[eMagazine] - Rời ruộng đồng vào nhà máy

11/05/2022 10:37

Vì các lý do khác nhau, ngày càng có nhiều lao động - nhất là người trẻ - bước ra từ ruộng đồng, “ly nông nhưng không ly hương”, đóng góp sức lao động cho sự phát triển chung của Quảng Nam.

 
 
 
 

CẢ NHÀ VÀO NHÀ MÁY

Kể từ năm 2016, Khu công nghiệp Tam Thăng chính thức đi vào hoạt động, hàng loạt nông dân xã Tam Thăng bắt đầu chuyển vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Với bà Võ Thị Hải (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), cả gia đình 4 người đã được tiếp nhận vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng. Bà Hải làm nhân viên phục vụ, chồng bà làm ở bộ phận cơ khí, một người con làm công nhân may và một người làm công nhân kỹ thuật xưởng dệt.

Bà Hải nói: "Hồi đó, nhà tôi có mấy sào ruộng, trồng lúa có, trồng cói có. Rồi đất sản xuất nhường làm khu công nghiệp, xong cả nhà vào công ty làm việc đến bây giờ. So với trước, công việc ổn định, lương, chế độ đầy đủ, không phải lo lắng như làm nông, lúc được lúc mất. Cả nhà làm tháng thu nhập hơn 20 triệu đồng, đủ ăn còn có của để dành. Ở xã Tam Thăng này, người dân mất đất sản xuất được tạo điều kiện vào làm việc trong các công ty rất nhiều. Tôi thấy như thế cuộc sống cũng khá hơn trước".

 
Giai đoạn 1997 đến năm 2021, cơ cấu kinh tế của Quảng Nam chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng phi nông nghiệp (từ 50% lên 86%) và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp (từ 50% xuống còn 14%), kéo theo sự chuyển dịch trong cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại dịch vụ ngày càng tăng.

Còn vợ chồng ông Lê Viết Nhân, trú tại phường Điện An, thị xã Điện Bàn, nhận thấy nghề nông thu nhập bấp bênh, nên đều chuyển làm công nhân. Ông Nhân xin vào làm công nhân Công ty CP Đồng Tâm, vợ ông làm công nhân Công ty TNHH Giày Rieker Việt Nam.

“Nếu làm đủ công hoặc tăng ca, bình quân mỗi tháng hai vợ chồng nhận khoảng 12 triệu đồng, không chỉ đủ trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành, mà còn có khoản nho nhỏ để dành tiết kiệm” - ông Nhân nói.

 

CHUYỂN ĐỔI ĐỂ THÍCH ỨNG

Tại huyện Duy Xuyên, khi nhiều dự án đến đầu tư, cũng đồng nghĩa với việc người dân bị mất đất sản xuất khá nhiều. Như gia đình ông Trần Văn Dũng đang sống ổn định tại thôn Tây Sơn Tây, xã Duy Hải, thì năm 2016 phải giải tỏa trắng, cả 6 sào đất sản xuất cũng bị thu hồi để phục vụ xây dựng dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.

 

Mất đất, ở chỗ mới không có đất sản xuất nông nghiệp, ông Dũng đi học nghề lắp đặt và sửa chữa điện nước rồi xin vào làm cho một công ty ở Điện Dương (Điện Bàn) với mức thu nhập hằng tháng gần 7 triệu đồng. Còn vợ ông xin vào làm công nhân cỏ thảm của một doanh nghiệp ở Cửa Đại với mức lương mỗi tháng gần 6 triệu đồng. Ông Dũng bảo, mất đất sản xuất vợ chồng ông nhanh chóng thích ứng, đi học nghề để chuyển sang làm công nhân thu nhập mới đủ sức lo cho 3 đứa con ăn học.

 

Từ năm 2001, khi các khu - cụm công nghiệp tại Điện Bàn bắt đầu hình thành, dần lấp đầy dự án, trở thành nơi giải quyết việc làm rất lớn cho lao động các vùng quê, nhất là thanh niên, học sinh trung học không có điều kiện tiếp tục con đường học vấn. Tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, hiện đã có 75 dự án đi vào hoạt động, thu hút gần 27 nghìn công nhân lao động. Trong đó, tập trung nhiều nhất là các ngành may mặc, da giày, thực phẩm, điện tử…, với khoảng 9 nghìn lao động có hộ khẩu tại Điện Bàn. Không ít gia đình có nhiều thế hệ đều làm công nhân tại các doanh nghiệp sản xuất trong các khu - cụm công nghiệp ở Điện Bàn.

 
 
 
 

Năm 2019, từ xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, để lại 3 đứa con cho chồng và mẹ, chị Nguyễn Thị Thu Hót (sinh năm 1990) đến Công ty Panko Tam Thăng làm công nhân may. Trước đó chị đã đăng ký và hoàn thành khóa học nghề may công nghiệp theo chương trình đào tạo của huyện Nam Trà My kết hợp với cơ sở đào tạo nghề, đào tạo và tạo việc làm cho lao động miền núi.

 

Bà Huỳnh Thị Phượng - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng nói: "Kể từ khi thành lập đến nay, ngoài tiếp nhận lao động là người dân địa phương bị mất đất sản xuất vào làm việc, công ty còn tiếp nhận hơn 1.300 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi của Quảng Nam. Ban đầu tiếp nhận theo diện đào tạo lao động nông thôn, bây giờ thì công ty tuyển dụng trực tiếp ở các huyện. Sắp tới công ty tiếp tục tuyển dụng thêm hơn 1.700 lao động, cũng sẽ ưu tiên lao động vùng nông thôn, miền núi muốn chuyển sang lĩnh vực công nghiệp". 

