[eMagazine] - Chuyện cô gái khởi nghiệp với gạo tím than

HỒ QUÂN - NGUYỄN QUỲNH 05/02/2022 20:54

(QNO) – Người dân thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) không ai ngờ rằng chính mảnh ruộng mà từ lâu họ không còn mặn mà cày cấy lại có thể trồng được loại gạo tím than cho năng suất và hiệu quả kinh tế rất cao. Điều thú vị hơn là người gieo trồng thành công giống gạo lạ ấy là cô nhân viên văn phòng không phải gốc gác nhà nông. Chị Lê Thị Thanh Nga mang đến vùng đất vốn là rốn lũ này một diện mạo hoàn toàn mới bằng đam mê làm nông nghiệp sạch, kết hợp du lịch khá hiện đại.

 
 

Từ trục đường liên xã Duy Phước – Duy Vinh (Duy Xuyên) nhìn về hướng đông nam, dễ dàng nhận ra khu đất mà chị Lê Thị Thanh Nga đang canh tác. Nơi này chính là điểm check-in nổi tiếng của giới trẻ mấy năm qua vì có lò gạch cũ nhô cao giữa cánh đồng.

Vừa xong vụ mùa gặt nhưng chị Nga không có thời gian ngơi nghỉ, hết đóng gạo gửi khách hàng, lại chăm vịt, thăm đồng… Cần mẫn, tỉ mỉ, chú tâm từng chút một, như cái cách cô nông dân trẻ khai hoang vùng đất này.

Khu đất hai vợ chồng chị Nga đang canh tác, với điểm nhấn là lò gạch cũ nhô cao giữa đồng. Ảnh: Q.Q
Khu đất hai vợ chồng chị Nga đang canh tác, với điểm nhấn là lò gạch cũ nhô cao giữa đồng. Ảnh: Q.Q

Lê Thị Thanh Nga xuất thân trong gia đình kinh doanh, học chuyên ngành ngoại ngữ và ra trường làm nhân viên văn phòng. Nhưng chị lại có niềm say mê với nông nghiệp dù biết là kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực này khá non nớt. May mắn, chị có người đồng hành – anh Boonlert Kamyai – chồng chị, một kỹ sư chăn nuôi người Thái Lan. Những chuyến đi đến nhiều nước trên thế giới cùng chồng là khoảng thời gian quý báu với Thanh Nga. Đến đâu, chị cũng tranh thủ nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp làm nông nghiệp của nước ngoài, cùng sự tư vấn của người chồng… chị nhận ra tiềm năng nông nghiệp rất lớn mà nông dân Việt Nam chưa khai thác hết. Đó là ruộng đồng.

 

Năm 2019, sau khi tìm hiểu, khảo sát thổ nhưỡng, thủy lợi khắp vùng đất Duy Xuyên, hai vợ chồng chị Nga dừng chân tại cánh đồng thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh. Chị Nga thuê 2ha đất này chỉ vì… có một lò gạch cũ giữa cánh đồng. Cô gái này nhìn xa hơn, đó là tiềm năng của đất, đồng ruộng và cả cái lò gạch cũ...

Song những nông dân trong thôn Vĩnh Nam lại không nghĩ vậy, nhiều người ái ngại thay cho vợ chồng chị Nga khi thấy họ đến thuê đất canh tác. Bởi cái mảnh đất mà họ mấy chục năm quần quật cày xới, hiểu rõ từng con nước, phù sa, cây cỏ, sâu bệnh nhưng cây lúa không cho đủ cái ăn, phải bỏ hoang. Nay, một cô gái chưa từng làm nông dân ngày nào, chỉ bằng mớ lý thuyết trên sách vở mà “bạo gan” đến làm mọi thứ từ đầu. Hơn nữa lại canh tác giống gạo tím than - loại gạo khá lạ lẫm, nông dân địa phương chưa từng biết đến...

