Phát huy nguồn quỹ vì người nghèo
Nhằm thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, bền vững, Ban vận động Quỹ vì người nghèo tỉnh Quảng Nam đã thống nhất nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm lên 60 triệu đồng/nhà (xây mới), đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân trong việc đóng góp, ủng hộ quỹ vì người nghèo các cấp.
Nâng mức hỗ trợ
Gia đình ông Nguyễn Lục và bà Trần Thị Thọ (thôn Phú Gia 2, xã Ninh Phước, Nông Sơn) được Quỹ vì người nghèo huyện hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng lại căn nhà mới. Ông Lục là lao động chính trong gia đình, nhưng căn bệnh bướu cổ đã kéo sức khỏe ông đi xuống và mất dần khả năng lao động. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, ngoài ruộng, chỉ còn mình bà Thọ lo liệu.
Được xét hỗ trợ xóa nhà tạm từ Quỹ vì người nghèo, bà Thọ quyết định dỡ căn nhà gỗ lâu năm để làm nhà mới. Tuy nhiên, do mức hỗ trợ khiêm tốn (50 triệu đồng), gia đình lại đang trong lúc khó khăn, nên khi xây dựng nhà mới, bà phải tận dụng lại ngôi nhà cũ rồi gia cố tường bao bằng gạch. Nhiều vật liệu gỗ đã xuống cấp, bị mối mọt nhưng gia đình vẫn tận dụng để làm lại nhà.
“Hoàn cảnh của vợ chồng tôi như thế, nên với mức hỗ trợ 50 triệu đồng, tôi phải vay mượn thêm, cũng không dám làm “quá tay”, cơ bản tận dụng khung gỗ nhà cũ rồi xây tường bao và lợp lại ngói thôi. Dù chưa ưng ý lắm nhưng hoàn cảnh không cho phép tôi làm tốt hơn” - bà Thọ chia sẻ.
Từ đầu năm đến nay, Quỹ vì người nghèo tỉnh tiếp nhận hơn 3,9 tỷ đồng. Trong đó, nguồn tiếp nhận trong năm 2023 hơn 3,3 tỷ đồng (tính đến ngày 12/10). Đến tháng 9/2023, Quỹ vì người nghèo tỉnh đã phân bổ tổng số tiền gần 3 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới 30 nhà đại đoàn kết; tặng 627 suất quà và hỗ trợ sinh kế, chữa bệnh đối với trường hợp khó khăn. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn điều chuyển 1 tỷ đồng về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ tỉnh Điện Biên xây dựng 20 nhà đại đoàn kết.
Tình cảnh như gia đình bà Thọ hiện khá phổ biến. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh rất khó khăn, dù nằm trong diện được hỗ trợ xóa nhà tạm nhưng do mức hỗ trợ khiêm tốn như lâu nay (40 triệu đồng/nhà), nên một số trường hợp không dám nhận tiền hỗ trợ vì không có nguồn “đối ứng” để làm lại nhà.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Thái Bình - Phó Ban vận động Quỹ vì người nghèo tỉnh cho biết, ngày 22/9/2023 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13 về quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Nghị quyết 13 đã quy định nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng người có công cách mạng, người nghèo... để xây dựng nhà là 60 triệu đồng/nhà và sửa chữa 30 triệu đồng/nhà.
Ông Bình cho biết, căn cứ điều kiện thực tế và quy đinh mức hỗ trợ xóa nhà tạm từ Nghị quyết 13, mới đây, Ban vận động Quỹ vì người nghèo tỉnh đã họp, thống nhất nâng mức hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng với mức hồ trợ theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh.
Thành viên Ban vận động Quỹ vì người nghèo tỉnh, bà Đặng Thị Lệ Thủy - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Tôi hoàn toàn thống nhất nâng mức hỗ trợ, bởi thực tế nhiều năm qua, thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, mỗi năm Hội LHPN tỉnh hỗ trợ khoảng 6 nhà mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo biên giới với mức 50 triệu đồng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ đó với miền núi còn khiêm tốn, để làm được một căn nhà thì còn phải nhờ vào sự giúp đỡ ngày công vận chuyển vật liệu, làm nhà từ người dân và các chiến sĩ biên phòng”.
