(Emagazine) - Nhà thơ Lê Minh Quốc và "mùa xuân đầu tiên"

09/02/2019 04:22

 

(QNO) - Gọi mùa xuân đầu tiên, ấy là khi ngôi nhà nằm sâu trong mấy con hẻm giữa đất Sài Gòn của nhà thơ Lê Minh Quốc có bàn tay vợ nhóm bếp lửa ngày tết; là mùa xuân đầu tiên khi ngôi nhà ấy, rộn tiếng cười con trẻ!

Giới văn nghệ sĩ, khi nhắc đến cái tên Lê Minh Quốc – một người gốc Quảng dễ liên tưởng nhanh đến hình ảnh nhà thơ này cặm cụi viết. Anh viết rất đều đặn, rất khỏe. “Nếu hôm nay bận bịu chi đó, hay… nhậu xỉn quá không viết được, thì nhất định ngày mai phải viết bù. Còn không thì bứt rứt, khó chịu lắm”. Tôi buông ly cà phê, ngó ra dòng người đông ngịt ở ngã tư đường phía trước. Đời viết của anh, cần mẫn như những dòng xe cộ miệt mài ngoài kia, xoay quanh trục mưu sinh. Hơn một lần, anh thừa nhận: “Đời mình, chỉ biết kiếm tiền bằng nghề viết”.

Nhà thơ Lê Minh Quốc là người viết rất chăm chỉ, rất khỏe.
Nhà thơ Lê Minh Quốc là người viết rất chăm chỉ, rất khỏe.

Anh làm thơ, viết báo, viết sách và dường như, ở địa hạt nào cũng thành công. Nhưng hình như anh làm thơ sớm, lại làm nhiều nhất trong …“các thể loại viết” nên người ta gọi anh là nhà thơ!

Cuốn đầu tay là tập thơ “Trong cõi chiêm bao” được Nhà xuất bản trẻ ấn hành năm 1989. Và cho đến nay, anh đã in 11 tập thơ! Nhưng cũng đừng quên rằng, anh còn là tác giả của 6 cuốn tiểu thuyết, 14 cuốn tùy bút và 8 cuốn biên khảo. Có thống kê vui rằng, kể từ khi in cuốn đầu tiên năm vào 1989, thì trong suốt 30 năm qua, trung bình mỗi năm anh in một cuốn sách. Nên mới có chuyện vui, là người ta ví von anh là gã lực điền trên cánh đồng chữ nghĩa.

“Viết nhiều như thế, hẳn anh là bậc thầy sắp xếp thời gian?”.

Anh nhìn ra phía ngã tư: “Trong một ngày, quãng thời gian của mỗi người như nhau. Cái quan trọng nắm được nhịp đồng hồ sinh học của mỗi người. Về việc này, chỉ chính bản thân chúng ta tìm ra mà thôi, không thể trông cậy ai tìm giúp được”. Anh nói điều đó, vì cho rằng “đồng hồ sinh học” quyết định nhiều đến hiệu quả viết. Và của anh, đó là từ 5g sáng đến 9g sáng, anh tận dụng nó triệt để. “Chỉ khi nào viết trong thời gian này, mình mới “đã” được. Còn viết ngoài quãng thời gian đó, chẳng khác gì một cực hình mà chỉ khi nào cần thiết nhất, mình mới ngồi viết, còn không thì nhất quyết không” - nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ.

“Viết, nhất là làm thơ, rất cần cảm xúc?”. Anh thẳng thắn: “Nhưng đó phải là cảm xúc thực của mình, chứ không phải vay mượn này nọ. Ai tôi không biết, chứ tôi ghét nhất là mượn cái này cái kia để có cảm xúc, nhất là bia rượu. Nếu lỡ uống, tôi sẽ không viết, mà để hôm sau viết bù. Bởi viết lúc đó, là cảm xúc của bia rượu chớ không phải cảm xúc của mình. Nghĩa là nó không thực, nó rất tầm bậy, rất tào lao. Tôi cũng đôi lần viết như vậy, và khi tỉnh dậy, thấy tào lao thiệt, nên bỏ hẳn”.

