Lỗ hổng trong quản lý vận chuyển khách đường thủy

V.LỘC – H.PHÚC – T.CÔNG – C.TÚ 20/04/2022 06:14

(QNO) - Với mạng lưới biển đảo, sông ngòi chằng chịt, nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác lợi thế của việc vận chuyển đường thủy nội địa. Thế nhưng, từ các vụ tai nạn đường thủy thảm khốc thời gian qua, cho thấy những bất cập về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.


 

Sự kiến tạo của biển đảo, sông ngòi đã giúp Quảng Nam có điều kiện phát triển tuyến giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ), nhưng qua biến đổi của thời gian đã làm một số tuyến bị ách tắc, cần được khơi thông.

 


Ngoài 2 xã đảo Tân Hiệp (Hội An) và Tam Hải (Núi Thành), nhìn trên bản đồ, mạng lưới sông ngòi Quảng Nam chạy dọc ngang như bàn cờ. Ngược về quá khứ, từ đầu thế kỷ 16 đến nửa cuối thế kỷ 19, thương cảng Hội An tấp nập cảnh “trên bến dưới thuyền”, đường thủy trở thành nơi giao thương, mậu dịch quốc tế. Việc đi lại, giao thương các vùng miền trong tỉnh ngày xưa chủ yếu bằng các tuyến đò dọc, đò ngang, nhất là dọc trên các sông Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang...

Quảng Nam đa dạng đò dọc đò ngang.
Quảng Nam đa dạng mạng lưới đò dọc đò ngang.

 Không còn thời hoàng kim "trên bến dưới thuyền" nhưng hiện trên các tuyến sông chính tại Quảng Nam, vẫn còn nhiều tuyến ĐTNĐ huyết mạch. Theo Sở GTVT, trên sông Thu Bồn có các tuyến vận tải chính gồm Hội An - Cù Lao Chàm từ bến Hội An đến bến Bãi Làng dài 23,5km, trong đó gồm đoạn từ Cửa Đại đến cảng Bãi Làng (Cù Lao Chàm) dài 17km và đoạn từ Hội An - Cửa Đại dài 6,5km.

Còn tuyến ngã 3 Vĩnh Điện (Điện Bàn) đi bến Hội An có chiều dài khoảng 20km. Tuyến Vĩnh Điện đi Sông Hàn đoạn qua địa phận Quảng Nam dài 12km. Tuyến sông Trường Giang từ bến Hội An đi cảng Tam Hiệp (Núi Thành).

Sông Thu Bồn, Vu Gia có đặc điểm độ dốc lớn, nên mùa mưa nước chảy xiết; mùa khô thì cạn, tàu thuyền đi lại khó khăn; luồng ra, vào tuyến sông tại cửa biển thường bồi lấp, dịch chuyển thay đổi nhiều lần trong năm. Theo thống kê, tuyến sông ĐTNĐ quốc gia do trung ương quản lý dài 165,2km, còn tuyến sông địa phương dài 154,4km.

Trên sông Thu Bồn, bến khách ngang sông Duy Tân (Duy Xuyên) hoạt động chở khách qua bờ Đại Lộc.
Trên sông Thu Bồn, bến khách ngang sông Duy Tân (Duy Xuyên) hoạt động chở khách qua bờ Đại Lộc.

Giai đoạn 2010 – 2020, Quảng Nam quy hoạch 87 bến khách ngang sông, nhưng hiện nay do các nơi đầu tư cầu đường bộ vượt sông nên nhiều bến khách ngang sông không còn hoạt động; hoặc các địa phương có nhu cầu quy hoạch để chuyển đổi công năng hoạt động thành bến hàng hóa, bến hành khách, bến tổng hợp, bến chuyên dùng. Hoạt động vận tải hành khách du lịch của tỉnh chủ yếu trên tuyến ĐTNĐ quốc gia Hội An - Cù Lao Chàm.

Ghe thuyền hoạt động chộn rộn trên sông Hoài (Hội An). Ảnh: NGÂN THÀNH.
Ghe thuyền hoạt động chộn rộn trên sông Hoài (Hội An). Ảnh: NGÂN THÀNH.

