Phụ nữ vùng cao làm giàu
Huyện Nam Trà My có nguồn tài nguyên bản địa dồi dào, phong phú, tạo điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế.
Chị Hồ Thị Thúy Ngân (thôn 1, xã Trà Mai) là một trong những người trẻ tiên phong khởi nghiệp với các sản phẩm OCOP từ tài nguyên bản địa Nam Trà My. Xuất thân từ gia đình thuần nông tại miền biển Núi Thành, sau đó thi đậu công chức tại Nam Trà My, chị vừa làm công tác chuyên môn, vừa tập làm kinh doanh dược liệu, rồi bén duyên với lĩnh vực này.
Chị Ngân nói: “Tôi đã tìm hiểu nhiều về cây sâm Ngọc Linh, loài dược liệu này thực sự rất có giá trị. Sâm Ngọc Linh đã thôi thúc tôi quyết tâm từ bỏ công việc ổn định hiện tại để bước vào con đường kinh doanh. Tôi mong bản thân không chỉ đơn thuần là người mua bán sâm, mà còn muốn góp phần làm tăng giá trị cho loài cây này thông qua sản nhiều sản phẩm OCOP như sâm ngâm mật, rượu sâm…”.
Ngoài các sản phẩm OCOP từ sâm Ngọc Linh, chị Ngân còn tự nghiên cứu công thức để sản xuất ra các sản phẩm “Gạo đỏ Nam Trà My”, “Thanh gạo lứt đẳng sâm” được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Việc tiếp cận thị trường bằng cách trưng bày tại các phiên chợ sâm, quảng bá thông tin trên mạng xã hội, sản phẩm OCOP của chị nhận được đánh giá tích cực từ người tiêu dùng.
Chị Hồ Thị Mười (thôn 2, Trà Mai) cũng là một người tâm huyết với tài nguyên xứ núi. “Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Nam Trà My, nhận thấy thiên nhiên ưu đãi cho nơi đây nguồn nông sản dồi dào, nhiều cây dược liệu quý nên tôi nảy ra ý tưởng khởi nghiệp.
Năm 2009, tôi bắt đầu thu gom, buôn bán nhỏ lẻ, rồi đến năm 2016 tôi mạnh dạn đăng ký thành lập cơ sở sản xuất Mười Cường để xây dựng thương hiệu với số vốn ban đầu khoảng 200 triệu đồng, rồi thành lập HTX Cộng đồng Ngọc Linh để các chị em người Ca Dong cùng tham gia” - chị Mười cho biết.
Đến nay, cơ sở Mười Cường đã hình thành được chuỗi giá trị cung cấp khép kín, giúp sản xuất và bảo quản các dòng dược liệu thô cũng như hàng nông sản tốt hơn. Bên cạnh đó, cơ sở đã xây dựng 11 điểm bán lẻ trên cả nước, mang lại doanh thu ổn định, tạo công việc làm cho hàng chục phụ nữ.
Theo bà Vũ Thị Như Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Trà My, hầu hết hội viên phụ nữ Nam Trà My bắt đầu khởi nghiệp đều trải qua những khó khăn nhất định.
Bà Thuyên cho biết: “Sự chi phối từ các yếu tố khách quan như cơ chế, chính sách, môi trường tự nhiên, nguồn nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cũng như kết quả khởi nghiệp. Do đó, sự can thiệp hỗ trợ và động viên luôn được chính quyền địa phương thực hiện kịp thời. Làm thế nào để hội viên phụ nữ tự tin tham gia khởi nghiệp luôn là vấn đề được cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là Hội LHPN huyện Nam Trà My đặc biệt quan tâm”.
Đến nay, toàn huyện Nam Trà My có 2/13 HTX do hội viên phụ nữ làm chủ nhiệm và có 13 hội viên phụ nữ tham gia thành viên. Trong các phiên chợ sâm hàng tháng, có 18/19 doanh nghiệp, hộ kinh doanh là hội viên phụ nữ tham gia buôn bán sâm Ngọc Linh; 4/4 doanh nghiệp, hộ kinh doanh là hội viên phụ nữ bán hàng dược liệu.
Điều này khẳng định vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế, giảm nghèo, đồng thời thể hiện sự nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh, tạo nên bức tranh khởi nghiệp nhiều triển vọng tại miền núi cao Nam Trà My.