[eMagazine] - Những lương y hết lòng vì dân
(QNO) - Ở nơi biên giới Việt - Lào xa xôi, cho đến hải đảo, hay vùng dịch khó khăn nào đều có mặt những "thiên thần áo trắng" tận tụy vì mạng sống mọi người. Các lương y, thầy thuốc hôm nay đâu chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình mà còn phải giữ đúng lời thề y đức.
Với Đại úy, bác sĩ Trần Thanh Tường – Trạm trưởng Trạm quân dân y kết hợp La Êê (Nam Giang), 4 năm nhận nhiệm vụ ở vùng biên giới là khoảng thời gian đáng nhớ khi các anh đã cấp cứu thành công nhiều ca nguy kịch, giúp người bệnh thoát lưỡi hái tử thần.
“Có ngày phải xử trí 2 ca cấp cứu liên tục. Người dân bị tai nạn giao thông dập nát cả bàn chân. Quá kinh hãi, các chị em y sĩ choáng váng nên anh em quân y phải tăng cường, gấp rút băng bó để chuyển tuyến chữa trị. Xe vừa ra khỏi trạm thì lại có người bị tai biến. Trạm chỉ có 1 xe cứu thương không thể đưa cấp cứu tuyến trên... May mắn chúng tôi xử trí điều trị kết hợp đông tây nên bệnh nhân qua cơn nguy kịch thì xe cấp cứu cũng vừa về kịp. Nhớ nhất là vụ một sản phụ băng huyết sau sinh, tình thế rất nguy cấp, tính mạng chỉ còn tính từng phút song chúng tôi đã cấp cứu được” – bác sĩ Tường kể lại.
Ở các xã biên giới Chơ Chun, La Êê, đồng bào các dân tộc thiểu số đặt niềm tin yêu mãnh liệt với bác sĩ quân y. Mỗi khi đau ốm, nơi nghĩ đến đầu tiên trạm quân dân y và các anh bộ đội quân y. “Nhân dân ở đây đều được hưởng bảo hiểm y tế nên đau là họ đến trạm để được tư vấn, điều trị. Nhiều lúc thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế không có chúng tôi phải dùng thuốc của đơn vị để cấp cho dân. Ở đây bà con quý mến quân y bộ đội biên phòng lắm” – bác sĩ Tường bộc bạch.
Hiện tại, đơn vị đang làm nhiệm vụ khám, chăm sóc sức khỏe cho 4.000 người dân và các cán bộ, chiến sĩ ở vùng biên giới Việt Nam – Lào tại Nam Giang. Ngoài việc khám chữa bệnh tại đơn vị thì Trạm quân dân y kết hợp La Êê còn tổ chức các đợt khám chữa bệnh tại nhà cho người có công, người cao tuổi nên nhân dân vùng biên càng thêm tin yêu lực lượng quân y biên phòng.
“Bác sĩ bộ đội vừa giỏi vừa tốt bụng. Nhiều bệnh đúng ra bà con phải xuống tới trung tâm y tế huyện chữa trị. Nhưng thấy đường xá xa xôi nên các bác sĩ ở trạm tự bỏ tiền mua thêm thuốc để chữa cho chúng tôi” – ông Tơ Ngôl Inh (thôn Pà Coi, La Êê) nói.
Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, 9 bác sĩ, y sĩ, cán bộ y tế của Trạm quân dân y kết hợp La Êê phải kiêm luôn nhiệm vụ giúp địa phương chống dịch. Chừng ấy con người vừa kiêm nhiệm việc điều trị F0 tại nhà, vừa phun khử khuẩn, truy vết, tăng cường cho 6 xã vùng cao tiêm vắc xin phòng Covid-19…
Theo Thiếu tá, bác sĩ Phạm Văn Trung – Trợ lý quân y Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, năm 2021, lực lượng quân y biên phòng đã khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân toàn tỉnh gần 2.000 trường hợp, trong đó, 2 trạm quân dân y kết hợp đã khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 1.019 trường hợp.
“Trước khi có dịch Covid-19, chúng tôi còn làm nhiệm vụ đối ngoại biên giới hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ 200 - 300 đồng bào nước bạn Lào. Gần đây, do dịch bệnh phức tạp nên chỉ tổ chức cấp cứu các trường hợp nguy cấp” – bác sĩ Trung cho biết.
Ngoài ra, lực lượng quân y biên phòng đã hỗ trợ các địa phương Tây Giang, Nam Giang, Tam Kỳ tập huấn lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19, truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị F0…
[Clip] - Thiếu tá, bác sĩ Phạm Văn Trung đánh giá về công tác quân y biên phòng:
Hơn 30 năm nay, lương y Phạm Ngọc Trung (76 tuổi, An Phú, TP.Tam Kỳ) được mọi người gọi bằng cái tên thân thương: thầy thuốc làng. "Cha tôi làm nghề bốc thuốc. Ông luôn động viên và truyền nghề, mong mỏi anh em chúng tôi nối nghiệp. Ngày đó, phương pháp đông y chưa thực sự được nhiều người biết đến nhưng những bài thuốc hay, sự tận tâm yêu thương người bệnh của cha tôi giúp nhiều người vượt qua bệnh tật, đây là động lực khiến tôi theo gót cha mình” – ông Trung chia sẻ.
