Công tác cán bộ, biên chế của Đoàn gặp nhiều khó khăn
(QNO) - Chủ trì hội nghị giao ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội quý III/2023 vào chiều 26/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị Ban Dân vận, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sớm tổng hợp báo cáo, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy tháo gỡ những khó khăn liên quan đến bộ máy, biên chế của một số tổ chức chính trị - xã hội, nhất là đối với tổ chức đoàn các cấp trong tỉnh.
Chủ động nắm bắt tình hình nhân dân
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung báo cáo về tình hình nhân dân và những kết quả hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2023.
Về tình hình nhân dân, bên cạnh kết quả, nổi lên là hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp, hợp tác xã; tình hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của người dân… gặp khó khăn, ảnh hưởng thu nhập của nông dân, người lao động, hội viên.
Cùng với đó là tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, tín dụng đen có chiều hướng gia tăng. Tình trạng quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội; giá cả hàng tiêu dùng, giá điện và giá xăng dầu tăng cao, các vấn đề về an toàn thực phẩm… chưa có biện pháp quản lý tốt gây lo lắng trong nhân dân.
Trong 9 tháng đầu năm, hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, xây dựng Đảng, chính quyền và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng ghi nhận kết quả và những đóng góp của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, nhiều tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức thành công đại hội các cấp, qua đó củng cố, xây dựng tổ chức đi vào hoạt động tốt.
Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước với nhiều cách làm khác nhau, nổi bật là các hoạt động hướng về người nghèo, yếu thế, chia sẻ và giúp đỡ, động viên đoàn viên, hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đóng góp thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy chương trình OCOP, phong trào khởi nghiệp, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa…
Đồng chí Lê Văn Dũng nhấn mạnh, chỉ còn 3 tháng nữa kết thúc năm 2023, do đó Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cần ra soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 để tập trung thực hiện, hoàn thành đạt kết quả tốt.
Đặc biệt, cần tập trung theo dõi, nắm bắt tình hình nhân dân; tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến và chia sẻ với những khó khăn của nhân dân, qua đó góp phần củng cố khối đoàn kết, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị từ nay đến cuối năm.
Xem xét tổ chức thi tuyển, bổ sung biên chế cho Đoàn
Bên cạnh kết quả, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cũng nêu lên một số vấn đề khó khăn để các đại biểu thảo luận, đề xuất giải pháp thực hiện.
Đó là thực trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm gây bức xúc trong nhân dân. Những hệ lụy từ tình trạng khiếu kiện, khiếu nại đông người, vượt cấp dễ phát sinh điểm nóng thời gian đến. Tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, tội phạm có chiều hướng gia tăng; tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn chậm…
Cạnh đó là khó khăn trong một bộ phận người dân liên quan đến chủ trương “tàu 67”; tình hình thực hiện, giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia; công tác xây dựng tổ chức, bộ máy của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội; công tác lãnh đạo của Đảng với hoạt động Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội...
Trong nhiều vấn đề được báo cáo, nổi lên là công tác tổ chức bộ máy, biên chế của một số tổ chức chính trị - xã hội, nhất đối với đoàn thanh niên cấp tỉnh, huyện. Theo Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh, đến nay Tỉnh đoàn và nhiều đơn vị cấp huyện khuyết chức danh Phó bí thư đoàn nhiệm kỳ 2022 - 2027, dù đại hội đã diễn ra từ năm 2022. Một số huyện khi điều động cán bộ đoàn không thông báo với Tỉnh đoàn; chưa thực sự quan tâm đến tổ chức, bộ máy hoạt động của đoàn…
Ngoài ra, hoạt động đoàn tại các đơn vị lực lượng vũ trang có nhiều thay đổi về bộ máy, tổ chức… Chẳng hạn như Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập phòng, đến nay không còn chức danh Bí thư Đoàn.
Đặc biệt là tình trạng thiếu biên chế kéo dài tại cơ quan Tỉnh đoàn và nhiều đơn vị cấp huyện. Hiện nay, Tỉnh đoàn được giao 33 biên chế nhưng con người hiện có chỉ 21; trừ một số vị trí kế toán, văn thư…, nhiều lúc Tỉnh đoàn chỉ có 10 người làm việc vì một số phải đi học, nghỉ thai sản…
“Vừa qua, Tỉnh đoàn thông báo về tiếp nhận công chức, tiếp nhận vào làm công chức tại cơ quan nhưng đến nay chưa thấy một hồ sơ nào đăng ký” - chị Thanh chia sẻ.
Phó Bí thư Thường trực Lê Văn Dũng đề nghị Tỉnh đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội báo cáo cụ thể thực trạng bộ máy, tình hình biên chế về Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tổ chức tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo.
Ban Dân vận Tỉnh ủy xem xét thành lập đoàn công tác làm việc với cấp ủy một số địa phương để xem xét, đánh giá những vướng mắc, khó khăn về tổ chức bộ máy, về vai trò lãnh đạo của cấp ủy với các tổ chức CT-XH.
Đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị, sau khi Tỉnh đoàn thống kê cụ thể, Ban Tổ chức Tỉnh ủy xem xét báo cáo Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về việc tổ chức một đợt thi tuyển riêng đối với biên chế của tổ chức đoàn trong toàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cũng đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt trong toàn Đảng bộ các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng liên quan đến Mặt trận, các tổ chức CT-XH nhằm nâng cao nhận thức, hành động của các cấp ủy.
Đề nghị Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh nắm bắt, tổng hợp báo cáo các vấn đề liên quan đến "tàu 67" để Đoàn ĐBQH có ý kiến, báo cáo, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ những khó khăn của nhân dân.