Tài nguyên trí tuệ - nền tảng khởi nghiệp sáng tạo

PHẠM NGỌC SINH 22/08/2023 05:37

Khởi nghiệp sáng tạo được xác định bởi các trụ cột: sở hữu trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới, trong đó sở hữu trí tuệ là nền tảng. Song, thực tế, các startup chủ yếu quan tâm bề nổi mà quên những tài sản vô hình, giá trị lớn lao hơn nhiều.

Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho đại diện UBND TP.Hội An. Ảnh: P.N.S
Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho đại diện UBND TP.Hội An. Ảnh: P.N.S

Các chuyên gia, tư vấn hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước hầu như có cùng một đúc kết mang tính chất nền tảng: sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo là sản phẩm “giải quyết nỗi đau” của khách hàng, nghĩa là hướng đến cái khách hàng có nhu cầu và cần thiết.

Điều đó cũng đồng nghĩa với xác định khách hàng mục tiêu và tiềm năng. Và để bảo vệ nó, nhân tố quyết định là luôn đánh giá khả năng bảo hộ và xác lập, quản lý quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm.

Nền tảng và khuyến khích sáng tạo

“Hãy bán cái vô hình để lấy được nhiều tiền hơn, giá trị hơn” - đó là đánh giá và lời khuyên của ông Trần Giang Khuê, đồng Trưởng làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo - Techfest Việt Nam.

Quyền sở hữu trí tuệ được Nhà nước bảo hộ, trong đó quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, tên thương hiệu...) quyết định đến sự cạnh tranh và phát triển của sản phẩm, trước hết là bảo vệ mình và sau là tránh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của người khác.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích, tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của nhiều cá nhân vào hoạt động cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội.

Đó là một quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, tiền bạc, công sức của cá nhân, tổ chức, góp phần giảm thiểu tổn thất cho các nhà sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy họ phát triển sản xuất và kinh doanh hợp pháp.

Và, quan trọng hơn, xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn và được sử dụng các dịch vụ, hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng được các nhu cầu của người tiêu dùng; tạo niềm tin cho khách hàng.

Từ đó, có thể thấy rằng sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp, startup tăng giá trị thương mại, mang lại lợi ích to lớn cho chủ sở hữu cũng như toàn xã hội, định hướng nghiên cứu, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư. Đây cũng là công cụ pháp lý để giảm thiểu rủi ro, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Những vấn đề cần đặt ra

Một điều đáng khích lệ, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, startup Quảng Nam dành sự quan tâm đến sở hữu trí tuệ ngay từ khi phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Đó là kết quả của một quá trình nhận thức, đồng hành và triển khai các cơ chế, mục tiêu phát triển, hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ địa phương.

HĐND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế liên quan, như: Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 2/11/2020 về nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 42/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 về quy định mức chi hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng có Quyết định số 2958/QĐ-UBND ngày 19/10/2021 về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh đến năm 2030.

Quảng Nam đi đầu trong cả nước về xác lập chỉ dẫn địa chí cho các sản phẩm nổi tiếng liên quan đến sâm Ngọc Linh, quế Trà My, yến sào Cù Lao Chàm, tiêu Tiên Phước…

Ông Phạm Khắc Thịnh - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo thị xã Điện Bàn cho rằng: “Giá trị và tính pháp lý của sở hữu trí tuệ ai cũng nhận thức được. Riêng Quảng Nam, cộng đồng khởi nghiệp nhận được rất nhiều sự tư vấn, hỗ trợ đào tạo hiệu quả. Đây là yếu tố quyết định để phát triển sản phẩm”.

Hầu hết chủ thể sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu luôn quan tâm xác lập, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm của mình, trong đó phải kể đến các dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia.

Bà Thái Thị Nhị (Hội An) - Tốp 10 (tương đương giải Nhì) chương trình phát triển dự án khởi nghiệp cấp quốc gia chia sẻ: “Quá trình khởi nghiệp, bản thân tôi sớm nhận ra giá trị to lớn khi xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. Từ đó, tạo cho khách hàng niềm tin và mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Quan trọng hơn là tránh được rủi ro trong cạnh tranh thương mại”.

Hệ sinh thái khởi nghiệp xứ Quảng, trước hết là các startup, chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cần phải có kế hoạch và sự quan tâm bài bản về những hạn chế lâu nay: hay bỏ quên tài nguyên bản địa và những địa danh nổi tiếng trong xác lập, nhận diện sản phẩm riêng có của mình (suy cho cùng đó là tài nguyên vô hình giá trị); chưa chuyên nghiệp và sáng tạo trong thiết kế để nhận diện (kiểu dáng, nhãn hiệu, logo...) dẫn đến có sự thay đổi, không tạo niềm tin cho khách hàng và thường không có sự sáng tạo khác biệt để tạo cảm xúc sản phẩm; ít chú ý xác lập pháp lý sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, lo bề nổi và có phần cặm cụi phát triển, đến khi giật mình nhìn lại, quyền sở hữu trí tuệ của mình đã bị xâm phạm, có trường hợp mất luôn rất đáng tiếc. Một điều cần lưu ý nữa, cần xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ và quản lý tài sản trí tuệ sao cho hiệu quả.

Vấn đề có tính chiến lược là cần xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khu vực, quốc tế, tạo cơ hội cho sản phẩm Quảng Nam vươn xa.

PHẠM NGỌC SINH