 Thời điểm này, toàn tỉnh có 93 phương tiện đăng ký tại Sở GTVT để tham gia vận tải hành khách hoạt động tuyến du lịch thủy nội địa quốc gia Hội An – Cù Lao Chàm (gồm 5 tàu gỗ và 88 ca nô). Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bình quân mỗi ngày vận chuyển dao động trên dưới 3.000 hành khách tham quan du lịch.

 

 Thời gian qua, nhờ đầu tư xây dựng cầu qua các sông nên việc vận chuyển khách ngang sông chỉ tập trung tại Núi Thành, Đại Lộc, Nông Sơn, Duy Xuyên; còn hoạt động vận tải hành khách du lịch chủ yếu trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm.

Hội An - Cù Lao Chàm là tuyến ĐTNĐ quan trọng và hoạt động rất nhộn nhịp. Phương tiện trên tuyến ĐTNĐ này chủ yếu chở khách từ bờ ra đảo phục vụ dân sinh, du lịch và là tuyến tàu đánh bắt hải sản của ngư dân ra vào. Số lượng phương tiện hoạt động trên tuyến ĐTNĐ này rất nhiều, trong đó có 93 phương tiện ca nô chuẩn SB và hơn 1.000 tàu đánh bắt hải sản của ngư dân.

Những năm gần đây do hiện tượng lở bồi khu vực Cửa Đại nên không ít tàu thuyền đi lại khó khăn qua khu vực này.
Những năm gần đây do hiện tượng lở bồi khu vực Cửa Đại nên không ít tàu thuyền đi lại khó khăn qua khu vực này.

 Tuy nhiên, biến đổi lở bồi của tự nhiên, khiến tàu thuyền thỉnh thoảng bị mắc cạn giữa dòng khi lưu thông qua khu vực Cửa Đại. Trung tá Nguyễn Hoang - Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Đại cho hay, luồng tuyến từ Cửa Đại ra Cù Lao Chàm rất nhạy cảm về thời tiết, khi có mưa lũ, luồng thay đổi, gia tăng nguy cơ tai nạn.

"Cho nên, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp kịp thời để đảm bảo yêu cầu này đối với tuyến Cửa Đại  - Cù Lao Chàm nói riêng, cũng như đảm bảo an toàn cho các tuyến thủy nội địa khác" - Trung tá Nguyễn Hoang đề nghị.

 

Chính vì vậy mà thời gian qua luồng đường thủy quốc gia này do Cục ĐTNĐ Việt Nam quản lý thi công nạo vét để đảm bảo an toàn giao thông. Từ cuối năm 2017, công việc nạo vét tuyến luồng Hội An – Cù Lao Chàm phải tạm dừng do quá trình thi công không đúng như thiết kế ban đầu; luồng tuyến lại bồi lấp nghiêm trọng do quá trình dịch chuyển cát ở khu vực bờ biển Cửa Đại về sông Thu Bồn…

Tìm kiếm nạn nhân vụ lật ghe trên sông Vu Gia, đoạn chảy qua xã Đại Cường (Đại Lộc) vào chiều 25.2.2020 khiến 6 người tử vong.
Tìm kiếm nạn nhân vụ lật ghe trên sông Vu Gia, đoạn chảy qua xã Đại Cường (Đại Lộc) vào chiều 25.2.2020 khiến 6 người tử vong.

Chính quyền tỉnh cũng như TP.Hội An nhiều lần kiến nghị trung ương xúc tiến nạo vét để khai thông dòng Cửa Đại. Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết, tuyến Hội An – Cù Lao Chàm mỗi ngày có hàng nghìn tàu thuyền ra vào đánh bắt thủy sản và vận chuyển hành khách phục vụ du lịch, nên cần cấp thiết nạo vét tuyến luồng vận chuyển đường thủy đặc biệt quan trọng này.

 
 
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện hoạt động đường thủy tham gia chở khách tham quan.
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện hoạt động đường thủy tham gia chở khách tham quan.

Nhận định sau Tết Nguyên đán, tình hình khách du lịch có xu hướng tăng cao, Thanh tra Sở GTVT đã tổ chức kiểm tra toàn diện về trật tự an toàn đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, chú trọng địa bàn TP.Hội An. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vấn đề gây nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, nhất là tình hình phương tiện hết hạn kiểm định, phương tiện thô sơ hoạt động mất an toàn, yêu cầu các chủ phương tiện khắc phục tồn tại.

