[eMagazine] - Đổi thay trên vùng đất cách mạng Hiệp Đức
(QNO) – Sau 50 năm giải phóng, vùng đất nghèo trung du Hiệp Đức đã chuyển mình. Kinh tế - xã hội phát triển vượt bật, đời sống người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc… Phát huy lợi thế sẵn có, huyện Hiệp Đức tiếp tục đề ra những chủ trương, chính sách sát đúng, để những bước phát triển trong tương lai ngày thêm vững chắc.
Hiệp Đức là huyện miền núi có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quân sự. Chính vì điều này, trong các cuộc chiến tranh xâm lược, địch luôn huy động lực lượng quân sự hùng mạnh chốt giữ hàng loạt các cứ điểm quan trọng, hình thành tấm lá chắn bảo vệ từ xa cho khu quân sự liên hợp Đà Nẵng - Tam Kỳ. Nhưng dù địch trút xuống mảnh đất này hàng nghìn tấn bom đạn, mở hàng nghìn đợt càn quét ác liệt, tàn phá dã man cơ sở cách mạng,… thì cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn một lòng kiên trung với Đảng, nung nấu lòng căm thù giặc.
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Hiệp Đức, đầu những năm 60, khi ngọn lửa “Đồng khởi” bùng lên khắp chiến trường miền Nam, lực lượng cách mạng ở Hiệp Đức dần lớn mạnh.
Vào 5 giờ sáng, ngày 13.3.1960, tự vệ và nhân dân làng Ông Tía vùng lên khởi nghĩa vũ trang, tiêu diệt gọn một tiểu đội địch, mở đầu cho giai đoạn khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.
Tiếp đó, vào 0 giờ ngày 20.9.1960, quân ta tấn công Chi khu quận lỵ Hiệp Đức, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang, tác động mạnh mẽ đến tinh thần nhân dân, thôi thúc thanh niên lên đường gia nhập quân giải phóng.
Từ 1961-1964, khi Đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh “Chiến tranh đặc biệt”, quân và dân Hiệp Đức dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân với phương châm “Hai chân ba mũi giáp công”, “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xóm làng là một pháo đài”, “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám đánh địch”… đánh bại chiến dịch “Trực thăng vận” ở Trà Linh, Bình Kiều, Đá Ngang. Sau đó đập tan chiến dịch “Thượng du vận” ở Phước Gia, Phước Trà; tấn công bức rút trung tâm huấn luyện biệt kích ở thôn Phước Sơn (Quế Bình cũ); mở rộng vùng giải phóng từ Tú La (xã Quế Lưu) đến Phú Toản (xã Thăng Phước), vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà (Tiên Phước).
Trong chiến dịch mùa xuân 1965, quân và dân Hiệp Đức tiêu diệt cứ điểm Cao Lao, Việt An (cứ điểm mạnh nhất của địch ở tây Thăng Bình) bức rút hàng loạt đồn, bốt địch ở dọc đường 16 (quốc lộ 14E ngày nay), tạo điều kiện cho đồng loạt các xã thuộc huyện Quế Sơn, Thăng Bình nổi dậy tự giải phóng.
Vào 0 giờ 15 phút, ngày 17.11.1965 quân ta nổ súng tấn công Chi khu quận lỵ Hiệp Đức lần 2. Sau 2 giờ chiến đấu ác liệt, quân ta tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn trận địa. Nhân dân đồng nổi dậy bắt tề điệp, diệt ác ôn, phá tan ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng từ Bình Lâm (Hiệp Đức) đến Phước Hiệp (Phước Sơn). Đến tháng 4.1969 một trung đoàn quân Nguỵ, 2 tiểu đoàn quân Mỹ tiến quân, chiếm lại Hiệp Đức, chốt giữ những vị trí quan trọng như Cao Lao, Liệt Kiểm, Chia Gan, Đồi Tranh, Núi Lớn… Trước tình hình đó, ngày 20.7.1969 huyện Quế Tiên được thành lập, tạo ra bước ngoặc mới cho cuộc chiến đấu chống Mỹ, Ngụy.
