Đâu chỉ là người gieo chữ...
Dịch Covid-19 quét qua rẻo cao Nam Trà My, Phước Sơn làm cho hành trình gieo chữ của thầy cô nơi đây thêm gian nan. Tạm gác bút nghiên, bảng đen, nhiều thầy cô xông pha lên đường trở thành những "người vận chuyển" đặc biệt để chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho học trò. Những người thầy, người cô của vùng cao Quảng Nam bây giờ đang bận bịu xuôi ngược để không bỏ lại một học trò nào phía sau giữa lúc mưa lũ và dịch giã đang bủa vây. Những câu chuyện chúng tôi gom nhặt, như thay lời tri ân gửi đến những thầy cô đang còn vất vả ở miền ngược nhân Ngày Hiến chương nhà giáo (20.11) năm nay.
Vượt hơn 8km đường núi quanh co, cô giáo Trà Thị Thu dạy ở điểm trường Tắk Pổ, xã Trà Tập (Nam Trà My) trở thành một "shipper" chính hiệu với mì tôm, rau củ quả, khẩu trang, nước sát khuẩn... được cột gọn ghẽ trên yên chiếc xe máy.
Nhiều năm bám trụ gieo chữ, nên cô giáo Thu rành rẽ đường đến mỗi khu vực cách ly, điểm trường trong xã. Cùng với cô giáo Thu, hơn 10 thầy cô ở nhiều điểm trường tại các xã Trà Tập, Trà Mai (Nam Trà My) tham gia công việc vận chuyển cấp phát lương thực, thực phẩm hỗ trợ người cách ly phòng dịch.
Theo UBND xã Trà Tập, nhân lực ở địa phương có hạn, vừa lo chống dịch vừa phòng mưa lũ, nên lực lượng giáo viên ở đây trở thành cánh tay đắc lực chia sẻ cùng địa phương.
Mỗi ngày, thầy cô nhận mỳ tôm, rau củ quả, trang thiết bị y tế, sau đó dùng xe máy chở đến khu cách ly tập trung và các trường học tại xã Trà Mai, Trà Tập. Các thầy cô còn lội suối xuyên rừng đến các bản làng - nơi có các trường hợp F1 để kịp thời trao tận tay cho đồng bào.
Cô giáo Nguyễn Việt Thảo - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập tâm sự: "Nhiều khu vực ở xa, đi bộ gần một giờ, khu vực nằm biệt lập phải dùng thuyền vượt sông. Những chuyến vận chuyển dù mệt rã rời, mồ hôi nhễ nhại nhưng tụi mình được an ủi vì người dân rất vui sướng khi tự tay nhận được các món quà thiết thực”.
Gia đình ông Hồ Văn Vang, ở thôn 3 (xã Trà Tập) cho biết, gia đình có người là F1 nên chính quyền cấm đi lại. Có những ngày, 4 người trong nhà chỉ biết ăn mì tôm sống qua ngày. "Tôi cảm ơn các cô giáo không ngại khó khăn, vượt quãng đường xa mang gạo, cá khô, mì tôm, nước mắm, dầu ăn đến giúp gia đình" - ông Vang xúc động.
Vào cuối tháng 10 vừa qua, Nam Trà My phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Từ đây, địa phương bắt đầu truy vết, sàng lọc diện rộng, ghi nhận thêm hơn 200 trường hợp mắc bệnh và hàng nghìn F1. Cùng thời điểm này, nơi đây còn chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ dai dẳng, gây sạt lở đường, nhà dân. Thiên tai chồng lên dịch giã, khiến cuộc sống người dân đảo lộn, khó khăn trăm bề.
Các thầy cô giáo vùng cao Nam Trà My gian nan với hành trình vận chuyển nhu yếu phẩm vào phục vụ học sinh, đồng bào vùng bị cách ly:
Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính (xã Trà Don) - người nổi tiếng với các hoạt động thiện nguyện dành cho học sinh miền núi lâu nay, ngay lúc dịch bùng phát, đã đứng ra kêu gọi hỗ trợ, thành lập nhóm vận chuyển lương thực tiếp tế cho người dân trong khu cách ly, các điểm nóng ở tâm dịch.