Rình rập nguy cơ từ những chiếc ghe chở khách không đảm bảo quy định như thế này.
Rình rập nguy cơ từ những chiếc ghe chở khách không đảm bảo quy định như thế này.

 Tuy nhiên, Ban An toàn giao thông nhận định, khi không có lực lượng chức năng, các phương tiện hết hạn đăng kiểm, phương tiện chưa đăng ký có thể hoạt động vận chuyển khách du lịch, phương tiện thô sơ vận chuyển khách chưa đảm bảo an toàn, là yếu tố tiềm ẩn tai nạn giao thông rất lớn. Lực lượng kiểm tra mỏng, thuyền công vụ không được phép hoạt động vào ban đêm nên kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn...

Chỉ tính trên sông Hoài, hiện có khoảng 280 ghe thuyền tham gia đưa đón khách tham quan, thả hoa đăng, hầu hết phương tiện vận tải thô sơ và do địa phương cấp phép. Trong đó, quản lý về con người thuộc Liên đoàn Lao động thành phố, cấp phép phương tiện do Phòng Quản lý đô thị TP.Hội An thực hiện (trước đây xã, phường cấp phép). Tuy vậy, hoạt động đón chở khách trên sông Hoài đôi lúc chưa đúng quy định (số khách chuyên chở, độ tuổi người cầm lái...).

Thanh tra Sở GTVT tuần tra tại bến Cửa Đại (Hội An), thuộc tuyến vận tải Hội An - Cù Lao Chàm.
Thanh tra Sở GTVT tuần tra tại bến Cửa Đại (Hội An) thuộc tuyến vận tải Hội An - Cù Lao Chàm.

Ngoài ra, còn có hàng trăm phương tiện thuyền thúng chở khách tham quan rừng dừa nước Cẩm Thanh cùng một số phương tiện tàu, ghe gỗ nhỏ tại bến Bạch Đằng chở khách du lịch qua phía Duy Xuyên hoặc ngược sông Thu Bồn chưa đảm bảo các điều kiện hoạt động kinh doanh vận chuyển khách đường thủy, thậm chí một số phương tiện vẫn chưa đăng kiểm.

Tại Hội An nhiều ghe thuyền nhỏ tham gia đưa đón khách tham quan, thả hoa đăng trên sông Hoài.
Tại Hội An nhiều ghe thuyền nhỏ tham gia đưa đón khách tham quan, thả hoa đăng trên sông Hoài.

 Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý của lực lượng chức năng, để các phương tiện tham gia chở khách vượt số người quy định, thuyền không trang bị áo phao hoặc thiết bị cứu sinh… 

Ví dụ điển hình là vụ tai nạn xảy ra ngày 25.2.2020 trên sông Vu Gia (qua huyện Đại Lộc), chiếc thuyền gia dụng chở theo 10 người, đến giữa sông thì gặp gió chướng bị lật, làm chết 6 người, trong khi sức chứa tối đa của phương tiện này chỉ 6 người; đáng nói, thuyền không trang bị áo phao hoặc thiết bị cứu sinh. Và vụ chìm ca nô trên biển Cửa Đại ngày 26.2.2022 làm thiệt mạng 17 người công an đang điều tra.

Tìm kiếm nạn nhân vụ lật ghe trên sông Thu Bồn, đoạn chảy qua Duy Xuyên vào chiều ngày 8.5.2020 khiến 5 người chết.
Tìm kiếm nạn nhân vụ lật ghe trên sông Thu Bồn, đoạn chảy qua Duy Xuyên vào chiều ngày 8.5.2020 khiến 5 người chết.
 

Giám đốc Sở GTVT - ông Văn Anh Tuấn cho biết, ngành được giao trách nhiệm thực hiện, quản lý đăng ký phương tiện mang cấp VR-SB, phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15CV, phương tiện có sức chở trên 12 người. Phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch cũng do Sở GTVT cấp biển hiệu. Phương tiện thủy nội địa muốn hoạt động vận tải phải được Chi cục Đăng kiểm số 4 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) đóng tại TP.Đà Nẵng đăng kiểm.

