eMagazine - Pêtapot, phía thung ngàn mây
(QNO) - Pêtapot, một cụm dân cư Giẻ Triêng thuộc thôn 48 (xã Đắc Pring, Nam Giang). Hàng chục năm sau thời điểm được phát hiện một ngôi làng giữa rừng già, nơi này vẫn nằm biệt lập, cuộc sống nghèo khổ không tưởng. Nhưng, điều khiến tôi lóe lên niềm tin ở Pêtapot, chính là hành trình “lột xác”, ngày đêm miệt mài tìm kiếm con chữ của những đứa - con - của - thần - rừng.
Vẫn con đường đất độc đạo xuyên núi. Pêtapot vào tháng mưa dông, cỏ lau rậm rịt che cả lối đi và… vực thẳm, càng khiến đường về dài thêm hun hút. Từ xã Đắc Pre lân cận, chúng tôi mượn tạm 2 chiếc xe máy của người quen để chinh phục con đường. Nhưng, đúng như dự đoán, mưa dông bất ngờ khiến đường đi trơn trượt, hành trình trở nên vất vả.
Cách trở và biệt lập. Với hàng chục năm quẩn quanh một nơi hoang vu, hẻo lánh càng khiến Pêtapot “cô đơn” giữa rừng. Nhiều người nói, để tìm được danh phận đúng nghĩa cho cụm dân cư này là điều khá… viển vông. Mà thật. Chính người dân địa phương cũng xác nhận điều đó, dù năm 2019, Pêtapot đã được sáp nhập về thôn 48 nhưng nơi này vẫn hiện hữu sự gian khó.
Chuyện về làng, là những trăn trở đã được kể từ hàng chục năm trước. Bà Y Kiêng, người phụ nữ trạc 50 tuổi nói với tôi, thứ người dân cần nhất lúc này là đường và điện thắp sáng. Chỉ cần hai thứ đó, là đã mừng và yên tâm ở lại sinh sống. “Nhưng, phải đến bao giờ?” - bà Y Kiêng nhìn tôi, nhắc lại điều mà bấy lâu dân làng Pêtapot thầm mong ước.
Tôi không thể trả lời câu hỏi của bà, bởi ngay cả đại diện chính quyền địa phương, khi nghe tôi nhắc về Pêtapot cũng đều ngán ngẫm lắc đầu. Nhưng khó là điều dễ hiểu. Cả cụm dân cư này chỉ vỏn vẹn 9 hộ dân với 37 nhân khẩu. Vài năm trước, từ nguồn lực của tỉnh về phát triển miền núi, địa phương chỉ mới đầu tư được khoảng 2 cây số đường bê tông theo diện vào khu đất sản xuất. Còn lại, vẫn vòng vèo một con đường độc đạo xuyên núi.
“Vậy sao bà con mình không về dưới trung tâm mà ở, vừa thuận lợi lại không mất kinh phí đầu tư đường, điện?”. “Đi đâu được em. Bà con ở trên này quen rồi. Hơn nữa, ở dưới đó, lấy đất đâu mà làm nhà và sản xuất. Ngay cả bà con thôn 48, có người cũng lên đây canh tác thì mình xuống đó lấy gì mà sống. Nên thôi, cứ chờ như lâu nay vậy”.
Nhưng, chính bà Y Kiêng cũng không biết đến khi nào con đường mới được mở. Chỉ thoáng hiện trong đôi mắt, là niềm mong sâu thẳm, đã quá nửa đời người bà cùng người dân ở cụm dân cư Pêtapot này chờ đợi. Cũng vì đường sá cách trở nên nhiều người ốm đau đành phải ở nhà. Thậm chí, có người trong làng mất, phải đến nửa tháng sau, chính quyền và người dân ở làng khác mới hay tin.
Đàn ông trong làng, ngoài thời gian đi rẫy, chỉ biết tìm vui bằng chén rượu. “Hồi đó, làng không phải ở chỗ này, mà tút ngoài rừng kia. Lúc đầu là ở huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), sau chiến tranh mới chuyển về làng cũ. Sống ở đó gần 30 năm trời” - bà Kring Ngớ, một phụ nữ góa chồng ở làng Pêtapot, nay đã hơn 60 tuổi, kể lại.
Câu chuyện của bà Ngớ bất giác làm tôi nhớ đến Aur, một ngôi làng nhỏ của xã A Vương (Tây Giang), cũng sống biệt lập giữa rừng. Aur cũng từng là ngôi làng nghèo khổ không khác gì Pêtapot. Sau nhiều năm miệt mài tìm cách tháo gỡ, với sự giúp sức từ chính quyền địa phương, Aur bây giờ đã dần đổi khác, được ví như “làng Singapore xứ Quảng”.
Mưa vẫn rả rích trên nguồn. Trời vừa sầm tối, đã nghe tiếng vo ve của muỗi và… ruồi vàng. Ở giữa rừng thiêng nước độc, ruồi vàng được xem như “đặc sản” của Pêtapot. Ám ảnh sau chuyến đi trước, một người bạn đưa lọ dầu gió, yêu cầu bôi khắp cánh tay và chân đề phòng ruồi vàng tấn công. Nhưng, vừa kéo tay áo, trên cơ thể đã thấy lốm đốm vết cắn khiến máu tụ, ngứa ngấy và khó chịu.
Cử nhân đầu tiên của làng
Thật tình cờ, trên đường ngược núi vào Pêtapot, chúng tôi gặp Y Khánh, một cô gái trẻ người Giẻ Triêng vừa “bước chân ra khỏi làng”. Y Khánh là con của bà Y Kiêng, sau thời gian đi học đã lấy chồng ở thôn Xóm 10 (xã Đắc Tôi, Nam Giang). Chồng chị là nhân viên bảo vệ rừng. Thời gian không lên núi tuần tra, anh ở nhà phụ vợ bán thêm tạp hóa, bán cà phê nên cuộc sống khá ổn.
Ở Pêtapot, Y Khánh được xem như tấm gương vượt khó trong hành trình đi tìm con chữ. Cô gái 30 tuổi này là người đầu tiên của làng có tấm bằng đại học. Đó là năm 2016, lúc Y Khánh mới tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng). Còn bây giờ, Y Khánh đã là cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Giang, vừa đậu trong đợt thi tuyển công chức cách đây chưa lâu.
Tôi nhận tin vui của Y Khánh ngay thời điểm rời làng Pêtapot được ít ngày, nên càng khâm phục ý chí và nghị lực của chị. Hồi mới gặp Y Khánh tại làng, tôi ấn tượng ngay với cô gái có đôi mắt sáng và cách nói chuyện lôi cuốn khi kể về hành trình theo đuổi con chữ. Gian khó hơn cả cuộc di cư đói khát kéo dài suốt nhiều ngày đường đi bộ trong rừng sâu, khởi hành từ Kon Tum về định cư tại Pêtapot của người làng.
Năm 1998, Kon Tum gọi họ về. Nhưng ở đâu được hơn 3 năm, thì quay trở lại chốn cũ. Không muốn dở dang việc học của con, ông Kring Thôi (cha Y Khánh) lúc đó đành gửi tạm con ở nhà người thân nhờ cậy trông nom chuyện học hành. Năm 2006, khi Y Khánh học hết cấp 2, chị theo gia đình về Pêtapot. Hồ sơ, học bạ mang theo nhưng đến khi xin nhập học lớp 10 tại Nam Giang thì lại không được.
Nhà trường nói Y Khánh chưa có hộ khẩu tại địa phương theo quy định nên... không nhận. Vậy là đành gác lại chuyện học. “Ở nhà, em khóc miết. Lúc đó, em nghĩ chắc mình hết cơ hội được đi học. Nên rất buồn” - Y Khánh nói. Đúng lúc bà Y Kiêng, mẹ Khánh bước ra từ dưới bếp. Nghe câu chuyện của con, bà góp lời: “Nó thích học lắm. Nên mỗi lần có cán bộ xã, huyện đến đây nó đều tâm sự, nhờ giúp đỡ”.
“Rồi làm sao được nhập học trở lại?”. “Phải mất 1 năm ở nhà. Em nhớ năm đó, có đoàn thanh niên đến làm chương trình tình nguyện. Em tâm sự ước nguyện của mình với anh Trần Ngọc Hùng, lúc đó là Bí thư Chi đoàn Văn phòng Huyện ủy, nay là Trưởng phòng VH-TT huyện. Sau đó, chính anh Hùng đã giúp em làm hồ sơ nhập học” - Y Khánh chia sẻ.
Biết ơn người anh đã giúp mình, nên suốt các năm học sau đó, Y Khánh đều nỗ lực phấn đấu, rèn luyện. Ở nhà sau một thời gian, rồi chị cũng trúng tuyển đại học. Năm đó, Y Khánh vừa lấy chồng và hạ sinh em bé. Không muốn bỏ học, chị đành gửi đứa con cho mẹ, rồi khăn gói xuống Đà Nẵng theo đuổi ước mơ. Chính sự quyết tâm và lòng ham học đã giúp Y Khánh vượt qua mọi gian khó nhất cuộc đời, trở thành người đầu tiên của cụm dân cư Pêtapot có tấm bằng đại học hệ chính quy.
