Hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện: Ghi nhận từ cơ sở...

HÀN GIANG 12/10/2023 07:56

Đi vào hoạt động từ ngày 1/6/2023, các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là nâng chất lượng công tác bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho các đối tượng.

Trung tâm Chính trị huyện Đại Lộc khai giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới (khóa II) vào sáng 10/10/2023. Ảnh: P.V
Trung tâm Chính trị huyện Đại Lộc khai giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới (khóa II) vào sáng 10/10/2023. Ảnh: P.V

Thực hiện Đề án số 15 ngày 25/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trừ huyện Nông Sơn và Hiệp Đức nằm trong dự kiến sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện giai đoạn 2023 - 2025, còn lại 16 địa phương của tỉnh đã thành lập Trung tâm Chính trị cấp huyện.

Nhiều phản hồi tốt

Sau khi có quyết định thành lập, Trung tâm Chính trị huyện Tiên Phước ban hành kế hoạch hoạt động, quy chế làm việc, Quy chế đào tạo bồi dưỡng, tập trung công tác mở lớp.

Bà Trần Thị Thu Ba - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Tiên Phước cho biết, cơ sở vật chất của trung tâm mới được xây dựng. Còn thiếu 2 biên chế, song nhờ giảng viên kiêm nhiệm tích cực nên không gặp khó khăn về đội ngũ giảng dạy.

Đến nay trung tâm đã mở 4 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; nghiệp vụ cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở; bồi dưỡng chuyên đề tôn giáo và chính sách tôn giáo; kiến thức quốc phòng, với tổng cộng 192 học viên tham gia.

Ngoài ra, giảng viên trung tâm phối hợp với các cơ quan liên quan, tham gia truyền đạt nội dung các chuyên đề cho 3 lớp bồi dưỡng chính trị hè với 1.116 cán bộ, giáo viên, nhân viên 3 cấp học trên địa bàn huyện.

“Trong quá trình mở lớp, đội ngũ báo cáo viên, giảng viên của trung tâm chú trọng nghiên cứu tài liệu, soạn giảng giáo án điện tử, cập nhật thông tin từ các trang thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương… từ đó giúp nâng chất lượng giảng dạy, nhận được phản hồi tốt từ học viên. Chế độ hỗ trợ cho học viên là cán bộ chi tổ hội, tổ đoàn kết ở thôn/khối phố không có nên khó khăn trong việc triệu tập các lớp bồi dưỡng” - bà Trần Thị Thu Ba chia sẻ.

Trung tâm Chính trị huyện Núi Thành tiếp nhận cơ sở vật chất từ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện trước đây, được cải tạo sửa chữa, góp phần đảm bảo hoạt động.

Theo ông Đoàn Xuân Quang - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, kiêm Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Núi Thành, trung tâm được bố trí 2 biên chế, chưa có phó giám đốc. Công tác giảng dạy hiện nay ổn định.

Tuy nhiên, việc chi chế độ cho người học áp dụng theo Thông tư số 36 ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính chỉ dừng lại ở cán bộ công chức, viên chức; trong khi đó, đối tượng rất cần chi chế độ là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn khi tham gia các lớp bồi dưỡng.

Theo tìm hiểu, Trung tâm Chính trị huyện Đại Lộc chưa có cơ sở riêng, khi mở lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ thì phải mượn hội trường Huyện ủy.

Dù vậy, theo nhìn nhận của một cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm nên bao quát các công việc có liên quan. Đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm là lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể huyện nên có nhiều kinh nghiệm đứng lớp.

Những vướng mắc…

Tại Thông báo kết luận số 528 ngày 21/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trung tâm Chính trị cấp huyện có không quá 4 biên chế, bao gồm giám đốc do Trưởng ban Tuyên giáo kiêm nhiệm; 1 phó giám đốc; giảng viên chuyên trách và kế toán.

Song nhiều Trung tâm Chính trị cấp huyện đều đang thiếu biên chế, chỉ dao động 2 - 3 biên chế. Có trung tâm chưa có biên chế, chỉ có 1 giám đốc là Trưởng ban Tuyên giáo kiêm nhiệm (Đại Lộc); 5 huyện chưa có phó giám đốc; 7 huyện chưa có giảng viên chuyên trách; 13/16 huyện kế toán kiêm nhiệm.

Theo khảo sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhiều Trung tâm Chính trị cấp huyện chưa có trụ sở làm việc riêng. Có Trung tâm Chính trị cấp huyện tuy có khuôn viên, trụ sở làm việc độc lập nhưng đã xuống cấp, cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa; chưa có một số công trình, hạng mục như thư viện, phòng ở học viên…

Soi chiếu Nghị quyết 11 ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh về Quy định hỗ trợ và mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh và tại Thông tư số 36 ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính không nêu định mức và điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; thôn/khối phố trong tập huấn, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ.

Do đó, Trung tâm Chính trị cấp huyện gặp khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách cho học viên. Việc thực hiện chế độ hỗ trợ cho học viên là người hoạt động không chuyên trách khi tham gia tập huấn, bồi dưỡng tại các trung tâm chưa thống nhất; có huyện không chi hỗ trợ; một số huyện chi hỗ trợ nhưng mức chi khác nhau (từ 40 - 100 nghìn đồng/người).

Nhằm giải quyết những vướng mắc trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy huyện thực hiện nghiêm Thông báo kết luận 528 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy định biên chế; bố trí, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Chính trị cấp huyện.

Về chế độ hỗ trợ cho học viên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Sở Tài chính có văn bản quy định về mức chi hỗ trợ cho các đối tượng là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn/khối phố trong thời gian tham gia các lớp bồi dưỡng tập trung tại cơ sở đào tạo, gồm chi phí đi lại và thuê chỗ ở; có văn bản hướng dẫn chế độ phụ cấp kiêm đối với kế toán trung tâm.

HÀN GIANG