Để có bút lực dồi dào, ngoài đi, nhà thơ Lê Minh Quốc rất hay đọc sách.
Để có bút lực dồi dào, ngoài đi, nhà thơ Lê Minh Quốc rất hay đọc sách.

Nhà thơ Lê Minh Quốc cũng cho rằng suy nghĩ thi sĩ cần bia rượu để có cảm xúc là ngụy biện, là giả tạo. Tất nhiên, anh cũng thừa nhận trên thực tế có không ít tác phẩm trở nên nổi tiếng nhờ cảm xúc. Nhưng anh cho rằng vin vào các khác để tạo cảm xúc sẽ không đi đường dài được và… rất trẻ con! Anh lấy ví dụ một đại văn hào như Victor Hugo mà cũng nói rằng cảm xúc chỉ chiếm 1% sự thành công, còn lại là thành quả của quá trình lao động miệt mài. Chính những gì mà người viết đã thực trải qua, mới cho cảm xúc rất thật được. Và bản thân người viết phải đi nhiều để có sự trải nghiệm, đọc nhiều để có sự liên tưởng. Có như vậy, mới viết nên tác phẩm chất lượng.

Vì không đi vay hay vin vào điều khác để có cảm xúc, nên cảm xúc qua những con chữ của Lê Minh Quốc rất thực, rất hồn. Cũng bởi lẽ đó, mà sách anh viết, ngay cả viết biên khảo, tư liệu cũng rất dễ “lấy lòng” người đọc. Một phần, cũng vì anh ghét đào sâu vào thứ ngôn ngữ hàn lâm, mà sử dụng những từ ngữ, góc nhìn rất gần với đời sống thường nhật. Có cảm giác, đây là một câu chuyện khá thú vị và rất cần nhiều thời gian để đào sâu hơn vào dịp khác. “Nên chúng ta nói về sách và báo tết” - tôi đề nghị.

Bìa “Sách tết Kỷ Hợi 2019”
Bìa “Sách tết Kỷ Hợi 2019”

“Là cuốn “Sách tết Kỷ Hợi 2019” mới được phát hành do Đông A Books và NXB Văn học hợp tác xuất bản. Xuất bản cuốn sách tết là một trong những sự kiện nổi bật của ngành xuất bản năm nay. Anh còn cho rằng, cuốn sách đó là một tín hiệu mới, là một sự trở lại của một loại sách đã có trên tủ sách ở Việt Nam hơn 50 năm trước.

Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng sự trở lại của sách tết là sự trở lại của một nét văn hóa rất đẹp, có từ hơn 50 năm trước.
Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng sự trở lại của sách tết là sự trở lại của một nét văn hóa rất đẹp, có từ hơn 50 năm trước.

Những năm đó, làm sách xuân, sách tết như một ấn phẩm chất lượng về nội dung, hình thức đẹp, trình bày công phu… nên được tặng nhau như món quà quý trong dịp tết. Nên anh mong rằng, các nhà xuất bản sẽ thực hiện loại sách tết này, để được trở loại nếp văn hóa của chúng ta như đã có. Nhà thơ Lê Minh Quốc cũng cho rằng, sách tết ngoài làm phong phú trở lại văn hóa đọc, thì sách tết không bị áp lực của thời cuộc hay những yếu tố nào đó chi phối (như quảng cáo chẳng hạn) như báo tết.