[VIDEO] - Bà Huỳnh Thị Phượng - Trưởng Phòng nhân sự Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng:

 
 
 

TẠO VIỆC LÀM MỚI

Tại xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên), trong vòng 10 năm trở lại đây có hơn 300ha đất các loại của gần 1.000 hộ dân bị thu hồi để phục vụ xây dựng các dự án, công trình trọng điểm..., ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 1.700 - 2.000 lao động nông nghiệp của xã. Song song với việc mất đất nông nghiệp, người dân cũng không còn làm công việc nông nghiệp nữa. Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân là trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp đến đầu tư. 

 

Ông Võ Văn Toan - Trưởng phòng LĐ-TB&XH Duy Xuyên thông tin, trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm huyện giải quyết việc làm mới cho khoảng 1.800 lao động nông thôn sau đào tạo nghề. Hàng năm, Phòng LĐ-TB&XH huyện chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 350 lao động nông thôn (trong đó có trên dưới 100 lao động bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp) với kinh phí khoảng 250 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh. “Các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn cũng chủ động tuyển dụng, đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn rồi sau đó nhận vào làm việc tại các nhà máy, nhất là các công ty may mặc” - ông Toan cho biết.

 

CỘNG ĐỒNG TRÁCH NHIỆM

Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung (TP.Hội An) là đơn vị có truyền thống đào tạo lâu năm khu vực Bắc Quảng Nam. Dù vậy, đến nay khả năng cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn khá ít do ngành nghề đặc thù cũng như số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường hàng năm không nhiều.

Ông Nguyễn Anh Tuyên - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung cho biết, mỗi năm nhà trường có khoảng 200 sinh viên tốt nghiệp, số này không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp thủy điện do nhu cầu tuyển dụng lao động vận hành các nhà máy thủy điện không chỉ ở Quảng Nam mà cả miền Trung - Tây Nguyên, kể cả miền Bắc.

Ông Tuyên nói: “Nhu cầu tuyển dụng cũng rất cao nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường không thể đáp ứng. Do đó, mỗi năm trường phối hợp với doanh nghiệp mở 5 - 6 lớp đào tạo và đào tạo lại cho khoảng 100 học viên, sinh viên theo yêu cầu của doanh nghiệp".

 

Sau năm đầu tiên hoạt động với tên Trường Cao đẳng Quảng Nam, đến nay nhà trường đã liên tục đào tạo để cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Trong đó có 407 học sinh, sinh viên ở 22 ngành/nghề thuộc 6 cơ sở đào tạo của nhà trường đã được cung ứng cho doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam cho biết: "Hiện nay nhà trường có mối quan hệ hợp tác đào tạo với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nên việc đào tạo đều theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hiện nay rất lớn, khóa nào đào tạo xong cũng được doanh nghiệp tiếp nhận. Nhà trường đang xây dựng, chuẩn bị các điều kiện để đạt các tiêu chí trường chất lượng cao và song song đó tập trung đa dạng hóa các ngành, nghề và loại hình đào tạo liên thông đại học, sau đại học đáp ứng nhu cầu xã hội".

 
 
 
 
 

Việc đào tạo không theo những gì cơ sở đào tạo có, mà phải theo nhu cầu xã hội, doanh nghiệp cần. Hàng năm, các địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Trong phối hợp, các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo cần thường xuyên trao đổi để kịp thời nắm bắt những vấn đề bất cập để cùng nhau tháo gỡ.

Đối với các doanh nghiệp, cần cung cấp thông tin cụ thể về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, chủ động tuyển dụng và làm việc với các cơ sở đào tạo để đăng ký đặt hàng người lao động. Doanh nghiệp cũng cần có chính sách hợp lý cho người lao động làm việc lâu dài trong doanh nghiệp của mình.

Đối với các cơ sở đào tạo người lao động, phải nắm được số lượng, nhu cầu lao động cần đào tạo, chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để giới thiệu đào tạo nghề, quy mô đào tạo, khả năng đào tạo, từ đó liên kết với doanh nghiệp để giải quyết việc làm sau đào tạo. Đây cũng là cách để xây dựng thương hiệu cho cơ sở đào tạo, để người lao động và cả doanh nghiệp biết đến cơ sở, tìm đến học nghề.

 
 
 

Các giải pháp trọng tâm trong khớp nối giáo dục về việc làm sẽ bao gồm việc tuyên truyền mạnh các chính sách, thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng đào tạo, đào tạo phải xác định đầu ra, theo đơn đặt hàng, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo.

Sắp tới, các ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét cơ chế, chính sách mới, kỳ vọng sẽ thúc đẩy, mạnh mẽ việc đào tạo, chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị, nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, tạo được nguồn lao động cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư và vùng nông thôn, miền núi khi có nguồn lao động qua đào tạo tại chỗ.

Giai đoạn 2010 - 2020, toàn tỉnh đã triển khai các chính sách đào tạo nghề theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 3577 của UBND tỉnh thực hiện cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Sở LĐ-TB&XH cho biết, đối với Quyết định 1956, đã đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 48.128 người, tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo chiếm 80,4%. Quyết định 3577 đào tạo được 5.479 người (trong đó có 2.262 người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số), tỷ lệ lao động có việc làm đạt 95%.