Emagazine - Chuyện những người ở lại
(QNO) - Đã sau nhiều ngày khi ca bệnh Covid-19 ở Quảng Nam xuất viện, nhiều y bác sĩ, điều dưỡng, bộ phận hậu cần... của Bệnh viện Đa khoa Trương ương Quảng Nam vẫn còn ở lại thực hiện đúng quy trình cách ly sau điều trị. Cũng có thể họ lại tiếp tục điều động tham gia một nhiệm vụ khác... Những “chiến sĩ áo trắng” vừa lặng lẽ vượt qua một hành trình đáng nhớ để thực thi sứ mệnh của mình.
Đó là buổi sáng thứ Hai ngày 16.3. Buổi sáng một ngày đầu tuần, nhưng không ai chúc nhau một tuần làm việc suôn sẻ như mọi lần. Họ đang đối mặt với trọng trách chưa bao giờ hệ trọng đến thế: tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 người Anh thứ 57!
Thật ra, mọi thứ đã được chuẩn bị từ nhiều ngày trước khi bệnh viện được giao nhiệm vụ thu dung cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng mọi thứ quá mới mẻ, thách thức, tất cả như sắp bước vào một cuộc chiến.
Cái nắng ở vùng Chu Lai dù mới tháng 3 nhưng đã chói chang. Khoảng sân trước khu vực cách ly của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam vắng lặng, hàng dương liễu đứng im, vài tiếng ve kêu, gần như không có tiếng ai trò chuyện. Họ chờ đợi… Mặt đất phả lên làn hơi nóng nhẹ làm rung rung mọi thứ. Và rồi chiếc xe cứu thương quen thuộc xuất hiện từ một lối riêng. Bệnh nhân thứ 57 cùng vợ ra khỏi xe, tiến vào khu vực đặc biệt. “Cuộc chiến” bắt đầu.
Tôi đứng trước vạch phân cách ở khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam vào buổi chiều cuối tuần - tức một tuần sau khi bệnh nhân thứ 57 vào viện. Tiến sĩ - bác sĩ Lê Viết Nhiệm - Trưởng khoa Y học nhiệt đới, phụ trách khu cách ly điều trị Covid-19 thoáng nhìn tôi lần nữa qua lớp kính bảo vệ, rồi sải bước vào khu vực cách ly. Đây gọi là “vùng đỏ”.
Vừa nãy, anh đã ngồi với tôi gần nửa giờ để quán triệt các nguyên tắt tác nghiệp ở khu vực đặc biệt. Hai điều dưỡng là Lê Thị Ánh Dương và Phạm Thị Thu Thanh giúp tôi choàng bộ đồ chuyên dụng, trùm đầu, khẩu trang, kính mắt bảo vệ và kính bảo hộ ngoài… Không đầy một phút sau, hơi thở đã làm nhòe màn kính. Lớp quần áo bắt đầu bó cứng vào người, mọi thứ nóng dần, bức bí. Bộ đồ chuyên dụng rất khó thoát hơi khiến cơ thể tôi không mấy chốc đã ướt đẫm. Tôi biết giới hạn của mình ở đây. Thao tác bấm máy quay mọi lúc tưởng nhắm mắt cũng làm được thì giờ đã thật sự vướng víu, khó khăn…
“Vùng đỏ” là khu cách ly đặc biệt - nơi chỉ có bệnh nhân Covid-19, những người cách ly khác và 10 y bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị và chăm sóc người bệnh.
Người có mặt đầu tiên, cũng là người ở lại lâu nhất ở khu cách ly chính là “thuyền trưởng” Lê Viết Nhiệm. Kể từ ca đầu tiên nghi nhiễm Covid-19 cách ly tại bệnh viện cho đến nay (ngày 23.1) thì anh là người ở lại “vùng đỏ” suốt hai tháng trời liên tục.
Và nhiều đồng nghiệp khác ở khu cách ly, điều trị cũng thực hiện đúng quy trình cách ly, ngay cả khi các ca nghi nhiễm đã kết thúc thời gian cách ly theo quy định thì họ lại tiếp tục nhiệm vụ với các ca kế tiếp.
Ngày làm việc của họ bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng, bắt đầu từ “vùng vàng” - tức khu cách ly của những người nghi nhiễm, rồi đến “vùng đỏ”. Sau khâu vệ sinh khu vực điều trị là thăm khám, đo các chỉ dấu sinh tồn cho các trường hợp cách ly, điều trị. Mang cơm cho họ, hỏi thăm nhu cầu trong ngày của bệnh nhân…
Còn với đội ngũ y bác sĩ ở khu cách ly, dù mọi nhu cầu đều được bộ phận hậu cần đáp ứng đầy đủ nhưng vẫn không thể khỏa lấp được nỗi nhớ người thân, nhớ nhà, mong một bữa cơm gia đình như ngày thường. Trong đời mình, chưa bao giờ họ phải trải qua cuộc “cách ly” như hôm nay.