“Đã thấy được cái khác nhau giữa sách và báo tết. Vậy anh có quan sát như thế nào về báo tết suốt dặm dài nhiều chục năm qua?” - Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng trải qua nhiều năm, thì ngoài tinh tuyển những bài vở chất lượng, thì báo tết đã có sự cải tiết để đẹp hơn về mặt hình thức, để “biến” nó thành món quà tặng nhau ngày tết. Để thấy rằng, cái ý thức của người Việt nói chung, cũng có sự thay đổi. “Mỗi dịp tết, ngoài tặng nhau những món quà có ý nghĩa về vật chất, thì sách tết và báo tết là món quà có ý nghĩa về mặt tinh thần, đời sống văn hóa…”.

Đồng thời, nhà thơ xứ Quảng cũng cho rằng đó là cách để khơi dậy văn hóa đọc, để tiếp cận một nét văn hóa đẹp. Tuy vậy, anh cũng nhìn nhận, để làm việc đó thật “khó thở”. Bởi chỉ khi nào, đời sống người dân thật sự được nâng cao, thì những điều vừa nói, những điều mong muốn ở trên mới trở thành sự thật. Còn khi đời sống vật chất còn eo hẹp, thì ngày tết, điều người ta nghĩ tới chỉ là rượu thịt, bánh trái… mà thôi.

Ít ai biết rằng, ngoài viết, thì Lê Minh Quốc cũng có biệt tài vẽ.
Ít ai biết rằng, ngoài viết, thì Lê Minh Quốc cũng thường xuyên cầm cọ.

Sách và báo tết giúp chạm tới một nét văn hóa đẹp mà nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ, là một nếp nghĩ đẹp, của một người cầm bút dạn dày. Anh bảo, tầm mười năm trước, người ta gọi anh là “ông vua báo tết” khi mà hầu như tất cả đầu báo ở Việt Nam đều đăng bài anh ở giai phẩm xuân. “Mình sống bằng nghề viết. Báo tết trả nhuận bút cao hơn, nên mình viết nhiều để kiếm tiền tết về quê lì xì cho con cháu. Hồi đó, nói thẳng ra là viết vì tiền, viết để kiếm tiền, vì mình cần tiền” - anh thẳng thắn.

Anh và con trước bức vẽ tặng con.
Anh và con trước bức vẽ tặng con.

Còn bây giờ, cái động lực báo viết báo tết của anh thay đổi, không vì cần tiền như trước nước, mà ở chỗ cái tình, cái nghĩa. “Mình không tự viết. Nhưng anh em đặt bài là mình viết. Hồi xưa mình khó khăn nhờ anh em, nay anh em nhờ lại thì mình viết thôi. Còn năm nay, mình viết khoảng 20 tờ báo tết” - anh cho biết. Là một người lấy con chữ để mưu sinh, nên anh không ngần ngại tính toán rằng, hồi xưa mỗi chữ được khoảng 1.000 đồng, còn bây giờ thì 2-4 chữ mới được 1.000 đồng, đó là chưa nói giá trị đồng tiền bây giờ nhỏ hơn hồi xưa nhiều.

Song, anh cũng thừa nhận rằng, viết đối với mình như một cái nghiệp.

Năm 2018, giới viết lách nói chung, việc Lê Minh Quốc cưới vợ rồi sinh con ở tuổi 59 như một sự-kiện-nổi-bật. Cuối năm ngồi cà kê với nhau, anh bảo rằng khi có con, người ta chính thức bước qua một thế giới khác về tình yêu. “Lấy ví dụ như thế này, khi mình yêu và chia tay cô A, rồi yêu cô B, thì cảm xúc nó trở lại như cũ chứ không mới. Nhưng với con là một thế giới hoàn toàn khác, nó rất tinh khôi, nó rất ban mai và rất trong trẻo, bởi vì, mình tiếp xúc một sinh linh mới chào đời” - anh xúc động.