Từ ngày đăng kí chở F0 về TP.Tam Kỳ điều trị, thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng PTDT bán trú Tiểu học Trà Tập luôn có mặt tại Trung tâm y tế huyện Nam Trà My, sẵn sàng nhận học sinh, bà con nhiễm Covid-19 đưa về TP Tam Kỳ điều trị.
Từ cuối tháng 10 đến nay, hơn 30 tấn hàng từ sự kêu gọi của thầy Vỹ được các thầy cô cùng lực lượng tình nguyện ở Nam Trà My chia nhau mang đến từng nhà trao cho bà con. Hết nhóm này đến nhóm khác thay phiên nhau tới từng bản làng…
Thầy Phương kể, nhận thông tin tài xế của Câu lạc bộ “Bạn thương nhau” ở TP.Đà Nẵng không tham gia chở học sinh nữa, thầy đăng ký tham gia ngay. “Biết nguy cơ lây bệnh cao, phải cách ly nhưng vì thương học trò, bà con nghèo nên mình cố gắng, chấp nhận rủi ro. Chứ ai cũng sợ, né tránh thì mọi người sao được chữa bệnh” - thầy Phương bôc bạch.
Tối 29.10, thầy Phương nhận chuyến xe đầu tiên, chở 13 học sinh về phố điều trị. Biết tin được đưa đi điều trị, các em chuẩn bị hành lý, ngồi chờ. Thầy cô sắp xếp đưa từng em lên xe, trước khi xuất phát còn chào nhau và dặn dò các trò cố gắng điều trị bệnh khiến ai cũng rưng rưng.
22 giờ đêm. Chiếc xe lấm lem bùn đất của thầy Phương đã chở các trò đến điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Tam Kỳ) sau gần 4 giờ vượt qua quãng đường rừng núi dài hơn 100km. Sau thời gian chờ làm thủ tục tiếp nhận ca bệnh, phun thuốc khử trùng xe, thầy một mình lặng lẽ trở về nhà trong đêm.
Thầy giáo Lê Huy Phương - Hiệu trưởng PTDT bán trú Tiểu học Trà Tập lái xe chở học trò, người dân F0 đến điều trị tại bệnh viện trong đêm:
“Do bệnh nhân là học sinh nên mình phải đợi, lỡ có trục trặc còn hỗ trợ nên 2 giờ sáng mới về đến nhà. Mình hy vọng với trang thiết bị y tế tốt, các em nhanh khỏi bệnh trở về nhà, tiếp tục học tập” - thầy Phương tâm sự.
Xe thầy Phương lái do Câu lạc bộ “Bạn thương nhau” thuê, mỗi chuyến xe không có thời gian cụ thể, mỗi khi nhận tin có ca dương tính là có mặt chở đi ngay. Từ ngày 29.10 đến nay, thầy chạy 15 chuyến xe đưa hơn 150 người nhiễm Covid-19 về bệnh viện điều trị.
Ngoài ra, thầy Phương còn đưa các giáo viên là F1, F2 tham dự kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục vừa qua. Có ngày ca F0 nhiều thầy phải chạy hai, ba chuyến. “Những ngày trời mưa, đường khuất tầm nhìn, sạt lở, nước sông dâng nhanh khiến việc di chuyển gặp khó khăn, nguy hiểm. Vì chở F0 nên đến bữa ăn, người ở câu lạc bộ tìm nơi vắng vẻ giao cơm, rồi ngồi bệt bên lề đường ăn, ngày mưa ăn trong xe, bận việc thì bỏ bữa” - thầy Phương kể.
Để đảm bảo an toàn cho người thân, cứ hai ngày thầy test Covid-19 một lần. Căn nhà thì được phân chia thành hai phòng, vợ phòng, chồng phòng, giữ khoảng cách với nhau. Trong ngôi nhà, vợ chồng thầy chỉ chuyện trò qua… điện thoại.
Thầy giáo Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My cho biết, trên địa bàn huyện nhiều học sinh thuộc trường hợp F0, F1. Điều may mắn, hơn 2/3 số F0 là học sinh đã được điều trị khỏi và về địa phương. Trong suốt những ngày Nam Trà My trở thành "tâm dịch", lực lượng giáo viên trên địa bàn gần như túc trực ngày đêm ở các điểm trường và những địa điểm được chọn làm khu vực cách ly.