Đêm về, sau ngày làm việc căng thẳng, họ giải lao bên nhau, cũng vẫn những câu chuyện hằng ngày, nhưng trong khoảng cách hơn 2 mét. Ngoài kia, gia đình của họ có thể đang chịu áp lực khác của xã hội bởi chính họ đang trực tiếp chăm sóc, điều trị, sống chung với người nhiễm Covid-19!
Nữ điều dưỡng Lê Thị Ánh Dương đã làm việc ở khu cách ly gần một tháng. Chị là một trong 3 người đầu tiên xung phong vào nhóm trực tiếp tiếp xúc, điều trị cho trường hợp bệnh nhân số 57, nhóm do bác sĩ Lê Viết Nhiệm phụ trách.
Đội hình tiên phong của khu cách ly có tất cả 2 bác sĩ, 8 điều dưỡng, 1 hộ lý và 1 bảo vệ. Họ chia hai nhóm, nhóm trực tiếp tiếp xúc và điều trị - là nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao; nhóm gián tiếp phụ trách các công việc chuyên môn khác - là nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh thấp.
“Nhóm có nguy cơ cao thì không rời khu cách ly và không được về nhà” - bác sĩ Lê Viết Nhiệm nói. Cũng chính anh là người tự tay lấy mẫu bệnh phẩm của những người nghi nhiễm và bệnh nhân dương tính Covid-19 để đưa đi xét nghiệm.
Để giảm độ căng thẳng trong môi trường làm việc đặc biệt, đòi hỏi mọi thao tác phải cực kỳ cẩn trọng, chính xác, họ tìm cách giảm stress bằng những câu chuyện vui những lúc giải lao. Những áp lực ngày đầu tiên dần lắng xuống khi mọi chuyện đi vào quy củ. Họ biết mình phải làm gì để phân đều sức trong cuộc đua có vẻ còn rất dài này.
Mới chỉ đầu đêm nhưng khu cách ly im bặt, chỉ có tiếng côn trùng rả rích. Khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam khá rộng lớn, khu vực biệt lập này được cách ly đúng nghĩa. Họ chuẩn bị kết thúc ngày làm việc mệt nhoài vì căng thẳng, vì bộ đồ bảo hộ nóng bức. Có những người bắt đầu cảm thấy đau vì chiếc khẩu trang đã in dấu trên mặt…, 12 “chiến sĩ áo trắng” lặng lẽ chia sẻ nỗi bất tiện mà không ai một lời than vãn.
Giờ này, người thân của họ chắc chắn đang ngồi bên nhau, chờ họ trở về như mọi ngày. Mọi giao tiếp với bên ngoài giờ chỉ còn trông cậy vào tin nhắn, cuộc gọi có hình qua messenger, zalo…
Bệnh nhân thứ 57 cho đến khi được thông báo đã dương tính với Covid-19 vẫn không tin rằng đây là chuyến du lịch tồi tệ nhất của mình. Khi đó, họ đang được cách ly tại một khách sạn ở Hội An. Ngày qua ngày, thông tin dịch bệnh từ nước Anh càng khiến họ lo lắng bội phần. Và giờ thì họ đã mắc Covid-19. Điều quá may mắn hay là phép lạ nào đó đã an ủi họ: người vợ của bệnh nhân 57 vẫn không lây nhiễm từ chồng!
“Chúng tôi ở đây để hỗ trợ ông bà” - lời đầu tiên bác sĩ Lê Viết Nhiệm nói với bệnh nhân thứ 57 khi ông vào phòng điều trị. Điều lo lắng về bất đồng ngôn ngữ lúc này không còn nữa, các bác sĩ ở đây có thể hoàn toàn giao tiếp với bệnh nhân 57 bằng ngôn ngữ của nước ông. Và rồi, hằng ngày, bác sĩ Nhiệm, các điều dưỡng Thanh, Dương… đều đặn lắng nghe, tâm sự, chia sẻ với ông mà không cần đến phiên dịch.
