[eMagazine] - Chuyện ứng xử của người dân vùng sâm Ngọc Linh

ALĂNG NGƯỚC - DIỄM LỆ 05/09/2022 17:25

(QNO) - Cây sâm Ngọc Linh cho của ăn của để trong nhà nên đồng bào Xê Đăng ở xã Trà Linh (Nam Trà My) luôn tỏ lòng biết ơn, ngưỡng vọng Mẹ thiên nhiên. Từ các nghi thức lễ tạ ơn thần sâm, đến tổ chức hội thi sâm, rồi chung tay bảo vệ rừng, chia sẻ lợi ích cộng đồng... là những ứng xử tốt đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống của người dân xứ "cao sơn ngọc quế". 

 

Chập choạng tối, lễ rước thần bắt đầu. Một đoàn người Xê Đăng lộng lẫy trong sắc phục truyền thống, vai khiêng tượng củ sâm Ngọc Linh khổng lồ, phía sau là mâm cúng đủ đầy lễ vật cùng tiến về vị trí dựng lễ. Nghi thức cúng thần được thực hiện bởi một vị già làng uy tín, tay cầm chùm lông đuôi gà trống, khấn vái bằng tiếng bản địa hàm nghĩa tạ ơn thần núi.

Khi bài cúng vừa kết thúc, một vòng tròn người được “vẽ” ra, nối bước chân đều nhảy quanh trụ cây nêu cao vút. Trống chiêng nổi lên, hòa nhịp theo điệu múa chiêu kết hợp làn điệu k’cheo mừng ngày hội mới.

Mời thần về chứng giám

Người dân mang nghi lễ đến đền thờ cúng thần sâm
Mang lễ vật đến đền thờ cúng thần sâm

Cây nêu đã được dựng ngay trung tâm lễ hội. Sau thời gian rước biểu tượng sâm Ngọc Linh, mâm cúng cũng được đặt ở vị trí chính giữa để già làng thực hiện nghi thức cúng tế theo phong tục truyền thống Xê Đăng.

Già làng Xê Đăng thực hiện nghi thức cúng thần tại đền thờ sâm Ngọc Linh
Già làng Xê Đăng thực hiện nghi thức cúng thần tại đền thờ sâm Ngọc Linh

Lễ vật dâng thần sâm đủ đầy thứ quan trọng, gắn liền với đời sống cộng đồng, từ gà luộc, ché rượu cần cho đến cau trầu và một số sản vật đặc trưng khác. Một cây sâm đẹp nhất được chọn lựa, dâng lên thần thể hiện tấm lòng và sự biết ơn của người Xê Đăng với các đấng thần linh đã bảo bọc, chở che trong suốt chiều dài lịch sử sinh tồn.

Tại lễ cúng thần sâm, già làng Nguyễn Văn Dũng (nóc Kon Bin, thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) mặc sắc phục truyền thống, tay cầm chùm lông đuôi gà trống quệt vào thứ màu đỏ trước mặt, rồi khua khắp hướng. Bài khấn được phát ra nghe rất trầm hùng, hàm nghĩa mời trời đất, thần sâm về chứng giám tấm lòng thành của dân làng; cầu mong một năm bình an, lòng người Xê Đăng đoàn kết như cây nêu, thuận hòa như mạch nguồn suối Ngọc Linh…

 

Già Dũng nói, người Xê Đăng quan niệm mọi thứ tồn tại trên trái đất đều có thần, từ sông suối, núi đồi cho đến “cây thuốc giấu” sâm Ngọc Linh - nay được gọi tên bằng “quốc bảo” của Việt Nam đầy kiêu hãnh. Sâm được ví như nàng tiên ngủ say trên cánh rừng già, mang đến sự giàu có cho cộng đồng bằng sắc đẹp trời ban “không lấy gì sánh bằng”.

Vì thế, ông cảm thấy rất vinh dự khi được cộng đồng cử làm người đại diện thực hiện nghi thức cúng thần sâm trong ngày hội dân làng.

 

Sau gần 1 giờ đồng hồ, mặc dù nghi thức cúng thần sâm đã kết thúc, nhưng hội làng vẫn tiếp nối bằng vũ điệu Xê Đăng, cùng thanh âm của nhịp chiêng trống. Ché rượu cần đầy rồi lại vơi. Những cư dân dưới chân núi Ngọc Linh quây quần trong câu chuyện mới - cũ về sâm, về thần rừng. Máu tươi của gà được hắt nhẹ khắp các hướng và cột nêu, họ tin rằng, thần sâm đã về chứng giám, chấp thuận với những lời cầu mong cho cuộc sống cộng đồng ngày càng đổi mới, bình an.