Và anh cũng cho rằng, những đứa trẻ tiếp theo ra đời, cũng sẽ mang đến những các xúc mới, cảm xúc tinh khôi, cảm xúc trong trẻo như ban đầu. Bởi vì, mỗi đứa trẻ sinh ra là một phần hình hài, máu thịt của mình, tạo ra sự sống mới. Anh quả quyết rằng, chỉ có đứa trẻ mới có được quyền năng biến người lớn thành trẻ con như nó. Nghĩa là, người lớn phải bắt đầu trò chuyện với đứa trẻ như một… đứa trẻ. Rất nhiều lần trong cuộc nói chuyện chiều cuối năm, anh bảo rằng mình làm điều đó không chán. “Trò chuyện ngày này qua tháng nọ/ bao giờ cũng mới, cũng ban mai/ là lúc bi bô làm con trẻ/ với thiên thần be bé ẵm trong tay”.

Thời gian của anh bây giờ là danh cho con.
Thời gian của anh bây giờ là danh cho con.

Anh nói trò chuyện với trẻ con, mà cụ thể là con anh không chán, là vì khi nói chuyện với trẻ như nói chuyện với chính mình. Nhưng không phải là độc thoại, mà là đối thoại, với tâm tính. Một ngày của anh bây giờ, gần như dành hết cho con. Sáng - loay hoay tắm rửa. Trưa - xong việc lo cơm nước. Chiều, rồi tối cũng vậy, cũng dành hết cho con. Thiên thần bé nhỏ ấy, bây giờ là hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng anh, nên anh “cho” vợ nghỉ làm 3 năm “vì bé cần được mẹ chở che. Và bé cần được nói chuyện với người lớn nhiều hơn” - anh tâm sự.

“Con cái là hạnh phúc cuối cùng” anh tâm sự.
“Con cái là hạnh phúc cuối cùng” anh tâm sự.

Tôi hỏi: “Anh ước mơ con mình sau này như thế nào?”. Anh cười: “Nhìn con khỏe mạnh là mình vui rồi”. Và cũng bày tỏ, ước mơ về con cái của mỗi người sẽ thay đổi theo hoàn cảnh. Như hồi chưa có vợ, sẽ nghĩ cưới vợ, vợ sẽ sinh con, và con sẽ trở thành người nổi tiếng. Anh khi có vợ, vợ vô phòng sinh, ước mong lớn nhất chỉ gói gọi trong bốn chữ “mẹ tròn con vuông”. Rồi bây giờ khi con đã chào đời, chỉ mong con khỏe mạnh mà thôi.

Căn nhà của nhà thơ Lê Minh Quốc bây giờ có nếp nhà rất đẹp.
Căn nhà của nhà thơ Lê Minh Quốc bây giờ có nếp nhà rất đẹp.

Và từ ngày có vợ và con, tâm hồn của Lê Minh Quốc dường như được “trẻ hóa”. Những bài anh viết, trừ biên khảo hay tư liệu, gần như đều lấy con làm chủ đề, làm cảm hứng. Và anh làm hẳn một nhật ký bằng thơ - tạp bút cho con. Anh khoe, ngày 1.6 năm nay, Nhà xuất bản Văn Nghệ sẽ in tập “Chào thế giới bây giờ con đã đến”. “Ban đầu mình định in ngày 9.9 vì ngày đó là thôi nôi con, nhưng NXB muốn in nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6. Sách viết về trẻ, về thiếu nhi, là tâm tình của người làm cha, làm mẹ với hai thể loại là thơ và tạp bút. Tất cả đều được viết trong thời gian bé chào đời đến nay” - anh cho hay.

Chân dung nhà thơ Lê Minh Quốc.
Chân dung nhà thơ Lê Minh Quốc.

Hẳn đó sẽ cuốn sách với những cảm xúc rất mới, như một mùa xuân đầu tiên, rất tinh khôi đến với căn nhà của gia đình anh giữa đất Sài Gòn. Mùa xuân đầu tiên nhà thơ Lê Minh Quốc đắm chìm trong ánh cười ấm áp của vợ, mùa xuân đầu tiên nhà thơ Lê Minh Quốc ngập tràn hạnh phúc trong tiếng bi bô của con trẻ.