Thắng lợi chiến trường Hiệp Đức đã góp phần làm thất bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ, buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán chấp nhận ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam vào ngày 27.1.1973. Hiệp Đức cũng trở thành căn cứ vững chắc cho cả chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng và căn cứ kháng chiến cuối cùng của Khu uỷ Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Toàn huyện Hiệp Đức có 14 người được phong và truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 421 Mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 4.384 gia đình chính sách người có công cách mạng; 1.410 liệt sĩ; 442 thương binh, như thương binh, bệnh binh các hạng (trong đó có 13 thương bệnh binh hạng 1/4); 141 người bị địch bắt tù đày; 230 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 104 thanh niên xung phong; 1.693 đối tượng theo Quyết định 290, 188,...
Sau ngày giải phóng, nhân dân Hiệp Đức bước vào xây dựng lại quê hương từ hai bàn tay trắng. Ngày 5.6.1975, huyện Quế Tiên giải thể sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, các xã bàn giao về cho huyện Quế Sơn, Thăng Bình và Tiên Phước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các huyện, nhân dân Hiệp Đức tích cực khai hoang phục hóa, tham gia lao động sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh. Và rồi, hơn 10 năm sau, vào ngày 25.2.1986, huyện Hiệp Đức được thành lập. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cán bộ và nhân dân Hiệp Đức vẫn đoàn kết, đồng lòng, từng bước đưa quê hương vượt khó, đi lên…
***
Những ngày giữa tháng 4.2022, chúng tôi có dịp trở lại 3 xã vùng cao Hiệp Đức. Đổi thay hiện hữu trong từng căn nhà. Đường sá không còn cách trở, bớt đi cảnh “nắng bụi mưa bùn”, xóm làng khang trang hơn hẳn.
Vừa gặp chúng tôi, anh Hồ Văn Trang (SN 1985, thôn Trà Nhan, xã Phước Trà) “khoe” về căn nhà vừa được khởi công đầu tháng 3, niềm vui lớn của cả gia đình anh sau nhiều năm sống trong căn nhà cũ tạm bợ. Theo lời anh kể, những mùa rẫy trước hầu hết là mùa rẫy “nhờ trời”, năm được năm mất, anh lặn lội dưới cánh rừng xa đi bứt từng sợi mây về đổi gạo, đổi muối, lay hoay qua tháng qua ngày. Bắt đầu khi xã Phước Trà có chủ trương tái định cư, khuyến khích trồng rừng, cuộc sống mới bắt đầu ổn định.
Thôn Trà Nhan (xã Phước Trà) là một trong những điểm sáng từ chủ trương tái định cư, khuyến khích bà con trồng rừng, phát triển kinh tế ở vùng cao Hiệp Đức trong những năm gần đây. Ông Hồ Văn Thành - Bí thư Chi bộ thôn cho biết, trong số hơn hai trăm hộ dân của thôn, đã có rất nhiều gia đình làm nhà cửa kiên cố, trồng rừng, đời sống kinh tế khá dần lên.
[CLIP] - Phước Trà hôm nay:
Bà Lê Thị Thùy Trâm - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trà tâm sự, dấu ấn lớn nhất là sự chuyển dịch trong tâm thức, suy nghĩ của người dân. Họ hiểu được rằng sau tất cả những chủ trương, chính sách lớn mà Nhà nước hỗ trợ, mỗi gia đình, mỗi cá nhân phải có phần đóng góp sức mình vào đó. Chính từ sự chuyển biến này, các chương trình mục tiêu lớn về tái định cư, về đa dạng sinh kế, phát triển bền vững… được bà con đón nhận, chuyển biến rõ rệt và bền vững hơn. Trên địa bàn xã, có hộ đạt mức thu nhập khá cao, từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng.
[CLIP] - Bà Lê Thị Thùy Trâm - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trà chia sẻ về những đổi thay của xã vùng cao Phước Trà:
Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế xã hội Hiệp Đức sau chặng đường 50 năm giải phóng, nổi bật hơn cả là dấu ấn của những mảng xanh của nông nghiệp.
Ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức nhìn nhận, chính những nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp theo phương thức hàng hóa tập trung giúp nông dân Hiệp Đức không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
Đầu tiên, phải nói đến chủ trương đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng hạ tầng thủy lợi. Theo thống kê khoảng 10 năm trở lại đây, bình quân hằng năm Hiệp Đức đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng xây mới, nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa, đập dâng, đập thời vụ, trạm bơm điện, kiên cố hóa hệ thống kênh mương... nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho cây lúa. Cùng với đó, huyện chú trọng tập huấn chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến và tích cực hỗ trợ nông dân đưa nhiều loại giống lúa mới có chất lượng tốt vào gieo sạ đại trà.
Thế mạnh về đất lâm nghiệp được người dân Hiệp Đức phát huy hiệu quả cao bằng những mô hình trồng rừng sản xuất và hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao. Tính đến cuối tháng 4.2022 toàn huyện có hơn 19.000ha rừng keo nguyên liệu và 3.317ha rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC mới trồng vài năm trở lại đây. Bình quân mỗi năm, nông dân khai thác, bán ra thị trường từ 2.500ha keo nguyên liệu, trung bình 1ha cho giá trị hơn 90 triệu đồng.
[CLIP] - HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận tiên phong phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn:
Những năm gần đây ngành liên quan và chính quyền các địa phương của huyện tập trung hỗ trợ người dân đầu tư phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò lai thâm canh, xem đây là hướng chủ lực. Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này tổng đàn bò trên địa bàn 11 xã, thị trấn của Hiệp Đức là hơn 10 nghìn con, trong đó bò lai chiếm tỷ lệ hơn 92%. Hiện nay, toàn huyện đã hình thành được hơn 300 mô hình nuôi bò lai sinh sản và bò thịt thương phẩm theo phương thức thâm canh với quy mô từ 5 con trở lên. Bình quân mỗi năm 1 con bò cho lãi ròng từ 12 – 17 triệu đồng.
Đưa chúng tôi ra đứng giữa cầu chìm (ngầm) Sông Khang, ông Nguyễn Văn Bảo (64 tuổi, thôn Phú Toản, xã Thăng Phước) lộ rõ niềm phấn khởi khi hướng tầm mắt về phía thượng nguồn, nơi cách đó không xa là cây cầu Sông Khang sừng sững vừa mới hoàn thành. Ông Bảo chia sẻ, ngầm sông Khang giúp người dân địa phương thoát cảnh lội sông, nhưng vào mùa mưa vẫn phải chịu cảnh chia cắt, nhất là ngày mưa lớn, nước lũ dâng cao.
Công trình cầu Sông Khang và đường dẫn từ xã Quế Thọ, Bình Sơn, Thăng Phước (Hiệp Đức) đi huyện Tiên Phước: khởi công vào tháng 11.2019 với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng. Trong đó cầu Sông Khang (chiều dài 174m, bề rộng 8m) đã hoàn thành và đang được cơ quan chức năng tiến hành các bước kiểm định để bàn giao.
[CLIP] – Cầu sông Khang đã hoàn thành và đang được cơ quan chức năng tiến hành các bước kiểm định để bàn giao:
Bên cạnh cầu sông Khang, UBND huyện Hiệp Đức đang gấp rút hoàn chỉnh thủ tục để khởi công công trình cầu Tân Bình và đường tránh quốc lộ 14E qua nội thị thị trấn Tân Bình; công trình đường bao từ ngã 3 Già Bang (thị trấn Tân Bình) đến trung tâm xã Quế Lưu. Hai công trình này có tổng mức đầu tư hơn 306,7 tỷ đồng, riêng cầu Tân Bình và đường tránh quốc lộ 14E có tổng mức đầu tư 268 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án quan trọng, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, tạo thuận lợi giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao thương với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh trong những năm đến.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hiệp Đức lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển hạ tầng thời gian đến là: "Huy động tối đa nội lực và tích cực tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng, gắn với làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tái định cư theo quy định; trong đó, chú trọng tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung, liên kết vùng, phát triển đô thị, du lịch, các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các thôn đặc biệt khó khăn".
Cùng với nỗ lực đầu tư hạ tầng, huyện Hiệp Đức đang chú trọng cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp vào địa bàn và tập trung hỗ trợ, phát triển mạnh lĩnh vực sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.
