Tái thiết rừng phòng hộ ven biển
(QNO) - Rừng phòng hộ ven biển được xem là lá chắn xanh ở vùng đông, được quy hoạch quỹ đất dồi dào để mở rộng diện tích. Tuy nhiên, hiện trạng ở nhiều khu vực vẫn chưa đáp ứng các tiêu chí thành rừng theo quy định. Vì vậy việc tái thiết để nâng cao chất lượng rừng, kết hợp phát triển kinh tế với phòng chống thiên tai được xem là đề xuất phù hợp thực tiễn.
Đường 129 và tuyến Thanh niên ven biển song song đã "xẻ" nhiều nổng cát của vùng đông, tạo thêm những vùng chuyển động từ các dự án kinh tế, đô thị... Trong không khí "nóng sốt" của dải cát ven biển, màu xanh từ những cánh rừng phòng hộ hiện ra, góp phần giảm nhiệt và san sẻ hiệu quả gánh nặng hệ lụy môi trường.
Chúng tôi cùng ông Dương Thẻ Minh - Trưởng thôn Thăng Tân (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) đi thăm cánh rừng phòng hộ ở địa phương mà ông được giao khoán bảo vệ. Cánh rừng này chạy dọc đường 129, cây ken dày, cao ngút, xen lẫn phi lao và keo lá tràm.
Ông Minh cho biết, cánh rừng này được trồng từ năm 2002, thuộc dự án PACSA, kinh phí do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Dự án này kết thúc vào năm 2005, được giao cho địa phương quản lý và được giao lại cho các hộ nhận khoán chăm sóc. Người dân trồng dặm thêm keo lá tràm tại những khu vực cây phi lao thưa thớt.
Năm 2017 ông Minh được giao "trông coi" khoảng 8ha rừng phòng hộ, với mức khoán hơn 1 triệu đồng mỗi năm. Ông nói, nguồn kinh phí này không đủ đổ xăng đi lại nhưng vì nhận thấy vai trò quan trọng của rừng và trên tinh thần trách nhiệm với địa phương, nên ông nỗ lực bảo vệ.
Theo ông Trình Công Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, tổng diện tích rừng phòng hộ hiện nay của địa phương hơn 83,8ha tại 2 thôn Thăng Tân (hơn 39,2ha) và Kim Đới (44,6ha), do Nhà nước quản lý. Địa phương thực hiện việc giao khoán bảo vệ cho các hộ dân sinh sống gần khu vực có rừng.
"Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng chặt phá cây, lấn chiếm đất rừng, hằng năm, UBND xã chỉ đạo ban nhân dân 8 thôn trên địa bàn báo cáo các trường hợp cấp bách để xử lý kịp thời. Năm qua UBND xã Tam Thăng đã nhận được nhiều tin báo của đại diện ban nhân dân thôn và người dân, đã triển khai kịp thời công tác phòng cháy chữa cháy và xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng đến rừng phòng hộ" - ông Quốc cho biết.
Phía đông đường Thanh niên qua các địa phương ven biển hiện vẫn còn nhiều cánh rừng phi lao xanh tốt sát mép sóng, chở che cho những làng mạc. Những cánh rừng này do người dân trồng trên đất được giao, tự quản lý, khai thác.
Cách đây hơn 30 năm, ông Trần Thế Vinh (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thành) được giao hơn 7.000m2 đất ven biển để trồng rừng phòng hộ. Ông cho biết, không như nhiều nơi, đoạn này, từ bờ biển vào đến khu dân cư rất xa (khoảng 900m) nên có quỹ đất rộng để trồng rừng phòng hộ với loại cây chủ yếu là phi lao. Việc trồng rừng ngoài phòng chống thiên tai đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Ông Vinh nói: "Hồi xưa chưa nấu gas, gia đình nào cũng sử dụng cành lá thông để nấu nướng. Rồi hàng năm, mình có thể bán bớt một ít cây thông có tiền đám đình, lo việc phải không".