Hai vợ chồng chị Nga cần mẫn cày cuốc, gieo trồng. Ảnh: Q.Q
Vợ chồng chị Nga cần mẫn cày cuốc, gieo trồng. Ảnh: Q.Q

Mặc mọi người lo lắng, ái ngại, hai vợ chồng vui vẻ tiếp thu và miệt mài với kế hoạch đã vạch ra khá kỹ. Chị bắt tay cày bừa, vun xới, làm tơi xốp đất, bón phân hữu cơ, rồi cho đất nghỉ, thả cỏ mọc để giữ đất. Cứ cải tạo liên tục theo cách như vậy, chỉ một thời gian ngắn, vùng đất cằn cỗi đã trở nên màu mỡ, như đền đáp nỗ lực của đôi vợ chồng nông dân trẻ.

“Tôi thấy loại gạo tím than có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều chất có khả năng thanh lọc cơ thể, kháng ung thư và có giá thành cao nhưng ở Quảng Nam chưa có người trồng, nhân rộng. Tìm hiểu trong nước thì chỉ vài nơi đang trồng loại gạo này. Nhu cầu sử dụng của người dân ở các thành phố và cả nước ngoài về loại gạo tím than này ngày càng nhiều. Đây là lý do tôi chọn giống gạo này trồng trên đất vừa cải tạo” – chị Nga chia sẻ.

Khu đất sau nhiều năm khai hoang. Ảnh: Q.Q
Khu đất "lột xác" sau nhiều năm khai hoang. Ảnh: Q.Q

Gạo tím than trong nước và trên thế giới rất nhiều loại, nhưng để giống nảy mầm, sinh trưởng trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Quảng Nam là cả vấn đề. Dù nắm trong tay vốn “lý thuyết” khá phong phú từ nước ngoài, nhưng vợ chồng chị Nga hiểu rõ không thể cứ gieo là đạt thành quả ngay. Họ chọn 6 loại gạo tím than chất lượng tốt nhất, trồng thử nghiệm thành từng khu vực. Sau 4 vụ, họ loại dần những giống kém chất lượng, chỉ để lại một giống tốt nhất, thích nghi nhất, kháng sâu bệnh, năng suất cao để gieo trồng diện rộng.

Ruộng đồng ngày vào mùa lại phủ màu mạ non. Một khu trại nhỏ, mái lá xinh xinh được dựng lên giữa đồng bên chiếc ao cá phủ đầy sen, súng; hàng ổi, cốc, sả cũng mọc lên xanh tốt… Và lò gạch cũ cũng được tu sửa, có cầu tre bắc qua. Đường bê tông, điện ba pha kéo tận đến tận ruộng. Khu đất hoang bừng sáng.

 

Canh tác gạo tím than, vợ chồng chị Nga cũng tuân thủ các khâu “nước, phân, cần, giống” - những điều mà ông bà ta đúc kết, truyền dạy. Chị có ưu thế là sở hữu nguồn giống tốt, chỉ dùng phân bón hữu cơ, canh tác đúng lịch thời vụ để đảm bảo nguồn nước sản xuất. Nhưng riêng cái “cần” của chị thì hoàn toàn khác với cách mà người dân địa phương đang canh tác.

Khi nông dân địa phương bắt đầu cày bừa, bón phân, đưa nước vào ruộng thì chị Nga mới bắt tay gieo mạ. Khi mạ cao khoảng 20cm thì đưa vào máy cấy, cây cách cây 20cm. Khoảng 15 ngày sau thì chị thả vịt vào ruộng, trung bình 15 con/1 sào.

 

Chị Nga chia sẻ, trồng lúa không phải là một công thức, chỉ cần áp dụng đúng công thức sẽ thành công, mà phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Nước, thời tiết, sâu bệnh… điều kiện mỗi mùa vụ không giống nhau và cần có cách canh tác phù hợp. Mùa nào cỏ mọc nhiều, lấn át lúa thì chị cắt ngang cả cỏ lẫn lúa mà không lo lúa chết, không đạt năng suất, vì vòng đời của cỏ chỉ 90 ngày, còn lúa tới 120 ngày. Sau khi cắt tầm 10 ngày lúa bắt đầu sinh trưởng, phát triển tốt. Kinh nghiệm này chị Nga rút ra từ cánh đồng của mình ngay trong vụ hè thu vừa qua.