Ông Phan Quốc Vượng – chuyên viên Phòng Kinh tế - hạ tầng Hiệp Đức cho biết, theo Quyết định số 3924/QĐ-UBND (ngày 28.12.2021) của UBND tỉnh về quy hoạch mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam đến năm 2025, hiện nay số lượng cụm công nghiệp được quy hoạch của huyện Hiệp Đức là 11 cụm với hơn 125,5ha. Trong đó, 7 cụm đã có quy hoạch chi tiết, đã và đang tiến hành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu gồm Tân An, Quế Thọ, Quế Thọ 3, Gò Hoang, Sông Trà, Việt An, Bà Huỳnh với diện tích 102,6ha. Ngoài ra, thời gian tới, huyện Hiệp Đức tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung vào quy hoạch 5 cụm công nghiệp có tiềm năng nữa (gồm Tân An 2, Quế Thọ 4, Sông Trà 2, Sông Trà 3, Hiệp Hòa 2) với khoảng 230ha.
[CLIP] - Công ty CP May mặc xuất khẩu Hưng Hoàng Phát (Cụm Công nghiệp Việt An, xã Bình Lâm, Hiệp Đức) ổn định sản xuất, duy trì công việc thường xuyên cho lao động địa phương:
Trong 7 cụm công nghiệp có quy hoạch chi tiết trên địa bàn huyện Hiệp Đức, có tổng cộng 16 dự án đăng ký đầu tư với tổng nguồn vốn 1.656 tỷ đồng. Trong đó, đến nay có 9 dự án đã đi vào hoạt động và 7 dự án đang xây dựng. Tổng số lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp ở các cụm công nghiệp khoảng 1.135 người.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn Hiệp Đức còn có gần 300 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp quy mô vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả với nhiều ngành nghề, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động.
[CLIP] – Ông Nguyễn Hồng Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Sông Trà chia sẻ về định hướng phát triển công nghiệp của địa phương:
Đối với định hướng phát triển lĩnh vực lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, ngày 30.12.2021 Huyện ủy Hiệp Đức ban hành Nghị quyết số 07 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo ông Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, huyện sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, làng nghề, các cơ sở chế biến; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả quy hoạch xây dựng nông thôn mới và quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp.
Cùng với đó, tập trung hỗ trợ nâng cao tỷ lệ cơ giới vào sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao thu nhập. Đẩy mạnh triển khai các đề tài ứng dụng khoa học, mô hình khuyến nông có hiệu quả để nhân rộng vào sản xuất. Chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao phù hợp với nhu cầu thị trường. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ; dần hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn và quy trình VietGAP, OCOP, hữu cơ… Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tập trung chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm.
Đến năm 2025 cơ cấu nội bộ ngành là nông nghiệp chiếm 56%, lâm nghiệp 40%, thủy sản 4%.
Giai đoạn 2021 – 2025, trồng mới và tái canh rừng 2.500ha/năm; diện tích trồng rừng gỗ lớn được đánh giá cấp chứng nhận FSC đạt 6.000ha (2025).
Từ năm 2021 – 2025, xây dựng mới 250 khu vườn đảm bảo hệ thống nước tưới, trồng các loại cây có chất lượng và giá trị kinh tế cao; xây dựng ít nhất 30 mô hình sản xuất chuyên canh, trình diễn, công nghệ cao với các loại giống mới, cây trồng chủ lực có giá trị cao; xây dựng ít nhất 20 mô hình chăn nuôi thâm canh bò 3B lấy thịt và bò cái lai Zêbu sinh sản; xây dựng 10 mô hình chăn nuôi heo nái sinh sản và 20 gia trại chăn nuôi gia cầm lấy thịt, sinh sản...
Theo ông Nguyễn Văn Nam, vấn đề cần đặc biệt quan tâm là tập trung hỗ trợ nhiều mặt để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân liên kết quy hoạch sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn huyện. Tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất. Qua đó, chủ động được sản lượng sản xuất và ổn định thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm lợi thế của địa phương từng bước đưa vào hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ, đồng thời được hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm...
Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025 cơ cấu kinh tế của Hiệp Đức là nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 15%, công nghiệp - xây dựng 55%, thương mại - dịch vụ 30%. Bình quân hằng năm, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 3,4%, công nghiệp - xây dựng tăng 20%, thương mại - dịch vụ tăng 11%.
[CLIP] – Ông Nguyễn Văn Nam chia sẻ về định hướng của huyện Hiệp Đức trong thời gian tới:
[CLIP] – Đô thị Tân Bình đang được quy hoạch và đầu tư: