[Emagazine] - Tri ân
(QNO) – Tưởng nhớ những thế hệ thương binh, liệt sĩ đã hi sinh cho đất nước, thế hệ hôm nay đã tri ân bằng những phần việc nghĩa tình.
Chiến tranh đi qua, ký ức của người nữ thương binh Nguyễn Thị Nhân (khối phố Thạnh Đức, thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh) vẫn không nguôi nỗi buồn năm ấy. Chiến trận đã cướp đi người đàn ông của bà khi họ chỉ vừa lễ đám hỏi. Ông ấy không về, bà Nhân một mình trở về quê với thương tích trong người, trong lòng.
Thương binh, lại thêm là phận đàn bà, kinh tế không dư dả mấy. Bà Nhân bao năm chí thú trên mảnh vườn mảnh ruộng gần nhà. Cuộc sống trôi đi yên bình trong thôn xóm.
Song công lao mà bà và bao đồng đội đã hi sinh cho Tổ quốc thì thế hệ đi sau luôn ghi nhớ. Theo chị Dương Thị Quỳnh Thơ – cán bộ phụ trách LĐ-TBXH thị trấn Phú Thịnh thì các đoàn thể của địa phương luôn gần gũi, chăm sóc bà Nhân. Nghe tin báo căn nhà của bà xuống cấp là địa phương liền tìm cách giúp đỡ cải tạo lại căn nhà: “Năm tới thị trấn sẽ tìm nguồn kinh phí lớn hơn để xây nhà lại cho bà Nhân, nhà này đã cũ lắm rồi mà bà không đủ tiền để làm nhà kiên cố”.
Thương bà Nhân phận già neo đơn, chị Thơ thường xuyên qua lại như con cháu của bà. Vài hôm chị lại ghé xem chừng chuyện ăn uống, sức khỏe của người nữ thương binh già... Sự chu đáo của chị Thơ làm ấm lòng bà Nhân, tối tối bà hay sang nhà chị Thơ để bầu bạn, trò chuyện.
“Con Thơ nó tốt với tôi lắm. Hễ tôi đau ốm là nó chở đi khám, dặn dò kỹ chuyện uống thuốc thang, dăm hôm lại cho tôi miếng thịt, con cá. Đợt bão năm ngoái nó thu xếp xong chuyện nhà là chạy qua phụ gói ghém đồ đạc, dắt tôi qua chùa gần đó gửi để trú bão an toàn...” – bà Nhân cười móm mém kể.
Không chỉ riêng chị Thơ, tri ân công lao người có công với nước, Công đoàn UBND thị trấn Phú Thịnh, các hội đoàn thể của thị trấn cũng đảm nhận phần việc chăm sóc bà, giúp người thương binh được an ủi phần nào khi một phần xương máu và thanh xuân bà đã gửi lại chiến trường.
“Hằng tháng chúng tôi đều ghé thăm, xem bà thiếu gì thì mua sắm thêm và trao hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng để bà chi tiêu. UBND huyện Phú Ninh và thị trấn Phú Thịnh cũng giúp bà Nhân hoàn chỉnh các hồ sơ để hưởng chế độ bị địch bắt, tù đày. Chúng tôi làm tất cả để bà cảm thấy an vui lúc tuổi già và cũng là cách chúng tôi tri ân công lao của các thế hệ đi trước để chúng tôi sống trong hòa bình” – chị Dương Thị Quỳnh Thơ chia sẻ.
Trên mảnh đất Tam Trà (Núi Thành), từ lâu nay, căn nhà của hai Mẹ Việt Nam anh hùng là Võ Thị Tam và Nguyễn Thị Liên luôn là nơi mà các đoàn viên thanh niên thường xuyên đến chơi. Dù đã 96 tuổi nhưng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Liên vẫn còn rất minh mẫn. Căn nhà tình nghĩa khang trang mới được xây dựng làm mẹ thấy an yên, mãn nguyện. “Được nhà nước lo cho nhà ở, trợ cấp đầy đủ nên không thiếu gì cả. Lại có nhiều con cháu thanh niên ở xã thì đến chơi nên mẹ vui mỗi ngày” – mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Liên nói.
Chị Trần Thị Nhơn – Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tam Trà chia sẻ: “Trong tuần, hễ lúc nào rảnh thì các bạn đoàn viên lại đến nhà của hai mẹ, hôm thì dọn dẹp nhà cửa, hôm thì nấu ăn, ngồi nghe các mẹ kể về những ngày quê hương kiên cường đấu tranh chống giặc…”
Giữa tháng 7, chúng tôi về thôn Cao Ngạn (xã Bình Lãnh, Thăng Bình) trong cái nắng nóng như cháy da thịt người. Mảnh đất này khắc nghiệt là vậy nhưng trong kháng khiến chống Pháp, chống Mỹ và tay sai, ngôi làng nhỏ bé vỏn vẹn 30 hộ dân lại là nơi kiên trung che chở an toàn cho cách mạng. Để thế hệ đi sau không quên những người đã hi sinh vì Tổ quốc, hằng năm huyện Thăng Bình luôn tổ chức chương trình tri ân người có công với nước nhân Ngày Thương binh – liệt sĩ 27.7 tại mảnh đất Cao Ngạn Thành Đồng.