Chủ tịch UBND xã Tam Tiến Nguyễn Xuân Luận cho biết, trong tổng diện tích đất rừng phòng hộ của xã 305ha theo quy hoạch, thì dọc 8,5km bờ biển có khoảng 100ha rừng phòng hộ. Tại địa phương còn có khoảng 200ha rừng phòng hộ thuộc dự án PACSA nằm ở phía tây sông Trường Giang, diện tích rừng này không hiệu quả do trồng loại cây phi lao, không phù hợp với thổ nhưỡng. Năm 2012, rừng PACSA được làm các thủ tục thanh lý; ngành chức năng và địa phương tiếp tục trồng keo, hiện rừng keo phát triển tốt.
Theo ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Quảng Nam là địa phương tiếp giáp với biển, vùng đất ven bờ chủ yếu là nhóm đất cát biển, thành phần cơ giới từ cát pha đến cát pha sét, rời rạc, nghèo mùn và dinh dưỡng, khả năng giữ nước của đất yếu. Tình trạng cát bay, cát chảy, cát di động trong mùa gió bão, tác động đến đời sống, sản xuất và công trình hạ tầng ven biển..., nên rừng phòng hộ có vai trò hết sức quan trọng.
Ông Út cho biết: "Về cơ bản rừng phòng hộ tại khu vực ven biển hiện nay đã phần nào hạn chế được tình trạng cát bay, góp phần cải thiện môi trường. Tuy nhiên, khả năng phòng hộ chắn gió của rừng còn hạn chế do rừng trồng keo chịu hạn có sức chống chịu gió bão kém, thường xuyên bị ngã đỗ và rừng phi lao ở khu vực này phát triển kém, còi cọc.
Một số diện tích rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay hiện chưa đáp ứng các tiêu chí thành rừng theo quy định. Hiện nay phần lớn diện tích rừng tại khu vực vùng đông được chính quyền địa phương thực hiện việc giao khoán quản lý bảo vệ, chăm sóc cho người dân; diện tích còn lại giao cho ban quản lý dự án trồng rừng huyện quản lý, bảo vệ".
Quy hoạch rừng phòng hộ, sản xuất ven biển trước đây rất bất cập, đưa vào quy hoạch rừng nhưng thực chất không thành rừng, hoặc chỉ mấy cây trồng lưa thưa. Năm 2000, Chính phủ Nhật đã hỗ trợ trồng rừng phòng hộ PACSA cho các xã ven biển thuộc các huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ, dự án kết thúc năm 2005. Rừng phi lao trồng hàng chục năm nhưng còi cọc. Vì lẽ đó mà ở hầu hết địa phương ven biển đều loại bỏ một phần diện tích rừng PACSA ra khỏi chức năng phòng hộ, thay vào đó quy hoạch phân khu dân cư, phát triển dự án công nghiệp, xây dựng nghĩa trang nhân dân...
Tại xã Tam Phú (Tam Kỳ), một phần diện tích rừng PACSA đã đưa ra khỏi chức năng phòng hộ để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch nghĩa trang nhân dân thôn Phú Đông (xã Tam Phú). Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Tam Phú cho hay, đất quy hoạch nghĩa trang nhân dân tại thôn Phú Đông rộng 18ha lọt thỏm trong rừng PACSA đã trồng trước đây nhưng hiện đã sa mạc hóa.
Tương tự tại xã Tam Thanh (Tam Kỳ), dù quy hoạch đất rừng nhưng hiện trạng sử dụng là làng mạc khu dân cư của người dân sinh sống lâu đời. Nghịch lý là quy hoạch ghi đất rừng, nhưng thực tế sử dụng đất lại khác. Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trường Sơn khẳng định, trên địa bàn xã Tam Thanh, hầu hết diện tích đất thuộc quy hoạch đất rừng được người dân xây dựng nhà ở từ lâu đời đến nay, sử dụng liên tục, ổn định, không tranh chấp.
Tại cuộc làm việc cuối tháng 3 vừa qua với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đề xuất giảm diện tích từ hơn 3.600ha rừng phòng hộ ven biển xuống còn 2.000ha trên cơ sở phù hợp với hiện trạng rừng đủ điều kiện công nhận thành rừng hiện nay tại khu vực này. Đồng thời thực hiện sắp xếp lại trồng rừng phòng hộ theo nội dung tại Quyết định số 1737 ngày 13.12.2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai (dọc các tuyến đường, bao quanh các khu chức năng, khu dân cư).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trước đây khi chưa đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông thì đây là khu vực đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển. Người dân không biết trồng cây gì để tạo sinh kế nên đã thực hiện trồng rừng phòng hộ với các loại cây phi lao để chắn cát, chắn gió. Tuy nhiên, nhiều khu vực do không chăm sóc, quản lý bảo vệ nghiêm ngặt nên rừng không thành rừng.
Nêu lý do kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, nếu trồng lại đúng diện tích 3.600ha thì không tìm ra đất để trồng vì giảm đi mới có diện tích để phát triển các khu chức năng khác.
Tình trạng xâm thực và do tác động của con người, nhiều cánh rừng có chức năng phòng hộ ven bờ biển bị thu hẹp, gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân.
Ao tôm lấn rừng
Cách đây chừng 10 năm, phong trào nuôi tôm trên cát phát triển mạnh ở vùng đông, nhiều hộ dân được giao đất trồng rừng phòng hộ ven biển ào ạt triệt hạ cây phi lao, mở ao nuôi tôm. Các xã Bình Hải, Bình Nam (huyện Thăng Bình) một thời là "điểm nóng" của tình trạng này.
Tại xã Bình Hải (Thăng Bình), hiện có nhiều ao nuôi tôm ven biển bỏ hoang do sản xuất không hiệu quả. Không tiếp tục sản xuất, nhưng nhiều hộ nuôi tôm không "hoàn trả" diện tích rừng bị triệt hạ trước đây, gây nên hiện trạng nham nhở. Mặt khác, trong quá trình nuôi tôm, mặt đất và nguồn nước bị nhiễm mặn, cũng khiến nhiều cây phi lao chết dần.
Một người dân ở thôn Kỳ Trân (xã Bình Hải) cho biết: "Trước đây, khi phong trào nuôi tôm phát triển rầm rộ ở địa phương, nhiều hộ dân bất chấp sự ngăn cản của chính quyền, lén lút chặt phá rừng dương, đào ao lót bạt nuôi tôm. Người ta đem máy ủi về, chỉ sau một đêm là ủi xong hồ tôm, chính quyền địa phương không thể ngăn nổi. Bây giờ nhiều người bỏ hồ vì nuôi thua lỗ".
Không có con số thống kê về diện tích rừng phi lao ven biển bị triệt hạ để đào ao nuôi tôm, nhưng hậu quả thì có thể thấy rõ. Tình trạng biển xâm thực diễn ra phức tạp ở nhiều nơi, đến mùa gió bão, nhiều khu dân cư ven biển phải hứng chịu những đợt sóng gió với cường độ mạnh. Tại thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến (Núi Thành) hiện cũng có nhiều ao nuôi tôm ven biển bỏ hoang, thay thế cho rừng phi lao xanh tốt một thời.
Theo ông Nguyễn Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, theo quy hoạch, dọc theo tuyến đường Thanh niên ven biển về phía đông, cách 40m là diện tích rừng phòng hộ. Do đặc thù của địa phương là dải đất hẹp, nên thực tế, nhiều khu vực ven bờ biển hiện nay không có rừng phòng hộ. Tuy nhiên, những cánh rừng phi lao do dân tự trồng trước đây đang phát huy chức năng phòng hộ rất tốt, nhưng bị thu hẹp dần. Địa bàn thôn Hà Lộc vài năm trở lại đây tình trạng xâm thực diễn ra phức tạp, nhiều đoạn sóng "ăn" vào sát nhà dân.
