Đồng hành giúp dân thoát nghèo
Bằng sự đồng hành của cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Giang, sau thời gian triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp nhiều hộ đồng bào Cơ Tu thoát nghèo bền vững. Đây được xem là tín hiệu lạc quan trong hành trình cùng người dân phát triển, ổn định cuộc sống cộng đồng miền núi.
Trợ lực thoát nghèo
Từ một hộ khó khăn, năm 2014, vợ chồng chị Bríu Thị Bích (ở thôn Nal, xã Lăng) được chính quyền địa phương và cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Tây Giang động viên vay vốn để phát triển kinh tế. Nhưng, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên lúc đầu vợ chồng chị Bích không dám đăng ký vay vốn vì “sợ chăn nuôi không được, thua lỗ, không có gì để trả nợ”.
Thực hiện Nghị định 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, từ năm 2022 đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang giải ngân cho các hộ vay trên địa bàn huyện hơn 28 tỷ đồng. Các nguồn vốn này đã hỗ trợ 701 hộ nghèo vay sửa chữa nhà ở đảm bảo “3 cứng” trước mùa mưa, tạo điều kiện giúp an cư lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo…
Nắm bắt tâm lý e ngại của một bộ phận người dân địa phương, về sau, các cán bộ của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp đến các thôn, bản để hướng dẫn, tuyên truyền và động viên người dân tham gia vay vốn, mở hướng thoát nghèo.
“Được sự chỉ dẫn của cán bộ ngân hàng, trong năm 2014, vợ chồng tôi vay 50 triệu đồng để trồng keo và mua 2 con bò giống sinh sản, rồi cùng nhau làm chuồng trại. Sau 4 năm chăm sóc, 2 bò giống cho thêm 5 con bê con. Đầu năm 2020, gia đình tôi bán 2 con trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục xin vay 100 triệu đồng nữa để trồng mới 4ha cây keo” - chị Bích chia sẻ.
Tiếp tục quay vòng, đến nay gia đình chị Bích đã có đàn bò 14 con, cùng 4ha keo đang thời kỳ thu hoạch.
Chăm chỉ làm ăn, phát triển mô hình kinh tế trang trại, chỉ sau gần 10 năm, từ hộ nghèo khó, vợ chồng chị Bích đã có thu nhập ổn định hằng tháng, có tiền gửi tiết kiệm, trở thành hộ gia đình tiêu biểu trong câu chuyện vươn lên thoát nghèo và giúp đỡ cộng đồng địa phương.
Bríu Thị Bích chỉ là một trong số rất nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang thoát nghèo nhờ vốn vay trợ lực từ Ngân hàng CHSX trong phát triển kinh tế - xã hội miền núi.
Bằng tinh thần chịu khó, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích đã giúp nhiều hộ dân nhanh chóng “đổi đời”, tiếp tục làm cầu nối cho vùng cao phát triển. Đơn cử như hộ Ating Quý, Ating Thị Vai, Huỳnh Thị Aléo (thôn Aréc, xã A Vương); Zơrâm Bhéh (thôn Agríh, xã A Xan); Abing Dưới (thôn Tr’Lêê, xã A Tiêng); Cơlâu Thái Ngọc (thôn Pơr’ning, xã Lăng);…
Nâng cao chất lượng vốn vay
Xác định chất lượng vốn vay tại cơ sở là “cầu nối” trong việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, thời gian qua, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch cho vay đúng đối tượng, đúng mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả chính sách ưu đãi cho đồng bào miền núi.
Ông Vũ Định - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang cho biết, từ mục tiêu trên, những năm gần đây, các hội đoàn thể ở địa phương đã xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn hiệu quả, cùng ngân hàng chuyển tải nguồn vốn đến tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, đảm bảo công khai, dân chủ.
Đồng thời phát huy vai trò trưởng thôn tham gia chứng kiến việc bình xét đối tượng cho vay từ cơ sở; trong đó giám sát quá trình sử dụng vốn của người vay, phối hợp hội đoàn thể, tổ tiết kiệm vốn vay vốn...
Theo ông Định, từ việc huy động sức mạnh tập thể đã giúp công tác hỗ trợ vay vốn đạt kết quả đáng khích lệ. Đây được xem là cách làm mới, vừa tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng theo nhu cầu phát triển, vừa giúp nâng cao chất lượng nguồn vốn tại địa phương.
“Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ đạt hơn 246,7 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh số cho vay 9 tháng đầu năm đạt gần 66,7 tỷ đồng và tổng doanh số thu nợ hơn 23,1 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi huy động tiền gửi dân cư, tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt 102,5% kế hoạch giao tăng trưởng năm 2023” - ông Định cho biết.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Arất Blúi nói, không chỉ hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững, các chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH còn giúp địa phương trong việc góp sức vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Bằng việc nâng cao chất lượng vốn vay tại cơ sở, thời gian qua, đã có hàng nghìn hộ dân địa phương được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, tạo sinh kế để thoát nghèo, ổn định cuộc sống.