Tạ ơn rừng

Đồng bào Xê Đăng tái hiện lễ rước thần sâm núi Ngọc Linh
Đồng bào Xê Đăng tái hiện lễ rước thần sâm núi Ngọc Linh

Một lễ hội sâm lại được tổ chức. Tôi ngang qua các gian hàng được trưng bày tại trung tâm Tăk Pỏ (Nam Trà My). Không gì ngoài sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu của núi, với đa dạng sản phẩm được bày bán. Người mua cũng có, khách đến cũng nhiều, nhưng tôi đặc biệt chú ý đến cử chỉ của các chủ sâm với sản vật mà họ mang đến. Không chỉ là nâng niu, những cử chỉ đó, quả thực phải là người rất yêu sâm mới có thể làm được.

Tổ chức hội thi sâm cũng là một hình thức tạ ơn thần sâm của đồng bào
Tổ chức hội thi sâm cũng là một hình thức tạ ơn thần sâm của đồng bào

Nhìn hình ảnh đó, bất chợt làm tôi nhớ đến già Hồ Văn Du, người từng được mệnh danh là “vua sâm Ngọc Linh”. Già Du cũng người nóc Kon Bin, ông nói mình yêu sâm vô điều kiện. Nhiều người nhìn vào ông, vào những đóng góp thực tế cho sự phát triển cây sâm Ngọc Linh, ai cũng dành niềm tự hào và sự ngưỡng mộ đặc biệt.

Thời trẻ, già Du ở rừng nhiều hơn ở nhà. Miệt mài lao động, ông hình thành nên vườn sâm đầu tiên ở Nam Trà My, trước khi vận động người dân tham gia trồng, phát triển loài cây mang thương hiệu “quốc bảo” như bây giờ.

Già Du nói sâm bây giờ không còn là nàng tiên trong rừng nữa, mà đã trở về với dân làng. Người giàu lên từ sâm ngày càng nhiều, nên ông lo người thực sự yêu sâm sẽ ngày càng ít đi. 

“Yêu sâm thì phải giữ rừng. Có rừng mới có chỗ để trồng sâm. Nếu không thực sự yêu sâm, yêu rừng, mà chạy theo kinh tế và lợi nhuận trước mắt thì rất có lỗi với thần sâm. Người Xê Đăng biết điều đó nên hằng năm đều tổ chức lễ cúng tạ ơn thần sâm đã cho loài cây có giá trị đến với cộng đồng” - già Du bộc bạch.

Câu nói đó, gần như lặp đi lặp lại mỗi khi tôi gặp ông, nghe ông chia sẻ về “cây thuốc giấu”. Do tuổi cao sức yếu, đã hơn 3 năm nay, già Du vắng mặt tại lễ hội sâm núi. Người ta vẫn nhắc về ông, như người tiên phong trong việc trồng và di thực sâm tự nhiên về vườn. Và cũng chính ông, là ân nhân của nhiều hộ trồng sâm tại địa phương. Sau những hỗ trợ ban đầu, nhiều hộ đã có điều kiện trồng và chăm sóc vườn sâm riêng, mở hướng làm giàu từ sản vật đặc trưng của vùng, dưới chân núi Ngọc Linh.

 

Đồng bào Xê Đăng quan niệm “Yêu sâm mới giữ được… thần”, bởi theo họ vạn vật sống trên cõi dương gian này đều có thần. Vì thế, nếu không biết trân quý, thương yêu những gì thần ban, chuyện thần bỏ đi là điều có thể xảy ra. Lúc đó, sản vật dù quý đến mấy, giá trị đến mấy cũng không còn nghĩa lý với nếp nghĩ của cộng đồng.

 
 

Những cây sâm Ngọc Linh với hình dáng đẹp nhất, ưng ý nhất được các hộ trồng sâm chọn lựa để mang đi... thi. Hoạt động này không chỉ để “khoe” sản vật độc đáo mà còn hướng đến việc học nhau cách trồng sâm hiệu quả trong cộng đồng.

Xem sâm khoe dáng

Đồng bào đem những cây sâm “đỉnh” nhất mang đến dự thi
Đồng bào đem những cây sâm “đỉnh” nhất mang đến dự thi
Sau 3 năm vắng mặt bởi dịch bệnh và không tìm ra cây sâm “đủ chuẩn” để dự thi, ông Hồ Văn Liêm (thôn 3, xã Trà Linh, Nam Trà My) mang đến lễ hội một cây Ngọc Linh ưng ý nhất. Ông Liêm nói, “sâm chiến” của mình hoàn toàn khỏe mạnh trong môi trường tự nhiên, qua 8 năm chăm sóc đạt 240gram, cao 80cm.

