(eMagazine) - "Lửa" nghề
(eMagazine) - "Lửa" nghề
Nhà báo HỒ DUY LỆ - Nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam: Cuộc sống vốn không bao giờ hết thông tin. Biết bao câu chuyện, phận đời phận người ở đó. Nên người làm báo phải đi, phải lăn lộn ở cơ sở. Khi phóng viên có vốn sống phong phú, kể cả tư liệu quá khứ mới có thể viết hay, mới có thể sáng tạo ra cái mới được. Chưa kể, những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống nếu được phản ánh công khai, nhanh nhạy và rõ ràng bao giờ cũng hấp dẫn bạn đọc.
Tất nhiên, khó khăn của phóng viên báo Đảng hiện nay là áp lực về tin, bài thời sự, phải kịp thời nhưng phải phục vụ đúng sự nghiệp chính trị và bạn đọc, nên đòi hỏi người làm báo phải cẩn trọng trong chắt lọc thông tin. Bởi, mục đích ra đời của tờ báo nhằm cung cấp thông tin cho nhân dân, phản biện xã hội, phải thúc đẩy cho xã hội phát triển. Chính vậy phóng viên phải biết quan sát, nắm bắt những vấn đề nóng của xã hội, phải luôn đặt ra câu hỏi cho các lãnh đạo địa phương về cách giải quyết những vấn đề nóng để định hướng dư luận. Tóm lại, làm báo bây giờ tưởng dễ nhưng rất khó vì có công nghệ thông tin nhưng đừng có lợi dụng công nghệ thông tin mà không đi cơ sở, không bám sát cuộc sống.
Nhà báo LÊ HOÀNG LINH – Nguyên Giám đốc đài PTTH Quảng Nam: Người làm báo hôm nay có nhiều thuận lợi hơn, đặc biệt là công nghệ hỗ trợ rất tốt cho nghề báo, qua đó giúp những người làm báo tiếp nhận thông tin nhanh nhất, thuận lợi nhất và phong phú nhất. Nhưng mặt trái của nó cũng làm cho thông tin dễ bị nhiễu loạn. Nếu không có tư tưởng vững vàng, cái tâm trong sáng, nhà báo không có sự trung thực, không xây dựng trên nền tảng nhân đạo sẽ dễ bị lôi vào vòng xoáy của cơ chế thị trường, biến mình sa đà vào những thông tin không chính thống, thậm chí làm tổn hại uy tín và sự phát triển của xã hội.
Nên người làm báo phải không ngừng rèn luyện và thay đổi tư duy, đồng thời phải có tính nhân văn. Đặc biệt, ngoài trình độ chuyên môn còn phải hiểu biết về công nghệ thông tin, phải có kiến thức về khoa học, kể cả tư tưởng cũng phải vững vàng hơn trước rất nhiều, nếu không rèn luyện sẽ rất dễ bị lôi kéo, sa ngã.
Nhà báo TẤN NGUYÊN – Đại diện Báo Nhân Dân tại Quảng Nam: Với người làm báo ở thời kỳ nào thì vấn đề đạo đức nghề nghiệp vẫn là “hành trang” luôn có và đặt lên hàng đầu. Điều này càng được chú trọng hơn trong thời điểm hiện nay, khi xung quanh nhà báo có khá nhiều cám dỗ. Đặc biệt, với các nhà báo trẻ, nếu họ không có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, không đủ bản lĩnh và không thường xuyên rèn luyện thì dễ có nguy cơ đi chệch hướng, tự đánh mất mình và làm suy giảm niềm tin yêu của bạn đọc.
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi người làm báo không ngừng học tập, tự trau dồi nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ và phông văn hóa nhằm tạo cơ sở nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp. Đây là điều then chốt giúp nhà báo có thể giữ chắc “tay bút” của mình và trở thành một nhà báo, phóng viên đa năng, đáp ứng tiêu chí về xu thế báo chí đa phương tiện”…
Nhà báo NGUYỄN TRUNG HIẾU – Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Lao Động tại miền Trung – Tây Nguyên: Trong thời đại bùng nổ thông tin và cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội như hiện nay đang có xu thế tin giả lấn áp tin thật nên việc khẳng định sự việc có thật hay không phải là báo chí chính thống, nên đòi hỏi thông tin phóng viên cung cấp cho bạn đọc phải nhanh nhạy nhưng chính xác. Nếu phóng viên không chuyên nghiệp thiếu sự sâu sắc, thiếu bình tĩnh sẽ dễ lâm vào việc đưa thông tin giả hoặc chạy theo mạng xã hội. Do đó, cơ quan chức năng cũng phải song hành với phóng viên, phải có người phát ngôn chính thức để định hướng thông tin, đáp ứng cung cấp thông tin chính thống kịp thời, đồng thời phóng viên cũng sẽ có cơ sở kiểm tra nguồn tin chéo để không bị mạng xã hội dắt mũi.
