Giải quyết hồ sơ đất đai: Việc nhiều nhưng thiếu đủ thứ!
(QNO) - "Sớm tổ chức tuyển dụng viên chức vào làm việc tại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai" là kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh sau khi tổ chức giám sát chuyên đề về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2023.
Còn 9 chi nhánh chưa có… giám đốc
Báo cáo giám sát cho biết, ghi nhận tại thời điểm giám sát, Văn phòng Đăng ký Đất đai (ĐKĐĐ) và hệ thống Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cấp huyện có 357 người. Cụ thể, có 100 viên chức (35 viên chức lãnh đạo) và 257 hợp đồng lao động.
Trong giai đoạn 2020 - 2023 đã điều động, bổ nhiệm, luân chuyển đối với 15 viên chức lãnh đạo, quản lý tại các chi nhánh; luân chuyển 28 viên chức, người lao động giữa các chi nhánh (16 viên chức, 12 hợp đồng lao động).
Về chuyên môn, trong biên chế có 96 người trình độ đại học trở lên, trình độ khác là 4 người. Lao động hợp đồng có 228 người trình độ đại học trở lên, trình độ khác là 26 người.
Bên cạnh đánh giá về những mặt tích cực đạt được của mô hình tổ chức Văn phòng ĐKĐĐ và hệ thống chi nhánh, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng nêu ra 5 hạn chế. Trong đó, vấn đề đáng quan tâm hơn cả là việc đảm bảo các điều kiện hoạt động của Văn phòng ĐKĐĐ và 18 Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cấp huyện.
Theo ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, việc kiện toàn, bổ nhiệm chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc tại các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cấp huyện chưa được quan tâm thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Tại thời điểm giám sát, có 9/18 chi nhánh chưa có giám đốc; 4 chi nhánh chưa có phó giám đốc và hầu hết chi nhánh còn lại chỉ có 1 phó giám đốc. Người làm việc tại các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ hầu hết là hợp đồng lao động, tỷ lệ viên chức còn rất thấp so với tổng số định biên được giao; công tác tuyển dụng viên chức nhiều năm không được thực hiện.
“Trụ sở làm việc của nhiều chi nhánh vẫn chưa đảm bảo, còn 10/18 chi nhánh được bố trí tạm tại trụ sở Phòng TN&MT cấp huyện hoặc trụ sở cũ, đã xuống cấp, không còn sử dụng của các cơ quan, đơn vị tại các huyện, thị xã, thành phố.
Một số thiết bị phục vụ đo đạc, tác nghiệp chưa được bố trí kịp thời. Cơ chế tài chính chưa phù hợp. Tình trạng chậm chi trả lương, chế độ cho viên chức, người lao động còn diễn ra tại một số chi nhánh” - ông Phước cho biết.
Khó hoàn thành nhiệm vụ được giao
Theo kết quả giám sát, trong giai đoạn 2020 - 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 320.778 hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đã giải quyết 308.310 hồ sơ đủ điều kiện. Trong đó trễ hạn 23.957 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 7,7%.
Kết quả kiểm tra chuyên đề việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính do Sở Nội vụ thành lập theo chỉ đạo của UBND tỉnh năm 2023 cũng ghi nhận tại các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cấp huyện số lượng hồ sơ trễ hạn nhiều.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho hay, hiện đang tồn tại rất nhiều hồ sơ chưa được giải quyết cấp GCNQSDĐ cho dân. Tại huyện Núi Thành, riêng xã Tam Hiệp có gần nghìn hộ dân chưa được cấp GCNQSDĐ. Hay tại huyện Duy Xuyên, nhu cầu được cấp GCNQSDĐ của nhân dân cũng đang trở nên bức xúc.
Với tình hình bộ máy Văn phòng ĐKĐĐ từ tỉnh xuống cấp huyện như kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Lê Văn Dũng nhận định, hoạt động của các đơn vị sẽ rất khó khăn, nhất là khi thiếu trầm trọng cán bộ lãnh đạo chủ chốt. "Có 9/18 Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cấp huyện không có giám đốc thì việc lãnh đạo, điều hành hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ sẽ ra sao?" - đồng chí Lê Văn Dũng nêu.
Đáng lo nhất là chỉ mới có 100 biên chế viên chức, còn lại là hợp đồng lao động. Những huyện như Đại Lộc, Duy Xuyên… có nhu cầu đăng ký giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai lớn, nhưng chỉ mới có 2 - 3 viên chức.
“Tỉnh giao việc cho Văn phòng ĐKĐĐ và 18 chi nhánh rất lớn nhưng với tổ chức bộ máy như vậy thì làm việc, hoàn thành được nhiệm vụ theo đúng quy định là rất khó khoăn. Trong khi đó, cơ sở vật chất cho các đơn vị hoạt động chưa đảm bảo.
Sự phối hợp giữa Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ với Phòng TN&MT chưa thống nhất, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau cũng khiến việc giải quyết thủ tục hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho dân bị trễ hạn, không hoàn thành được nhiệm vụ, tồn đọng kéo dài ở cơ sở” - ông Dũng nói.
Trong kiến nghị với Bộ TN&MT, Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, theo quy định hiện nay, mô hình Văn phòng ĐKĐĐ một cấp không có bộ phận làm công tác pháp chế nhưng thực tế khối lượng việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tham gia các vụ án hành chính, dân sự liên quan tại TAND các cấp rất lớn. Trung bình mỗi năm Văn phòng ĐKĐĐ tiếp nhận khoảng 150 đơn thư các loại và tham gia tố tụng tại TAND các cấp khoảng 100 vụ án.
Do vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị xem xét thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng ĐKĐĐ để giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo và tham gia các vụ án hành chính, dân sự tại TAND các cấp.