Chọn lựa từ hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh, ông Liêm và hàng chục hộ trồng sâm khác ở Nam Trà My bày tỏ sự háo hức khi mang sâm đến… đọ sắc, so tài. Với họ, cuộc thi này là một dịp vui của cộng đồng, mang ý nghĩa gắn kết những người trồng sâm. “Tôi chọn cây sâm này vì thấy nó khỏe nhất, đẹp nhất. Đến đây, vừa để dự thi, vừa để giao lưu, học tập lẫn nhau về cách trồng sâm nên cảm thấy rất vui và hồi hộp” - ông Liêm chia sẻ.

Người dân chọn những dáng cây sâm Ngọc Linh đẹp để tham gia cuộc thi
Người dân chọn những dáng cây sâm Ngọc Linh đẹp để tham gia cuộc thi

Nhiều năm làm giám khảo cuộc thi, Chủ tịch UBND xã Trà Linh Hồ Văn Thể nói, so với mọi năm, đợt thi này quy tụ nhiều cây sâm chất lượng, có hình dáng đẹp và… quyến rũ. Những người yêu sâm như ông, xem đó là tiêu chí hàng đầu, bởi đó là kiểu sâm chuẩn, thể hiện sự công phu, kinh nghiệm trong cách trồng và chăm sóc của chủ sâm.

“Qua tuyển chọn, tôi thấy năm nay bà con mang sâm đến thi rất phong phú, nhiều cây sâm đặc sắc, hình dáng và củ rất đẹp. Tiêu chí chọn sâm để trao giải, ngoài cây có củ to, dáng đẹp, còn phải mang yếu tố tự nhiên khác như lá xanh đậm, hạt đậu, rễ dài và không sâu bệnh. Ngoài ra, sâm phải được giữ nguyên cây, không bị đứt gãy, không dập lá và hạt; củ sâm có màu vàng đậm hoặc xanh rêu” - ông Thể nói.

Để “giữ nhiệt” cho sâm, nhiều hộ dân mang cả mùn rêu và chậu. Có người đựng trong cả ba lô bọc kín, phòng trường hợp sau hội thi, sâm không bán được sẽ mang về trồng lại trong vườn, đảm bảo khả năng sống cao nhất.

Chia sẻ kinh nghiệm

Lần thứ 4 được tổ chức, nhưng không khí tại hội thi sâm vẫn thu hút đông đảo người dân địa phương đưa sâm đến “trổ tài”. Chính xác là hơn 60 hộ, với hàng chục cây sâm lớn nhỏ được mang đến, là thành quả sau nhiều năm dày công chăm sóc.

Không đặt nặng về giải thưởng, cuộc thi sâm Ngọc Linh được xem là cơ hội để người dân được học tập và chia sẻ kinh nghiệm trồng sâm trong cộng đồng. Nói như chị Nguyễn Hồng Thương - một hộ trồng sâm ở xã Trà Cang, thì việc mang sâm đến thi là cơ hội để chị học hỏi kinh nghiệm thực tế về cách trồng và chăm sóc sâm cho năng suất cao.

Ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp nông nghiệp huyện Nam Trà My (thành viên ban giám khảo) cho biết, những người có kinh nghiệm lâu năm, am hiểu về sâm Ngọc Linh như Nguyễn Văn Lượng, Hồ Văn Thể, Hồ Văn Dang… được chọn cử làm ban giám khảo. Qua quan sát, ban giám khảo sẽ phân tích và xác định từng độ tuổi của sâm, đánh giá khả năng sinh trưởng, cũng như chất lượng cây sâm… “Thường thì cây sâm có củ to, cân nặng vượt trội và dáng đẹp sẽ đoạt giải cao” - ông Quý cho biết thêm.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Nguyễn Thế Phước, trước khi được mang vào phòng thi, tất cả cây sâm đều trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt của cơ quan chức năng. Quá trình kiểm định, giám sát này nhằm đảm bảo sâm mang đến chuẩn chất lượng, ngăn chặn tình trạng sâm giả, sâm không rõ nguồn gốc có nguy cơ trà trộn.

“Thông qua hội thi sâm, chúng tôi mong muốn tạo cơ hội để các hộ dân có dịp giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, nhằm thúc đẩy và khuyến khích quá trình trồng, chăm sóc cây sâm đạt chất lượng tự nhiên nhất, góp phần giữ thương hiệu “quốc bảo” của Việt Nam” - ông Phước nhấn mạnh. 

 
 

Người dân vùng trồng sâm Ngọc Linh (Nam Trà My) có những luật tục riêng, doanh nghiệp khi đến đầu tư phải sống với người dân, chung tay cùng người dân và chính quyền bảo vệ vườn sâm, bảo vệ rừng, tạo môi trường sinh trưởng tốt cho cây sâm, giữ được giống sâm gốc.