Sau này, một bác sĩ chia sẻ: điều trị tâm lý cho bệnh nhân, làm cho bệnh nhân yên tâm trước sự nguy hiểm của bệnh, động viên kịp thời là việc hết sức cần thiết lúc này. Áp lực lớn nhất là khi họ bắt buộc phải ở cự ly quá gần với người bệnh sẽ mang đến nguy cơ lây nhiễm khá cao. Nhưng không còn cách nào khác, mọi cử chỉ, hành vi xa cách lúc này có thể đẩy bệnh nhân ra ra hơn, và mọi nỗ lực điều trị chưa chắc đã mang lại kết quả như ý. Để bệnh nhân vơi nỗi nhớ quê hương, những bữa ăn của họ cũng được đáp ứng gần như khi họ còn ở quê nhà. Điều khá đặc biệt là các bác sĩ đều khá am hiểu về ẩm thực, cho đến các thói quen sinh hoạt của người Anh, điều này làm vợ chồng bệnh nhân thứ 57 vô cùng ngạc nhiên và cảm phục.
“Ở đây tôi nhận được sự quan tâm chăm sóc đầy tình thương, tử tế và chuyên nghiệp, mọi người đã giúp tôi vượt qua giai đoạn bệnh tật căng thẳng. Đó là sự tận tụy của bác sĩ và đội ngũ y tế tuyệt vời ở đây. Tôi muốn nói lời cảm ơn sâu sắc, tin tưởng tuyệt đối các bác sĩ Việt Nam và đội ngũ y bác sĩ nơi đây” - lời bệnh nhân thứ 57.
Và rồi ngày cuối cùng của đợt điều trị bệnh nhân thứ 57 đã kết thúc. Kết quả xét nghiệm lần 1 sau điều trị: âm tính. Lần 2: âm tính.
21 ngày trôi qua trong căng thẳng giờ như quả bóng bơm căng được xả hơi. Giá như lúc này, tất cả họ được ở một sân bóng, một đám đông náo nhiệt, chắc sẽ có người hét lên thật to để giải phóng cảm xúc của mình. Nhưng điều ấy không có, mọi người đón chờ kết quả trong im lặng. Những “chiến binh áo trắng” đã chiến thắng Covid-19; quan trọng hơn họ đã chiến thắng mọi nỗi lo lắng ban đầu. Tâm trạng mọi người như đang đứng trước một buổi sáng đầy nắng. Hòn đá trên ngực đã lăn đi xa.
Cũng khoảng tiền sảnh “vùng xanh” hôm tôi đến. Hôm nay là ngày xuất viện của bệnh nhân thứ 57 người Anh sau 21 ngày điều trị. Những ca cách ly trước đó cũng đã được về nhà. Cuộc chia tay diễn ra ngắn ngủi. Không có cái ôm thắm thiết, cái bắt tay thật chặt nào vì vẫn còn những nguyên tắc an toàn. Chiếc bánh kem và bó hoa nhỏ mà vợ chồng người Anh nhờ ai đó chuẩn bị sẵn được trao lại cho một bác sĩ và một điều dưỡng có mặt. Ông bệnh nhân người Anh mắt đỏ hoe nói lời cảm ơn và tạm biệt. Bác sĩ Lê Viết Nhiệm nói vài lời cuối chia tay cùng bệnh nhân người Anh. Rồi ông cùng vợ vội vã bước qua khoảnh sân có hàng dương liễu đứng im lặng lẽ.
Không đủ 12 y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, bảo vệ cùng có mặt cùng chứng kiến sự kiện này. Họ còn đang làm phận sự của mình đâu đó trong “vùng vàng”, “vùng đỏ” với bộ đồ phòng chống dịch nóng bức, vết khẩu trang hằn trên mặt, đôi tay vướng víu trong đôi găng tay bảo vệ chật chội…
Tôi nhớ bác sĩ Nhiệm, hai điều dưỡng viên giúp tôi thay bộ quần áo bảo hộ hôm tôi vừa ra khỏi “vùng đỏ”. “Chỉ cần sơ suất khâu thay đồ bảo hộ thì vi rút sẽ lây lan ra ngoài, bao nhiêu công sức phòng vệ cũng thành công cốc” - một điều dưỡng nhắc lại. Vậy mà một ngày họ phải mặc, thay đến 6 lần để ra vào, làm việc ở “vùng đỏ”. Tôi cũng không được phép có nhiều thời gian để tâm sự cùng họ, bởi ai cũng bận rộn, và nguyên tắc an toàn không cho phép.
Tôi nhẩm tính: bệnh nhân đã âm tính, có thể nay mai sẽ về nước, còn kíp trực này vẫn tiếp tục phải trải qua quy trình cách ly 14 ngày nữa mới được về nhà. Nhưng có thể họ sẽ phải tham gia một nhiệm vụ cấp bách khác nếu tình hình dịch bệnh diễn ra theo chiều hướng xấu… Tôi ngoái nhìn khu cách ly lần cuối, thầm nói lời chia tay với những “chiến binh áo trắng”, mong họ mau trở về nhà.