đi bán nước người,/ Lợi trong đã được, lợi ngoài lại thêm./ Được nhiều lời càng thêm tư bổn/ Rộng bán buôn khắp bốn phương trời”.
Với sự tuyên truyền vận động của Phan Châu Trinh cùng các chí sĩ duy tân, phong trào chấn hưng thực nghiệp phát triển khá rầm rộ ở các làng xã duy tân những năm 1905 - 1908. Tuy sớm bị thực dân Pháp triệt phá khi chúng đàn áp phong trào chống thuế nhưng chủ trương "hậu dân sinh", chấn hưng kinh tế của Phan Châu Trinh đã có tác động lớn, không chỉ triển khai được trong thực tế những hoạt động thực nghiệp cụ thể mà còn là sự cổ vũ cho tinh thần khởi nghiệp với khát vọng hướng đến xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường cho cả dân tộc.
Sinh thời, Phan Châu Trinh rất quan tâm đến việc mở mang ngành nghề với mục đích phát triển kinh tế. Nghĩ lại tư tưởng của cụ Phan vẫn còn có giá trị và bài học đối với Việt Nam hiện nay, nhất là đặt trong điều kiện hiện nay khi việc phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập vào khu vực và thế giới cùng những đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiện nay, dù công tác GDNN vẫn còn những khó khăn, thách thức cần vượt qua như: Cơ cấu trình độ đào tạo trong GDNN chưa hợp lý, chủ yếu vẫn là đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, ngắn hạn; đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về GDNN còn thiếu về số lượng và một bộ phận chưa đạt chuẩn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đào tạo GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu; Công tác tuyển sinh trong GDNN gặp nhiều khó khăn; quy mô lao động qua đào tạo của nước ta còn nhỏ bé so với yêu cầu của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội.
Bối cảnh khi Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt FTA thế hệ mới với những cam kết rất cao về chất lượng nguồn nhân lực, điều này đang đặt ra cho GDNN Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực hơn nữa để tăng sức cạnh tranh của nguồn lao động. Mặt khác, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngoài việc mang đến những cơ hội cho GDNN như: Hợp tác, học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ; mở rộng thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm… cũng đang tạo ra không ít thách thức về sự thay đổi công nghệ đòi hỏi Việt Nam cần có nguồn nhân lực có tay nghề.
Bối cảnh hiện nay, để nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN để “Nghề càng ngày càng đua càng tới” theo đúng với quan niệm mà cụ Phan đã từng mong muốn.
(Trích tham luận của PGS.TS. Trần Mai Ước; nguồn: Ban tổ chức hội thảo “Tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh”)
Con đường lát đá dẫn vào phía lưng chừng đồi nơi ngôi làng Tây Lộc xưa (nay là thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) vẫn đều đặn đón những vị khách xa gần. Khiêm cung giữa màu xanh cây lá, là nhà lưu niệm cụ Phan Chu Trinh, nơi sinh thành của một “cây tùng xứ Quảng”. Chốn này, kể từ rất lâu rồi, đã không hoang lạnh nhờ biết bao người, bao thế hệ lặng lẽ tìm về, ôn cố và tri ân…
1. Đường về dẫn vào phía núi. Tựa lưng ngọn đồi nhỏ, nhìn ra phía đồng xanh, Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh rợp mát bóng cây. Đất cũ vẫn còn đó gốc cây thị nơi ngày nhỏ đã cùng cụ Phan lớn lên. Những người xung quanh kể rằng, cây thị này được trồng khi cụ Phan ra đời. Người lớn tuổi nhất trong làng kể lại với cháu con rằng ngày họ chào đời đã thấy cây thị ở đó. Tròn 150 năm ngày sinh của cụ Phan, cây thị này cũng chừng ấy năm ngụ tại vườn cũ.
Mùa thị chín, trái thơm vương khắp lối. Ông Phan Ngẫu - một người cháu trong tộc, cũng là người nhận lãnh nhiệm vụ coi sóc không gian nhà lưu niệm này gần 20 năm nay, nói rằng từ ngày ông còn nhỏ đến nay, chứng kiến cây thị tỏa bóng hằng ngày, và chưa năm nào ngơi trái khi tới mùa. Hương thị, như chúng tôi cùng hình dung, là hương thơm nơi đầu mũi cứ quấn quýt lấy mỗi người. Và có lẽ rằng, cuộc đời cùng những tư tưởng cụ Phan để lại cho đời, theo một cách nào đó, cứ sẽ luôn là một hương thơm để nhiều đời cũng suy nghiệm.
Theo tư liệu, trong nội dung bức thư trả lời một học sinh người Việt học tại Bordeaux, Pháp, vào năm 1925, cụ Phan ghi: “Tôi xin nói thực với các anh, tôi đã bỏ hai phần ba đời tôi để tìm lấy thuốc mà chữa trị cho nước nhà. Thông minh tôi tuy kém, tài trí tôi tuy hèn, nhưng trong buổi giao thời này tôi có thể dám nói rằng: cái trách nhiệm của nòi giống dân tộc Việt Nam tôi quyết không nhường cho ai cả”. Câu nói đậm “chất Quảng Nam” của Phan Châu Trinh lý giải vì sao tuổi đời không cao nhưng các sĩ phu thời bấy giờ đã gọi ông là “cụ Phan” một cách kính trọng.
2. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Phú Ninh nói, Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh được công nhận Di tích quốc gia vào năm 2005. Chính trên nền đất này, năm 1872 chí sĩ Phan Châu Trinh (tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã) đã cất tiếng khóc chào đời. Thân phụ là Phan Văn Bình, tham gia phong trào Cần vương, làm Chuyển vận sứ đồn A Bá (nay thuộc huyện Tiên Phước) phụ trách quân lương. Thân mẫu là Lê Thị Trung, quê làng Phú Lâm (Tiên Phước), là con nhà danh gia vọng tộc, thông thạo chữ Hán. Từ năm 6 tuổi Phan Châu Trinh đã mồ côi mẹ. Sau đó, quê nhà bị thực dân Pháp đốt cháy vì trấn áp phong trào Cần Vương, ông lên Tiên Phước theo cha, được cha dạy chữ và dạy võ.
Sau khi thân phụ qua đời, Phan Châu Trinh trở về quê nhà, ở với anh là Phan Văn Cừ, tiếp tục đi học. Năm 27 tuổi, Phan Châu Trinh được tuyển vào trường tỉnh, học chung với các nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Từ đây, ông bắt đầu con đường hoạt động chính trị, xã hội. Và cũng chính từ quê nhà Quảng Nam, ông đã khởi xướng và lãnh đạo phong trào Duy Tân có ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội Việt Nam đương thời.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, năm 1926, cụ Phan mất ở Sài Gòn và được an táng tại đó. Ngay sau khi ông qua đời, để tưởng nhớ đến con người tài trí, hết lòng vì dân vì nước, địa phương đã xây một ngôi nhà lưu niệm trên nền nhà cũ của gia đình cụ Phan Châu Trinh.
Ngôi nhà cụ Phan được xây theo kiến trúc cổ, gồm ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, hài hòa trong khuôn viên có hàng cau giếng nước, hàng chè tàu, ngõ đá quanh co, theo kiểu nhà cổ Quảng Nam. Gian giữa trong nhà đặt bàn thờ cụ Phan, trên tường treo rất nhiều bức ảnh quý về gia đình cụ, cũng như ảnh cụ chụp chung với những người bạn Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, các chí sĩ yêu nước hoạt động cùng cụ trong phong trào Duy Tân, trong thời gian hoạt động tại Pháp…
3. Nhiều người gần như nằm lòng câu “khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh” của cụ Phan - một người với điểm nhìn sáng suốt và tỉnh táo của buổi giao thời. Nhắc lại thời điểm lịch sử vào những năm đầu thế kỷ 20, hình như mọi hoạt động của ông từ đây chỉ tập trung cho một mục đích: duy tân - con đường mới tươi sáng cho dân tộc, đất nước.
Ông viết "Tỉnh quốc hồn ca" gửi nhân dân; viết "Điều trần" gửi Toàn quyền Pháp; viết "Chí thành thông thánh", "Đông Dương chính trị luận" gửi các nhân sĩ trí thức; viết "Thư thất điều" gửi vua Khải Định; viết "Quân trị chủ nghĩa", "Dân trị chủ nghĩa" nói chuyện với đồng bào; viết báo, làm thơ... Ông tham gia sáng lập Trường Đông Kinh nghĩa thục, Trường Dục Thanh và nhiều trường khác của các nhà Nho yêu nước; vận động mở tòa báo; vận động bỏ hủ tục, mê tín dị đoan; phổ biến chữ quốc ngữ; lập hội học, hội buôn, hội diễn thuyết... hòng mở mang tri thức, củng cố kinh tế.
Những suy nghiệm từ lịch sử, bao giờ cũng ấm nóng vì ở đó, đều là cái tình của lớp người sau. Cụ Phan đã cống hiến một đời để "xây dựng con người tự trị" với mạch tiếp nối là việc "đào tạo cho đất nước những con người có tri thức toàn diện và khả năng chuyên môn vững chắc, có năng lực hành động thành công trong đời sống hiện đại, tư duy độc lập, ý chí tự do mạnh mẽ, trung thực và tinh thần trách nhiệm cao với xã hội” như lời bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, cũng là cháu ngoại cụ Phan từng nói.
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, tư tưởng cụ Phan vượt trội so với đương thời. Để bây giờ, khi tiếp nối tinh thần Phan Châu Trinh, là tiếp truyền những mạch nguồn của sự học, "chi bằng học" với những chủ nhân của tự do, sáng tạo...
Từng tư liệu quý lần lượt được sưu tầm, trang trọng mang về để khắp khuôn viên nhà lưu niệm. Lớp trẻ quê nhà thì góp những chậu hoa, do chính học sinh vẽ trang trí, thêm một sắc màu kỷ niệm 150 năm ngày sinh của cụ. Và sách, một gian nhỏ đầy sách về cụ Phan, những giá trị truyền đời mà cụ đã để lại sẽ là thứ tài sản quý giá cho lớp lớp người sau nữa.
Bằng nhiều cách, để nhớ, để quý, và để luôn tự hào về một miền đất sinh ra chí sĩ Phan Châu Trinh, nơi đã ươm mầm một "cây tùng xứ Quảng…".