[eMagazine] - Bản lĩnh phụ nữ xứ Quảng
(QNO) - Không còn “bó buộc” trong những gian bếp hay gác lại niềm riêng, lùi về làm hậu phương cho chồng, phụ nữ ngày nay vừa tự tin tham chính, khởi nghiệp, kinh doanh… vừa làm tròn “thiên chức” trong gia đình. Những nỗ lực, đóng góp của phụ nữ ngày càng rõ nét hơn trong sự phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam.
Vài năm gần đây, phong trào phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ, nhiều hội viên phụ nữ đã và đang mạnh dạn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Một số sản phẩm do phụ nữ làm ra được công nhận sản phẩm OCOP, khởi nghiệp tiêu biểu quốc gia, của tỉnh. Đây là “bàn đạp” để những phụ nữ bước ra từ nông thôn có tiếng nói trên thương trường - lĩnh vực mà họ có nhiều ưu thế nhất định.
Chị Phan Vũ Hoài Vui - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam chia sẻ, là người phụ nữ nông thôn, có ý tưởng khởi nghiệp nhưng gặp khó về nguồn vốn, cách tiếp cận thị trường, kỹ năng kinh doanh… Nhờ nền tảng kiến thức tích lũy cùng quyết tâm “dám nghĩ, dám làm”, chị Vui đã có bước tiến vững chắc trong kinh doanh. Năm 2021, chị đạt giải thưởng phụ nữ khởi nghiệp quốc gia với dự án sản xuất và phân phối các sản phẩm gia dụng làm từ mo cau (giải do Trung ương Hội LHPN tổ chức).
Khởi nghiệp, kinh doanh đã khó, phụ nữ tham chính càng khó khăn hơn, đòi hỏi phải có bản lĩnh lớn, vượt trên những định kiến trong gia đình, xã hội. Song thực tế những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ đảm nhận nhiều chức danh trong cấp ủy, chính quyền, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ tăng dần.
Theo báo cáo của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội Quảng Nam khóa XV chiếm 14,3%. Toàn tỉnh có 1.583 phụ nữ trúng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; trong đó cấp tỉnh, huyện, xã lần lượt chiếm tỷ lệ 28,07% - 25,7% - 26,8%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tỉnh, huyện, xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 lần lượt 15,1% - 16,9% - 20,9%.
“Hồng nhan bạc phận”, câu thành ngữ này đúng với hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Huỳnh Nha (31 tuổi, thôn An Phú, xã Bình Sơn, Hiệp Đức). Học xong 12, đi làm được 2 năm thì chị bất ngờ bị tai biến, vỡ mạch máu não dẫn đến bại liệt nửa người bên phải.
Từ cô gái xinh đẹp, giỏi giang, sau cơn bạo bệnh chị Nha đối mặt tương lai mờ mịt. Không gục ngã vì bệnh tật, chị “đứng lên” thay đổi số phận bằng cách tập lại từng bước đi. Hai năm nỗ lực luyện tập được đền đáp xứng đáng bằng việc chị Nha có thể tự đi lại, chạy xe, sinh hoạt bình thường. Dù có chậm hơn một chút so với mọi người nhưng bù lại chị Nha chịu khó, cần cù. Và may mắn, trong những ngày khó khăn nhất, chị gặp được người cùng cảnh ngộ, sẵn sàng thấu hiểu, động viên, chính là người chồng Phan Phước Tiên hiện nay.
Anh Tiên cũng khuyết tật tay trái, đôi vợ chồng như 2 mảnh ghép vừa vặn, xây đắp nên cuộc tình đáng ngưỡng mộ. Vốn là người lanh lẹ, anh Tiên như thợ “đụng” trong làng, ai cần gì làm nấy từ lái xe chở hàng, điều khiển xe cần cẩu đến sửa chữa máy móc… Còn chị Nha cũng mở cửa hàng tạp hóa, kinh doanh cà phê, bán hàng hóa online… Cả hai cùng cùng nhau làm ăn, trang trải cuộc sống và chăm lo hạnh phúc gia đình.
Từ một con giống nhân lên một đàn heo, hàng chục gốc chuối cũng bắt đầu cho thu hoạch là nguồn động lực để chị Nha tiếp tục phấn đấu làm kinh tế, nuôi con ăn học và vươn lên thoát nghèo. Chị Nha tâm sự, hai vợ chồng đang ấp ủ dự định xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng. Dù còn gặp nhiều khó khăn, phải vay vốn để đầu tư từng chút nhưng chị Nha tin tưởng, cứ chuyên tâm cày cuốc sẽ sớm thu hái “quả ngọt”.
Trên địa bàn huyện Hiệp Đức có 1090 phụ nữ khuyết tật. Để họ vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, Hội LHPN huyện Hiệp Đức đã tạo điều kiện vay vốn, phát triển kinh tế; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề, tư vấn việc làm; vận động hội viên tham gia thực hành tiết kiệm để ủng hộ, trao phương tiện sinh kế, động viên, phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình… Đặc biệt, Hội LHPN huyện tổ chức đối thoại với hội viên phụ nữ khuyết tật, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để kịp thời tham mưu các cấp có hướng hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Phương Thúy là điều dưỡng của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Tháng 8.2020, khi bệnh viện thu dung và tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, Thúy là một trong những người của kip đầu tiên nhận bệnh.
Nhưng cảm giác ban đầu này nhanh chóng được xua đi, khi guồng quay công việc bắt đầu. Hằng ngày, bất kể giờ nào, cứ có bệnh thì y như rằng Thúy làm thuần thục từ việc mặc bảo hộ, đón bệnh, đưa bệnh đến khu điều trị, tiến hành các khâu sát khuẩn cho bệnh nhân... Công việc không tên thì vô kể, từ ghi nhận nhu cầu bệnh nhân về ăn uống, cấp phát thuốc, theo dõi tình trạng bệnh... Ở khu điều trị bệnh nhân Covid-19, Thúy nói, không ai nề hà việc lớn việc nhỏ, cứ ai khỏe thì làm giúp một tay cho bệnh nhân.
Thúy đã 13 năm gắn bó với việc chăm sóc người bệnh. Trong từng ấy năm, vấp phải không ít lần rầy rà của gia đình khi công việc quá khắc nghiệt, thu nhập lại thấp. Nhưng Thúy nói, chưa từng lúc nào cô có suy nghĩ tìm việc khác. Cho đến những ngày Thúy dương tính với Covid-19 ngay ở khu điều trị. Lúc đó, Covid-19 vẫn còn là nỗi sợ hãi, hoang mang của nhiều người. Những ngày ở đó, Thúy vừa là F0 vừa trở thành người tư vấn chuyện chăm sóc cho chính các F0 cùng phòng.
Hẳn ký ức của người Việt sẽ không bao giờ quên được những ngày tháng 7, tháng 8 năm 2020. Khi ấy, dịch bùng phát mạnh. Các địa phương thực hiện lệnh phong tỏa, giãn cách nghiêm ngặt. Những chuyến hàng từ quê ngược ra phố, từ miền Trung ngược vào Nam để tiếp tế.
Khi ấy, tôi nhìn thấy những phụ nữ giống nhau. Họ là thành viên của hội phụ nữ khối phối, của thôn, của xã, suốt ngày chạy trên đường. Họ đến nhà này vận động, đến cánh đồng kia gom hàng. Rồi vận động thanh niên trai tráng, mỗi người một tay đóng hàng gởi vô Nam, gởi ra phố. Ở phố, cũng chính những phụ nữ "mê" chuyện bao đồng này, đi từng nhà để phân phát lương thực, nắm bắt từng chút một nhu cầu người dân.
Hình như phụ nữ, dù ở đâu, rồi cũng nhận lãnh lấy những phần việc không tên nhưng vô cùng vất vả. Chắc bởi tâm tính họ được mặc định là những người quan tâm, chăm lo đến người khác...
Buộc phải cân bằng công việc và “thiên chức” từng là những rào cản phụ nữ vươn mình. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, người phụ nữ thời đại 4.0 dần có được sự đồng cảm từ gia đình, xã hội, xóa dần những định kiến cũ… Nắm bắt cơ hội, phát huy đức tính kiên trì, khéo léo, tính toán cẩn thận trở thành chìa khóa giúp “phái đẹp” bước chắc tiến chắc, khẳng định bản thân.