 

 Còn Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ tổ chức thi, ra quyết định công nhận kết quả thi, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng từ hạng nhì trở lên trong phạm vi toàn quốc và giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng tư trở lên, máy trưởng từ hạng ba trở lên đối với cơ sở đào tạo trực thuộc.

Đồng thời quyết định công nhận kết quả kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi chứng chỉ chuyên môn đặc biệt. Ở cấp tỉnh, Sở GTVT cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng ba, hạng tư và giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng hạng ba.

Thanh tra Sở GTVT kiểm tra điều kiện pháp lý của chủ phương tiện chở khách tuyến Hội An - Cù Lao Chàm.
Thanh tra Sở GTVT kiểm tra điều kiện pháp lý của chủ phương tiện chở khách tuyến Hội An - Cù Lao Chàm.

Theo thống kê, đến nay có 102 phương tiện đăng ký, đăng kiểm, phương tiện cấp VR-SB; trong đó có 93 phương tiện vận chuyển khách hoạt động tuyến đường thủy nội địa Hội An - Cù Lao Chàm. Sở GTVT đã cấp 502 giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng ba; 149 giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng hạng ba.

[CLIP] - Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh kiểm tra điều kiện hoạt động của thuyền chở khách tại bến Nguyễn Hoàng (Hội An):

Trong báo cáo gần đây, Sở GTVT giải thích, do nhu cầu của người học giảm trong khi yêu cầu điều kiện cơ sở vật chất đối với cơ sở đào tạo ngày càng cao, Trung tâm Đào tạo nghề GTVT Quảng Nam (thuộc chi nhánh Công ty CP GTVT Quảng Nam) là đơn vị duy nhất đào tạo bằng, chứng chỉ điều khiển phương tiện đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay đã có báo cáo dừng kinh doanh hoạt động đào tạo từ 1.1.2018.

Do đó, hơn 4 năm nay, người dân phải tự liên hệ các địa phương khác để cấp, đổi chứng chỉ đào tạo điều khiển phương tiện đường thủy nội địa theo quy định. Một cán bộ của Đội thanh tra đường thủy số 1 thuộc Thanh tra Sở GTVT lý giải, do nhu cầu đào tạo điều khiển phương tiện đường thủy nội địa thấp, doanh nghiệp kinh doanh không có hiệu quả nên bắt buộc phải dừng.

Trong khi đó, theo ông Trương Văn Sơn - Chánh Thanh tra Sở GTVT, hai năm qua do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên việc kiểm tra đăng ký, đăng kiểm các phương tiện tham gia vận chuyển khách chưa thường xuyên, triệt để. Việc kiểm tra, rà soát các phương tiện đường thủy thô sơ chủ yếu thuộc Thanh tra Sở GTVT và lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh theo dõi. Riêng quản lý các bến dò ngang đò dọc thuộc về chính quyền địa phương.

Phương tiện ghe thuyền thô sơ hoạt động chở khách tham quan tại Hội An.
Phương tiện ghe thuyền thô sơ hoạt động chở khách tham quan tại Hội An.
Ông Trương Văn Sơn cho biết thêm, sắp tới Tổ kiểm tra liên ngành giao thông đường thủy (gồm Thanh tra Sở GTVT, Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh, Chi cục Đăng kiểm…), ngoài tổ chức tuyên truyền cho người dân tuân thủ các quy định pháp luật khi tham gia vận chuyển khách đường thủy còn yêu cầu các chủ phương tiện ký cam kết đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn mới được hoạt động.
 

Một bất cập khác, theo Sở GTVT, do không có nơi tạm giữ phương tiện, hạ tải hàng hóa vi phạm nên lực lượng chức năng vẫn không thể tạm giữ phương tiện vi phạm, đình chỉ hoạt động cảng, bến. Các chế tài xử lý gần như… giơ cao đánh khẽ. Trong khi đó, các tuyến sông Thu Bồn, Hội An, Trường Giang, Vĩnh Điện chưa lắp đặt thiết bị đo gió nên rất khó khăn trong việc cấp phép phương tiện hoạt động để đảm bảo an toàn; trong khi dự báo thời tiết của cơ quan khí tượng thủy văn có phạm vi rất rộng, chưa sát với tình hình thực tế của từng tuyến sông, nhất là khi có gió lốc…

 
 

V.LỘC – H.PHÚC – T.CÔNG – C.TÚ