[eMagazine] - Trần Thận, người trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng
(QNO) - Hôm nay 27.7.2022, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam tổ chức trọng thể lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Trần Thận - nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước. Đây là phần thưởng xứng đáng cho người chiến sĩ cách mạng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.
Đồng chí Trần Thận, tên thật là Trần Cát, sinh ngày 12.5.1927, tại làng Bàn Thạch, tổng An Lạc, phủ Duy Xuyên, nay thuộc xã Duy Vinh (Duy Xuyên). Sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, năm 1942, đồng chí Trần Thận được kết nạp vào Đảng và được cử làm Bí thư Chi bộ Bàn Thạch.
Năm 1943, ông bị mật thám Pháp bắt và kết án 3 năm tù giam. Trong nhà tù, kẻ thù dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, không hề khai báo. Tháng 3.1945, sau khi quân Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Trần Thận cùng 8 đồng chí khác được trả tự do.
Vừa ra tù, ông liên lạc ngay với tổ chức, tích cực xây dựng cơ sở ở tổng An Lạc, khu Tây Duy Xuyên, xây dựng lực lượng tự vệ, nắm lực lượng thanh niên Phan Anh biến thành lực lượng tự vệ cứu quốc; tổ chức mít tinh khắp các thôn kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật, giành độc lập.
Năm 1947, đồng chí Trần Thận được Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cử đi học Trường Lục quân do Quân khu 5 tổ chức ở tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi kết thúc khóa học, từ năm 1947 đến năm 1952, đồng chí làm cán bộ dân quân tỉnh Quảng Nam.
Mùa hè năm 1952, đồng chí Trần Thận được Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng điều động bổ sung vào Ban Thường vụ Huyện ủy Duy Xuyên, làm Chính trị viên Huyện đội. Trên cương vị này, đồng chí đã góp phần cùng lực lượng vũ trang của địa phương lập nhiều chiến công vang dội, từ Bà Rén, Câu Lâu, Non Trượt, Đường 104, đánh tan nát tuyến phòng thủ của quân Pháp trên đất Duy Xuyên.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Trần Thận được chỉ định làm Phó Bí thư Huyện ủy, sau đó làm Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên. Lúc này, Mỹ - Diệm trắng trợn vi phạm hiệp định, ra sức thực hiện chính sách tố cộng, diệt cộng, thẳng tay bắn giết cán bộ, đảng viên và đồng bào yêu nước. Một số huyện ủy viên và cán bộ rơi vào tay giặc, bị thủ tiêu. Địa bàn đứng chân không còn, phần đông cán bộ phải tìm đường ra miền Bắc hoặc chuyển vùng hoạt động.
Năm 1955, huyện ủy và cán bộ huyện còn không quá 10 người. Với phương châm “Đảng là của dân, cách mạng từ nhân dân”, đồng chí Trần Thận kịp thời chuyển phương thức hoạt động, phân công mỗi cán bộ phụ trách một địa bàn, dựa vào dân để xây dựng cơ sở cách mạng.
Đến năm 1959, cả huyện Duy Xuyên xây dựng được hàng chục chi bộ đảng, lực lượng cách mạng từng bước được phục hồi. Những năm tháng khó khăn ấy, cán bộ, đảng viên và nhân dân Duy Xuyên không thể nào quên hình ảnh đồng chí Bí thư Huyện ủy Trần Thận với bộ quần áo cộc, không có bảo vệ, không cần giao liên, trong những đêm tối trăng vẫn lặng lẽ từ khu Tây dò đường về khu Đông. Ban ngày ở hầm bí mật, ban đêm đến từng nhà, gặp từng người để thuyết phục, vận động gây dựng cơ sở. Nhờ đó, nhân dân càng tin vào Đảng, càng tin vào cán bộ.
Năm 1959, đồng chí vinh dự được Liên khu ủy 5 chỉ định bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, tiếp tục làm Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên kiêm Bí thư Ban cán sự khu Trung của tỉnh. Tiếp đó, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (tháng 1.1960), đồng chí Trần Thận được bầu vào Tỉnh ủy, sau đó bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công làm Trưởng ban Quân sự tỉnh.
Sau thời gian ra Bắc chữa bệnh và học tập chính trị, đầu năm 1964, đồng chí Trần Thận về lại chiến trường miền Nam, được Khu ủy 5 phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách Chính trị viên Tỉnh đội kiêm Trưởng ban Dân vận - binh vận, đấu tranh chính trị, tuyên huấn. Thời gian này, đồng chí trực tiếp chỉ huy phong trào diệt ác, phá kìm, phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn đồng bằng ở Quảng Đà, mở ra thế và lực mới cho cách mạng.
Tháng 3.1965, quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Vấn đề đặt ra đối với Đảng bộ Quảng Đà là phải tìm ra cách đánh Mỹ.
Trong một hội nghị mở rộng của Tỉnh ủy, đồng chí Trần Thận khẳng định quyết tâm của toàn Đảng bộ: “Chưa giải phóng miền Nam thì còn đánh, chiến tranh gì cũng đánh, đối tượng nào cũng đánh, đông bao nhiêu cũng đánh và lâu dài bao nhiêu cũng đánh... Chúng ta có nhiệm vụ đánh Mỹ trước tiên bằng hai chân, ba mũi giáp công để đóng góp kinh nghiệm cho toàn miền và góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”.
Từ quyết tâm đó, phong trào chiến tranh nhân dân ở Quảng Đà phát triển rộng khắp, ba mũi giáp công được kết hợp chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Thực tế ấy càng chứng minh đồng chí Trần Thận là người lãnh đạo có tầm nhìn toàn diện, có thái độ dứt khoát, năng động, sáng tạo.
Tháng 1.1971, đồng chí Trần Thận được Khu ủy 5 cho ra miền Bắc điều trị bệnh. Năm 1972, đồng chí Trần Thận trở lại chiến trường miền Nam, được phân công Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà và đến cuối năm 1972, làm Bí thư Đặc khu ủy thay cho đồng chí Hồ Nghinh. Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, quân Mỹ phải rút quân về nước.
Đồng chí Trần Thận thường dặn cán bộ "không được dễ ngươi với địch” và luôn giữ thái độ kiên quyết bảo vệ cho đấu tranh vũ trang đến cùng, chấp nhận mọi hình thức kỷ luật, bởi ông xác định chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng và lợi ích của nhân dân là danh dự của người đảng viên, người lãnh đạo.
Điều băn khoăn đó của ông cũng được giải tỏa khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21, khẳng định cách mạng miền Nam không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng bạo lực, tiến tới đánh bại kẻ thù, giành chính quyền về tay nhân dân. Một lần nữa, suy nghĩ, quyết tâm của ông lại đúng, được hiện thực hóa bằng chính chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng.
Có một câu chuyện riêng tư về đồng chí Trần Thận được ông Nguyễn Văn Dương - nguyên Đặc khu ủy viên, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên kể lại tại buổi tọa đàm về bảo tồn và phát huy giá trị căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà - Hòn Tàu do tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng tổ chức năm 2011: Tại một cuộc họp Đặc khu ủy tại căn cứ Hòn Tàu vào năm 1973, giao liên mang bức thư của bà Trương Thị Trung - vợ ông từ ngoài Bắc gửi vào. Ông xem xong đưa mọi người chuyền tay nhau đọc.
Trong thư có đoạn: “Ông Thận! Cách mạng miền Nam là của Đảng, của nhân dân cả nước chứ đâu phải của riêng ông, ông bỏ tôi vò võ ngoài này cho đến già làm sao tôi sinh nở, hay ông chỉ biết cách mạng mà quên mất vợ con...”. Câu chuyện một lần nữa khẳng định tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu đến cùng của ông, sẵn sàng hy sinh tình cảm riêng tư vì nghiệp lớn.
Trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, đồng chí Trần Thận trực tiếp nhận chỉ thị từ đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy, chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà để triển khai ý kiến chỉ đạo giải phóng Đà Nẵng của Khu ủy 5. Nhờ phân tích đúng tình hình, ta đã nhanh chóng giải phóng Đà Nẵng vào chiều ngày 29.3.1975.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Trần Thận được Khu ủy phân công làm Phó Bí thư Đặc khu ủy. Đến tháng 10.1975, tỉnh Quảng Nam và đặc khu Quảng Đà sát nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí Trần Thận được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Hậu quả chiến tranh để lại nặng nề, nhưng đồng chí Trần Thận bằng những sáng kiến táo bạo, đóng góp công sức, trí tuệ cùng Tỉnh ủy nhanh chóng khôi phục sản xuất, tăng cường xây dựng Đảng, đưa địa phương vượt qua khó khăn, phát triển đi lên.
Tháng 1.1980, đồng chí Trần Thận được Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động về công tác tại Ủy ban Thanh tra Nhà nước, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra. Năm 1992, ông nghỉ hưu, nhưng bằng tình cảm, trách nhiệm của người đảng viên, đồng chí đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng phát triển quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.
Sau ngày về hưu, ông dành nhiều thời gian để đi thăm các gia đình cơ sở, các đồng chí đồng đội đã từng nằm gai nếm mật cùng ông trong thời kỳ chiến tranh. Đến đâu, ông cũng được bà con chào đón như đón người thân trở về sau nhiều năm chinh chiến.
Trong những lần họp mặt truyền thống tỉnh Quảng Nam hay TP.Đà Nẵng, mệnh đề chính trong những phát biểu của ông là “Nhân Dân”. Ông luôn khẳng định: “Được nhân dân ủng hộ thì sức mạnh của Đảng cũng chính là sức mạnh vô địch của cả dân tộc”. Ông nhắc đến mẹ Cộng, mẹ Ngạt là cơ sở cách mạng ở Điện Bàn, mẹ Nhị - Duy Xuyên hay chị Thuận - Hội An, chị Phong - Quế Sơn… với tất cả sự khâm phục.
Nhà văn Hồ Duy Lệ kể lại câu chuyện có thật như để xác tín cho điều trên. Năm 2007, lúc này sức khỏe ông đã yếu nhưng ông vẫn cố gắng đi về vùng Tây Duy Xuyên thăm lại bà con cơ sở. Ghé thăm bà Mười Hợi, ông giả bộ hỏi: Chị Mười còn nhớ ai không? Nheo đôi mắt già nua để nhìn cho rõ mặt, bà đáp ngay: “Ông Thận chớ ai! Ông Thận ai mà không nhớ?. Ông tiếp: “Mì Quảng chớ?”, “Ở lại thì mỳ Quảng chớ sợ chi?”. Ông hỏi vậy là để thử lòng bà Mười xem có còn nhiệt tình với mấy ông cán bộ như hồi chiến tranh không? Hỏi để nhớ lại kỷ niệm những năm tháng gian khổ ác liệt, để bà Mười biết là anh em cán bộ kháng chiến không quên ơn bà con.
Với đồng bào các dân tộc miền núi, ông luôn dành cho bà con sự kính trọng vô biên. Những năm sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, phong trào cách mạng ở đồng bằng bị đánh phá ác liệt, bễ vỡ nặng. Ở miền núi, nhân dân vẫn một lòng tin Đảng, tin Bác Hồ, ngày đêm chăm lo làm nương rẫy để có hạt lúa, củ sắn ủng hộ cho cán bộ.
Được sự lãnh đạo của Ban cán sự miền Tây, các huyện ủy, phong trào đấu tranh của đồng bào diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, vừa hợp pháp, vừa bán hợp pháp kết hợp với bất hợp pháp như việc lợi dụng các tục kiêng cữ, xô phạt, giặc mùa, chông thò, bẫy đá… để ngăn chặn các hoạt động đánh phá của địch lên miền núi. Dần dà các huyện miền núi xây dựng thành các căn cứ địa cách mạng vững chắc, che chở, nuôi giấu cán bộ, đảng viên từ các huyện đồng bằng rút lên.
Ông đúc kết tình cảm với đồng bào miền núi chỉ bằng 6 chữ mà thật sự sâu sắc: “Trăm ơn, nghìn nghĩa, vạn tình”. Ông luôn đề nghị các cấp, các ngành phải thật sự chăm lo đến đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc, phải ra sức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng để đời sống bà con miền núi theo kịp miền xuôi.
Suốt cả cuộc đời cống hiến cho Đảng, cho dân nhưng đến những năm cuối đời ông vẫn luôn đau đáu là vẫn chưa làm được gì nhiều để trả nghĩa cho dân, nhất là dân trụ bám ở vùng Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang. Ông xem họ là những anh hùng thầm lặng nhưng ít được biết đến.
Năm 1995, đồng chí Trần Thận trực tiếp gửi thư cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đề nghị chỉ đạo các địa phương lập sổ vàng ghi danh các liệt sĩ, tử sĩ, các cơ sở cách mạng ở các địa phương để làm gương cho con cháu và phục vụ công tác giáo dục truyền thống sau này.
Mỗi năm ông đều năm ba lần về huyện, xuống xã thăm hỏi bà con, hỏi han đời sống làm ăn, tìm hiểu xem còn ai có công mà chưa hưởng chế độ chính sách, ai bị thương mà chưa được công nhận thương binh. Gặp những trường hợp như vậy, ông trực tiếp giúp đỡ, xác nhận, gửi kiến nghị cho các cơ quan chức năng và theo dõi, đôn đốc đến cùng.
Là một người cộng sản chân chính, mẫu mực, đồng chí Trần Thận luôn trăn trở trước vận mệnh của đất nước, quê hương và có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn. Nói về công tác cán bộ, theo ông, trước hết phải đổi mới con người làm tổ chức, phải đổi mới cơ chế lựa chọn cán bộ lãnh đạo theo tiêu chí tài - đức, phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.
Tháng 6.1990, trước tình trạng tham ô, tham nhũng của cán bộ trong cơ quan nhà nước ngày một nghiêm trọng, đi đôi với đó là tình trạng lãng phí của công, ông kiến nghị rằng, Đảng và Nhà nước đi đôi với đổi mới kinh tế phải có biện pháp chống tham nhũng hiệu quả, nếu không thì chẳng khác nào “gió vào nhà trống”.
Theo ông, không chống được tham nhũng không có thắng lợi cho sự nghiệp đổi mới kinh tế và ngay cả sự tồn tại của chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước Việt Nam. Những lo lắng ấy của ông đã được Đảng ta thấu suốt và khẳng định ngay tại Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khóa VII (1.1994) khi xác định nạn tham nhũng là một trong 4 nguy cơ tồn vong của chế độ.
Tháng 5.1991, trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, ông viết thư gửi trực tiếp cho đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư và Tiểu ban nhân sự Đại hội phản ảnh những dư luận trong nhân dân về các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và kiến nghị những vấn đề liên quan đến cơ chế lựa chọn nhân sự bầu Ban Chấp hành Trung ương tại đại hội. Cuối thư, dẫn lại câu chuyện của Khổng Tử về thuật dùng người như một gợi ý với Trung ương “Cử người ngay, bỏ người cong ắt dân phục/Cử người cong, bỏ người ngay ắt dân không phục”.
Đối với quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, lúc công tác ở Trung ương cũng như sau ngày nghỉ hưu, đồng chí Trần Thận luôn trăn trở trước tình hình đời sống nhân dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các gia đình chính sách, người có công chưa được chăm lo chu đáo.
Ông quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ. Dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhiều, ông vẫn dành nhiều thời gian để thu thập tài liệu, nghiên cứu, tham gia viết lịch sử đảng bộ tỉnh. Về công tác xây dựng Đảng, đồng chí Trần Thận coi trọng đoàn kết nội bộ trong Đảng và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, góp phần vào việc đề ra các chủ trương, chính sách trong công tác tổ chức, cán bộ của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng
Đồng chí Trần Thận đã đi xa nhưng tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về tấm lòng, tâm huyết của ông đối với quê hương vẫn luôn được các thế hệ người dân Quảng Nam học tập và noi theo.