Chị Nguyễn Thị Tố Nga - Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Sosafco (xã Tiên Cẩm, Tiên Phước) nằm trong top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc cả nước năm 2021. Theo chị Nga, duy trì thành công cũng đi đôi với vô vàn trọng trách từ điều hành sản xuất, quản trị nhân sự đến áp lực tài chính… Ngoài ra, một phụ nữ trẻ như chị còn đối mặt nhiều thách thức. Chính khát khao khẳng định mình và hậu thuẫn từ gia đình đã giúp chị vượt qua khó khăn, thách thức.
Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh - Bí thư Huyện đoàn Nam Trà My tâm sự, bản thân đang có con nhỏ, công tác xa nhà, chỉ dành thời gian trọn vẹn cho gia đình trong những ngày cuối tuần. Nhưng áp lực công việc của một cán bộ đoàn rất lớn, có khi lịch công tác liên tục cả tuần, không thể sắp xếp về nhà với con. Dù vậy, chị không quên “thiên chức” của người vợ, người mẹ, luôn biết cách bù đắp cho “tổ ấm” bằng những bữa cơm ấm nóng và nụ cười hạnh phúc khi bên nhau.
Ông Nguyễn Quang Tuấn (xã Tam Lộc, Phú Ninh) cho biết, vừa làm nông, vừa tham gia các phong trào tại địa phương nhưng hai vợ chồng ông vẫn sắp xếp thời gian vun đắp hạnh phúc gia đình. Những bữa cơm “ấm nóng” sau một ngày làm việc vất vả là sợi dây gắn kết tình cảm vợ chồng thêm chặt hợn.
Vợ chồng Nguyễn Quang Tuấn - Nguyễn Thị Kiều chia sẻ bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình
Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng (xã Quế Thọ, Hiệp Đức) thì cho rằng, vấn đề tài chính thường sẽ phát nhiều mâu thuẫn khác nếu hai vợ chồng không có sự đồng thuận. Hằng nắm giữ tài chính, làm kinh doanh, còn chồng làm cán bộ y tế. Tuy đóng vai trò “chủ lực” kinh tế nhưng bất kỳ mối đầu tư nào, Hằng không thể tự quyết, phải cần “phiếu” ủng hộ của chồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Yến (xã Tam Thái, Phú Ninh) là người con dâu hiếu thảo, người vợ đảm đang, người mẹ gương mẫu.
Bà Đặng Thị Lệ Thủy - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định, nối tiếp các thế hệ đi trước, các tầng lớp phụ nữ Quảng Nam tiếp tục phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên, đóng góp xứng đáng vào thành tựu đổi mới và phát triển tỉnh.
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng nhận thức và thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đối với quê hương đất nước. Đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, trau dồi bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức, tự khẳng định mình ở từng vị trí công tác.
Cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trưởng thành mọi mặt, đóng góp nhiều trong việc xây dựng, hoạch định các cơ chế, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều nữ cán bộ trẻ có triển vọng được đào tạo, luân chuyển qua nhiều vị trí công tác và đề bạt giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp. Tỷ lệ nữ tham gia Cấp ủy, HĐND tăng so với nhiệm kỳ trước.
Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều giáo viên nữ được công nhận là “Nhà giáo ưu tú”; 69% là nữ ngành y tế luôn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; nhiều nữ bác sĩ được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” khi tiên phong, tham gia tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra, còn nhiều nữ nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo… làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân….
Để hỗ trợ cho phụ nữ vươn lên, phát triển về mọi mặt, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ triển khai và tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động, các chương trình, đề án, nhiệm vụ thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia.
Trong đó trọng tâm là đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới, đặc biệt chú trọng đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; làm tốt việc tuyên truyền chống các hiện tượng kỳ thị, coi thường, bạo lực, thiếu tôn trọng phụ nữ.
Thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, tọa đàm, các chương trình tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong xã hội; qua đó giúp họ hiểu rõ được tầm quan trọng và nâng cao tính tự tin để cống hiến cho xã hội.