Vượt khó
Mưa dần ngớt. Sương chiều bảng lảng như tràn xuống vòm lá nhà sàn. Cả bà Y Kiêng, Y Khánh và đứa con trai ngồi quanh sạp nứa, chẻ từng khúc mía rẫy vừa ăn vừa chuyện trò.
Tôi nhắc đến Y Khâu, em gái Y Khánh vì đã rất lâu không gặp khiến bà Y Kiêng bất ngờ. Nhiều năm trước, tôi biết Y Khâu lúc chị đang theo học tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch Quảng Nam. Năm đó, Y Khâu cũng mới nhập trường, sau thời gian chăm cháu để chị gái đi học.
“Ra trường trung cấp xong, nó học lên cao đẳng, rồi đại học. Bây giờ làm giáo viên mầm non. Lấy chồng ở Tiên Phước và dạy học ở đó luôn. Lâu lâu mới về thăm. Bên đó, gia đình cũng rất ổn” - Y Khánh nói về người em gái của mình với niềm tự hào.
Tôi nghe bà Y Kiêng kể, cũng phải mất 1 năm ở nhà, Y Khâu mới đi học trở lại. Khoảng thời gian đó, Khâu “nhường suất” cho chị, ở nhà thay chị chăm cháu. “Y Khâu cũng thích học lắm. Ở nhà lúc nào cũng thấy nó buồn. Biết chuyện nên sau đó, nin (mẹ) động viên Khâu làm hồ sơ học trung cấp, để cháu ở nhà cho nin chăm sóc” - bà Y Kiêng nói.
Bà Y Kiêng có tất cả 4 người con, đều rất chăm học. Thời điểm cả 2 chị gái xuống phố học, vì hoàn cảnh quá khó khăn nên vừa tốt nghiệp THPT, Kring Y Khiến (con trai thứ 3 của bà Y Kiêng) phải nghỉ học. Sau đó, Y Khiến xin làm nhân viên bảo vệ rừng, hai vợ chồng dắt xíu nhau xuống tận nhà chị gái ở xã Đắc Tôi để có điều kiện cho con đến trường, cũng là để giúp Y Khánh phụ bán quán tạp hóa.
Chồng mất năm 2009, một mình bà Y Kiêng phải làm lụng để nuôi con. Cũng đã hơn mười mấy năm trời. Bây giờ nhìn lại, bà Y Kiêng nói, mình đã làm xong bổn phận của một người mẹ nên không còn bận tâm điều gì nữa. Chỉ duy nhất bà trăn trở, là cuộc sống của người làng quá nhiều gian khó, điều kiện gần như trống không khiến trẻ em phải đi học xa nhà theo diện gửi nhờ nhà bà con tại trung tâm xã, khó khăn vô cùng.
Trong niềm ước của bà Y Kiêng và cả dân làng Pêtapot, chỉ mong có đường, có điện và cả trường học. Bởi đó, là ngưỡng vọng để thoát khỏi “bóng đen” mù chữ, tiếp nối tinh thần và nghị lực của Y Khánh, Y Khâu và nhiều người khác nữa đã “bước chân ra khỏi làng”, trở thành người có ích cho cộng đồng xã hội.
Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang Trần Ngọc Hùng gửi tôi bức hình chụp tại Pêtapot cách đây tròn 15 năm trước. Bức ảnh được chụp trong chuyến anh tham gia đoàn thiện nguyện vào năm 2007. Anh Hùng nói, đó là chuyến tình nguyện đầu tiên được tuổi trẻ địa phương phối hợp tổ chức, kể từ khi Pêtapot được… phát hiện. Khi ấy, anh đang là Bí thư Chi đoàn cơ quan Văn phòng Huyện ủy, góp mặt triển khai các hoạt động thắp sáng vùng biên.
Đợt đó, ngoài hỗ trợ xây dựng nhà ở, khai hoang ruộng lúa nước, đưa nước sạch về làng…, đoàn tình nguyện còn tặng những chiếc máy tua-bin giúp Pêtapot có thêm năng lượng thắp sáng. Cũng chuyến đi này, cơ duyên Y Khánh gặp được anh Hùng. Mang niềm ước của cô gái trẻ, lúc về huyện, anh Hùng đã hỗ trợ làm giúp hồ sơ để Y Khánh được tiếp tục đến trường, trở thành cán bộ địa phương, như bây giờ.
