An toàn giao thông: Đâu chỉ là ý thức người dân
Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông được các địa phương, đơn vị liên quan trong tỉnh tổ chức với tần suất khá cao. Tuy nhiên, tai nạn 9 tháng qua trên địa bàn tỉnh vẫn gia tăng 3 tiêu chí, chứng tỏ an toàn giao thông đâu chỉ phụ thuộc vào ý thức của người dân.
Gia tăng tai nạn
Trong 9 tháng của năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 157 vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 116 người chết và 109 người bị thương tật nặng. Quảng Nam “lọt” vào nhóm những địa phương cấp tỉnh tăng cả 3 tiêu chí về số vụ (tăng 35,34%), số người chết (tăng 13,73%), người bị thương (tăng 53,52%) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, hầu hết TNGT xảy ra trên đường bộ với 156 vụ, làm chết 115 người và 109 trường hợp bị thương. Điều đáng lưu tâm, toàn quốc xảy ra 22 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng thì Quảng Nam chiếm tới 4 vụ (đều trên đường bộ), cướp đi sinh mạng của 19 người và khiến 25 người bị thương tật.
Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh - ông Phan Đức Tiễn cho biết, số liệu báo cáo của lực lượng chức năng chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT là do vi phạm quy định an toàn khi chuyển hướng (9 vụ); người điều khiển đi không đúng phần đường, làn đường quy định (4 vụ); điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia, chất kích thích có cồn (2 vụ); vượt xe sai (2 vụ); không chấp hành quy định tốc độ (1 vụ); đi bộ sang đường sai (3 vụ) cùng nhiều nguyên nhân khác.
Liên quan đến ý thức, thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm vẫn điều khiển mô tô, xe gắn máy diễn ra tràn lan và gây tai nạn.
Từ thực tế cho thấy, người dân đã sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy tiếp tục là câu chuyện nhức nhối. Xe chở quá tải, để vật liệu rơi vãi xuống đường vẫn là tình trạng chưa có hồi kết như quyết tâm mà các ngành chức năng đặt ra.
Thượng tá Phan Thanh Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, trong 9 tháng, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử lý 6.937 đối tượng vi phạm nồng độ cồn, phạt 32,29 tỷ đồng; 2.058 trường hợp vi phạm tốc độ với số tiền 5,1 tỷ đồng; 1.637 phương tiện vi phạm liên quan đến tải trọng, xử phạt 9,86 tỷ đồng. Thực hiện theo chuyên đề, cán bộ chiến sĩ đã phát hiện, xử lý 1.122 xe khách và 171 trường hợp xe contaner vi phạm, xử phạt 1,9 tỷ đồng.
Đâu chỉ là ý thức người dân
Thiếu ý thức tuân thủ pháp luật đã tác động trực tiếp đến sự an toàn của chính người tham gia giao thông. Tuy nhiên, TNGT gia tăng đâu chỉ phụ thuộc vào ý thức, nhận thức và hành động của người dân. Phải chăng công tác tuyên truyền được đẩy mạnh về tần suất, song vẫn chưa thu hút được thanh thiếu niên, học sinh và người dân tích cực tham gia.
Ghi nhận ở địa phương, hoạt động tuyên truyền pháp luật ATGT còn đơn điệu, nhiều chương trình thực hiện chỉ để “làm đẹp” cho con số thống kê. Sau khi yêu cầu người dân ký cam kết, việc kiểm tra, giám sát xử phạt lại bỏ ngỏ.
Vì sao học sinh chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm vẫn điều khiển mô tô, xe gắn máy xuất hiện ở khắp các địa phương? Ngoài sự nuông chiều của phụ huynh, hành vi vi phạm của học sinh không thể tách rời trách nhiệm của lực lượng chức năng và nhà trường.
Bởi lẽ, việc kiểm tra giám sát, xử lý còn theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Thế mới có chuyện, nhà trường khi yêu cầu ký cam kết, phụ huynh và học sinh đều “vui vẻ” tuân thủ, vì dẫu sao đến cuối năm con em họ đều được lên lớp.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định, sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường liên tục của lực lượng Cảnh sát giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Từ nhận xét của Bộ trưởng cho thấy, bảo đảm ATGT đâu chỉ phụ thuộc vào người dân, mà cần phải tăng cường ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ.
Bát nháo trong hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô cũng không thể đổ lỗi cho hành khách, khi mà giới chủ “tiếp tay” cho tài xế, nhân viên vi phạm ATGT. Bộ phận theo dõi ATGT của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khách chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí lập ra chỉ để đối phó với ngành chức năng.
Hạ tầng giao thông hạn chế cũng là nguyên nhân chính khiến lưu thông mất an toàn. Đơn cử, quốc lộ 1 qua địa phận Quảng Nam, đoạn Duy Xuyên - Phú Ninh không có làn đường dành cho xe thô sơ và người đi bộ. Người đi xe máy, xe thô sơ phải dùng chung làn dành cho ô tô thì thử hỏi làm sao đảm bảo an toàn, khi mà sai số lưu thông khó có thể tránh khỏi.
Tuyến đường tránh Vĩnh Điện (quốc lộ 1) chỉ đủ 2 làn xe lưu thông ngược chiều nhau, trong khi phương tiện đông đúc khiến TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thường xuyên xảy ra, gây bức xúc dư luận xã hội, song chưa được cấp thẩm quyền đầu tư nguồn lực mở rộng.
Lấn chiếm hành lang an toàn để họp chợ, buôn bán tràn ra cả lòng đường, điển hình như chợ Trạm (Núi Thành) trên quốc lộ 1, chợ Bình Quý (Thăng Bình) trên quốc lộ 14E, chợ Quảng Huế, chợ Ngã tư Ái Nghĩa (Đại Lộc) trên tuyến ĐT609B, chợ “chồm hổm” thôn Hòa Hữu Tây (xã Đại Hồng, Đại Lộc) trên quốc lộ 14B...
Thực trạng nêu trên vẫn tồn tại chứng tỏ chính quyền, lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm. Nếu chẳng may, tài xế vi phạm quy tắc an toàn, hoặc phương tiện đang lưu thông bị trục trặc kỹ thuật đâm sầm vào thì hậu quả chắc chắn sẽ rất thảm khốc.