Ông Luận nói: "Gió mạnh khi thổi vào bờ, nếu gặp rừng dương thì chia lực ra, còn gặp phải vật cản cứng thì đập mạnh, khoét dần dưới chân, gặp sóng nữa thì gây ra hiện tượng xâm thực. Vì vậy rừng dương được xem là lá chắn hiệu quả, đặc biệt là tại những khu vực xung yếu như thôn Hà Lộc".
Nhường đất rừng cho dự án
Vùng đông Duy Duyên qua 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa bây giờ chỉ còn vài chỗ còn rừng dừa ngập mặn; rừng phi lao ven biển thì nằm rải rác ở một số khu vực. Hơn 10 năm trước, “cơn lốc” mang tên khai thác titan gần như đã quét sạch rừng dương ven biển; rồi ở vùng này từ ngày quy hoạch dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, hầu như nhiều địa bàn “mất trắng” rừng phòng hộ. Thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải (Duy Xuyên) đan xen giữa phố mới làng cũ, khi tái định cư đã giãn dân ra sinh sống lấn sát biển.
Ông Trần Văn Minh (sinh sống ở làng Tây Sơn Đông) bảo, rừng dương chỉ còn trong ký ức của người cao tuổi như ông. Khi dự án Nam Hội An vào, các tòa nhà cao tầng mọc lên áp sát biển. “Nông dân chưa được giải tỏa, “sót lại” làng chỉ còn loại đất màu, lúa để sản xuất, chứ vùng biển này đâu còn chỗ đất trống để trồng rừng, thay vào đó là đất quy hoạch cho dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An” – ông Minh nói.
Theo chính quyền xã Duy Hải, vệt ven biển trên địa bàn xã dài 4km từ thôn Trung Phường đến Tây Sơn Đông hiện nay vẫn còn trên dưới 50ha rừng phi lao. Trong số diện tích này có nhiều trường hợp được Nhà nước giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Thống – Chủ tịch UBND xã Duy Hải thông tin, hộ có đất trồng rừng lớn nhất có diện tích không quá 5.000m2. Ở khu vực rừng ngập mặn Duy Hải, trước đây Nhà nước đã quy hoạch 90ha để trồng lại dừa Thái Lan, tuy nhiên do tình trạng lở bồi của tự nhiên và người dân xâm lấn, diện tích rừng dừa thực tế hiện nay chỉ còn khoảng 20ha. “Địa phương bây giờ không thuộc địa bàn quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất)” – ông Thống nói.
Không riêng ở xã Duy Hải, mà nhiều xã thuộc Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành còn nhiều diện tích đất trống bỏ hoang, đất rừng đã thanh lý số cây đổ ngã do mưa bão năm 2020 nhưng không thể triển khai trồng lại rừng thay thế, bởi các địa phương đã quy hoạch đất nghĩa địa, đất xây dựng khu dân cư, đất phát triển công nghiệp…
Đưa ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ
Tại xã Bình Nam (Thăng Bình), theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Cảnh “lịch sử” nguồn gốc rừng từ các dự án trồng rừng PAM, Quyết định 661 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, chương trình trồng rừng PAM 4304. Trong khi đó, trồng rừng với chức năng phòng hộ chủ yếu là dự án PASCA do Chính phủ Nhật tài trợ từ những năm 2002 – 2004.
Trước đây, các dự án trồng cây phi lao, bạch đàn đều không phát triển, thành rừng, sau này khu vực không thành rừng đã được trồng thay thế bằng cây keo lưỡi liềm. Ông Cảnh cho rằng, trong số diện tích rừng đã thanh lý cây đổ ngã không thể trồng lại được vì “dính” quy hoạch Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng, Khu đô thị - công nghiệp Nam Thăng Bình.
Theo chính quyền xã Bình Nam, tổng diện tích quy hoạch cho phát triển công nghiệp trên địa bàn hơn 170ha, trong số diện tích này nằm trong rừng phòng hộ PACSA. Đâu chỉ đất rừng phòng hộ, đất nghĩa trang nhân dân bây giờ tại xã Bình Nam cũng được quy hoạch cho phát triển công nghiệp. Hiện nay, cơ quan chức năng chỉ trồng lại rừng đã thanh lý nằm trong diện tích đã quy hoạch chức năng phòng hộ còn hiệu lực.
Ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng, còn ngành tài nguyên môi trường tham mưu giao đất, cho thuê đất với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Vướng mắc ở một số xã ven biển hiện nay là thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giao cho các hộ trồng rừng trước đây.
Điển hình, năm 1998 – 1999, UBND xã Bình Nam đã lập hồ sơ giao đất đến hộ gia đình, cá nhân với diện tích 150ha, gồm 120 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng theo Nghị định 02 của Chính phủ. Trong đó, địa phương đã giao 62 giấy chứng nhận cho hộ gia đình cá nhân, còn lại 58 giấy giữ lại tại Phòng TN-MT huyện Thăng Bình.
Năm 2011, UBND huyện đã ra quyết định thu hồi 55 giấy trong tổng số 62 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng của hộ gia đình, cá nhân với diện tích gần 58ha. Tuy nhiên, đến nay hơn 11 năm, Nhà nước không thu hồi được đất và người dân vẫn còn giữ và đang sử dụng đất rừng.
“Chính quyền thừa nhận có sự rắc rối trong quản lý đất rừng qua các thời kỳ, vướng mắc trong thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng của hộ gia đình, cá nhân, nhưng có thực tế nhiều trường hợp người dân trồng, chăm sóc rừng rất tốt” – ông Cảnh cho biết.
Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án trồng rừng huyện thông tin, rừng phòng hộ ven biển Thăng Bình có diện tích 1.268,3ha. Trong đó, diện tích có rừng 1.259,3ha; diện tích chưa thành rừng 9ha. Các diện tích rừng ven biển chủ yếu do Ban quản lý dự án trồng rừng huyện và các xã quản lý, bảo vệ từ Chương trình dự án bảo vệ và phát triển rừng các năm trước.
“Sau khi thanh lý rừng bị ngã đổ do thiên tai gây ra năm 2020 với diện tích khoảng 300ha, năm 2021, Ban quản lý dự án trồng rừng huyện Thăng Bình đã thiết kế trồng lại trên diện tích đã thanh lý, tuy nhiên do vướng quy hoạch nên mới chỉ triển khai trồng lại được 70ha” – ông Khiết nói.
Để đảm bảo mục tiêu vừa nâng cao chất lượng rừng vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quá trình sắp xếp rừng phòng hộ ven biển phải qua các bước chặt chẽ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu có cuộc trao đổi với Báo Quảng Nam xung quanh vấn đề này.
P.V:Thưa ông, Quảng Nam đề xuất sắp xếp lại diện tích rừng phòng hộ ven biển để dành quỹ đất phát triển, vậy có thể thực hiện theo hướng nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu: Mục đích của việc sắp xếp này là kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phòng chống thiên tai, vừa nâng cao chất lượng rừng trồng phòng hộ ven biển và phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đã được Thủ tướng phê duyệt, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, diện tích quy hoạch rừng phòng hộ ven biển được bố trí lại là 2.043ha, được sắp xếp dọc các tuyến giao thông, bao quanh các khu công nghiệp, các khu dân cư; lựa chọn cây trồng phù hợp hơn, chăm sóc tốt hơn theo hình thức hợp tác công - tư nhằm phát huy tác dụng phòng hộ. Điều này vừa giúp cho địa phương có quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai.
P.V:Theo quy định, quá trình thực hiện tái thiết này phải qua những bước nào?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu: Theo Luật Quy hoạch năm 2017, quy hoạch lâm nghiệp là quy hoạch ngành quốc gia, do Bộ NN&PTNT xây dựng. Như vậy, bước đầu tiên là tỉnh Quảng Nam phải phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành liên quan để xây dựng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, trong đó đáp ứng những đề xuất điều chỉnh của Quảng Nam về quy mô, diện tích, vị trí các đai rừng phòng hộ ven biển.
Sau khi quy hoạch lâm nghiệp quốc gia được phê duyệt, tỉnh Quảng Nam sẽ xác định nhiệm vụ lâm nghiệp trong quy hoạch tỉnh theo từng giai đoạn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó có những nội dung chính như sau: Dự kiến quy hoạch rừng phòng hộ ven biển hơn 2.043ha, cụ thể, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay gần 1.874ha, rừng ngập mặn hơn 169,2ha.
P.V:Với những diện tích rừng trồng do các tổ chức nước ngoài tài trợ kinh phí, cụ thể như dự án trồng rừng PACSA, nếu phải thu hẹp, sẽ phải xử lý như thế nào?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu: Dự án trồng rừng trên vùng cát ven biển - PACSA được thực hiện theo hình thức chìa khóa trao tay. Năm 2006, kết thúc dự án, sau khi nhận bàn giao từ các nhà thầu Nhật Bản, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp đã bàn giao cho tỉnh Quảng Nam quản lý theo các quy định hiện hành giống như các diện tích rừng trồng khác. Do đó việc chuyển mục đích sử dụng rừng cho các dự án được thực hiện theo quy định tại Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 83 ngày 15.7.2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156 ngày 16.11.2018 của Chính phủ.
Trong quá trình lập các hồ sơ thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan tại địa phương như ban quản lý dự án trồng rừng huyện, phòng NN&PTNT cấp huyện, UBND xã… thực hiện việc kiểm đếm toàn bộ cây rừng bị thiệt hại, xây dựng phương án bồi thường, kinh phí thu được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Giải quyết quyền lợi của người dân có liên quan đến công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng (nếu có).
P.V:Rừng phòng hộ ven biển lâu nay chủ yếu do người dân trồng, chăm sóc; vài năm trở lại đây có thêm nhiều tổ chức cùng trồng rừng tại những khu vực xung yếu. Vậy tỉnh có cơ chế gì để khuyến khích xã hội hóa trong việc trồng rừng ven biển?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu: Việc trồng rừng phòng hộ ven biển được thực hiện theo cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành: giao khoán cho người dân và địa phương thực hiện việc trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng theo các chương trình như Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 120 ngày 22.1.2015, Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1662 ngày 4.10.2021.
Đối với các diện tích giao đất, cho thuê đất đối với các doanh nghiệp triển khai dự án, cơ chế chính sách sử dụng đất phải có tỷ lệ diện tích tối thiểu 10% để phát triển cây xanh cảnh quan trong các khu du lịch, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, hình thành thêm nhiều công viên cây xanh tập trung... Qua đó sẽ tăng tỷ lệ phủ xanh (ngoài diện tích quy hoạch rừng phòng hộ) một cách có khoa học và hợp lý cho vùng cát phía đông, vừa phát triển kinh tế, vừa tạo mỹ quan đô thị và nông thôn, vừa phòng tránh được thiên tai và biến đổi khí hậu.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Rà soát, đánh giá cụ thể rừng phòng hộ ven biển cần điều chỉnh quy hoạch.
Với đề xuất của tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT và cơ quan liên quan thành lập tổ công tác do một đồng chí Thứ trưởng Bộ TN-MT làm tổ trưởng và một đồng chí Thứ trưởng Bộ NN-PTNT tham gia tổ công tác để phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam rà soát, thống kê, đánh giá cụ thể diện tích rừng phòng hộ ven biển cần điều chỉnh quy hoạch, đề xuất phương án xử lý các kiến nghị của tỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Thủ tướng đồng ý và khuyến khích việc các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tham gia các hoạt động trồng, bảo vệ, phát triển rừng vùng ven biển theo hình thức phù hợp với quy định của pháp luật. Giao Bộ NN-PTNT hướng dẫn tỉnh thực hiện theo quy định hiện hành.