Phát huy nguồn vận động
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trương không hỗ trợ dàn trải kinh phí nguồn Quỹ vì người nghèo mà tập trung dồn nguồn lực hỗ trợ theo địa phương nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh. Như năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã điều chuyển 2,52 tỷ đồng từ nguồn Quỹ vì người nghèo tỉnh cho huyện Duy Xuyên nhằm thực hiện mục tiêu xóa toàn bộ 63 nhà tạm.
Huyện Duy Xuyên chủ trương không hỗ trợ mức bình thường như lâu nay (40 triệu đồng/nhà) mà tập trung vận động nguồn lực hỗ trợ mỗi hộ nghèo 100 triệu đồng để xây dựng nhà mới đảm bảo theo tiêu chí “3 cứng” của Bộ Xây dựng.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca, cách làm xóa nhà tạm như lâu nay còn bộc lộ nhiều vấn đề. Trong đó, việc hỗ trợ mang tính dàn trải dẫn đến chương trình thiếu sự bền vững, chưa phát huy cộng động trách nhiệm. Chưa kể, do thiếu dữ liệu trong việc hỗ trợ xóa nhà tạm nên có những trường hợp được hỗ trợ nhiều lần, tạo sự ỷ lại…
Ông Lê Thái Bình cho biết, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3672 ngày 30/12/2022, toàn tỉnh có 37.819 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có 29.146 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,6%). Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để chăm lo cho người nghèo từng bước thoát nghèo bền vững.
Đồng thời tăng cường vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo, nhất là trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023 (từ ngày 17/10 - 18/11/2023); tập trung chăm lo cho người nghèo nhân ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11/2023 và tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Tây Giang tổ chức hội nghị điểm ban công tác mặt trận khu dân cư
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang cho biết, Ban công tác mặt trận khu dân cư Anonh (xã A Nông) vừa tổ chức hội nghị nhiệm kỳ 2024 - 2026. Đây là hội nghị ban công tác mặt trận khu dân cư đầu tiên trên địa bàn huyện và là hội nghị điểm của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã A Nông trước khi triển khai đại trà tại các khu dân cư trên địa bàn.
Theo Hướng dẫn số 29 về tổ chức đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trước khi tổ chức đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp xã ít nhất 15 ngày, ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hội nghị ban công tác mặt trận nhiệm kỳ 2024 - 2026. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị ban công tác mặt trận là hiệp thương cử đại biểu đi dự đại hội Mặt trận cấp xã.
Được biết, xã A Nông là đơn vị được chọn tổ chức điểm đại hội Mặt trận nhiệm kỳ 2024 - 2029 trên địa bàn huyện Tây Giang. Dự kiến, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam xã A Nông sẽ được tổ chức vào đầu tháng 1/2024.(TÂM ĐAN)
Phân bổ hơn 3,8 tỷ đồng để hỗ trợ người dân
Thường trực Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa tổ chức họp đánh giá kết quả tiếp nhận, phân bổ nguồn quỹ trong 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023.
Theo báo cáo, tổng kinh phí vận động Quỹ cứu trợ năm 2023 (tính đến ngày 12/10) hơn 9,6 tỷ đồng, trong đó số dư năm 2022 chuyển sang hơn 8,4 tỷ đồng, số tiền tiếp nhận trong năm 2023 hơn 1,1 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã phân bổ tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng để hỗ trợ người dân xây dựng 13 ngôi nhà mới và sửa chữa 251 nhà do ảnh hưởng thiên tai, đồng thời thăm hỏi, trao hàng nghìn suất quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Từ nguồn Qũy cứu trợ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã chuyển 200 triệu đồng cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội để hỗ trợ các gia đình có người thân bị nạn trong vụ cháy nhà chung cư mini tại phường Khương Đình (Thanh Xuân) xảy ra vào ngày 12/9/2023.(ĐÔNG ANH)