Thị trường khoa học & công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo

PHẠM NGỌC SINH 27/10/2023 09:28

Thị trường khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất lao động. Trong ảnh: Một lớp tập huấn về chuyển đổi số cho các chủ thể sản phẩm nông nghiệp do Sở KH&CN phối hợp tổ chức. Ảnh: H.Quang
Khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất lao động. Trong ảnh: Một lớp tập huấn về chuyển đổi số cho các chủ thể sản phẩm nông nghiệp do Sở KH&CN phối hợp tổ chức. Ảnh: H.Quang

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định hoàn thiện thể chế thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong ba đột phá chiến lược. Chủ thể chính tạo nên sự sôi động của thị trường KH&CN là các doanh nghiệp (DN), bên cạnh đó là các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà sáng chế, nhà đầu tư, nhà tư vấn, các tổ chức trung gian.

Doanh nghiệp - nền tảng thị trường KH&CN

Thị trường KH&CN chỉ có thể phát triển khi có nhiều DN, nói rộng ra bao gồm cả HTX, cơ sở sản xuất có nhu cầu đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới hay cải tiến quy trình tổ chức quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà sáng chế phải tạo được công nghệ đáp ứng nhu cầu và phù hợp với khả năng của DN thì mới có khả năng thương mại hóa. Khi đó, công nghệ mới trở thành hàng hóa; DN sẽ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và trích lập một phần để đầu tư ngược trở lại vào nghiên cứu KH&CN.

Mặt khác, khi DN thực hiện hoạt động nghiên cứu KH&CN, có khả năng ứng dụng và chuyển giao thì chính họ đang đóng vai trò là nguồn cung hàng hóa KH&CN. Nghị quyết số 23 ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 định hướng: “Đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường KH&CN. Tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhất là sở hữu trí tuệ trong thời đại số.

Có chính sách đủ mạnh để hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, viện nghiên cứu, trường đại học, các DN đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất kinh doanh; xác định DN là lực lượng quan trọng và là trung tâm trong phát triển và ứng dụng KH&CN...”.

Với Việt Nam, Bộ KH&CN đánh giá từ năm 2011 đến nay, nguồn cung hàng hóa KH&CN từ các viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học đã tăng đáng kể. Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các DN ngày càng tăng cao và cải thiện.

Các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN dần được hình thành, cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN và nền tảng dữ liệu, dịch vụ sở hữu công nghiệp được hỗ trợ xây dựng. Công tác xúc tiến thị trường KH&CN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Hơn 800 tổ chức trung gian đã được hình thành, trong đó có 20 sàn giao dịch công nghệ tại địa phương và 2 sàn giao dịch công nghệ cấp vùng, 1 diễn đàn công nghệ - thiết bị TechMart online.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN và nền tảng dữ liệu, dịch vụ sở hữu công nghiệp (IPPlatform.gov.vn) đang hoạt động có hiệu quả. Giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN tăng với tốc độ bình quân hàng năm đạt 20,9%; một số lĩnh vực tăng mạnh như chế biến thực phẩm tăng 24,2%, tài chính ngân hàng tăng 24,4%, đặc biệt lĩnh vực điện tử máy tính tăng 30,5%. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trung bình giai đoạn 2016 - 2020 tăng 12,47% (tăng 16,82% so với giai đoạn 2011 - 2015).

Việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đạt được nhiều thành tựu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu đã đạt đến 53,2 tỷ USD vào năm 2022, hướng đến xuất khẩu là 55 tỷ USD trong thời gian tới. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng số giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 18,9% vào năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020.

Tuy nhiên, sự liên kết giữa DN với tổ chức KH&CN còn khá mỏng và rời rạc. Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN từng nhận xét: “Nhìn vào các dữ liệu chi tiết thu được về thị trường KH&CN, đặc biệt là bộ dữ liệu 17.000 DN có yếu tố công nghệ, chúng tôi thấy có vấn đề rất lớn, đó là mức độ đóng góp của các viện, trường trong việc cung ứng các sản phẩm công nghệ có chất lượng cho thị trường Việt Nam tương đối thấp. Do đó, chủ yếu vẫn là công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc”.

Cần sự bứt phá cho thị trường KH&CN

Thị trường KH&CN Việt Nam cơ bản mới bước đầu hình thành và từng bước phát triển. Nguồn cung hàng hóa KH&CN trong nước còn hạn chế. Các tổ chức trung gian, môi giới và cơ sở hạ tầng của thị trường KH&CN còn rời rạc, tự phát, chưa liên kết thành mạng lưới để hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường.

Sự liên thông giữa thị trường KH&CN trong nước với thị trường KH&CN thế giới cũng như với các thị trường khác ở trong nước (đặc biệt là thị trường lao động và thị trường vốn) còn hạn chế.

Trong khi đó, nhu cầu đổi mới sáng tạo của các DN và của cả nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay ngày càng tăng cao. Số lượng và chất lượng nguồn cung công nghệ cũng như sự minh bạch thông tin về công nghệ và việc giảm thiểu các chi phí trong giao dịch mua bán công nghệ đang là đòi hỏi cấp bách nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ ở DN.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN cho rằng, để thị trường KH&CN phát triển, chính sách cần giải quyết triệt để 3 khía cạnh: thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu; phát triển các mô hình tổ chức trung gian để chuyển giao công nghệ; khai thác nguồn lực, đặc biệt nhân lực tại viện, trường cho đổi mới tại DN.

Cũng theo ông Quất: “Chúng ta chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể, mà mới chỉ dừng đến bước nghiệm thu xong kết quả và những người chủ nhiệm chương trình tự đi tìm DN chuyển giao. DN muốn mời họ đến để chuyển giao tri thức và kỹ năng hỗ trợ thì không có kinh phí làm hậu chuyển giao. Ngay cả chương trình phát triển thị trường KH&CN cũng không có điều khoản nào để làm hậu chuyển giao”.

Tháng 9/2022, tại hội nghị “Phát triển thị trường KH&CN: đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo giúp mở ra cơ hội bứt phá cho thị trường KH&CN Việt Nam nói chung, địa phương nói riêng – được đánh giá như dỡ bỏ rào cản, tập trung các giải pháp mang tính chiến lược trước yêu cầu của đổi mới sáng tạo.

Đó là các chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng về phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN; thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN; hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phát triển thị trường KH&CN; phát triển hạ tầng cho thị trường KH&CN; duy trì và tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng, quốc gia, quốc tế để tăng cường sự kết nối và thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu...

PHẠM NGỌC SINH