Vì sao Tam Kỳ cắt giảm 64 danh mục đầu tư công?
Kỳ họp HĐND TP.Tam Kỳ vừa diễn ra đã quyết định cắt giảm 64 danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Vì sao địa phương phải cắt giảm quá nhiều như vậy - chiếm gần 30% tổng số danh mục dự án mới?
Cắt giảm 64, bổ sung 16
Ông Nguyễn Quang Tuấn - Trưởng phòng Tài chính kế hoạch TP.Tam Kỳ thông tin, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố là 4.052 tỷ đồng với 267 danh mục dự án, bao gồm 48 dự án chuyển tiếp và 219 dự án mới (26 danh mục quy hoạch và 193 danh mục công trình đầu tư xây dựng).
Đến nay, đã phê duyệt nhiệm vụ và đang triển khai 8 danh mục quy hoạch. Riêng danh mục dự án đầu tư mới đã phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện 103; còn 90 danh mục công trình xây dựng chưa được phê duyệt chủ trương.
Qua gần 3 năm triển khai thực hiện kế hoạch, dự kiến nguồn vốn đầu tư huy động cả giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạt hơn 3.192 tỷ đồng, giảm 860 tỷ đồng so với kế hoạch.
Trong đó nguồn thu tiền sử dụng đất dự kiến giảm 284 tỷ đồng; nguồn tỉnh, Trung ương hỗ trợ giảm 526 tỷ đồng và nguồn ngân sách tập trung giảm gần 50 tỷ đồng. Sụt giảm nguồn vốn khiến UBND thành phố đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; trong đó giảm kế hoạch vốn 474 tỷ đồng với 64 danh mục đầu tư cắt giảm, chuyển đầu tư sang giai đoạn sau 2025; giảm kế hoạch vốn 730 tỷ đồng đối với một số dự án không sử dụng hết nguồn vốn đã phân bổ.
Ngược lại, bổ sung 16 danh mục dự án với kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 110 tỷ đồng, tăng kế hoạch vốn cho một số dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 và dự án cần bổ sung để đẩy nhanh tiến độ với số vốn gần 477 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu, trong số 64 dự án bị cắt giảm thì lĩnh vực hạ tầng đô thị, giao thông, thoát nước nhiều nhất với 21 dự án, 254 tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư là dự án sửa chữa, nâng cấp nút chập đường Điện Biên Phủ - quốc lộ 40B và dự án đường, hệ thống thoát nước Trường Xuân - Phú Ninh.
Ngoài ra, dự án nâng cấp đường Hùng Vương và hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp Thuận Yên do tỉnh đầu tư cũng chuyển sang giai đoạn sau năm 2025. Tiếp đến là lĩnh vực giáo dục có 7 dự án, hơn 58 tỷ đồng; văn hóa - thông tin, du lịch, TD-TT và xã hội có 6 dự án, 51 tỷ đồng; hạ tầng khu dân cư 5 dự án, 38 tỷ đồng…
Không lường được khó khăn
Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ - ông Bùi Ngọc Ảnh lý giải thêm, tình hình thu ngân sách cả tỉnh gặp khó và Tam Kỳ cũng vậy, nguồn thu tiền sử dụng đất từ đầu năm 2023 đến nay đạt rất thấp so với chỉ tiêu đề ra, kể cả thuế trước bạ, ảnh hưởng rất lớn đến công tác đầu tư.
“Liên quan đến đầu tư công, không phải thành phố không tính toán được kế hoạch đầu tư nhưng thực tế là không lường trước được những khó khăn xảy ra. Vì vậy, khi tổ chức thực hiện gặp vướng mắc do nguồn ngân sách tỉnh, Trung ương hỗ trợ cắt giảm, thu tiền đất và các nguồn thu khác gặp khó” - ông Ảnh chia sẻ.
Theo kế hoạch, nguồn thu tiền sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 là 2.483 tỷ đồng, song dự kiến thu chỉ đạt hơn 2.198 tỷ đồng (giảm hơn 284 tỷ đồng). Nguồn Trung ương, tỉnh hỗ trợ kế hoạch là 1.000 tỷ đồng nhưng dự kiến thực hiện chưa được 50% với gần 474 tỷ đồng (giảm 526 tỷ đồng). Trong khi đó, kế hoạch nguồn ngân sách tập trung gần 134 tỷ đồng song giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện khoảng 84 tỷ đồng (giảm gần 50 tỷ đồng).
Không chỉ Tam Kỳ mà nhiều địa phương khác, kể cả tỉnh, trong tình hình thu ngân sách không đạt kế hoạch đề ra nên đảo lộn mọi toan tính đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 dẫn đến điều chỉnh, cắt giảm danh mục đầu tư là điều không bất ngờ.
Theo ông Ảnh, cắt giảm 64 danh mục nhưng trong đó 20 danh mục chuyển đổi giai đoạn đầu tư, còn lại lồng ghép vào các chương trình mục tiêu, chỉ có 1 dự án loại bỏ.
“Thành phố cắt giảm nguồn vốn chứ không cắt giảm danh mục nhiều, chỉ chuyển sang giai đoạn khác đầu tư. Nói chung là tất cả danh mục đầu tư về cơ bản là giữ như kế hoạch. Trong khi đó bổ sung 16 danh mục cần thiết, bức xúc” - ông Ảnh khẳng định.
Ông Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ cho rằng, thực tế có một số dự án chậm 2 năm nên UBND thành phố phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện theo đúng tiến độ.
“Phải kiên quyết hạn chế và đừng để chuyển nguồn, chuyển giai đoạn đầu tư, dừng dự án. Đối với dự án khu dân cư Nam An Phú rất cần thiết, nguồn vốn khả thi với hơn 80 tỷ đồng, nên đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2028” - ông Hưng lưu ý.