Thực tế, mạng xã hội có cái nguy hiểm là người ta chỉ nhìn sự kiện bằng thiên kiến, quan điểm cá nhân để phản ảnh, thậm chí suy diễn sự kiện, dẫn dắt bạn đọc đi theo sự kiện đó. Đây cũng là vấn đề khó hiện nay nên các phóng viên sẽ phải tỉnh táo phân biệt. Bởi, không ít lần các tờ báo lớn chạy theo thông tin trên mạng xã hội nhưng bị hớ hoàn toàn về thông tin.
Nhà báo NGUYỄN HOÀNG THỌ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm VHTT & Truyền thanh – truyền hình huyện Nam Trà My: Đối với phóng viên vùng miền núi, để tác nghiệp tốt thì đòi hỏi nhiều yếu tố. Đầu tiên phải có sự nhạy bén, am hiểu văn hóa người dân bản địa. Phải biết dấn thân vào công việc bằng cả trái tim và trách nhiệm nghề báo. Mình phải len lỏi vào đời sống đồng bào thì mới có những tác phẩm hay, sinh động. Một yếu tố quan trọng đó là SIÊNG. Phóng viên phải siêng nghĩ, siêng đi, siêng tìm tòi ở nhưng nơi khó khăn mà đồng nghiệp ít đến vì ở đó có rất nhiều đề tài hay và lạ nhưng chưa được phát hiện, khai thác. Cái cuối cùng là phải yêu nghề, có sức khỏe dẻo dai mới thành công trong công việc.
Với thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghệ và phương tiện truyền thông thì đây cũng là lợi thế cho anh em đài huyện. Vì công nghệ thông tin hiện đại giúp ích rất lớn cho việc tác nghiệp, từ ghi hình ảnh chất lượng cao đến việc truyền tải tin, bài ở mọi lúc, mọi nơi. Nhưng để đáp ứng được nhiệm vụ thì đòi hỏi phóng viên phải nỗ lực thường xuyên cập nhật kiến thức, cập nhật công nghệ.
Nhà báo LÊ THỊ DIỄM LỆ - Báo Quảng Nam: Trong thời buổi mạng xã hội phát triển mạnh, mỗi người sử dụng mạng xã hội đều có thể trở thành một người cung cấp thông tin nhanh chóng, đòi hỏi mỗi nhà báo phải bình tĩnh, đủ sáng suốt để phân định đúng, sai của những thông tin được đưa lên mạng xã hội. Đặc biệt, với một phóng viên báo Đảng, tính chính xác của thông tin là hết sức cần thiết và được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, nhà báo nếu khai thác từ nguồn này, phải đi đến tận cùng của sự thật để định hướng thông tin, định hướng dư luận.
Là một nhà báo nữ, sự nỗ lực so với các đồng nghiệp nam là gấp đôi, gấp ba lần thì mới có thể đảm nhiệm được việc “đảm việc nước, giỏi việc nhà”. Điều quan trọng nhất đối với tôi là tôi đã được cơ quan tạo điều kiện thuận lợi; cha mẹ và chồng con hỗ trợ tôi khi thường xuyên phải vắng nhà. Nếu không có những con người đặc biệt quan trọng đó, chưa chắc tôi có thể hoàn thành được nhiệm vụ cơ quan, xã hội, gia đình. Nhiều nhà báo nữ mà tôi biết, họ vì áp lực công việc và gia đình mà phải rẽ theo một lối khác, không thể gắn bó lâu dài với con đường mà họ đã chọn. Nhưng tôi đã gắn bó với con đường này được hơn chục năm qua, và sẽ còn tiếp tục gắn bó bởi đó là nghề, là đam mê tôi đã chọn”.
Nhà báo LÊ TRUNG – Báo Tuổi Trẻ: Trong thời điểm hiện nay, thời đại công nghệ phát triển, xu thế báo chí đa phương tiện phát triển vì vậy sự cạnh tranh thông tin giữa các tờ báo là rất gay gắt. Xu thế bây giờ báo mạng vẫn là ưu tiên hàng đầu, vì vậy đòi hỏi phóng viên, nhất là phóng viên thường trú phải có thông tin độc quyền, thời sự, nhanh, tức thời nhưng phải chính xác. Điều này đặt ra cho nhà báo một áp lực nhưng cũng là động lực. Chính yêu cầu khắt khe này bắt buộc phóng viên thường trú phải tự mình chủ động mở rộng, xây dựng nguồn tin để cung cấp thông tin cho mình. Việc này là cả một quá trình tiếp cận, xây dựng, nguồn thông tin từ chính quyền, cơ quan chức năng và đặc biệt là bạn đọc…
Tạo được sự tin tưởng cho người cung cấp nguồn tin với mình và phải đảm bảo rằng họ được bảo vệ từ phóng viên, tòa soạn thì nhà báo sẽ có những bài viết, tin tức hay đáp ứng nhu cầu thông tin cho bạn đọc”.