Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: "Không để người dân chờ đợi!"

THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN 11/10/2023 07:35

Tiếp xúc cử tri các xã vùng cao huyện Phước Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận định, diện mạo vùng cao đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên hậu quả từ thiên tai, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn quá lớn. Ghi nhận những ý kiến của cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo tỉnh, huyện tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm, đẩy nhanh việc tái thiết, sớm ổn định và nâng cao đời sống đồng bào.

Thông qua chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gửi tặng 20 suất quà hỗ trợ đồng bào khó khăn xã Phước Lộc và Phước Kim. Ảnh: T.C
Thông qua chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gửi tặng 20 suất quà hỗ trợ đồng bào khó khăn xã Phước Lộc và Phước Kim. Ảnh: T.C

Khẩn trương khôi phục hạ tầng

Sắp tròn 3 năm sau đợt thiên tai kinh hoàng đổ xuống Phước Sơn năm 2020, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các tuyến giao thông đi xã Phước Thành, Phước Lộc vẫn còn ngổn ngang, hư hại. Cử tri mong mỏi chính quyền đẩy nhanh tiến độ khôi phục hạ tầng giao thông cho người dân ở vùng cao.

Cử tri Hồ Văn Nươn - Trưởng thôn 3 (xã Phước Thành) nói, tuyến ĐH1 (nối Phước Kim - Phước Thành) bị tàn phá nặng nề sau thiên tai. Tuy nhiên, hiện tại công tác thi công sửa chữa rất chậm.

“Đề nghị các cấp quan tâm chỉ đạo, yêu cầu khắc phục sớm cho bà con để tiện đi lại. Trước đây cử tri được biết sẽ mở đường quốc phòng nối Phước Thành (Phước Sơn) - Trà Leng (Nam Trà My), tạo điều kiện cho nhân dân trao đổi hàng hóa, đi lại.

Tuy nhiên chủ trương này đã bị dừng, bà con rất mong chờ tuyến đường này được mở để xóa thế cô lập của Phước Thành, tạo điều kiện giao thương cho dân” - ông Hồ Văn Nươn nói.

Cử tri Hồ Văn Keo - Bí thư Chi bộ thôn 4 (xã Phước Thành) cho hay, đời sống của bà con miền núi Phước Sơn còn nhiều khó khăn, chủ yếu sống bằng trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên mặt hàng của bà con chưa có thị trường tiêu thụ.

“Chúng tôi rất mong có chính sách cụ thể hơn, tạo điều kiện thu mua nông sản của bà con, giúp bà con có thêm thu nhập, kiếm được tiền từ nông sản của mình làm ra, không bị ép giá” - ông Keo nói.

Trả lời kiến nghị cử tri, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, thiên tai năm 2020 khiến Phước Sơn thiệt hại nặng nề về người và hạ tầng. Tính riêng thiệt hại hạ tầng lên đến hơn 800 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2021, huyện đã tập trung khắc phục hạ tầng thiết yếu gồm trạm y tế, cơ sở giáo dục, trường học, cầu cống kết nối các thôn, công trình nước sạch, điện sinh hoạt...

Hiện nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, đặc biệt đã có 6 khu tái định cư, cơ bản giúp người dân có nhà ở ổn định. Cuộc sống từng bước trở lại bình thường sau thiên tai và dịch bệnh COVID-19.

“Các tuyến đường huyện ĐH1, ĐH2, ĐH5 đang được tập trung đầu tư khôi phục. Huyện và chủ đầu tư cũng rất sốt ruột, rất chia sẻ với khó khăn của đồng bào, thường xuyên làm việc để đôn đốc tiến độ thi công.

Hiện nay cơ bản các công trình trên tuyến như cống qua đường, mố cầu, ta luy dương có nguy cơ sạt lở đã được tập trung khắc phục xây dựng. Huyện đã dừng một số công trình đầu tư chưa cấp bách, trong đó có trụ sở làm việc UBND huyện” - ông Trung nói.

Đối với tuyến đường Phước Thành - Trà Leng, ông Trung cho hay, công trình có thể tác động đến 40ha rừng tự nhiên của 2 xã Phước Thành và Trà Leng nên HĐND tỉnh đã quyết định dừng chủ trương này.

Làm phải dứt điểm

Chia sẻ với những khó khăn của bà con vùng cao Phước Sơn hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những nỗ lực của địa phương, tỉnh trong việc chăm lo đời sống của bà con, đầu tư tái thiết hạ tầng thời gian qua.

“Mặc dù đã làm được nhiều việc, song do tác động của dịch COVID-19, tình hình biến động liên quan giá cả vật liệu xây dựng, một số công trình được Trung ương quan tâm, HĐND tỉnh quyết tâm bố trí kinh phí nhưng thi công chậm.

Một số công trình phòng chống sạt lở, tái định cư đến nay chưa được như mong muốn, ảnh hưởng đến đời sống bà con. Vấn đề này, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ có ý kiến với cơ quan có liên quan để khắc phục hậu quả.

Qua báo cáo, tỉnh cũng đang tập trung cho chủ trương này, bố trí vốn rất lớn. Đề nghị địa phương tập trung dứt điểm cho từng hạng mục, từng công trình. Làm gì phải làm dứt điểm, không báo công trình nhiều để bà con chờ đợi. Cái gì đụng đến rừng, phải quy hoạch lại thì cần tính toán” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.

Liên quan đến các kiến nghị của cử tri về sinh kế, đầu ra nông sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, Quốc hội cũng đang xem xét hoàn thiện các chính sách cho miền núi, đồng thời thực hiện giám sát các chương trình mục tiêu ở khu vực này, làm sao để gỡ vướng, tạo được động lực phát triển.

Trước mắt bà con cần đồng hành, phát huy vai trò chủ lực trong giữ rừng, giữ hệ sinh thái. Văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là văn hóa tôn trọng môi trường sống, văn hóa giữ rừng. Phải thay đổi các tập tục lạc hậu, tập trung trồng rừng và giữ rừng, từ đó sống được nhờ rừng. Quốc hội cũng sẽ tiếp tục có những quyết sách mạnh mẽ để quyết tâm bảo vệ rừng.

“Thường vụ Quốc hội đang chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, sẽ tiếp tục đề xuất điều chỉnh, xem xét ra nghị quyết riêng về việc phân cấp trách nhiệm cho địa phương về các chương trình mục tiêu.

Quốc hội sẽ ghi nhận một số kiến nghị của bà con, chính sách nào cho miền núi dài hạn, hợp lý như chính sách giáo dục, y tế cần duy trì để bà con thoát nghèo bền vững, không chạy theo thành tích nhưng cũng tránh tạo tư tưởng ỷ lại. Các chính sách phải tạo sự ổn định lâu dài” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN