Hiệp Đức chăm lo, bảo vệ trẻ em
Bên cạnh việc đầu tư, chăm lo, phát triển thế hệ trẻ, huyện Hiệp Đức quan tâm, có nhiều giải pháp để bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em.
Thực trạng đáng lo
Bạo hành trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đang trở thành vấn đề nan giải của xã hội, cần có sự quan tâm của cộng đồng. Trong thời gian qua, các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp, gia tăng về số lượng.
Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã khởi tố 13 vụ/15 bị can tội phạm xâm hại tình dục, chủ yếu tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Tại huyện Hiệp Đức, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 1 vụ dâm ô, 2 vụ hiếp dâm trẻ em và 1 vụ hiếp dâm người chưa đủ 18 tuổi. Điển hình, vào tháng 4/2023, TAND tỉnh Quảng Nam đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo L.Q.T.D. (40 tuổi, ở thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) 13 năm tù về tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.
Theo cáo trạng, đầu năm 2020, T.D. có quan hệ tình cảm với chị N.T.L. (43 tuổi, ở huyện Hiệp Đức). Sau đó, T.D. về chung sống như vợ chồng với chị L. cùng N.H.Y. (14 tuổi, con gái riêng của chị L.) tại nhà chị L. ở Hiệp Đức. Ngày 26/4/2022, chị L. bị bệnh nên đến một bệnh viện ở TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) điều trị dài ngày.
Lợi dụng việc chị L. vắng nhà, khuya 3/5/2022, T.D. vào phòng ngủ của H.Y. thực hiện hành vi sàm sỡ, sờ soạng cơ thể H.Y. Quá hoảng sợ, H.Y. bỏ chạy sang nhà bạn xin ngủ nhờ. Sau khi nghe con gái gọi điện kể lại việc bị T.D. xâm hại tình dục, chị L. tức tốc về nhà đưa H.Y. đến Công an huyện Hiệp Đức trình báo sự việc.
Các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đều có điểm chung là lợi dụng sự thiếu quản lý, bảo vệ con cái của cha mẹ và gia đình để thực hiện hành vi xâm hại. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận gia đình, cộng đồng về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em còn chưa đầy đủ.
Ngoài ra, một số gia đình do điều kiện kinh tế còn khó khăn, công việc không ổn định, đi làm ăn xa nên thiếu sự quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con cháu, dẫn đến nhiều trẻ em có nguy cơ bị mua bán, bạo lực, xâm hại...
Chung tay bảo vệ trẻ em
UBND huyện Hiệp Đức cho biết, trong thời gian qua, công tác hỗ trợ, chăm sóc cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện được chú trọng.
Huyện đã duy trì và triển khai thực hiện tốt việc phân công các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể nhận đỡ đầu 93 trẻ em khó khăn trong học tập; duy trì và phát triển Quỹ bảo trợ trẻ em, huy động nhiều nguồn lực với kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng...
Hội LHPN huyện Hiệp Đức vận động nhà hảo tâm, cán bộ hội, hội viên phụ nữ và nhân dân đóng góp đỡ đầu 61/218 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, với mức hỗ trợ từ 200 nghìn đồng/tháng/trẻ em trở lên. Thời gian qua hội còn tặng hơn 300 xe đạp, hàng nghìn phần quà hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh những nỗ lực, công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Hiệp Đức vẫn còn một số hạn chế. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục và các vụ bạo lực học đường còn xảy ra.
Chung tay phòng chống xâm hại trẻ em, Hội LHPN tỉnh vừa phối hợp với UBND huyện Hiệp Đức tổ chức lễ phát động và diễu hành tuyên truyền về phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; tổ chức chương trình tọa đàm “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em” năm 2023.
Qua tọa đàm đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và thu nhận nhiều kiến nghị, giải pháp quan trọng để khắc phục những hạn chế, dần thay đổi nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân trong phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Theo ông Hoàng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, để trẻ em được sống trong một môi trường lành mạnh, phòng tránh được nguy cơ bị xâm hại tình dục, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện cần phối hợp thực hiện tốt những vấn đề liên quan đến trẻ em.
Toàn xã hội cùng chung tay bảo vệ trẻ để các em được đến trường, được quan tâm chăm sóc, không bị xâm hại tình dục cũng như bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tai nạn, thương tích…
Bà Trần Thị Mỹ Phương - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó.
“Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể, chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của thôn, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp.
Ngoài ra, cần nâng cao vao trò, trách nhiệm của Hội LHPN các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em…” - bà Phương chia sẻ.