Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Chủ động kiến tạo, quyết định tương lai
Một lần nữa yêu cầu kết nối các “mảnh ghép” thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được đặt ra và liệu đồ án quy hoạch vùng lần này có giải quyết căn cơ thực trạng bất ổn đã tồn tại lâu nay?
Ngày 11/10, tại TP.Đà Nẵng, nhiều vấn đề xung quanh quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tiếp tục được tham vấn, bàn thảo dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Cơ hội mới, giá trị mới
Liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là câu chuyện đã bàn quá nhiều và vẫn loay hoay lối ra trong những năm qua, bởi hầu như các tỉnh, thành phố trong khu vực trùng lắp lợi thế nhưng địa hình trải quá dài.
Xác định rõ khúc mắc này, đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã chia vùng thành 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Trong đó, nhận diện thế mạnh của tiểu vùng Trung Trung Bộ sẽ là du lịch biển, du lịch sinh thái, di sản mang tầm khu vực và quốc tế; trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô - phụ trợ ngành cơ khí; phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung này vẫn được xác định giữ vai trò vùng động lực tăng trưởng.
Khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Là vùng có diện tích tự nhiên lớn nhất và có quy mô dân số lớn thứ hai cả nước. Tuy nhiên quy mô GDP của vùng chỉ chiếm 14% cả nước, tỷ trọng đóng góp ngân sách nhà nước cũng chỉ đạt 13,5%. Dù vậy, hiện vùng cũng có một số ngành kinh tế mũi nhọn chiếm tỷ trọng lớn như: công nghiệp hóa dầu và sản xuất dầu mỏ tinh chế (chiếm 72% giá trị gia tăng trong ngành quốc gia), ngành dịch vụ lưu trú (chiếm 36% toàn quốc), ngành công nghiệp luyện kim - cơ khí, sản xuất ô tô và khai thác quặng kim loại (chiếm 15,5% giá trị gia tăng ngành quốc gia)…
Đồ án quy hoạch vùng cũng nhắc đến việc nâng cấp 4 cảng hàng không hiện có của tiểu vùng Trung Trung Bộ, trong đó ưu tiên nâng cấp cảng hàng không Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế và hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Trong số 3 kịch bản dự báo kinh tế - xã hội vùng trong giai đoạn tới được tư vấn đưa ra, đại diện tư vấn thiên về kịch bản 2 theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị với quy mô dân số vùng đến năm 2030 khoảng gần 22 triệu người và tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7 - 7,5%/năm.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, đồ án vẫn đang trong quá trình tham vấn, hoàn chỉnh và quy hoạch lần này các địa phương cần hết sức chú ý cụm từ chủ động kiến tạo phát triển tương lai thay vì ứng phó, chống chịu.
“Quy hoạch vùng lần này rất cần tính chủ động của các địa phương để tạo cơ hội mới, giá trị mới để phát triển nhanh, đột phá, bền vững. Tập trung giải quyết các vấn đề lớn để tái cấu trúc không gian phát triển của vùng, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực. Quy hoạch là cơ sở để các địa phương liên kết, hợp tác, bao gồm đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, đặc biệt là các dự án lớn có tính liên vùng” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Điểm nhìn của Quảng Nam
Với khát vọng trở thành một cực tăng trưởng của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Quảng Nam kỳ vọng rất nhiều vào đồ án quy hoạch tỉnh cũng như quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, địa phương rất cần đơn vị tư vấn quy hoạch vùng làm việc cụ thể hơn để thể hiện rõ đối với các công trình, dự án động lực của Quảng Nam có thể tạo sự lan tỏa cho cả vùng trong bản quy hoạch vùng. Dự thảo quy hoạch vùng chưa nêu bật những đột phá, những vấn đề cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển nhanh để vùng bứt phá, nhất là một số vấn đề đã được minh chứng trên thực tế hoặc có trong định hướng của Chính phủ.
“Như việc hình thành khu liên hợp công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí đa dụng ở Chu Lai đã rất rõ và có chiều hướng phát triển tích cực, hướng đến tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu nên rất cần có sự định hướng, đề cập trong quy hoạch vùng.
Hay như Cảng hàng không Chu Lai cũng rất cần có định hướng để trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không mang tầm cỡ khu vực, và thực tế trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu đã xác định các ngành ưu tiên phát triển cho vùng thì cần đồng bộ với danh mục ưu tiên đầu tư” - ông Lê Trí Thanh nói.
Về đột phá du lịch cho tiểu vùng Trung Trung Bộ, các bên đều nhìn thấy lợi thế rõ ràng của khu vực này và thực tế với 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam được nhận định đang trở thành cực tăng trưởng mới của du lịch Việt Nam, nhưng quy hoạch vùng cũng chưa nêu bật được “chìa khóa” để bứt phá.
“Cần phải xem đây là vùng động lực, vùng trọng tâm và quy hoạch cần xem xét cho vùng những cơ chế để các địa phương trong vùng liên kết với nhau xây dựng Trung Trung Bộ trở thành thương hiệu du lịch mang đẳng cấp quốc tế” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đặt vấn đề.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lâu nay chúng ta thường phát triển các dự án kinh tế - xã hội riêng lẻ ở mỗi địa phương thì bây giờ sẽ ưu tiên các dự án liên địa phương thuộc các tiểu vùng hoặc cả vùng.
Và quy hoạch lần này không phải là phép cộng từ các quy hoạch tỉnh mà rất cần các địa phương khi đưa ra đề xuất về các dự án, công trình động lực cần tầm nhìn ở góc độ mang lại lợi ích liên vùng để từ đó cùng nhau liên kết phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nhanh, bền vững.