Giống gạo tím than mà hai vợ chồng chị Nga đang canh tác. Ảnh: Q.Q
Giống gạo tím than mà hai vợ chồng chị Nga đang canh tác. Ảnh: Q.Q

“Giống gạo tím than này có thời gian canh tác khoảng 120 ngày. Cách gieo, trồng, chăm sóc cũng không khác mấy so với các loại lúa khác. Chúng tôi trồng lúa hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ và không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Gặt lúa cũng phải bằng tay, để tránh bị lẫn lộn với các giống gạo khác, tránh lai tạp trong những vụ tiếp theo. Đặc biệt chúng tôi luôn có các các thành phần thiên địch đối với những “kẻ thù” của mùa màng. Chúng tôi không bắt rắn trong ruộng, vì để rắn ăn chuột; dùng vịt, cá để tiêu diệt ốc bươu vàng, sâu bệnh… Những yếu tố này giúp hạt gạo tím than của chúng tôi hoàn toàn sạch và cũng góp phần bảo vệ môi trường” – chị Nga khẳng định.

[CLIP] - Vụ mùa mới trên cánh đồng gạo tím than:

Canh tác gạo tím than trên diện tích 2ha đất ruộng, mỗi năm 2 vụ, bình quân 1ha chị Nga thu hoạch khoảng 6 tấn lúa, tương đương 3,5 tấn gạo. Năng suất có thể thấp hơn so với các giống lúa hiện tại nhưng giá thành lại cao hơn gấp 5 lần. Chị Nga bộc bạch, sau 4 vụ thử nghiệm, 2 vụ chính thức thu hoạch thành quả, những nông dân đại phương cùng canh tác trên cách thửa ruộng kế bên đã có một cái nhìn khác về cách làm nông nghiệp sáng tạo của vợ chồng chị Nga. Cô nhân viên văn phòng ngày nào mới đặt chân đến đây còn trượt ngã lấm lem trên bờ ruộng, tay chưa quen mùi đất ruộng, phèn, mặn. Mỗi tối khi nghe hàng xóm lật đật dậy đi lấy nước vào ruộng thì hai vợ chồng cũng lò mò, vác cuốc mò mẫm đi theo... Nhưng rồi, chị sớm quen với việc lội bùn, tay chân ngâm nước như cách mà giống gạo tím than mau chóng thích nghi với đồng đất Duy Vinh.

Các sản phẩm từ gạo tím than. Ảnh: Q.Q
Các sản phẩm từ gạo tím than. Ảnh: Q.Q

…Trải qua mấy vụ mưa nắng dãi dầu, gạo tím than đã tới ngày thu hoạch, được chị Nga nâng niu đóng gói trong bao bì thật đẹp mắt. Đấy cũng là cách mà người phụ nữ này trân quý “hạt ngọc” của trời, của đất, thành quả bao giọt mồ hôi thấm áo. 

 
Chị Nga tâm sự rằng mình thật may mắn khi chọn khu đất có cái lò gạch cũ này. Có thể, chị thấy được tiềm năng từ “di sản” bỏ đi ấy nhưng chắc hẳn chị chưa bao giờ tưởng tượng ra việc nó có sức hút đến vậy. Từ vài bạn trẻ tìm đến chụp ảnh, dần dà hình ảnh cái lò gạch cũ tràn ngập các trang mạng xã hội. Cánh đồng nhỏ bé này bỗng chốc trở thành điểm check-in của hàng ngàn bạn trẻ. Chủ lò gạch cũ sớm trở thành hình ảnh thân thuộc với mọi người với cái tên Chí Phèo – Thị Nở (tên các nhân vật trong một truyện ngắn của Nam Cao, được khách gán cho hai vợ chồng chị Nga).
Vợ chồng chị Nga phát triển du lịch ngay trên cánh đồng gạo tím than. Ảnh: Q.Q
Vợ chồng chị Nga làm du lịch ngay trên cánh đồng gạo tím than. Ảnh: Q.Q
Không bỏ lỡ cơ hội vàng ấy, vợ chồng “Chí Phèo – Thị Nở” xây dựng nhà vườn mang tên Lò gạch cũ Farm stay. Họ lồng ghép điểm đến du lịch lò gạch cũ với các sản phẩm từ chính loại gạo tím than, cùng một số hoạt động trải nghiệm như làm đồng, câu cá, thưởng thức món ăn quê hương, dân dã tại vườn.
 
“Ban đầu khách đến, chúng tôi lồng ghép các sản phẩm như cơm, trà, sữa, rượu được chế biến từ gạo tím than cho du khách thưởng thức. Trong quá trình khách sử dụng, chúng tôi không quên chia sẻ cho họ về cách canh tác loại gạo này. Rất nhiều thực khách sau khi sử dụng bắt đầu thích, đặt mua dùng thử. Dần dần trở thành khách hàng quen thuộc, chỉ cần đặt hàng trên mạng, sản phẩm sẽ chuyển đến tận nhà. Có điều vui là khách hàng chẳng bao giờ nhớ tên thật của hai vợ chồng, họ vẫn quen gọi “Chí Phèo – Thị Nở bán gạo. Hai cái tên dễ nhớ, lại gắn với địa danh lò gạch cũ dần định hình thương hiệu cho gạo tím than của chúng tôi” – chị Nga chia sẻ.

[Clip] - Các sản phẩm từ gạo tím than của Lò gạch cũ Farm stay:

Thời điểm dịch bệnh được khống chế, khách hàng lại tìm đến Lò gạch cũ Farm Stay. Thời điểm đông nhất lên tới 400-500 khách/ngày. Với vợ chồng chị Nga, phản hồi của khách hàng chính thước đo chuẩn cho sản phẩm gạo tím than và định hình những sản phẩm chế biến sâu. Cơm, sữa, rượu, trà từ gạo tím than đã được khách hàng đón nhận và đánh giá cao. Sắp tới họ còn dự định đưa đến cho khách hàng dòng sản phẩm làm đẹp, bánh xèo, mỳ Quảng từ gạo tím than. Và sản phẩm nào cũng vậy, họ chọn cách nghiên cứu sâu, nắm bắt xu thế, đặt trọn tâm huyết vào nó.

Gạo tím than đang là sản phẩm chủ lực của Lò gạch cũ Farm Stay. Ảnh: Q.Q
Gạo tím than đang là sản phẩm chủ lực của Lò gạch cũ Farm Stay. Ảnh: Q.Q
Chị Nga cũng trăn trở, với lượng khách mỗi ngày mỗi tăng lên, thị trường đang dần mở rộng thì 2ha canh tác gạo tím than hiện nay là không đủ đáp ứng. Năm tới, vợ chồng chị dự định sẽ liên kết, chuyển giao kỹ thuật với nông dân địa phương để mở rộng vùng sản xuất gạo tím than lên 5ha. Vui hơn, là những nông dân từng không còn mặn mà với ruộng đất, từng không mặn mà với đất ruộng nay đã dần thay đổi theo hướng tích cực hơn.
 

***

Nghe thời sự báo mùa mưa bão đến, vợ chồng chị Nga lại thu dọn máy móc, chuyển lúa gạo về nhà. Mảnh đất dù “giá trị” nhưng trũng thấp, cứ lũ lên là ngập hết. Họ lo nhất là chưa có vị trí để làm kho chứa lúa an toàn, chứ nhà vườn làm bằng nguyên liệu đơn giản, chi phí thấp chẳng mấy chốc là đầu tư lại ngay. Nhưng lũ cũng mang đến cho họ “tài nguyên”, là phù sa, là ruộng đồng sạch chuột, sâu bệnh, là kỳ vọng về mùa vụ bội thu…

Đồng vắng, chỉ còn cái lò gạch cũ nằm trơ trọi với những gốc lúa sau vụ gặt nhưng vẫn thu hút, nổi bật đến lạ. Hành trình lò gạch cũ “lột xác” giống như chuyện người chủ của nó. Những thứ tưởng đã bỏ đi, nếu nắm bắt được xu thế thì câu chuyện xưa sẽ khác. Họ đang mơ và nung nấu ý định hình thành chiến lược nhân rộng 100ha gạo tím than của huyện Duy Xuyên trong tương lai.

HỒ QUÂN - NGUYỄN QUỲNH