[eMagazine] - Quảng Nam, 25 năm: Cuộc xoay chuyển ngân sách ngoạn mục

NAM KHA - HỮU PHÚC 03/02/2022 09:04

(QNO) – Hai mươi lăm năm (1997-2022), từ khoản thu ngân sách ít ỏi (120 tỷ đồng năm 1996), Quảng Nam đã bứt tốc ngoạn mục với con số thu 23.774 tỷ đồng năm 2021, tăng hơn 198 lần so với khi tái lập tỉnh. Từ một trong những tỉnh nghèo nhất nước, 60% ngân sách hằng năm phụ thuộc từ nguồn trợ giúp của Trung ương, Quảng Nam đã vươn lên, tự chủ chi tiêu và có một phần điều tiết về ngân sách Quốc gia.

 

Ra riêng từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), Quảng Nam khó trăm bề. Nền kinh tế thuần nông, nhưng là một nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, cơ bản là tự cung tự cấp. Tổng số doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh chỉ bằng 1% so với TP.Đà Nẵng; ngân sách Quảng Nam lúc đó (1996), chỉ vỏn vẹn hơn 120 tỷ đồng (Đà Nẵng hơn 1.000 tỷ đồng). Hơn 80%  dân số (trong tổng số 1,348 triệu người) sống ở vùng nông thôn, miền núi với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 1997 lên đến hơn 24%, tính theo tiêu chí cũ.

Kết cấu hạ tầng từ đồng bằng lên miền núi, thành thị đến nông thôn hầu hết tạm bợ, chưa có gì đáng kể, vô cùng trở ngại cho lưu thông hàng hóa, sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cả tỉnh không có lấy một nhà máy công nghiệp nào quy mô lớn mà chủ yếu là cơ sở tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, phân tán tại các thị xã, thị trấn. Trong hoàn cảnh đó, rõ ràng nguồn thu ngân sách không biết dựa vào đâu.

 
Xưởng lắp ráp tại Nhà máy sản xuất ô tô Trường Hải. 

Khó chồng lên khó, liên tiếp trong 3 năm đầu sau tái lập tỉnh, thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt triền miên. Hết chống chọi với hạn hán và dịch bệnh sốt rét hoành hành khủng khiếp ở các huyện miền núi năm 1997; là những cơn lũ lịch sử các năm 1998, 1999 và năm 2000 ập đến, tàn phá khắp nơi.

Trong khi không biết xoay xở kinh phí từ đâu để quy hoạch xây dựng kết cầu hạ tầng khu trung tâm tỉnh lỵ, tạo chỗ làm việc cho các sở, ngành; Quảng Nam phải cần nguồn lực rất lớn để cứu đói cho dân, khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lũ. Bài toán thu chi ngân sách tỉnh và các địa phương luôn đặt trong tình thế căng kéo, không dễ bề xoay xở…

 

Bài toán ngân sách cũng là bài toán về phát triển kinh tế - xã hội. Không thể tạo nguồn thu từ nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu và sản xuất tiểu thủ công nhiệp nhỏ lẻ. Trong bộn bề gian khó của những năm đầu sau tái lập tỉnh, cùng với việc phải tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề cấp bách từ thực tiễn cuộc sống; Quảng Nam cũng rất khẩn trương ban hành những quyết sách lớn, mang tính chiến lược.

“Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Kế sách phát triển đất nước của cha ông, được vận dụng một cách sáng tạo, triệt để và hiệu quả cho một giai đoạn mới, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và tiềm năng, lợi thế của một vùng đất mở.

Trong khi dồn sức tập trung ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp, Quảng Nam bắt tay ngay vào việc giải bài toán về cơ cấu kinh tế, mà “cú hích” đầu tiên là ban hành chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, với cơ chế ưu đãi có tính vượt trội ở thời điểm này (Quyết định số 430 của UBND tỉnh, tháng 4.1997); song hành với đó là những cuộc vận động, mời gọi doanh nghiệp đầu tư tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh vừa mới hình thành.

 
Các công đoạn sản xuất, lắp ráp ô tô đều tự động hóa. 