Tại di tích lịch sử cấp tỉnh cơ sở cách mạng nhà bà Lưu Thị Nhiên, các đoàn viên, thanh niên cùng có dịp dọn dẹp nhà cửa, bia di tích và chu đáo nấu bữa cơm tri ân. Chiến tranh đã cướp đi 5 người thân của bà, mấy mươi năm sống người con trai duy nhất nên hôm nay được ngày sum vầy, bà Nhiên xúc động lắm. Bà nói căn nhà này đã được xây dựng hơn 40 năm rồi nên xuống cấp. Giờ đã được thanh niên sửa chữa, nó là địa chỉ đỏ, nhân chứng sống để kể cho con cháu nghe về quá khứ hào hùng của đất Cao Ngạn.
Mời bạn đọc xem clip bữa cơm tri ân ấm áp, sum vầy:
Theo ông Châu Xuân Quang – Phó Bí thư Thường trực Huyện đoàn Thăng Bình, song song với các hoạt động tri ân tại nhà bà Nhiên, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại thôn Cao Ngạn như tổ chức thêm 2 bữa cơm tri ân tại 2 gia đình liệt sĩ trong thôn, dâng hương mẹ Việt Nam anh hùng Ung Thị Du, khám và phát thuốc cho 10 gia đình có công, trao 26 suất quà cho gia đình chính sách, 38 phần quà cho học sinh, sinh viên thôn Cao Ngạn. Đặc biệt, chương trình “Hồi ức chiến khu xưa” đã giúp đoàn viên, thanh niên được nghe kể truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương mình.
“Chúng tôi tổ chức những hoạt động này nhằm tri ân công lao và hi sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, người có công với nước trong sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào về lịch sử hào hùng, truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ Thăng Bình” – anh Quang nói.
Hiện nay, toàn xã Tam Trà có 237 người có công với cách mạng đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, có 2 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Để chăm lo tốt đời sống cho người có công, hằng năm xã rà soát, bổ sung hồ sơ cho các đối tượng chưa được hưởng trợ cấp để họ không phải thiệt thòi; quan tâm đến các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, các trường hợp cần giúp đỡ. Việc xét duyệt chế độ, chính sách cho người có công luôn bảo đảm chính xác, đúng đối tượng, hồ sơ được quản lý chặt chẽ không để xảy ra tình trạng sai sót, nhầm lẫn.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Tam Trà cho biết, trong năm nay, thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, xã xây mới 46 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Các ngày lễ, tết, ngoài những phần quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, của huyện thì lãnh đạo xã cùng các hội, đoàn thể đã đến trao tặng thêm nhiều phần quà, ân cần thăm hỏi người có công.
“Chúng tôi cũng tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách, thăm hỏi với suất quà 300 nghìn đồng/người khi họ bị đau ốm. Cạnh đó, nghĩa trang liệt sĩ được xã rất quan tâm, chăm sóc để nơi yên nghỉ các vị anh hùng liệt sĩ luôn xanh, sạch, đẹp để nhân dân đến tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ” – ông Bình cho biết thêm.
Thời gian qua, TP.Tam Kỳ thường xuyên vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. 12 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Địa phương cũng kịp thời chuyển quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh đến người có công, lãnh đạo thành phố tổ chức thăm hỏi, động viên đối tượng chính sách trong ngày Thương binh – liệt sĩ 27.7 và các ngày lễ lớn.
“Nhờ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, đối thoại trực tiếp về thực hiện chế độ chính sách đối với người có công mà hồ sơ tồn đọng được giải quyết kịp thời, hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về chính sách dành cho người có công” – bà Nguyễn Thị Đào, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho biết.
Theo Sở LĐ-TBXH, hằng năm, để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, lãnh đạo tỉnh đã thăm, tặng quà các gia đình chính sách và viếng hương tại khu lưu niệm đồng chí Võ Chí Công, thăm nhà riêng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, các anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài Chiến thắng Núi Thành; Trung tâm nuôi dưỡng điều dưỡng người có công Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng...
Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và hoàn thành 6.023 nhà cho người có công, trong đó xây mới 1.774 nhà, sửa chữa 4.299 nhà. (Nguồn: Sở LĐ-TB&XH)
Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, sở đã xác nhận và thực hiện trợ cấp các loại đối tượng cho 1.713 trường hợp. Cấp đổi thẻ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, dụng cụ chỉnh hình 137 trường hợp; hỗ trợ thăm viếng, di chuyển hài cốt liệt sĩ về nguyên quán 7 trường hợp; lập thủ tục đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ 9 trường hợp; giới thiệu giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ 7 trường hợp.
“Toàn tỉnh có 15.296 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đến nay có 521 mẹ còn sống, tất cả các mẹ đã được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, bình quân 800.000 đồng/mẹ/tháng. Nhiều cơ quan, đơn vị ở xa vẫn thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi các mẹ ốm đau hoặc phối hợp với địa phương lo việc tang lễ chu đáo khi mẹ qua đời” – Trưởng phòng Người có công – Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Diệu Hồng cho biết.
Ngoài ra Phòng Người có công đã thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ và đề nghị Hội đồng - Thi đua khen thưởng tỉnh trình Chính phủ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng đối với 17 trường hợp.