Pêtapot luôn là địa chỉ ưu tiên của địa phương trong việc kết nối, kêu gọi hỗ trợ các chương trình thiện nguyện. Con em ở làng cũng được quan tâm, tạo điều kiện đến trường học tập. Duy chỉ có điều, vị trí của làng quá xa, nên đường mới chưa được mở, đồng nghĩa với việc Pêtapot vẫn còn nhiều khó khăn.
Lần trước, tôi đến Pêtapot cũng theo chuyến đi thiện nguyện của tuổi trẻ Nam Giang. Anh Bùi Thế Anh - Bí thư Huyện đoàn nói, đây là đợt tình nguyện lần thứ 5 được tổ chức tại Pêtapot trong khoảng 2 năm trở lại. Chuyến đi này là cất công xây dựng ngôi nhà tình thương cho hộ Kring Gióng, một hộ neo đơn ở làng.
Hàng chục thanh niên địa phương xông pha ngược núi, về làng. Xe máy được ưu tiên thồ vật liệu. Nhưng qua các ngầm suối, công việc trung chuyển được giao cho các thành viên đoàn. Trên vai họ lúc này, là những bao gạch, bao xi măng, khung sắt và hàng chục tấm tôn được khuân vác, khiến bước đi trở nên khó nhọc.
Anh Kring Phiếu - Bí thư Xã đoàn Đắc Pring nói, gần như chuyến đi nào lên Pêtapot anh em đoàn viên, dân quân tự vệ của xã cũng đều có mặt. Khi thì cõng vật liệu xây dựng, lúc tham gia san đắp nền nhà, làm đường, đưa nước sinh hoạt về… Bởi thế, Pêtapot với họ, không còn quá xa như cách đây hơn chục năm trước.
Nắng hầm hập tràn khắp lưng đồi, nhưng cả đoàn người và xe đều cố gắng hết… công suất để nhanh chóng đưa vật liệu tập kết tại vị trí an toàn, đề phòng trời mưa có thể khiến xi măng “bị chết”. “Đợt đi trước, anh em đã san xong mặt bằng để dựng nhà cho hộ Kring Gióng. Anh này neo đơn, vợ mất cách đây 2 năm, theo phong tục, Gióng không được phép đưa nhà cũ về dựng tại làng, nên phải ở tạm nhà rẫy” - Kring Phiếu kể.
Bí thư Huyện đoàn Nam Giang - Bùi Thế Anh ngồi bên cạnh tôi, xác nhận câu chuyện Phiếu vừa kể. Anh nói, đó là tập tục nên rất khó thay đổi trong một sớm một chiều. Vậy là tìm hướng khác. Cũng may, chuyến đi trước có nhà hảo tâm đi cùng. Nghe hết câu chuyện, nên đồng ý hỗ trợ tôn, cùng một vài vật liệu phụ khác. Rồi tiếp tục vận động, chỉ chưa đầy một tháng, Bùi Thế Anh và cộng sự đã có đủ điều kiện triển khai dựng nhà mới cho hộ Kring Gióng.
“Chúng tôi phấn đấu hoàn thành căn nhà trước mùa mưa bão năm nay, giúp Kring Gióng có chỗ ở ổn định. Sau thời gian vận động và tuyên truyền, mới đây người làng cũng đã đồng ý cho di dời nhà cũ của Kring Gióng về. Sau khi hoàn thành nhà mới, sườn gỗ nhà cũ sẽ được tận dụng làm căn nhà bếp” - anh Bùi Thế Anh chia sẻ.
Nếu hoàn thành sớm, đây sẽ là ngôi nhà xây đầu tiên tại Pêtapot. Vì thế, suốt thời gian thợ đến xây nền, cả người làng đều đến xem, vẻ đầy thích thú. Kring Gióng cũng có mặt, nói trước giờ chưa nghĩ sẽ có ngày được ở trong căn nhà mới. Kể từ khi vợ qua đời, Kring Gióng ngày đêm làm bạn với rượu.
Năm ngoái, từ sự động viên của chính quyền xã, Gióng đưa con xuống trọ học ở nhà người thân, nên đã bớt rượu chè. Lâu lâu kiếm được vài con sóc, con chuột, Kring Gióng đều dành lại, cuối tuần nhờ ai đó gửi cho đứa con dưới trung tâm xã cải thiện bữa ăn. “Vợ mất rồi, bây giờ chỉ còn lại 2 cha con mình. Phải lo cho nó thôi!” - Kring Gióng nói. Phía xa cuối con đường, những đứa trẻ bắt đầu rời núi, tìm con chữ…