Vận may thật sự đến với Quảng Nam trong thời điểm ấy, khi Trung ương Đảng chủ trương nghiên cứu thiết lập thí điểm một số khu kinh tế ven biển với cơ chế chính sách đặc biệt, xem như “phòng thí nghiệm thể chế kinh tế mới” cho đất nước, nhằm tăng tốc hội nhập quốc tế. Chớp lấy cơ hội này, một Tổ nghiên cứu xây dựng đề án khu kinh tế mở do Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo thành lập, khẩn trương đi vào hoạt động...

Năm 2000, một cuộc hội thảo khoa học có tính lịch sử do tỉnh Quảng Nam tổ chức tại Hội An với chủ đề: “Cảng thị Hội An xưa- Khu kinh tế mở Chu Lai hiện nay”. Tại hội thảo này, khi phân tích, đánh giá về sự hình thành, phát triển của cảng thị Hội An giai đoạn thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19; cùng với vị trí địa chiến lược của vùng Chu Lai – Quảng Nam trong công cuộc hội nhập quốc tế thời hiện đại, cũng như chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học hàng đầu đất nước trên nhiều lĩnh vực có mặt tại hội thảo đều thống nhất nhận định: Với Khu kinh tế mở Chu Lai (sẽ hình thành), “một ông thần đèn” (chữ dùng của GS.TSKH Trần Kim Thạch” sẽ vụt mình đứng dậy, trở thành nô bộc khổng lồ phục vụ cho sự phát triển mới của Quảng Nam và cả nước; Khu kinh tế mở Chu Lai hoàn toàn có thể tái hiện lại vị trí và vai trò của cảng thị Hội An xưa, tất nhiên là ở một “tầm vóc” khác.

 
Dư địa về nguồn thu tiền sử dụng đất từ các dự án khu đô thị, bất động sản của tỉnh còn rất lớn. 

Vượt qua nhiều đề án xây dựng khu kinh tế mở, hay đặc khu kinh tế khác do các các tỉnh, thành phố khác đệ trình, Trung ương đã chọn thành lập duy nhất Khu kinh tế mở Chu Lai của Quảng Nam. Ngày 5.8.2003, một sự kiện đặc biệt đã đến với Quảng Nam: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 109-QĐ/TTg về việc chính thức thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai.

Một cuộc “xoay chuyển tình thế” đã đến với Quảng Nam như thế; chưa kể bằng rất nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, cuối năm 1999, trong bối cảnh mưa lũ trắng trời, UNESCO đã công bố đến toàn thế giới quyết định công nhận Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An cùng lúc được công nhận di sản văn hóa thế giới, mở ra cơ hội mới cho Quảng Nam về phát triển ngành du lịch dịch vụ trên nền tảng khai thác di sản văn hóa của quê hương.

 
Nhiều năm nay, ngành sản xuất ô tô của Tập đoàn Thaco đóng góp ít nhất 50% tổng thu ngân sách tỉnh. 

Bài toán thu ngân sách gắn với chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế đã có lối thoát- một lối thoát có tính căn cơ, bền vững và đột phá. Cùng với những nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, địa phương và ngành tài chính trong việc tạo nguồn thu, quản lý thu và chống thất thu, Quảng Nam liên tục lập nên những kỷ lục mới về số thu ngân sách. Có thể điểm qua những cột mốc:

-  Năm 2000: thu ngân sách 300 tỷ đồng;

-  Năm 2005: thu ngân sách 1.540  tỷ đồng (gia nhập câu lạc bộ ngàn tỷ);

-  Năm 2010: thu ngân sách 4.890 tỷ dồng

-  Năm 2015: thu ngân sách 14.870 tỷ đồng (câu lạc bộ 10 ngàn tỷ đồng)

-  Năm 2020:  thu ngân sách 21.390 tỷ đồng (câu lạc bộ hai mười ngàn tỷ)

- Năm 2021: thu ngân sách 23. 772 tỷ đồng (trong đó thu nội địa 19. 560 tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung).

 
Đoàn công tác của tỉnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dẫn đầu kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 vào năm 2021.

Vậy là từ một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, thu ngân sách ít nhất cả nước trong những năm đầu sau tái lập, Quảng Nam đã nhanh chóng vươn lên, xác lập những cốt mốc mới trong hành trình 25 năm xây dựng và phát triển. Tổng thu ngân sách năm 2021, tăng gấp 49 lần so với năm1997; bình quân tăng trưởng nguồn thu giai đoạn 1997-2021 là 21,5%/năm. Và từ năm 2017 đến nay, nguồn thu ngân sách Quảng Nam đã có sự điều tiết một phần về ngân sách trung ương.

 
Giá trị sản xuất công nghiệp đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh.

Đi cùng với tăng thu, cơ cấu nguồn thu ngân sách cũng dần có sự “dịch chuyển” theo hướng bền vững hơn, với sự phát triển lan tỏa, ngày càng đều khắp ở các vùng miền, ngành nghề, lĩnh vực.

Như đã đề cập, sự ra đời của Khu kinh tế mở Chu Lai (nòng cốt là Khu công nghiệp cơ khí  ôtô Chu Lai- Trường Hải), là cú đấm quyết định cho sự bứt phá kinh tế Quảng Nam. Liên tục trong nhiều năm, Khu kinh tế mở Chu Lai  góp trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách toàn tỉnh.

Tuy nhiên, càng về sau này, tỷ lệ đóng góp ngân sách của ô tô Chu Lai Trường Hải càng giảm dần (trong khi số thu tuyệt đối tăng hằng năm), đã cho thấy sự bền vững hơn của nguồn thu.

Bởi, cùng với ô tô là nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực khác, như: Bia, nước giải khát, thủy điện, du lịch, thế thu nhập cá nhân... Theo ngành tài chính tỉnh, thu nội địa năm 2021, lĩnh vực ô tô chỉ còn đóng góp khoảng 50% tổng thu.

 
Thủy điện là một trong những ngành đóng góp ngân sách ổn định cho tỉnh.

Theo chính quyền Quảng Nam, vài năm tới đây, khi dịch bệnh hạ nhiệt, hàng loạt năng lực mới sẽ hoạt động. Nam Hội An sẽ góp ít nhất 2.000 tỷ đồng như dự kiến ban đầu, thay vì mỗi năm chỉ vài chục tỷ đồng như hiện tại. Hay có ít nhất 17 dự án công nghiệp trong các khu kinh tế, hàng trăm dự án đầu tư vùng Đông bị “đứng bánh” nhiều năm sẽ tái khởi động, ngành du lịch mở cửa trở lại, các dự án đô thị, bất động sản đóng góp tiền sử dụng đất… sẽ cộng sinh nguồn thu.

 
 
 
 

Theo Sở Tài chính, nhiều cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách do đơn vị tham mưu cho HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành đã phát huy tác dụng, góp phần huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân. Điểm nổi bật là thực hiện có hiệu qủa sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, từng bước góp phần hình thành thị trường vốn, đẩy mạnh hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

 
Phân xưởng sản xuất ghế da xe ô tô.

Nguồn thu ngân sách lớn không thể dựa dẫm vào giá trị sản xuất nông nghiệp mà chính là sự dịch chuyển mạnh mẽ sang khu vực công nghiệp, dịch vụ thương mại. 25 năm qua, các dự án phát triển kinh tế nổi bật của tỉnh bắt nguồn từ vùng ven biển, trọng điểm phát triển ở các khu vực có nội lực và tiềm lực kinh tế. Hoạt động công nghiệp đã phát triển sôi nổi hàng chục năm nay, ở phía bắc có Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và phía nam có Khu kinh tế mở Chu Lai (nay là Khu công nghiệp và khu kinh tế tỉnh). Những “đàn sếu” lớn như Tập đoàn Thaco, dự án Vinpeal Nam Hội An, nhà máy bia Heineken, các dự án bất động sản, khu du lịch,… đóng góp nguồn ngân sách lớn cho tỉnh.

[CLIP HOÀNG ĐẠO] Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam điện tử liên quan đến đột phá nguồn thu ngân sách:

Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong nói: “Ngoài các biện pháp tăng thu, thu hồi nợ đọng, chống thất thu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, gia tăng thu hút đầu tư là điều đã được tính đến. Tiền sử dụng đất vùng Đông, bất động sản sẽ có cơ hội gia tăng khi hoàn thiện giải phóng mặt bằng, sản xuất bia, du lịch, dịch vụ... sẽ bớt suy kiệt, dự báo có thể tăng trưởng, thu ngân sách không có gì khó khăn”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thành công của Quảng Nam chính là điều chỉnh tỷ lệ thu ngân sách/GRDP về mức hợp lý, phù hợp, thích ứng hơn theo quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế. Thêm vào đó là sự vận hành vận hành cơ chế, chính sách hướng đến tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư thêm dự án và nuôi dưỡng nguồn thu.

