Trở về với nghề cha ông

LÊ QUÂN 05/03/2023 07:05

Những người trẻ chọn cách về quê để khởi nghiệp - không phải vì thành phố đã không còn chỗ cho họ. Về với ruộng đồng, với nghề cha ông, với đất quê nhà. Vì trở về, cũng là cách để họ tìm thấy bản ngã của mình...

Làng nghề Cửa Khe với những người trẻ quay về làm du lịch, đang có những bước tiến đáng kể. Ảnh: X.H
Làng nghề Cửa Khe với những người trẻ quay về làm du lịch, đang có những bước tiến đáng kể. Ảnh: X.H

Dựng nghiệp từ làng

Làng Cửa Khe (Bình Dương, Thăng Bình) những ngày này sôi động với từng nhóm người khắp nơi đến thăm thú, trải nghiệm làm nghề và đặc sản biển. Chàng trai Võ Nguyên Tùng - một người lớn lên từ làng, tất bật cho khâu tổ chức cũng như kết nối.

Những đoàn khách đầu tiên đến với Cửa Khe vào mùa hè năm 2020, với hàng loạt hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng làng biển, đều bắt đầu bằng những nối kết với Võ Nguyên Tùng. Công tác trong ngành giáo dục tại TP.Đà Nẵng, công việc yên ổn, nhưng chành trai sinh ra từ biển này vẫn nhất mực phải khởi nghiệp ở quê nhà. 

Hàng loạt sản phẩm du lịch cộng đồng ra đời từ ý tưởng ban đầu của Tùng, và được vận hành bởi một tập thể những người trẻ lẫn người đã có tuổi ở làng. HTX Du lịch cộng đồng Cửa Khe nhận được nhiều hơn sự ưu ái từ phía các đối tác bởi sự chỉn chu trong từng khâu tổ chức.

Liên tục các hoạt động du lịch được tổ chức. Và hơn hết, là những chai nước mắm của làng nghề đã định danh được thương hiệu, từ câu chuyện vận hành bài bản của chính những người trẻ như Tùng. 

Tại Quảng Nam, đặc biệt ở các làng nghề truyền thống, ngày càng có nhiều hơn những người trẻ chọn cách trở về - ở lại để gắn bó và phát triển. Họ là con cái của các gia đình mấy đời làm nghề truyền thống, và chính cái “mã gen” này vô tình là điều kiện tiên quyết để nhiều người trẻ ở lại làng.

Giữ làng nghề là giữ danh phận của làng mình, giữ niềm tự hào của cha ông. Trong công cuộc gìn giữ để kéo lại những mất mát, chính tư duy nhạy bén cùng với ứng dụng trong thời đại số, đã giúp nhiều làng nghề được biết đến và hồi sinh theo cách rất riêng. 

Chưa kể, xu hướng sử dụng các sản phẩm thủ công, cộng với những ưu tiên từ cơ chế, chính sách phát triển làng nghề..., đã tạo điều kiện để họ chứng tỏ năng lực của mình.

Sản phẩm truyền thống được tạo nên từ tài nguyên bản địa chính là mục tiêu khi vận hành chương trình OCOP tại Quảng Nam. Làm gì để tạo nên những sản phẩm chủ lực của quốc gia hay ở mỗi địa phương trong nhiều lĩnh vực chính là “bài toán” đặt ra cho các chủ thể khởi nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, để vươn đến sản phẩm chủ lực tầm quốc gia, Quảng Nam sẽ dần hình thành nhiều sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và dưới nữa là sản phẩm chủ lực của từng địa phương. Cuộc chọn lọc này chính là các “ngạch cửa” để mỗi sản phẩm truyền thống được định hình từ những người trẻ khởi nghiệp ngày càng chuyên nghiệp hơn. 

Về làm nông

Cuộc trở về còn chứng kiến một loạt người trẻ đô thị chọn cách về với vùng nông thôn và làm nông theo chí hướng của mình. Nguyễn Văn Nhân - chủ nhân của Rơm Vàng Farm tại Điện Bàn, đang trở thành hình mẫu về lan truyền cảm hứng làm nông nghiệp sạch, vườn rừng. Khó, dĩ nhiên. Bởi để cải tạo con đất đi theo chí hướng của mình không phải chuyện ngày một ngày hai.

Nhân bền bỉ tạo lập hệ giá trị riêng cho nông sản của mình và tạo kênh bán hàng với những ai tin vào sản phẩm của một “vườn rừng” hữu cơ. Vẫn chưa biết đường dài liệu còn bao nhiêu thách thức, nhưng cứ bền bỉ để theo đuổi điều mà bản ngã của mình cho là đúng...

Quảng Nam hiện có khoảng 500 mô hình kinh tế, tổ hợp tác và HTX do thanh niên khởi nghiệp làm chủ. Trong đó, số người trẻ chọn khởi nghiệp tại đồng làng chiếm khoảng 1/3. Khiến đất...”nở hoa” là mưu cầu của nhiều người trẻ hiện tại.

Trên những cánh đồng cho nông sản, không chỉ đơn thuần là người nông dân chăm bón hay thu hoạch nữa. Họ lựa chọn cách chế biến sâu nông sản và đưa các giải pháp kinh doanh trực tuyến để không bị ách đầu ra như thế hệ cha ông mình mỗi mùa thu hoạch.

Dương Hiển Tú - chủ nhân của một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch An Phú Farm từ Quảng Nam đến Đà Nẵng, đã thành công với câu chuyện tạo một vòng khép kín từ nông trại đến bàn ăn. Anh tạo lập nông trại chăn nuôi tại Gò Nổi bên cạnh các đồng rau sạch đảm bảo những tiêu chí khắt khe để đến với người tiêu dùng. 

Những bước chân trở về ngày một nhiều hơn. Trở về, dựng lại cơ nghiệp bằng nghề cha ông, bằng đồng bãi mùa màng, trên nền tảng cái “thực học” của rất nhiều năm bôn ba.

Phát triển hay thậm chí làm giàu, trong ý niệm đầu tiên, là phải làm thế nào để người sống tại nơi đó không phải chứng kiến những cuộc chia xa, đất đủ tiềm lực để gọi người trở về. Như lẽ tự nhiên, quen thuộc, thân thương, rằng đứa con nào đi xa, chẳng mong về quê mẹ...

Về để... khởi nghiệp!

LÊ QUÂN