Vượt qua khó khăn giữa thời buổi mọi người "rời bỏ" đông y, lương y Phạm Ngọc Trung nghiêm túc học nghề từ cha. Năm 1990, ông Trung nhận được bằng lương y và hoàn tất các thủ tục để đủ điều kiện hành nghề điều trị theo đúng quy định của Nhà nước...
Cả đời theo nghề thầy thuốc, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khác nhau, lương y Phạm Ngọc Trung không đặt nặng chuyện tiền bạc mà vui vẻ giúp đời, giúp người. “Có người bệnh tôi không lấy tiền mà còn tặng thêm thuốc mong họ sớm phục hồi sức khoẻ. Ở đây, tôi điều trị và khám chữa bệnh với chi phí bình dân nên nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đến đây chữa bệnh. Nụ cười, sức khỏe hồi phục của người bệnh đem lại cho tôi niềm hạnh phúc” - lương y Phạm Ngọc Trung tâm niệm.
Với độ tuổi xưa nay hiếm, nhiều người chọn cuộc sống an nhàn, nhưng ông Trung vẫn tiếp tục giữ nghề với tâm niệm: còn sức thì còn giúp mọi người vượt qua bệnh tật.
Năm 2019, Câu lạc bộ (CLB) Thầy thuốc trẻ huyện Núi Thành (Trung tâm Y tế huyện Núi Thành) được thành lập với 3 thành viên. Sau 3 năm hoạt động, CLB đã có 8 thành viên, (4 nam, 4 nữ) chủ yếu là các y sĩ, dược sĩ, bác sĩ trẻ đang công tác tại trung tâm.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Thạch – Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ, kiêm trưởng Phòng khám đa khoa Trung tâm Y tế huyện cho biết, hàng năm CLB thường xuyên phối hợp với các tổ chức thiện nguyện, cán bộ trạm y tế đến tận nhà người dân ở các xã miền núi, hải đảo khó khăn để khám, cấp phát thuốc, tặng quà và tư vấn sức khỏe miễn phí cho người già yếu, neo đơn, nạn nhân chất độc da cam hoặc những trường hợp mắc bệnh nan y không thể đi lại được.
Hoạt động thiện nguyện của các bác sĩ trẻ luôn được đồng hành và lan tỏa. Những chuyến công tác xã hội của CLB Thầy thuốc trẻ đều được lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Núi Thành ủng hộ, cho phép mang theo dụng cụ y tế cần thiết như máy đo điện tim, đo huyết áp… nhờ đó mà quy trình khám, chẩn đoán bệnh, tư vấn và chữa trị cho người dân được thuận lợi hơn.
“Dù chỉ kêu gọi tinh thần tự nguyện, nhưng CLB luôn nhận được sự ủng hộ và tham gia đông đảo của các thành viên. Nhiều y, bác sĩ trẻ vừa trực xong ca đêm chưa kịp nghỉ ngơi song vẫn lên xe ngay khi CLB có chuyến công tác xã hội đến bà con vùng sâu vùng xa” – bác sĩ Thạch chia sẻ.
Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh cũng là lúc các thành viên CLB phải gánh thêm nhiều áp lực trong cộng việc. Đó là thời điểm người dân ở các tỉnh phía Nam tìm mọi cách về quê, các thành viên CLB không ngại nguy hiểm, ngày đêm tham gia trực tại các chốt kiểm dịch ở cảng Kỳ Hà, cảng Trường Hải, sân bay Chu Lai và các tuyến đường bộ lưu thông qua huyện Núi Thành để khám sàng lọc, lấy thông tin khai báo y tế, hỗ trợ thuốc men, thực phẩm tiếp tế cho hàng triệu người dân hồi hương tránh dịch.
Và gần đây dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Núi Thành, các thành viên CLB còn chia nhau về các trạm y tế tuyến xã, thị trấn để hỗ trợ test nhanh Covid-19, tiêm vắc xin cho hàng ngàn lượt người dân...
“Là bác sĩ mới vào nghề, khi tình nguyện tham gia điều trị cho bệnh nhân tại các khu cách ly, tôi rất háo hức nhưng cũng hồi hộp lo lắng vì sợ kinh nghiệm chuyên môn không đủ, nhưng khi lao vào công việc, thấy bệnh nhân tin tưởng, yêu quý như tiếp thêm năng lượng để mình tiếp tục cống hiến sức trẻ vì sức khỏe cộng đồng” – bác sĩ My tâm sự.
Ngoài khám và cấp phát thuốc, các thành viên CLB Thầy thuốc trẻ luôn tuyên truyền kiến thức và kỹ năng cần thiết để mỗi người dân tự chủ động phòng bệnh trong sinh hoạt hàng ngày. CLB còn tích cực phối hợp với Đoàn Thanh niên ra quân vệ sinh cảnh quan, nơi ở của người dân nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh. “Thời gian tới, CLB sẽ kết nối với lực lượng bác sĩ trẻ ở các bệnh viện khác để tăng thêm nhân lực, giúp CLB ngày càng phát triển” – bác sĩ Nguyễn Hoàng Thạch nói.
Dù mang màu áo nào thì những việc làm vì cộng đồng của họ là những đóa hoa bình dị, hữu ích trong đời sống.