 

Mọi cơ chế, chính sách của tỉnh thời gian qua đều hướng đến thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện về thủ tục, đất đai, sớm đưa các dự án hoạt động, khuyến khích khởi nghiệp, thu hút đầu tư. Đâu chỉ phụ thuộc vào nguồn thu chủ lực, thời gian qua, Quảng Nam quyết liệt chống thất thu lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản, kinh doanh bất động sản, xăng dầu, vận tải, xây dựng vãng lai; cùng với quản tốt các nguồn thu phát sinh, nợ đọng thuế…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, nguồn thu thời gian qua, nhất là năm 2020 dù gặp nhiều khó khăn do tác động của thiên tai và đại dịch nhưng Quảng Nam đã kịp thời điều chỉnh cơ cấu lại nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động vẫn tiếp tục duy trì. Thu ngân sách năm 2021 vượt dự toán 4.422 tỷ đồng. Trước đây, ô tô Trường Hải chiếm 70% tổng cơ cấu nguồn thu của tỉnh, nhưng bây giờ tỷ trọng của Trường Hải chỉ chiếm hơn 50% so tổng thu trên địa bàn.

[CLIP HOÀNG ĐẠO] Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lạc quan về cơ cấu nguồn thu ngân sách của tỉnh: 

Dự báo lạc quan về nguồn thu giai đoạn mới, theo người đứng đầu chính quyền tỉnh, nhiều nguồn thu mới sẽ tăng cao do hàng loạt các ngành kinh tế khác phát triển. Đơn cử, nguồn thu tiền sử dụng đất rất lớn vì điều kiện phát triển đô thị của tỉnh bây giờ rất thuận lợi so với trước đây. Năm 2021, nguồn thu sử dụng đất vượt hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng những năm tiếp theo có thể hơn 2000 tỷ đồng. Các ngành công nghiệp, dịch vụ khác, du lịch sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam sẽ là một trong địa phương bứt phá mạnh mẽ nhất về du lịch trong thời gian tới, không chỉ đóng góp nguồn thu nhập ngân sách mà còn tạo nguồn từ thu nhập xã hội. Lĩnh vực nông nghiệp nhất là dược liệu, thủy sản, chăn nuôi quy mô lớn còn dư địa rất lớn. “Áp lực nguồn thu ngân sách giai đoạn 2022 – 2025, là Quảng Nam sẽ tiếp tục điều tiết ngân sách về trung ương, như năm 2022 là 14% sẽ là thử thách, nhưng tỉnh hoàn toàn có khả năng thực hiện được bởi dư địa nguồn thu từ các lĩnh vực còn rất lớn” - ông Thanh nhận định.

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 25 năm đạt 9%/năm. Đánh giá những thành tựu đạt được của Quảng Nam từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, từ nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất của cả nước, sau 25 năm, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, cơ cấu kinh tế đã dịch chuyển từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 25 năm đạt 9%/năm; quy mô nền kinh tế đạt 102.654 tỷ đồng, gấp hơn 40 lần so với năm 1997; GRDP bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/người/năm, gấp 38 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh. 

Qua 2 năm (2020 – 2021) ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và dồn dập bão lũ nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn có sự tăng trưởng khá ổn định. Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2021 của UBND tỉnh cho thấy, giá trị tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 7.766 tỷ đồng, tiếp tục duy trì với mức tăng trưởng 3,6%. Cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp tỉnh chiếm 14,1% tổng cơ cấu kinh tế tỉnh; trong đó, lĩnh vực trồng trọt tăng 1,7%, thủy sản tăng 5,2%, lâm nghiệp tăng 7,7%. Giá trị sản phẩm trồng cây hằng năm trên 1ha ước đạt trên 90 triệu đồng, giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 1ha ước đạt khoảng 390 triệu đồng.
 

NAM KHA - HỮU PHÚC