Hướng đến lợi ích cộng đồng

Phiên chợ sâm Ngọc Linh diễn ra hàng tháng tại Nam Trà My
Phiên chợ sâm Ngọc Linh diễn ra hàng tháng tại Nam Trà My

Có kinh nghiệm kinh doanh, trồng sâm đã gần 20 năm, lại là người con của bản làng, nên bà Hồ Thị Mười - Giám đốc Hợp tác xã cộng đồng Ngọc Linh luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu trong hành trình tạo nên giá trị. Sống cùng bà con, trồng sâm cùng bà con, cùng nhau cắm chốt giữ sâm, đưa cây sâm phát triển đến ngày hôm nay được bà Mười khẳng định đều nhờ bà con chung tay.

Bà Mười tâm sự: "Lúc đầu chỉ là cơ sở kinh doanh nhỏ, khi sâm có giá trị kinh tế cao, tôi nghĩ tại sao không cùng với người dân ở đây tạo nên giá trị lợi ích, giá trị gắn kết cộng đồng cao hơn. Đó cũng là lý do để Hợp tác xã Cộng đồng Trà Linh ra đời.

Hợp tác xã thuê 9ha rừng để cùng nhau trồng sâm, giữ sâm và đưa sâm Ngọc Linh chất lượng nhất ra thị trường, đến với người tiêu dùng. Chỉ có rừng mới bảo vệ được sâm, không có rừng thì không có sâm Ngọc Linh. Đây là giá trị cốt lõi tạo nên môi trường sống xanh và tạo nên giá trị tuyệt đối cho sâm Ngọc Linh".

Theo bà Mười, bà con có luật tục bất thành văn của cộng đồng làng. Trước kia, người lạ tuyệt đối không vào được vườn sâm. Nhưng bây giờ, khi kinh tế phát triển từ cây sâm, chính quyền cũng tuyên truyền phát triển du lịch ở vùng sâm, nên bà con đã rộng mở hơn khi để du khách đến thăm quan vườn sâm.

Dĩ nhiên khi du khách đến, hợp tác xã sẽ có người hướng dẫn, đưa du khách thăm quan vườn sâm. Sau này khi có những định hướng, hoạt động cụ thể của huyện, xã về phát triển du lịch gắn với văn hóa của đồng bào, thành viên hợp tác xã sẽ tích cực tham gia, cùng tạo nên giá trị lợi ích lớn hơn cho cộng đồng người dân vùng sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh được chế biến trở thành thương phẩm có giá trị bồi bổ và chăm sóc sức khỏe con người
Sâm Ngọc Linh được chế biến trở thành thương phẩm có giá trị bồi bổ và chăm sóc sức khỏe con người

Với những hộ kinh doanh sâm Ngọc Linh, giá trị kinh tế từ cây sâm mang lại cho người dân Nam Trà My là rất lớn, không chỉ giải quyết việc làm mà còn mở ra cơ hội giúp đồng bào làm giàu. Hơn 13 năm trồng sâm, gia đình bà Nguyễn Thị Dự quản lý diện tích vườn sâm 7ha, trong đó hơn 4ha được trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh với độ tuổi 1 - 13 năm tuổi. Nhiều cây đã cho hạt, riêng năm 2022 này gia đình bà thu hoạch hơn 100 nghìn hạt. Hiện, tại vườn duy trì 15 lao động, tạo điều kiện giúp thanh niên địa phương có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống từ sâm Ngọc Linh. 

Liên kết phát triển thương hiệu

 

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Huỳnh Sâm, thì sâm Ngọc Linh nay không chỉ của một địa phương nào nữa, mà đã là thương hiệu quốc gia nên cần được chung tay bảo vệ từ doanh nghiệp cho đến người dân. Giá trị của sâm Ngọc Linh được như hiện nay là nhờ vào mỗi người dân vùng trồng sâm đã bảo vệ rừng để trồng sâm; mỗi hộ kinh doanh, doanh nghiệp đã quảng bá và bán sản phẩm bằng cái tâm.

Bà Huỳnh nói: "Chúng tôi sẽ chung tay cùng huyện Nam Trà My gìn giữ thương hiệu sâm Ngọc Linh, sau này là thương hiệu sâm Việt Nam thì giá trị kinh tế, lợi ích cuối cùng chính là doanh nghiệp, người dân vùng trồng sâm được hưởng.  

 

"Muốn giữ thương hiệu và chất lượng sâm Ngọc Linh, theo tôi trước tiên vẫn là nguồn giống gốc đảm bảo, người dân mua trồng và phát triển. Sau này, mình lại thu mua sâm trong dân sẽ đảm bảo uy tín, chất lượng, qua đó giữ vững thương hiệu sâm Ngọc Linh. Khi bán mua, cũng phải đảm bảo chất lượng sâm, quyết chung tay cùng chính quyền ngăn chặn sâm giả sâm núi Ngọc Linh, sâm kém chất lượng trà trộn vào" - bà Tài cho hay.

 

ALĂNG NGƯỚC - DIỄM LỆ