Đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp
(QNO) - Sáng nay 27/10, Bảo hiểm xã hội VN phối hợp Bộ LĐ-TB&XH tổ chức đối thoại với 220 doanh nghiệp tại Quảng Nam.
Hội nghị đối thoại nhằm tuyên truyền, tư vấn, đối thoại chính sách pháp luật về chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và lắng nghe ý kiến doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ mà Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quan tâm, xác định có vai trò quan trọng, giúp tăng cường nhận thức chung, thúc đẩy việc thực thi pháp luật trên thực tiễn, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và tiếp nhận phản hồi chính sách để hoàn thiện luật pháp.
Các báo cáo viên của Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam đã trình bày tại hội nghị đối thoại một số quy định của pháp luật liên quan.
Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 đã quy định một số điểm mới về hợp đồng lao động, tiền lương, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình với nhiều mục đích hướng đến nhằm tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, ứng phó với già hóa dân số, bảo toàn phát triển bền vững của quỹ BHXH và giảm dần khoảng cách chênh lệch tuổi hưu giữa nam - nữ.
Luật Việc làm cũng đang được nghiên cứu, xem xét sửa đổi, đã được Quốc hội thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Giai đoạn tới là bước soạn thảo, xây dựng dự thảo luật, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2024.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến đã bám sát 5 chính sách đã được Quốc hội thông qua trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng; Quản lý thu, đóng BHXH; Đầu tư quỹ BHXH.
Trên cơ sở 5 chính sách trên, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã cụ thể hóa quy định thành 11 nội dung lớn, trong tổng thể kết cấu gồm 9 chương 136 điều (tăng 11 điều so với Luật BHXH hiện hành).
Tại hội nghị đối thoại, 25 câu hỏi của đại diện các doanh nghiệp đã gửi đến BHXH Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH.
Những vấn đề doanh nghiệp và người lao động quan tâm xoay quanh việc sửa đổi Luật BHXH, như quy định về độ tuổi tham gia BHXH để được đủ điều kiện hưởng lương hưu; việc rút BHXH một lần khi không còn nhu cầu hoặc khả năng tham gia; chế độ được hưởng của lao động khi đóng thừa thời gian tối thiểu theo quy định của BHXH để được hưởng lương hưu...
Những thắc mắc đã được các báo cáo viên giải đáp để doanh nghiệp hiểu và có thể giải thích lại với người lao động của đơn vị.