"Mỗi thầy cô đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc không kể ngày đêm. Chúng tôi cử 37 thầy cô tham gia làm nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ nấu ăn, vệ sinh ở các khu cách ly và các chốt kiểm soát. Những thầy cô còn lại bằng nhiều cách khác nhau cũng chung sức đồng lòng chống dịch", thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT nói.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Trần Duy Dũng cho biết, nếu không có sự góp sức của những thầy cô giáo trong suốt những ngày căng thẳng vừa qua, thì câu chuyện phòng chống dịch ở địa phương còn gặp muôn trùng khó khăn.
Gần 40 thầy cô ở các “tâm dịch” Trà Mai, Trà Tập, Trà Don tích cực cùng bộ đội địa phương nấu nướng, chuẩn bị thực phẩm tươi, bữa ăn hàng ngày cho bà con ở khu cách ly. Cô giáo Trương Thị Ánh Nhung - Trường THCS Trà Mai cho biết, hàng ngày các cô vệ sinh toàn bộ khuôn viên điểm trường làm khu cách ly, tiếp nhận, chia và phát nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực cách ly, chuyển đồ dùng cho người đang phải cách ly do người nhà gửi đến. Các bếp ăn tập thể cũng được thầy cô san sẻ chăm lo để mỗi người góp sức mình chống dịch.
Trong khi đó, khi dịch giã xuất hiện ở miền sơn cước Phước Sơn, thì các thầy cô giáo ở điểm trường Phước Lộc trở thành những người chăm lo cho tất cả trẻ em trên địa bàn xã này.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc trở thành khu cách ly tập trung của toàn xã với 276 trường hợp phải cách ly tập trung, trong đó có đến 160 em học sinh các lứa tuổi.
Thầy giáo Trần Đình Ngộ - hiệu trưởng nhà trường cho biết, có hơn 1/3 giáo viên của trường là những thầy cô có con nhỏ. Họ ở khắp mọi xã của Phước Sơn và thậm chí ở địa phương khác. Ngày xã Phước Lộc bắt đầu phát hiện ca nhiễm đầu tiên, rồi lên 30 trường hợp dương tính, các thầy cô giáo xác định mình sẽ phải ở lại trường thay cha mẹ học trò chăm sóc các em.
Họ gởi con cái ở quê cho người thân và mình thì ở lại, lo từng miếng ăn, giấc ngủ ngon cho học trò. Rồi, chính các thây cô trở thành những “F1 lớn” chăm sóc cho các “F1 nhí”, là học trò hay là cả những em nhỏ dưới 5 tuổi chưa đến trường. Cha mẹ các em là F0 phải xuống phố điều trị, thầy cô giáo cùng bà con ở xã đảm đương chuyện ở cùng các con.
"Cái khó là các em học sinh ở nhiều độ tuổi, từ mầm non đến lớp 9, buộc phải tiếp xúc gần nên việc giữ an toàn không dễ. Vậy là các thầy cô giáo phải cắt cử thay phiên nhau chăm các con" - thầy giáo Trần Đình Ngộ nói. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc có 24 thầy cô giáo và họ phải chăm lo cho 154 học sinh, trong điều kiện địa bàn vừa xuất hiện dịch bệnh vừa bị cô lập do sạt lở vừa qua.
Thầy Ngộ cho biết thêm, những ngày khi Phước Lộc phong tỏa, không hiểu sao lại trùng hợp với quãng thời gian địa phương này gặp thảm họa lở núi của năm ngoái. Năm ngoái, thầy cô vốc từng nắm bùn non, dọn đường vào từng nóc đưa học trò ra lớp.
Bây giờ, khi dịch bệnh ở Phước Sơn, Nam Trà My dần được kiểm soát, thầy cô giáo lại tất tả dọn dẹp lại trường lớp để đón học sinh ra trường. Những chiếc áo ấm được thầy cô vận động bạn bè ở miền xuôi, xếp gọn gàng để làm quà động viên các em đến lớp. Trên rẻo cao này, bà con quá quen với hình ảnh những thầy cô giáo lội bùn non, xắn tay áo lo cho trẻ con cái ăn, cái mặc.
Trao quà tận tay cho đồng bào vùng đỏ: