Trả lại cho sông
Mưa kéo dài, liên tục những ngày qua khiến các tuyến phố Tam Kỳ lại trở thành... sông. Nước ào ạt đổ xuống phía kênh thoát lũ dọc đường Duy Tân, như muốn nhấn chìm chiếc xe máy xúc đang thi công một công trình quan trọng để góp phần giảm ngập cho thành phố. Hình như những nỗ lực vẫn đang chậm một bước...
Thành phố giăng dây
Ngày 15/10, nhiều tuyến phố ngập nước. Dây giăng khắp các ngã đường ngập nặng: Hùng Vương, Phan Châu Trinh, quanh khu vực chợ Tam Kỳ... dẫu mùa mưa chỉ mới bắt đầu.
Ngày 10/12/2018, Tam Kỳ có lũ, mức lũ trên sông Tam Kỳ đạt đỉnh, trên báo động 3 là 0,53m. Thành phố ngập diện rộng. Trừ năm 2019 không xuất hiện lũ, những năm sau đó đến nay thành phố chịu một số đợt lũ nữa, nhiều khu vực ngập úng như Tam Ngọc, An Sơn, Hòa Hương, Tam Phú, An Phú, Tân Thạnh, Tam Thăng...
Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Trần Trung Hậu nhận định, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng công trình bê tông hóa cao đã giảm mạnh khả năng thấm tự nhiên và chiếm diện tích chứa nước.
Ngoài ra, nhiều dự án đã được đầu tư xây dựng tác động lớn đến các vùng chứa, tiêu thoát nước tự nhiên. Hệ thống thoát nước cũ, nhỏ dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu thoát nước, việc đấu nối nhiều điểm bất hợp lý, gây xung đột dòng chảy, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu thoát nước.
Cư dân lấn chiếm dòng chảy xây dựng công trình dân sinh, sản xuất nông nghiệp, thủy sản (hồ tôm, bè nuôi cá...). Bên cạnh đó, công tác quy hoạch có phần chưa dự lường hết sự khốc liệt của biến đổi khí hậu, tiến độ triển khai các dự án thoát nước, chống ngập úng còn rất chậm, thiếu nguồn lực cũng gia tăng nguyên nhân ngập...
Những ngày miền Trung mưa trắng trời, chuyên gia về khí hậu cực đoan, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy nhắc lại thảm nạn của Bắc Kinh (Trung Quốc) do hoàn lưu bão Doksuri, khi nơi này nhận lượng mưa kỷ lục trăm năm mới có một lần. Tổng lượng mưa được ghi nhận là 744,8 millimet trong 2 ngày 30 và 31 tháng 7/2023.
Một kỷ lục được ghi nhận tại đây kể từ khi ngành khí tượng Trung Quốc bắt đầu có đo lượng mưa cách đây 140 năm. Hạ tầng thoát nước ở một thành phố lớn đã không đủ năng lực để chống chịu. Rất nhiều nhà cửa, xe cộ bị ngập và cuốn trôi.
Dù được dự báo trước, trận ngập lụt vẫn khiến 21 người thiệt mạng và 26 người mất tích. Trong khi đó, hầu hết thành phố tại Việt Nam được thiết kế với năng lực thoát nước khoảng từ 100 - 150mm/ngày, có nơi thấp hơn chỉ khoảng 50mm/ngày. “Thành phố giăng dây” là hệ quả tất yếu: lượng mưa ghi nhận được từ trạm đo mưa chuyên dùng cho thấy lượng mưa tại Tam Kỳ ngày 14/10 là 185,8mm và ngày 15/10 lên đến 300mm.
Dành không gian cho nước
Theo nghiên cứu vừa được Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng công bố tại hội thảo vào tháng 9 vừa qua, việc thay đổi địa hình do quy hoạch ảnh hưởng lớn đến khả năng thoát lũ trên sông Bàn Thạch. Biến đổi khí hậu, ngoài khả năng tạo ra mưa cực đoan, còn làm tăng mực nước triều tại Cửa Lở và Hội An, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện những trận lũ với mực nước siêu lớn.
PGS-TS. Nguyễn Chí Công - Trưởng khoa Xây dựng công trình thủy (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), trong các giải pháp của nhóm nghiên cứu, đã đề cập việc xây dựng thành phố “bọt biển” với nguyên lý cơ bản: làm chậm thời gian tập trung dòng chảy và trữ nước tự nhiên để không gây áp lực lên hệ thống thoát nước mưa thành phố.
Ngoài ra, PGS-TS. Nguyễn Chí Công cũng nhắc đến việc trả lại không gian cho các dòng sông: tháo bỏ các công trình xâm lấn lòng sông và hoàn nguyên như ban đầu, thậm chí mở rộng hơn. Tất nhiên, để đảm bảo tính khả thi, phải đồng bộ khá nhiều giải pháp, phân kỳ ngắn, trung và dài hạn, song quan điểm trả lại không gian cho sông hẳn sẽ được nhiều người đồng tình.
Thành phố quá trẻ và đang phát triển khá nhanh, nhiều diện tích trước đây là đồng lúa, ruộng rau... nhường chỗ cho các khu đô thị. Trong khi đó, việc tái tạo các mảng xanh lại quá mờ nhạt.
Sông Bàn Thạch đoạn dọc theo tuyến Bạch Đằng chỉ như một con lạch, gần như mất dấu ở đoạn cuối Bạch Đằng. Và cũng ở phần cuối tuyến ấy, một cái hồ lớn đang được chính quyền thay thế bằng những đống đất đỏ quạch dần xâm lấn, xóa sổ một hồ sen trước đây từng rất đẹp...
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, trong một hội thảo về đô thị, đã đưa ra khuyến nghị các đô thị mới cần rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển không gian và phát triển hạ tầng, cơ cấu lại tổ chức quản lý đô thị.
Cách giải quyết là rà soát, quy hoạch lại không gian dành cho nước. Đầu tiên phải đảm bảo không gian dành cho nước, ở những khu vực mà mình đang có công viên bị lấn chiếm, sông hồ bị lấp… thì nên trả lại không gian xanh.
Ở những khu vực xây dựng quá dày đặc rồi không còn diện tích, không gian xanh mặt nước nữa thì buộc phải làm những giải pháp, giống bên Tokyo của Nhật Bản, là xây những hồ điều tiết ngầm. Thói quen phát triển thiếu bền vững kéo dài từ nhiều thập niên, muốn điều chỉnh thì cần cơ cấu lại tổ chức quản lý đô thị cũng như cơ cấu lại cách thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng.
Hãy trả lại cho sông, trả lại không gian dành cho nước, như một cách để “làm trong sạch” những toan tính, dành cho ngày mai, ngày sau...