Dấu ấn trong lòng dân

TRƯỜNG ĐỒNG 14/02/2021 06:30

(Xuân Tân Sửu) - Năm 2020 ghi nhận quãng thời gian đầy biến động trong đời sống xã hội trên cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng. Dịch bệnh liên tiếp, thiên tai triền miên tác động đến mọi mặt. Và ở từng thời đoạn khó khăn, điều gì ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng xã hội?

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường có mặt tại hiện trường vụ sạt lở Trà Leng (Nam Trà My), động viên lực lượng cứu hộ cứu nạn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường có mặt tại hiện trường vụ sạt lở Trà Leng (Nam Trà My), động viên lực lượng cứu hộ cứu nạn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Trao niềm tin

Kịp thời có mặt trong những thời điểm các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, phòng chống thiên tai - cứu nạn cứu hộ và người dân cần nhất sự quan tâm, chia sẻ, động viên; quyết định ngay những chính sách phù hợp để các lực lượng yên tâm làm nhiệm vụ, người dân ổn định đời sống... Đó là hình ảnh để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân của các đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành. Như lời một cán bộ hưu trí rằng: “Lãnh đạo mà sâu sát và quyết liệt như thế, dân tin lắm!”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vượt rừng thăm, kiểm tra các chốt kiểm soát phòng chống dịch dọc tuyến biên giới Quảng Nam - Sê Kông (Lào). Ảnh: AlĂNG NGƯỚC
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vượt rừng thăm, kiểm tra các chốt kiểm soát phòng chống dịch dọc tuyến biên giới Quảng Nam - Sê Kông (Lào). Ảnh: AlĂNG NGƯỚC

Năm 2020 đã qua cũng là năm bản lề khởi đầu cho giai đoạn mới, trao đi niềm tin về một thế hệ cán bộ gần dân, lo cho dân, vì dân phục vụ; “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo”. Đó cũng là hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Đảng bộ tỉnh về xây dựng đội ngũ cán bộ biết “chăm lo đời sống nhân dân, mọi quyết sách đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân”.

Tình quân dân

Không chỉ có ký ức thời chiến được kể lại, thế hệ hôm nay sống trong hòa bình vẫn thường bắt gặp những câu chuyện xúc động về tình quân dân. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang của tỉnh luôn ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, hoặc không quản hiểm nguy giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời người dân đi tránh bão, hay dầm mình trong mưa lũ cứu dân, tìm kiếm nạn nhân vùi lấp do sạt lở núi, lũ quét... đã để lại ấn tượng đẹp, tô thắm thêm tình quân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng thăm hỏi, động viên cụ bà Đặng Thị Pháo (85 tuổi, thôn Tây Sơn Tây, xã Duy Hải, Duy Xuyên) bị thiệt hại do mưa lũ hồi tháng 10.2020. Ảnh: THÀNH CÔNG
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng thăm hỏi, động viên cụ bà Đặng Thị Pháo (85 tuổi, thôn Tây Sơn Tây, xã Duy Hải, Duy Xuyên) bị thiệt hại do mưa lũ hồi tháng 10.2020. Ảnh: THÀNH CÔNG

Trong chuyến thăm, chúc tết Tân Sửu 2021 tại Quảng Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, thời gian qua, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ giúp đỡ nhân dân phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững... đã tô đậm thêm tình cảm, sự gắn bó sâu nặng giữa quân và dân cả nước.

Nghĩa đồng bào

Trong những ngày Quảng Nam thực hiện cách ly phòng chống dịch Covid-19 hay vùng đồng bằng bấp bênh trong lũ lụt, vùng cao thiệt hại nặng nề do sạt lở đất, lũ quét,... truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” lan tỏa rộng khắp. Hẳn nhiều người biết câu chuyện đồng bào vùng cao Trà My quyên góp ủng hộ các mặt hàng nông sản gửi hỗ trợ khu cách ly phòng chống dịch Covid-19, và nổi lên hình ảnh cậu bé Hồ Ánh Khiết (8 tuổi, người đồng bào Ca Dong, ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My) đi bộ chân đất hơn 30 phút, vác khúc măng rừng, tay ôm xấp lá gói rau góp về miền xuôi chống dịch. Tiếp đó là hình ảnh lớp lớp đoàn cứu trợ đến với đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi sạt lở, lũ quét ở Nam Trà My, Phước Sơn...

Bộ đội hành quân qua con suối dẫn vào xã Phước Công. Từ nơi này, phải mất hàng chục cây số đường rừng nữa mới tiếp cận được vùng sạt lở núi ở xã Phước Lộc (Phước Sơn). Ảnh: G.C
Bộ đội hành quân qua con suối dẫn vào xã Phước Công. Từ nơi này, phải mất hàng chục cây số đường rừng nữa mới tiếp cận được vùng sạt lở núi ở xã Phước Lộc (Phước Sơn). Ảnh: G.C

Tình người cứ thế tiếp nối. Ở những thời điểm khó khăn, nghĩa đồng bào càng được phát huy, giúp nhau vượt qua tất cả. 

Gùi cõng lương thực, thực phẩm tiếp tế bà con vùng cô lập do sạt lở, lũ quét sau bão số 9 ở Phước Sơn. Ảnh: HUỲNH CHÍN
Gùi cõng lương thực, thực phẩm tiếp tế bà con vùng cô lập do sạt lở, lũ quét sau bão số 9 ở Phước Sơn. Ảnh: HUỲNH CHÍN
Các chiến sĩ dùng tay bới tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở ở Trà Leng, Nam Trà My. Ảnh: P.V
Các chiến sĩ dùng tay bới tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở ở Trà Leng, Nam Trà My. Ảnh: P.V
Lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh đưa một cháu bé ra khỏi vùng ngập sâu ở xã Tam Đàn (Phú Ninh) an toàn trong đợt mưa lụt giữa tháng 10.2020. Ảnh: C.T.V
Lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh đưa một cháu bé ra khỏi vùng ngập sâu ở xã Tam Đàn (Phú Ninh) an toàn trong đợt mưa lụt giữa tháng 10.2020. Ảnh: C.T.V
Chiến sĩ công an chia sẻ nỗi đau cùng người dân Trà Leng, Nam Trà My. Ảnh: P.V
Chiến sĩ công an chia sẻ nỗi đau cùng người dân Trà Leng, Nam Trà My. Ảnh: P.V
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 ở vùng giáp ranh TP.Đà Nẵng trên tuyến ĐT603B (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) vào tháng 7.2020. Ảnh ĐẠO TUẤN
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 ở vùng giáp ranh TP.Đà Nẵng trên tuyến ĐT603B (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) vào tháng 7.2020. Ảnh ĐẠO TUẤN

TRƯỜNG ĐỒNG